HV123 - Ký ức sau Tết Mậu Thân - Chút kỷ niệm cùng đoàn trí thức Sài Gòn - Gia Định

Vào giữa tháng 5-1968, tôi nhận lệnh trực tiếp của ông Trần Bạch Đằng lại xách máy quay theo Tiểu đoàn 6 Bình Tân do Lê Minh Xuân làm tiểu đoàn trưởng, trực thuộc Trung đoàn 2 do Võ Văn Hoàng làm trung đoàn trưởng, bước vào đợt 3 chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy. Sau 10 ngày chiến đấu, tôi bị thương nặng ngay trên đường Minh Phụng. Do tình hình chiến sự ác liệt, gay go nên hơn 70 thương binh của Trung đoàn phải chia làm nhiều tổ tự động rút ra hậu phương. Ban ngày anh em tôi vào các rặng lá ven kinh rạch nhỏ. Ban đêm chui vào núp trong các cây rơm. Có tổ thương binh bị lộ diện, giặc đổ trực thăng, điều xe tăng truy quét, lùng sục, có tổ thương binh phải trực diện chiến đấu và đã anh dũng hy sinh. Thế nhưng đồng bào ta ở ngoại ô thành phố đã tìm kiếm anh em chúng tôi, lần lượt đưa cả bộ đội lạc đường về các trạm xá y tế ẩn mình trong rặng lá ven sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây. Phần lớn anh em thương binh thuộc Trung đoàn 2, mỗi người một cách đã sống sót sau Tết Mậu Thân, lại gặp nhau trong bệnh viện Ba Thu. Có thể nói Ba Thu là vùng đất theo quy ước mập mờ giữa các bên tham chiến không bom đạn. Nhưng bên ngoài phạm vi Ba Thu, ngó xuống đất y như là có thể lượm được vài chục miểng đạn bom cày xới.

GS Tôn Thất Dương KỵBác sĩ Dương Quỳnh Hoa

Thời gian tôi nằm điều trị trên đất Ba Thu, hằng ngày ngước nhìn bầu trời, tôi xót xa thấy từng đoàn trực thăng đổ quân trên đất Đồng Tháp Mười, bắt cóc dân chúng không chịu sống trong ấp tân sinh đào hầm, cất chòi làm ruộng rẫy, bắn chết cán bộ, dân quân, du kích đi lẻ; đau đớn hơn khi nhìn máy bay phản lực rải bom xăng tối trời dọc đám lá mà tôi biết đó là các trạm xá quân y xã tổ chức đưa đón thương binh sau Tết Mậu Thân. Sau hơn hai tháng điều trị, tôi được thông báo sửa soạn hành lý rời bệnh viện. Rồi tình cờ tôi đi chung đoàn nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định thuộc Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam. Lúc băng qua những cánh đồng Đồng Tháp Mười bao la, bát ngát thấy mọc toàn cỏ mồm, cỏ bắc, cỏ nghễ, cỏ bàng, lau sậy ngút ngàn giữa cánh đồng tràm gió ngát hương, lên đường ai cũng bẻ nhánh cây tràm gió, hễ nghe tiếng cô giao liên dẫn đầu hô lớn: “‘Máy bay!” thì ai nấy dừng bước khom người mang bồng trên lưng, tay chống bắp vế, tay kia giơ cao nhánh lá nghi trang. Máy bay đi xa, cô giao liên hét lớn: “‘Hết máy bay!”, mọi người lại tiếp tục hành quân. Theo quy định bất thành văn, cứ một giờ đi bộ được nghỉ 10 phút tại chỗ dù nơi đó nước ngập quá gối giữa đồng “chó ngáp” trong mùa sa mưa. Nhưng hễ thấy anh chị em, cô chú Liên minh tỏ vẻ mệt mỏi là cô giao liên dẫn đường chọn nơi có gò mối cao, có lùm cây tràm che bóng mát nghỉ 5 phút. Dạo đó tháng 7 mưa ngâu, bầu trời u ám nên đoàn Liên minh không quen ngâm chân suốt ngày trong làn nước ngầu đục ngày mưa trắng đồng, dù hành lý tổ cận vệ mang giúp. Đường về R kéo dài lê thê nhưng không ai trong đoàn giao liên phàn nàn. Đồng Tháp Mười mùa sa mưa mọc đầy cỏ nghễ, cỏ mồm, cỏ bắc nhọn hoắt xé nát chân, lau sậy ngút ngàn thêm rau muống đồng, rau mò om, cỏ bàng, mùa bông điên điển nở hoa. Tôi thích rau mò om (còn gọi rau ngổ) thơm nồng, ăn sống chấm nước muối pha chút hương liệu nước mắm khô, ngon nhứt là nấu canh chua bông điên điển trộn rau mò om thơm ngát có hương vị cay nồng. Đoàn Liên minh có các nhà thơ, nhà văn, nhà giáo dạy văn chương ở Sài Gòn. Sau ngày đầu chặng hành trình mọi người dễ thân quen nhau, vậy nên chúng tôi mời đoàn Liên minh sang dùng cơm chung. Anh em cô chú Liên minh mang sang thịt nguội, dăm bông, phô mai Con bò cười, cả ca cao, cà phê, sô cô la - những thức tôi từng ăn nhưng xa Sài Gòn lâu sao thấy quý hơn vàng, còn các cô chú Liên minh tấm tắc khen ngon món canh chua rau ngổ. Sự cảm thông bắt đầu khi đồng hành.

