Bài 1: Cuốn sách của hai thầy trò Pháp, Mỹ
Một tác phẩm dày công
Giáo sư Paul Mus ra đời tại Pháp. Lên 5, ông cùng bố mẹ sang Việt Nam, sống trong lòng những người dân Việt, học tiểu học rồi trung học cùng với các học sinh người Việt tại ngôi trường bố mẹ ông dạy. Cậu bé nói sõi tiếng Việt, am tường phong tục tập quán Việt Nam, nhờ vậy vào tháng 3-1945 khi Nhật đảo chính Pháp, Paul Mus được sự giúp đỡ của những người nông dân miền Bắc, đã một mình từ Hà Nội băng đồng vượt núi xuyên rừng qua 400km, thoát sang bên kia biên giới Việt - Trung, gặp đội tàn quân Pháp do tướng Alessandri chỉ huy cũng vừa tháo chạy sang đây.
Trong thế chiến thứ hai, từ năm 1941 đến 1945, Paul Mus bị động viên vào quân đội, chiến đấu chống Đức. Ông bị thương, được giải ngũ. Năm 1943, Paul Mus lại bị sung vào cơ quan tình báo với quân hàm đại úy. Ông được tướng De Gaulle phong làm đặc sứ, có nhiệm vụ cùng Jean Sainteny, Émile Bollaert sang Nam Trung Hoa liên hệ với đội không quân Mỹ đang đặt bản doanh tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam trợ giúp quân của Tưởng Giới Thạch chống quân phiệt Nhật, cậy nhờ người Mỹ giúp phương tiện nhảy dù xuống nước ta, xây dựng cơ sở chuẩn bị phối hợp với “đạo quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương” sẽ được phái đến biển Đông xâm lược nước ta ngay sau ngày phát xít Nhật ra tuyên bố đầu hàng vô điều kiện(1).
Mãi đến cuối năm 1946, lúc này Paul Mus đã là giáo sư Trường đại học Collège France giảng dạy về Việt Nam tại khoa Đông phương học, mới viết bản báo cáo gửi người đứng đầu chính phủ Pháp hồi bấy giờ là tướng De Gaulle, tại đó ông quả quyết: “Chẳng thứ gì có thể sống nổi tại Việt Nam ngoài những thứ mọc lên từ nền đất nước ấy”. De Gaulle cho mời Paul Mus đến trực tiếp tường trình. Vị giáo sư uyên bác cố gắng trình bày cặn kẽ với ngài tướng lĩnh cao ngạo, rằng nếu các lực lượng nước ngoài cố tình dùng vũ lực, họ chẳng bao giờ giải quyết nổi các vấn đề gắn bó với con người và xã hội Việt Nam. Nhờ sự gắn kết của toàn dân tộc, khởi đầu từ cộng đồng làng xã, người Việt Nam đã kiên trì chiến đấu và cuối cùng đã chiến thắng phong kiến Trung Hoa sau một ngàn năm Bắc thuộc. Tướng De Gaulle chăm chú lắng nghe gần một tiếng đồng hồ, không ngắt lời người nói. Nghe xong, ông tướng cầm đầu chính phủ Pháp đứng bật dậy, vươn cao tấm thân vốn đã cao quá cỡ của mình, dõng dạc kết thúc cuộc đối thoại: “Chúng ta sẽ trở lại xứ Đông Dương, bởi chúng ta có đủ sức mạnh”.
Qua công trình nổi tiếng, được nhiều học giả nước ngoài, đặc biệt châu Âu và Mỹ, coi như một cuốn sách gối đầu giường cho bất cứ ai muốn nghiên cứu sâu vấn đề Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và cũng như trong chiến tranh chống Mỹ tiếp ngay sau đó, nhan đề Viêt-Nam, Sociologie d’une guerre xuất bản lần đầu năm 1952(2), Paul Mus trăn trở: “Chúng ta bị đánh bại ngay cả trước khi chúng ta khởi đầu cuộc chiến. Biết đến bao giờ người ta mới chịu nhìn thẳng vào sự thật ấy?”.
GS John McAlister Jr. thuộc thế hệ những người Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam, kém thầy đến 34 tuổi. Ông là sĩ quan Hải quân Mỹ được phái sang làm cố vấn Mỹ cho chính quyền Sài Gòn. Ông trải qua hai năm tại đồng bằng sông Cửu Long, trước khi trở về nước làm nghiên cứu sinh Trường đại học Yale.
