HV123 - Ngâm vịnh trào phúng về lũ “chó săn”

Ngày Tết ông Táo năm Tuất nọ, Ba Giai (Nguyễn Văn Giai - một nhà Nho nổi tiếng hay chữ và ngỗ nghịch đầu thế kỷ 20) bước vào nhà trọ học của các bạn cùng lớp. Mọi người chuẩn bị về quê ăn tết, nhưng thấy Ba Giai đến, ai nấy đều hồ hởi:

- A ha! Đại huynh đến tiễn chân bọn đệ đây hẳn!

Ba Giai tủm tỉm:

- Các anh muốn “thịt” thằng khố rách này vào bữa tất niên đó chắc?

- Đâu có, bọn đệ dù nghèo, nhưng cũng có thể bớt xén chút tiền ăn đường để chúc tuổi sớm cho đại huynh đó!

Ba Giai cười lớn:

- Được! Được! “Hạ cờ tây” nhé!

Mọi người nghe 3 tiếng “hạ cờ tây” liền im bặt, nhớn nhác. Quanh họ, không thiếu gì bọn mật thám của Pháp. Mà cái anh Ba Giai này thì chính quyền thực dân Pháp đã ghi danh vào sổ đen của chúng. Tuy nhiên Ba Giai liền cười trấn an các bạn học:

- Hôm nay rét ngọt, anh em mình hạ một chú cầy tơ đánh chén há không phải hợp... thời tiết?

Bà chủ nhà trọ, vốn con nhà khoa bảng, tuy là phận phụ nữ không được tới trường nhưng cũng sành chữ nghĩa, liền xen vào:

- Năm tới là năm Tuất, cậu Ba Giai đã có được bài thơ nào nói về giống “khuyển” chưa? Nếu cậu có bài thơ hay thì chị đây xin mất chầu “cẩu nhục” hôm nay đó.

Tiếng vỗ tay nổi lên rào rào. Một khóa sinh chắp tay thưa với bà chủ, trịnh trọng nói:

- Bà chị thay chúng em mà gánh đỡ cho, chúng em xin đa tạ.

Bà chủ chúm chím cười:

- Chỉ sợ cậu Ba nhà tôi làm cho các thầy phải thất vọng thôi.

Ba Giai vờ lập nghiêm:

- Chị khinh em quá lắm đó. Tuy em chưa có ý làm thơ về cái giống chó trước, nhưng năm nay, nhân ngày tiễn ông Táo, lại gặp buổi sáng xấu trời, em cũng định nhờ ông ta tiễn hộ lũ chó vào... bụng kẻo nó “ôi” cái bữa tiệc mà chị đã có nhã ý mừng Tết sớm chúng em, sợ ra giêng nó “dông” mất.

Mọi người cười ồ lên:

- Đọc đi anh Ba Giai! Đọc đi!

Ba Giai hắng giọng:

- Ta hãy lấy tạm cái tên là Hà thành hiểu vọng (Ngắm cảnh Hà thành buổi sáng) nhé!

Bốn bên hàng phố tiếng xôn xao,

Giở dậy mà xem những thế nào?

Lục sở bày trò trong rạp tối,

Tam tài cờ cắm giữa thành cao.

Giày tàu bít gót, Ngô đi bãi,

Váy lĩnh phơi trôn, đĩ rửa hào.

Nhuốm, vện, khoang, vằn… vô số chó

Ra tuồng đắc ý, chạy nhông nhao.

Cả cái nhà trọ số 7 Nam Phố ầm lên như chợ vỡ khi nghe Ba Giai đọc xong. Khỏi phải nói thì ai cũng biết bà chủ thổi cơm trọ hôm đó hả hê mà thết đãi các anh khóa và nhà Nho Nguyễn Văn Giai một chầu “cầy tơ” túy lúy.

Khoảng sau đó không lâu, trong làng văn Việt Nam kháo nhau một bài thơ về chó của Hạc Lạc. Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên: Hạc Lạc lại cùng họ Nguyễn, tên lót là Văn - Nguyễn Văn Lạc, hiệu Sầm Giang, người làng Mỹ Chánh, tỉnh Mỹ Tho (cũ). Lạc học giỏi, nhưng ở nhà làm thuốc, dạy học. Hạc Lạc nổi tiếng là người thù Pháp và khinh ghét lũ chó săn tay sai. Cũng vào một năm Tuất, ông ứng khẩu đọc cho các bạn nghe bài thơ Chó chết trôi trong một bữa nhậu:

Sống thời bắt thỏ, thỏ kêu rêu,

Thác thả lòng sông, xác nổi phều.

Vằn vện xác còn phơi lửng dửng,

Thúi tha danh hãy nổi lều bều.

Tới lui bịn rịn, bầy tôm tép,

Đưa đón lao xao, lũ quạ diều.

Một trận gió dồi cùng sóng dập,

Tan tành xương thịt biết bao nhiêu!

Ngoài Bắc, ngoài bài thơ của Ba Giai, người ta còn truyền miệng nhau bài thơ Vịnh Khuyển Ưng, Khuyển Phệ của Nguyễn Đôn Dự, một ông thủ khoa thuộc gia đình có truyền thống chống Pháp. Và trong Nam, không mấy ai không biết bài thơ Chó cắn trộm của Cai Tổng Chiểu, một nhà Nho yêu nước đầu thế kỷ 20.

Cho nên, ở đâu, nhân dân ta cũng đều biểu thị giống nhau một thái độ thù ghét “lũ mật thám chó săn” chuyên bán nòi buôn giống, “người ta làm hại dân ta” mà sử sách và bia miệng còn ghi lại.

 

TÚ ÂN sưu tầm