HV123 - Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA: Giáo dục cần đi vào thực chất, đừng chạy theo hư danh

LTS: Giáo dục vẫn luôn là vấn đề bức thiết nhất hiện nay. Từ nhiều thập niên qua, những chương trình cải tiến, cải tổ giáo dục, như những cuộc thử nghiệm liên tục được áp dụng trên nhà trường phổ thông về sách giáo khoa, về chữ viết..., nhưng tất cả đều thất bại. Và giáo dục ngày càng đáng báo động với căn bệnh hình thức trầm trọng… Đó chính là tâm tư đau đáu của nhà thơ Trần Đăng Khoa về vấn đề này…

* PV: Thưa ông Trần Đăng Khoa, vừa rồi Bộ Giáo dục & Đào tạo đề nghị tăng lương cho giáo viên và “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Thông tin lương giáo viên sẽ cao hơn lương sĩ quan công an, quân đội đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của hàng triệu giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục. Nếu hệ số lương của giáo viên như vậy thì thực sự là niềm vui rất lớn cho những thầy cô đang đứng trên bục giảng. Ai chả mong muốn cuộc sống của mình được cải thiện hơn. Rồi còn có ý kiến đề nghị miễn học phí cho học sinh trung học và tiểu học nữa. Ông thấy thế nào?

- Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA: Tôi thấy rất vui chứ sao. Vì thực tế là lương các thầy cô rất thấp. Vừa rồi có cô giáo đã khóc khi nhận đồng lương hưu sau một đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục mà chỉ có hơn một triệu đồng tiền Việt một tháng. Hơn một triệu đồng một tháng thì cô giáo sống thế nào? Khi vụ việc xôn xao dư luận mới biết lương hưu của cô vẫn chưa phải thấp nhất. Có người lương hưu còn chưa đến một triệu đồng. Còn chuyện miễn phí cho học sinh phổ thông thì cũng hợp lý thôi. Ở những nước bị cấm vận, đời sống người dân còn khó hơn chúng ta gấp vạn lần, như Triều Tiên và Cuba, mà học sinh đến trường còn không phải đóng bất kỳ một đồng học phí hay phụ phí nào. Ở Triều Tiên thì tôi chỉ nghe nói. Còn Cuba thì tôi đã trực tiếp khảo sát. Ở đấy đời sống người dân thiếu thốn mọi thứ như thời chiến tranh của ta. Nhưng học sinh đến trường không phải đóng tiền học. Giấy bút, sách vở, tiền ăn trưa cũng được miễn phí hoàn toàn. Không những thế, người dân ốm đau, vào viện điều trị cũng không phải đóng bất kỳ một đồng tiền nào. Cũng không có sự phân biệt cán bộ cấp cao với người dân nhỏ bé. Tất cả như nhau. Nghĩa là đều được chăm sóc cực kỳ chu đáo. Nếu có sự phân biệt thì chỉ là sự khác nhau ở bệnh tật nặng hay nhẹ ở mỗi người mà có cách điều trị và chăm sóc khác nhau. Vì thế, nếu chúng ta có tăng lương cho các thầy cô hay miễn phí cho học sinh đi học thì cũng là chuyện bình thường thôi. Nhưng nhìn vào thực tiễn nước ta, khi hàng nghìn tỉ đồng rơi vào túi tham nhũng, nợ công đang rất cao, đội ngũ công chức, viên chức ngành giáo dục chiếm hơn một nửa số lượng công nhân viên chức cả nước thì việc tăng lương cho giáo viên hay miễn học phí cho học sinh chỉ là chuyện… trên giời. Tôi đồng ý với nhiều thầy cô giáo khi họ cho rằng, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay mà ngành giáo dục cần làm là nâng cao chất lượng giáo dục, tinh giản được đội ngũ, và đóng băng các dự án vay ODA phục vụ các ý tưởng đổi mới nửa vời, mà không hề có hiệu quả. Tiền đâu để nuôi bộ máy công chức, viên chức đang phát phì như vậy? Tính đến năm 2017 này, cả nước có 1.246.188 nhà giáo, 272.318 nhân viên phục vụ, 154.000 cán bộ quản lý, tổng số người làm việc trong ngành giáo dục là 1.672.506 người. Các cấp quản lý trung gian cũng rất cồng kềnh. Hiện nay ngành giáo dục có 1.246.188 nhà giáo thì đã có đến 154.000 cán bộ quản lý. Một cán bộ “quản lý” 8,1 giáo viên. Và như thế, cứ 8 giáo viên lại phải “cõng” 1 ông bà cán bộ quản lý. Cứ thử hình dung trường chuẩn quốc gia cấp tiểu học, giáo viên có thể vừa quản vừa dạy 1 lớp 35 học sinh, nhưng bản thân các thầy cô cứ 8 người đã có 1 người “quản lý” họ, cầm tay chỉ đạo, kiểm tra sổ sách hồ sơ, tập huấn chuyên môn, sát hạch nghiệp vụ. Giáo viên trong con mắt cán bộ quản lý giáo dục chẳng khác gì một đứa trẻ lên 3? Tôi cũng đồng tình với nhiều thầy cô, rõ ràng với cung cách quản lý giáo dục như hiện nay, vô hình trung giáo viên bị triệt tiêu mọi khả năng sáng tạo và bị biến thành một rô bốt dạy học không hơn không kém. Ấy là chưa kể các nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh. Vì thế, việc cấp bách hiện nay là ngành giáo dục phải giảm được bộ máy “cầm tay chỉ việc” và sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, rà soát lại các chức danh nhân viên trong nhà trường để bố trí cho phù hợp. Rồi sau đó mới bàn đến những việc khác và đừng mất thì giờ vào những chuyện không khả thi.

* Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”. Theo đó, đề án có tổng kinh phí 12.000 tỉ đồng, trong đó có mục tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ. Vấn đề này nhận được sự quan tâm của dư luận khi Đề án 911 đào tạo 20.000 tiến sĩ trước đó được cho là không đạt mục tiêu.

- Tôi cho rằng, chúng ta cần đi vào thực chất. Đừng chạy theo hư danh. Chúng ta có quá nhiều tiến sĩ mà chẳng có trường nào có uy tín quốc tế. Có những tiến sĩ viết một câu văn cũng còn lủng củng, chẳng ra làm sao cả. Tôi nhớ thời tôi đi học, lại học ở một ngôi trường nhà quê, chẳng có thầy cô nào là tiến sĩ, thạc sĩ, mà sao các thầy giỏi thế. Chúng tôi tiếp nhận cùng lúc hai nguồn kiến thức lớn. Một nguồn từ sách vở. Đó là những bài học, đúc rút kinh nghiệm sống của cha ông và của cả loài người, thành nguồn sáng trong lành, tinh lọc qua tâm hồn thầy cô rồi tỏa xuống mỗi học sinh. Còn nguồn kiến thức thứ hai, cũng rất quan trọng, mảng kiến thức này không nằm trong giáo án, cũng không có trong sách giáo khoa, nhưng lại tác động đến học trò rất mãnh liệt. Đó là cuộc đời các thầy cô. Tấm gương các thầy cô. Chính các thầy cô đã thành giáo cụ trực quan, dạy chúng tôi thành người. Đã nửa thế kỷ rồi mà tôi không sao quên được thầy Độ, thầy dạy toán. Lên bục giảng, thầy không mang giáo án, chỉ ve vẩy hai bàn tay không như người đi dạo. Giáo án nằm hết trong đầu thầy. Cả cuốn sách giáo khoa dày cộp cũng ở trong đầu thầy. Thầy chép bài lên bảng mà đâu có nhìn sách giáo khoa. Thầy bảo: “Nếu thầy nhớ nhầm, các em nhắc thầy nhé!”. Nhưng chẳng bao giờ thầy nhầm. Cái tài của thầy mà tôi rất phục, là khả năng biến những gì phức tạp thành đơn giản dễ hiểu. Tôi nghiệm thấy những người giỏi đều thế cả. Họ có khả năng đơn giản hóa những gì phức tạp. Còn người kém thì ngược lại, ngay cả điều đơn giản, qua họ, cũng thành phức tạp, rối mù. Thầy Độ giảng rất thoải mái, nhưng học sinh nào cũng hiểu được bài ngay tại lớp.