***

Giáo sư Nguyễn Văn Kiết (sinh năm 1907) vui vẻ bắt tay anh Lê Văn Thảo và tôi khi ai đó giới thiệu anh em tôi là con trai ông Dương Văn Diêu. Ông và cha tôi cùng ngành giáo dục, cùng quê Long An. GS Nguyễn Văn Kiết tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, về Sài Gòn tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau Cách mạng tháng Tám, ông sang Pháp du học, có bằng Cử nhân Văn chương, Cao học Triết rồi về nước làm giáo sư các trường Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Kiến trúc, làm cơ sở Ban Trí vận - Mặt trận thuộc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, nhà ông là nơi hội họp bí mật, cũng là nơi ông cùng một số trí thức xuất bản tờ nguyệt san Tiếng nói Trí thức. Sau Mậu Thân, ông tham gia thành lập Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, bị tịch thu tài sản và xử tử hình vắng mặt cùng 9 vị trí thức Sài Gòn. GS Nguyễn Văn Kiết được bầu làm Ủy viên thường trực, tôi nhớ mấy câu thơ của ông đọc trong Đại hội: “Lòng sắt son, chí vững bền/ Đi cùng Mặt trận trọn nguyền thủy chung”.

Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, sinh năm 1914. Những năm cha tôi làm Trưởng tiểu ban Giáo dục trực thuộc Ban Tuyên huấn R, GS Dương Kỵ và cha tôi thường liên hệ, gặp gỡ, trao đổi về tình hình giáo dục trong vùng giải phóng, cả trong phong trào Hội Giới giáo yêu nước hoạt động công khai trong nội thành Sài Gòn. Năm 1954, GS Dương Kỵ bị Ngô Đình Diệm bắt giam tại Huế, ra tù, vào Sài Gòn tiếp tục dạy học và hoạt động cách mạng. Năm 1962, ông bị bắt giam lần thứ hai, đến khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ mới được thả. GS Dương Kỵ được bí mật đề cử Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng (bí danh Dương Kỳ Nam) mà luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Mặt trận. Tại Sài Gòn, GS Dương Kỵ tham gia Ban chấp hành phong trào Dân chủ tự quyết Việt Nam kiêm Tổng thư ký Ủy ban vận động hòa bình Việt Nam, giảng dạy tại các trường Đại học Vạn Hạnh, Đại học Văn khoa. Tuổi cao nhưng suốt chặng hành trình đi bộ nước ngập quá gối, trời mưa gió, GS Dương Kỵ khoác áo blouson màu xanh nhạt mỏng manh thong dong đi bộ, đội cận vệ đề nghị khiêng võng nhưng ông lắc đầu nhã nhặn từ chối.

Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa thì luôn mỉm cười vui vẻ, trò chuyện ríu ran. Lúc băng qua đầm sen nước cạn, cô bác sĩ thò tay hái một bông sen đỏ thắm cài lên vành nón vải mềm màu xanh lá, hát nhỏ bản nhạc Pháp tôi quen nghe. Không dưng tôi nhớ lúc má dẫn anh em tôi về Thới Bình tỉnh Cà Mau đưa tiễn ba tôi, anh Hai tôi xuống tàu tập kết ra miền Bắc. Má tôi là cô giáo làng, má dặn tôi thức khuya mở đài phát thanh Hà Nội chờ nghe tiếng ba và anh Hai nhắn tin. Nhiều đêm tôi ngủ gục trên bàn học, má phải dìu tôi vào buồng ngủ nhưng sáng ra má không trách con trai một lời, song tôi tự trách mình bỏ qua tin nhắn. Vậy rồi một thời gian khá dài biệt tăm tin tức ba và anh Hai tôi. Bỗng một hôm má tôi nhận được thư bảo đảm từ Paris mà người gởi ghi tên Dương Quỳnh Hoa, một cái tên xa lạ. Má trao lá thư bảo tôi đọc to cho cả nhà. Trong bưu thiếp ba tôi báo tin chú Út tôi đang học trường Đại học Y khoa Hà Nội, anh Hai tôi vẫn khỏe. Nhà không có hình ba, má lấy ảnh ba trong bưu thiếp nhờ thợ ảnh chợ Long Xuyên phóng to, ghép hình ba má chụp chung đóng khung lộng kiếng treo trên vách, để khi anh em tôi làm điều chi sai trái má chỉ tay vào bức ảnh lộng kiếng răn dạy ráng noi theo gương của ba. Lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký rồi đại học, đọc báo biết nữ bác sĩ Dương Quỳnh Hoa đang dấn thân trong phong trào tranh đấu đòi hòa bình, dân sinh, dân chủ, chống chế độ lao tù khắc nghiệt của chánh quyền Sài Gòn. Dương Quỳnh Hoa là con gái GS Dương Minh Thới, một trí thức yêu nước nổi tiếng từ thời Pháp thuộc; năm 18 tuổi cô sang Paris học trường Đại học Y, là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Tôi hiểu bác sĩ Dương Quỳnh Hoa chuyển khá nhiều bưu thiếp Hà Nội - Paris - Sài Gòn qua nửa vòng trái đất chớ không riêng gia đình tôi mà bác sĩ xem đó là chuyện nhỏ. Đến khi đi cùng hành trình về R sau Tết Mậu Thân 1968, nhìn gương mặt trắng sáng hiền dịu, dáng người nhỏ nhắn, bước đi nhanh nhẹn, luôn tươi cười, giọng nói ríu ran thi thoảng xen vài câu tiếng Pháp, đeo bên mình túi da in dấu chữ thập đỏ, thỉnh thoảng lấy thuốc chữa trị các bệnh nhiễm lạnh, nhức đầu, sổ mũi, chóng mặt cho anh chị em trong đoàn, tôi càng quý trọng bác sĩ Dương Quỳnh Hoa.

