Cuối năm 2017, tại Hàn Quốc, UNESCO vừa công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Nói đến bài chòi không thể không nhắc đến bộ bài tới, một trò chơi vui vẻ, giàu tính nhân văn, khoảng 3 thập niên trở lại đây không còn phổ biến nữa.

Bộ xăm hường quý hiếm của vua Tự Đức hiện trưng bày tại Bảo tàng Cung đình Huế
Bài tới, bài chòi
Bài chòi theo nghĩa đen là người đánh bài ngồi trong chòi. Ngày xưa ở miền Trung, bài tới được mọi lứa tuổi ưa thích. Ngày Tết, khi phải lên nương rẫy canh giữ, người ta không quên đem theo bộ bài tới, chơi giải trí, giết thời gian. Họ đều ngồi trên chòi cao để tránh thú dữ, chỉ chọn một người nhanh tay, lẹ miệng vừa phân chia quân bài, vừa rao, hò ván bài. Bây giờ trong bài chòi gọi là người “chạy hiệu”. Bài chòi phổ biến ở miền Trung trong những ngày Tết. Mỗi nơi có một lối chơi riêng, bài chòi Huế có điểm khác biệt, so với lối chơi bài chòi ở Bình Ðịnh và Quảng Nam. Sự khác biệt thể hiện ở câu hò, điệu hò, ở số người tham dự và số lần chơi trong một ván bài.