Trong mắt chúng tôi, các thầy cô như những vị thánh sống. Cao cả và tinh khiết. Hồi đó có dạy thêm không? Có! Thời nào chả có những học sinh kém. Với những học trò cá biệt ấy, sau buổi học, các thầy cô mời ở lại để phụ đạo thêm. Thảng hoặc, có học sinh, do hoàn cảnh khó khăn, vào các buổi tối, thầy đạp xe đến tận nhà phụ đạo. Thầy dạy mà không lấy tiền. Có thầy còn sẻ cả một phần lương đạm bạc của mình cho học trò mua sắm quần áo hay dụng cụ học tập. Ngày Tết, hay ngày 20-11, học sinh ríu rít đến thăm thầy cô chỉ có hai bàn tay trắng. Phong bì không và hoa cũng không. Nhưng cả thầy và trò đều vui. Một niềm vui chan hòa, ấm cúng và tinh khiết.

Tôi rất phục cách dạy văn của thầy Vũ Đình Sâm, chủ nhiệm các lớp 8G, 9G, 10G mà tôi theo học. Thầy là tấm gương sáng, không chỉ với học trò, mà còn với cả ngành giáo dục. Cách dạy của thầy theo tôi là mẫu mực, đáng để ngành giáo dục hôm nay tham khảo. Thầy không biến học trò thành con vẹt, cũng không tự biến mình thành rô bốt cứng nhắc. Mọi quy chế, hướng dẫn, quy định của ngành chỉ có ý nghĩa tham khảo quan trọng, còn giáo viên phải có những sáng tạo riêng, nhằm đổi mới mỗi tiết giảng, truyền đạt kiến thức đến học trò một cách hiệu quả nhất, nhưng lại gợi mở cho các em sự độc lập suy nghĩ và sáng tạo. Trong tiết giảng, thầy Sâm không đọc đoạn văn trích. Đấy là việc học sinh tự đọc ở nhà. Thay cho thời gian đọc tác phẩm, thầy tóm tắt cả cuốn sách, để học sinh nắm được nội dung, biết đoạn trích nằm ở đâu. Thầy biến bài giảng thành buổi xêmina để học sinh thảo luận. Có buổi thành cuộc tranh luận sôi nổi. Thầy gợi mở, xới lên các vấn đề để học sinh bàn. Rồi thầy tổng kết. Có vấn đề thầy kết luận ngay, có vấn đề thầy bỏ ngỏ, để học sinh nghĩ tiếp. Trong phần tổng kết, ngoài biểu dương những ý kiến có tính khám phá của học trò, thầy nói ba vấn đề. Một là thầy tóm tắt phần hướng dẫn giảng dạy dành cho giáo viên của Bộ GD&ĐT về đoạn văn trích. Hai là thầy tóm tắt ý kiến của các nhà phê bình nghiên cứu về tác phẩm đã được in trên các báo và tạp chí từ trước đến nay, đặc biệt là những kiến giải xuất sắc có tính phát hiện. Phần thứ ba, là ý kiến riêng của thầy. Tôi thích phần thứ ba này nhất. Bởi đó là những kiến giải tôi không tìm thấy ở bất cứ tài liệu nào trên sách báo. Như vậy, một bài học, được chiếu rọi từ nhiều góc độ khác nhau. Một giờ lên lớp của thầy, bằng học sinh lục lọi hàng tháng trong thư viện với hàng đống sách vở.

Bây giờ, trong các thầy cô dạy phổ thông, có ai làm được như thầy không? Mặc dù thầy không phải tiến sĩ, thạc sĩ.

Thầy nào trò ấy. Thầy phải giỏi thì trò mới giỏi được. Nhờ các thầy như thế, mà trường có được một đội ngũ học sinh làm rạng danh trang sử nhà trường. Có nhiều người rất nổi tiếng, được thế giới biết đến, như nhà địa chất Tạ Phương, người được mang tên cho một loại quặng quý trong một công trình khoa học về địa chất ở Nga. Rồi nhiều nhà văn nhà thơ, nhiều nhà khoa học mà họ đã nổi tiếng về việc học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bây giờ có điều kiện hơn. Chúng ta cần đi vào thực chất, đừng chạy theo hư danh, chỉ tốn tiền dân mà chẳng có ích lợi gì…

SONG YẾN thực hiện