Thời gian này, GS Paul Mus chuyên giảng dạy về “Các nền văn minh Viễn Đông” tại Trường đại học Collège de France nhưng vẫn nhận lời làm giáo sư thỉnh giảng cho Trường đại học Yale, Mỹ. Đều đặn mỗi năm sáu tháng, ông rời Paris sang bang Connecticut dạy về các vấn đề Việt Nam. Sinh viên theo học thầy Paul Mus hầu hết là những người Mỹ đã có ít nhiều trải nghiệm tại các thành thị hoặc làng mạc nước ta với tư cách viên chức dân sự, quân sự, nhà báo, thành viên các đội hòa bình như Peace corps... Theo lời kể của John McAlister, lúc đầu chỉ một nhóm người tham dự các khóa học với mục đích kiếm thêm chứng chỉ hàn lâm academic credits, dần dà số người học ngày một đông lên với những thanh niên Mỹ tin rằng sớm hay muộn rồi cũng sẽ đến lượt mình bị sung quân sang cầm súng chiến đấu tại một đất nước xa xôi mà không rõ chiến đấu chống ai và để làm gì. John McAlister nhận bằng tiến sĩ Ph.D. tại Trường đại học Yale. Ông lần lượt dạy tại Trường Woodrow Wilson School về các Vấn đề công cộng và quốc tế, tham gia Trung tâm nghiên cứu quốc tế Trường đại học Princeton trước khi chính thức trở thành giáo sư Đại học Stanford, bang California. Năm 1969, ông xuất bản một công trình nghiên cứu những nguyên nhân dẫn đến cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 tại Việt Nam, được dư luận Mỹ chú ý(3). Cũng như thầy Paul Mus từng trăn trở về cuộc chiến tranh Pháp gây ra tại Việt Nam và cuối cùng chịu thảm bại, trò John Mc Alister thường xuyên đau đáu trước câu hỏi: “Người Mỹ tìm cách chinh phục trí tuệ và tâm hồn người Việt Nam. Nhưng chúng ta có biết cái gì đã đốt nóng tâm hồn và trí tuệ của họ? Nước Mỹ liệu có còn kịp thời gian [để khắc phục sai lầm]?”.
“Tái hiện 30 năm lịch sử”
GS John McAlister khâm phục các luận điểm của GS Paul Mus qua loạt tác phẩm của thầy đã xuất bản. Tiếp theo sau Viêt-Nam, Xã hội học về một cuộc chiến tranh (1952) là Số phận của Liên hiệp Pháp (1954), Cuộc chiến tranh không có mặt (1961)(4). Tuy nhiên các công trình nghiên cứu của Paul Mus, ngoài một số bài viết trực tiếp bằng tiếng Anh, còn lại đều in bằng tiếng Pháp, không thuận tiện cho đại đa số độc giả Mỹ. John McAlister ca ngợi thầy: “Tầm vĩ đại của Paul Mus với tư cách bác học và giáo sư là ở chỗ ông mô tả tình hình đáng lo ngại của Pháp ở Việt Nam trong chiến tranh 1945-1954 qua sự phân tích rất sâu sắc và sáng tỏ, với hào hứng diệu kỳ, được nuôi dưỡng từ những trải nghiệm của cá nhân ông trong cuộc sống...”.
John McAlister có ý định dựa vào công trình chính của thầy để làm thêm một cuốn sách nữa, vừa giới thiệu các luận điểm của Paul Mus qua việc biên dịch cuốn sách chính của thầy, vừa thêm một phần bày tỏ quan điểm và chính kiến của riêng mình. Lúc này GS Paul Mus đã lâm bệnh nặng rồi qua đời. Ông đành tìm gặp bà quả phụ Suzanne Mus và Nhà xuất bản Le Seuil, Paris (giữ tác quyền), xin phép được làm cuốn The Vietnamese and their revolution, Phần I gồm 15 chương lấy từ công trình Viêt-Nam, Sociologie d’une guerre của Paul Mus do ông chuyển sang Anh ngữ, có rút gọn ít nhiều, và Phần II gồm mấy chương của chính John Mc Alister viết về vấn đề Mỹ và cuộc chiến của họ tại Việt Nam.
Bà Suzanne Mus và NXB Le Seuil đồng ý cho John McAlister sử dụng tác phẩm của Paul Mus để làm cuốn The Vietnamese and their Revolution. Mặt khác, sau 20 năm phát hành, cuốn Viêt-Nam, Sociologie d’une guerre của Paul Mus tại Pháp cũng đã bán hết, không còn bản nào, NXB Le Seuil quyết định, song song với cuốn sách của hai thầy trò Paul Mus và John McAlister bằng tiếng Anh sẽ cho ra một bản tiếng Pháp nữa, nằm trong Tủ sách L’histore immédiate (Lịch sử tức thì) do nhà báo, nhà văn, nhà sử học Jean Lacouture chủ trì. Phần tác phẩm của thầy Pháp được khôi phục nguyên bản tiếng Pháp, vẫn tôn trọng những chỗ John McAlister cắt lược. Phần tác phẩm trò Mỹ viết thêm được dịch từ nguyên bản tiếng Anh sang tiếng Pháp. Cuốn sách có lời giới thiệu của bà quả phụ Suzanne Mus và phần Phụ lục in bức thư - nhật ký rất dài của Paul Mus gửi vợ tháng 4-1946, kể chi tiết chuyến ông thoát thân từ Hà Nội sang Trung Quốc ngày Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp khỏi Việt Nam tháng 3-1945, hấp dẫn như tiểu thuyết phiêu lưu.