Đoàn Liên minh không biết chúng tôi tự nấu nướng, khẩu phần ăn là 2/3 lon gạo độn khoai mì, đậu xanh, khoai lang, tiền ăn 2 đồng/ngày (tiền Sài Gòn năm 1968). Một hôm dừng chân nghỉ quân tại trạm Bố Bà Tây, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa tạt sang thăm lán trại chúng tôi, thấy bữa cơm quá đạm bạc thì quay về hỏi đội cận vệ nấu nướng riêng. Bất đắc dĩ anh đội trưởng nói họ làm theo lệnh cấp trên là đoàn Liên minh được khẩu phần cơm gạo trắng ăn không hạn chế, tiền ăn gấp mười lần mức sinh hoạt phí phổ biến ở rừng. Thế là bác sĩ Dương Quỳnh Hoa đề nghị họp đoàn Liên minh, yêu cầu đã đi chung đoàn thì phải ăn uống giống nhau, nhưng không có ai dám giải quyết. Chuyện nhỏ nhưng tôi rất cảm động vì nghĩa tình ấy.

Khi bác sĩ Dương Quỳnh Hoa giữ cương vị Phó tổng thư ký Liên minh, tôi vẫn thường gặp anh chị em, cô chú Liên minh. Tôi càng cảm phục Bộ trưởng Quỳnh Hoa hơn khi đọc hồi ký của nhà từ điển học Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam: “Khi biết cô Dương Quỳnh Hoa có tên trong danh sách những người vào khu giải phóng tôi ngạc nhiên vì cô đang có phòng mạch trên đường Hồng Thập Tự (đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay) với căn biệt thự khá lộng lẫy của gia đình cô ở quận nhất, tôi ngạc nhiên hơn khi cô xin nhập vào đoàn người đi bộ, bởi lẽ còn có đường giao liên công khai đi xe hơi, xe đạp ngắn ngày đỡ cực nhọc hơn. Vậy nên lúc gặp nhau trong căn cứ khi tôi bày tỏ sự ngạc nhiên, cô Dương Quỳnh Hoa mỉm cười tế nhị nói bằng tiếng Pháp: Coi chừng anh đấy! Anh coi thường phụ nữ vừa vừa thôi”.

Sau chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Tổng thống Nixon tuyên bố ngừng ném bom Hà Nội, mở Hội nghị Paris. Đó là thắng lợi lớn nhất dù phía ta bị tổn thất nặng. Nhà nước ta quyết định đưa lãnh đạo hoạt động công khai trong Sài Gòn vào thẳng căn cứ Trung ương Cục miền Nam Việt Nam nhằm bảo vệ lực lượng Mặt trận, Liên minh, Trí thức Sài Gòn - Gia Định với tầm nhìn chiến lược tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Sau một thời gian ngắn tôi được biết ông bà Huỳnh Nghị và Dương Quỳnh Hoa đã làm lễ cưới trong rừng miền Đông, các giáo sư Dương Kỵ, Nguyễn Văn Kiết, Lâm Văn Tết giữ cương vị lãnh đạo Liên minh đã được đề cử, bố trí sang Bộ Ngoại giao Chánh phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam cho đến ngày thống nhất. Rõ ràng đây là cuộc chiến thắng của toàn dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh nhân dân.

LÊ VĂN DUY