Hồn Việt là tạp chí mà tôi yêu thích nhất, vì các bài viết của tạp chí trong mấy năm qua đã mở mang kiến thức cho tôi rất nhiều. Cho nên, vừa mua số 121 - số cuối cùng của năm 2017 - về, tôi đọc ngấu nghiến suốt một buổi sáng, từ trang đầu đến trang cuối.
Hồi trẻ, tôi đọc sách của triết gia Descartes nên chịu ảnh hưởng khái niệm “doute méthodique” của ông, xem sự hoài nghi như một phương pháp tư duy để đạt tới chân lý. Vì vậy, khi đọc câu “Vì là bạn học chung tại Pháp, Trần Văn Giàu lo việc tiếp xúc với Thủ tướng Priđi Phanômyông, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền Thái Lan” ở trang 28, tôi hơi ngờ ngợ. Tìm đọc tiểu sử của ông Thủ tướng (còn viết là Pridi Banomyong), tôi được biết ông sinh ngày 11-5-1900, du học tại Paris (Pháp), đỗ tiến sĩ luật và kinh tế chính trị tại trường Sciences Po (tức trường Khoa học chính trị nổi tiếng) năm 1927. Cùng năm đó, ông về nước, bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình. Chuyển sang đọc tiểu sử của Trần Văn Giàu, ông nhỏ hơn 11 tuổi, mãi đến tháng 9-1928 mới xuống tàu sang Pháp… Chỉ hai chi tiết đó thôi cũng đủ cho thấy chuyện hai ông “là bạn học thời sinh viên bên Pháp” là chuyện không có thật!
Cái nhan đề Một trung đoàn bị lãng quên? khiến tôi tò mò muốn biết trung đoàn nào đây. Thì ra bài báo viết về những thanh niên Việt kiều ở Lào, ở Thái Lan, ở Campuchia tình nguyện tòng quân về nước chiến đấu chống Pháp, được đồng bào trong nước gọi bằng cái tên thân thương “Bộ đội Hải ngoại”. Như thế thì không có “trung đoàn” nào hết và cũng không “bị lãng quên” bao giờ.
Tôi đã đọc nhiều sách, báo viết về họ. Hầu hết đều trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều người trở thành sĩ quan (như trung tướng Nguyễn Chánh, trung tướng Dương Cự Tẩm…), có người được phong Anh hùng (như Ngô Thất Sơn, Bông Văn Dĩa…). Họ đâu có “bị lãng quên”!
Trong hai năm 1946-1947, có 4 đơn vị Bộ đội Hải ngoại riêng rẽ, mỗi đơn vị có quân số nhiều ít khác nhau (dao động từ khoảng 100 đến hơn 400 cán bộ chiến sĩ), về nước vào những thời điểm khác nhau, được phân công vào những chiến trường khác nhau. Bốn đơn vị này chưa bao giờ được ghép thành một “Trung đoàn Hải ngoại”, cho nên không thể nói Đỗ Huy Rừa là trung đoàn phó Trung đoàn Hải ngoại. Đúng ra, ông là chi đội phó Chi đội Trần Phú, còn gọi là Chi đội Hải ngoại 4.
Trong bài Nghi án cái chết của Thủ hiến Nam Kỳ (trang 32) cũng có vài chi tiết không chính xác. Trong lịch sử nước ta, không có chức danh “Thủ hiến Nam Kỳ”. Khi chức danh này ra đời (ngày 1-7-1949) thì địa danh Nam Kỳ đã bị thay thế bằng Nam Việt, cho nên chỉ có Thủ hiến Nam Việt.
Tác giả bài báo xài nhiều chữ Tây, nhưng có chữ dịch không đúng. Chẳng hạn, interne des hôpitaux là nội trú ở các bệnh viện (clinique mới là dưỡng đường), piastre là đồng (franc mới là quan).
Nhân vật được đề cập trong bài báo là Nguyễn Văn Thinh (1888-1946). Ông đỗ bác sĩ y khoa nhưng thích làm chính trị. Từ năm 1926, ông đã gia nhập Đảng Lập hiến. Đến năm 1937, vì bất đồng chính kiến với Bùi Quang Chiêu nên lập ra Đảng Dân chủ. Với tuổi đời 57 và gần 20 năm hoạt động chính trị, không thể nói ông bị thực dân “lợi dụng” hay “bị ép” được.
Viết “năm 1945, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh bị ép ra làm Hội đồng quản hạt” là không chính xác. Sau cuộc đảo chính ngày 9-3-1945, Nhật lật đổ chính quyền Pháp ở Đông Dương. Hội đồng quản hạt (còn gọi là Hội đồng thuộc địa) Nam Kỳ không còn nữa.
Sau khi tái chiếm Nam Bộ, Pháp chủ trương tách Nam Bộ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, nên lập ra Hội đồng tư vấn Nam Kỳ và Chính phủ nước Cộng hòa tự trị Nam Kỳ. Nguyễn Văn Thinh - với quốc tịch Pháp và lập trường thân Pháp - được cử vào Hội đồng nói trên (ngày 4-2-1946) và được chọn làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa tự trị Nam Kỳ (ngày 26-3-1946). Ngày 1-6-1946, chính phủ Nguyễn Văn Thinh ra mắt trước nhà thờ Đức Bà.
Đêm 9 rạng ngày 10-11-1946, Nguyễn Văn Thinh chết. Lúc đó, tiếng súng kháng chiến chống Pháp đang rền vang khắp Nam Bộ, nên người dân không quan tâm chuyện Nguyễn Văn Thinh tự treo cổ bằng dây điện hay bị chủ Pháp ám hại. Ngược lại, báo chí yêu nước xuất bản công khai ở Sài Gòn không những không bày tỏ chút thương tiếc, mà chỉ nhắc tới “sợi dây điện” oan nghiệt để chế diễu cái chết lãng xẹt của một người làm tay sai cho ngoại bang xâm lược, tiếp tay phá hoại nền thống nhất của Tổ quốc. Chẳng hạn, báo Sài Gòn mới ngày 15-12-1946 châm biếm:
… Dây một sợi còn mai mỉa đó
Có vui chăng mà chọn lấy con đường…
Một tờ báo khác cảnh cáo những người lăm le đi vào con đường “Nam Kỳ tự trị” như Nguyễn Văn Thinh:
… Phen này ông quyết buôn dây điện
Thiên hạ còn bao đứa hỏng giò…
Bảy mươi năm sau, nếu có nhắc tới đốc tờ Thinh, người ta chỉ nhớ bài học cay đắng của một nhà khoa bảng đi nhầm đường, chứ mấy ai còn thắc mắc nghi án về cái chết của ông ta làm gì!l
Ngày 2-12-2017