Tại bìa 4, Jean Lacouture viết mấy dòng giới thiệu: “Từ những náo động của xã hội Việt Nam trong chiến tranh thế giới thứ hai đến những nỗ lực cuối cùng của các tướng lĩnh dưới quyền Richard Nixon năm 1972 [ám chỉ cuộc thất bại của Mỹ kết thúc bằng trận chiến thắng của quân dân ta: Hà Nội, Điện Biên Phủ trên không], ba mươi năm lịch sử được làm sống lại tại cuốn sách này, qua cái nhìn kép của một nhà bác học lớn người Pháp và một trong những người Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ nhất cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam”.
Cuốn sách của hai thầy trò gây chấn động dư luận Mỹ tới mức Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ mở một phiên họp chuyên đề, mời GS John McAlister đến điều trần với tư cách chuyên gia về Việt Nam. Phát biểu trước các thượng nghị sĩ Mỹ, John McAlister cực lực phản đối chính sách của nhà cầm quyền Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, làm sao có thể một mình ông lay chuyển nổi lòng dạ các con diều hâu khát máu đang dẫn dắt nước Mỹ, đứng đầu là Nixon với loạt cố vấn thân cận do Kissinger cầm chịch?
Đại đồng và …đại dị
“Cái nhìn kép” của hai thầy trò dĩ nhiên có đồng có dị. Cái đồng là cả hai thầy trò là cùng nghiêng mình thán phục khí phách người Việt trước mọi thiên tai địch họa và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam mỗi lần đất nước bị ngoại xâm. Cái dị (khác biệt) không hề nhỏ mà ngược lại, to đùng. GS Paul Mus là người đề xuất với các nhà cầm quyền nước ông nên cố tìm giải pháp hòa bình trong vấn đề Việt Nam mà vẫn bảo tồn được ít nhiều cái gọi là “sự vĩ đại của nước Pháp thực dân”. Ông kiến nghị hình thành Liên hiệp Pháp qua việc công nhận quyền tự trị của các nước thuộc địa cũ của Pháp ở “ba xứ Đông Dương”, mời các quốc gia ấy tham gia Liên hiệp Pháp do Pháp làm nòng cốt dẫn dắt, tiến tới dần dần trao quyền độc lập cho các quốc gia hội đủ điều kiện, tương tự khối “Thịnh vượng chung” của Anh sau thế chiến thứ hai. Việt Nam từng có lần bày tỏ ta sẵn sàng tham gia liên hiệp ấy với điều kiện Pháp phải công nhận ngay quyền tự trị của nước Việt Nam và sau 5 năm, chậm nhất 10 năm, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là quốc gia hoàn toàn độc lập. Đó là một bước nhân nhượng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ nhắc đến, mở đầu Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!”.
Trò đểu cáng đầu tiên của thực dân Pháp là một đòn hiểm độc của tên thực dân cáo già, phó đô đốc D’Argenlieu. Chúng cứ ậm ừ, làm ra vẻ chấp thuận bước nhân nhượng của phía Việt Minh. Lợi dụng lúc Hồ Chủ tịch đang trên đường sang Pháp với tư cách thượng khách của Thủ tướng Pháp, tại Sài Gòn thực dân Pháp tuyên bố thành lập Việt Nam Cộng hòa và mời cựu hoàng Bảo Đại đang sống phóng đãng tại nước ngoài về làm Quốc trưởng. Cựu hoàng chơi bời trác táng tới mức, theo lời bà Thứ phi Bùi Mộng Điệp, người tình chung thủy của ông, có bao nhiêu vàng bạc, đá quý, đồ trang sức bà bán hết gửi sang cho Vĩnh Thụy, vẫn không đủ cho “Ông Ngài” phung phí.
Một trò đểu nữa của D’Argenlieu đối với trợ lý thân cận của mình. Sau Ngày toàn quốc kháng chiến 19- 12-1946, cả hai bên đều biết mọi ước vọng giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam trước mắt đã tan vỡ, y vẫn ra lệnh cho Paul Mus với tư cách cố vấn chính trị của ngài Cao ủy kiêm Tổng tư lệnh Đạo quân viễn chinh Pháp, mang công hàm từ thủ đô Hà Nội vừa bị Pháp tạm chiếm lên căn cứ của ta tại tỉnh Thái Nguyên xin gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, mời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với nhiều điều kiện khắt khe và, theo nhận định của các nhà sử học, thậm chí có tính miệt thị, tham gia Liên hiệp Pháp bên cạnh quốc gia của quốc trưởng bù nhìn!
“Quân lệnh như sơn”, vị học giả uyên thâm Hán học không thể không chấp hành quân lệnh (lúc này ông làm cố vấn chính trị cho tướng Leclerc), dù biết trước chuyến đi đầy hiểm nguy của mình chắc chắn thất bại. Vì vậy Paul Mus hoàn toàn không ngạc nhiên khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi đọc công hàm của phía Pháp, trả lời bằng một câu sẽ trở thành nổi tiếng trong lịch sử: “Trong Liên hiệp Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn mạt. Nếu tôi chấp nhận các điều kiện của các ông, tôi sẽ trở thành một trong những tên hèn mạt đó”.
Paul Mus vội cáo từ Hồ Chủ tịch rời chiến khu của ta trở về thủ đô Hà Nội bị Pháp tạm chiếm, lòng càng vững tin vào nhận định từ trước của mình: Rõ ràng “Ông Cụ” là nhà lãnh đạo cao nhất phía Việt Nam, ông được tự do quyết định mọi việc, và ông hoàn toàn tin kháng chiến nhất định thắng lợi.
Paul Mus kể lại: Ông được ta đón tiếp tử tế tại vùng giáp ranh. Một viên sĩ quan trẻ dẫn đường đưa ông lên chiến khu, đến một ngôi biệt thự duy nhất còn sót lại trong vùng, gần những dãy núi đá vôi có nhiều hang hóc ở chân núi. Anh là cựu sinh viên Trường Luật Hà Nội. Trên đường về, vẫn viên sĩ quan liên lạc ấy tháp tùng ông từ Thái Nguyên qua vùng tự do của ta đến nơi giáp ranh hai chiến tuyến, bàn giao ông cho phía Pháp. Trên đường đi, nhìn thấy vẻ mặt trầm ngâm của ông thầy cận thị, anh hỏi: “Vậy là chiến tranh?”. Paul Mus trang trọng gật đầu, và nghe chàng trai lẩm bẩm một mình: “Thôi ta đành tạm gác ước mơ được sang Paris học tiếp!”.
John McAlister có cách nghĩ khác. Sau khi quả quyết chính sách của nhà cầm quyền Mỹ muốn dùng vũ lực áp đặt mọi thứ của Mỹ lên đất nước Việt Nam nhất định sẽ thất bại, ông cảnh báo tại “Lời kết” cuốn Người Việt Nam và cuộc cách mạng của họ, phần do ông viết, bằng một kiến nghị: “Nếu nước Mỹ không có một kế hoạch nào khác “mang tính cạnh tranh” với kế hoạch của nhà cầm quyền Mỹ hiện nay, nhằm động viên các tầng lớp nông dân ở (miền Nam) Việt Nam và chia sẻ quyền lực với họ, thì các lực lượng quân sự phương Tây rốt cuộc chỉ còn có thể hoạt động ở các tuyến sau mà thôi”.
Ý kiến này bị nhiều người Mỹ bác bỏ. Tại bài đọc sách đăng báo The New York Review of Books số ra ngày 17-5-1970, học giả James C. Thompson Jr., sau khi đánh giá cao giá trị tác phẩm của hai thầy trò, phê phán John McAlister: “Điều tệ hại duy nhất là cuốn sách có thể chuyển thông điệp đến với người đọc, khuyến khích người Mỹ hãy tìm cách xây dựng ‘một kế hoạch khác mang tính cạnh tranh’ nhưng vẫn trong khuôn khổ đường hướng tiếp tục cuộc chiến chống cộng sản bằng bom đạn. Đi theo hướng ấy thì mọi người có thể nhìn thấy ngay trước mắt, rồi sẽ còn nhiều năm chiến tranh đẫm máu nữa, rồi nước Mỹ sẽ càng lún sâu hơn vào đầm lầy, và đó là tấm thảm kịch cho cả hai quốc gia Mỹ và Việt Nam”.
(Còn tiếp)
_____
(1) Về hoạt động của đội tình báo này, Jean Sainteny kể tả tỉ mỉ, kèm ảnh minh họa, trong hồi ký của ông Histoire d’une paix manquée, NXB Amiot & Dumont, Paris, 1952.
(2) “Viêt-Nam, xã hội học về một cuộc chiến tranh”. Trong các tác phẩm của Paul Mus, tên nước Việt Nam bao giờ cũng được viết “Viêt- Nam” có gạch nối như cách viết tiếng Việt phổ biến thời bấy giờ dù tiếng Pháp thiếu dấu nặng.
(3) “The Origins of the Revolution” (Những cội nguồn của Cách mạng).
(4) Tất cả đều do NXB Le Seuil, Paris, ấn hành.