HV123 - Quà đại ngàn chàng ăn... nàng ngọt

Long-xu-sìn nơi biên cương ba nước Việt - Trung - Lào là vùng đất “Rồng thiêng” của bà con người dân tộc Hà Nhì sinh sống. Những ngày hội xuân, con trai con gái có câu hát giao duyên:

“Trăm hương thơm không bằng hương thơm con mái

Trăm thứ hoa không đẹp bằng hoa con gái

Trăm món quà đại ngàn không ngon bằng mật ong rừng

Chàng ăn lòng nàng ngọt

Chàng ăn má nàng hồng

Da nàng như cây chuối rừng vừa bóc bẹ...”

Bản Hà Nhì có ông Tráng Pao Ly có nghề tổ tiên truyền lại làm thuốc chữa bệnh cứu dân. Trong các bài thuốc quý bổ dương tráng cường, gái muộn con, người già mỏi gối đau xương... ông hái lá, nhặt quả, đào củ trong rừng: dương quy, bạch tuất, tam thất, thảo quả... Thế nhưng có một vị thuốc quý nhất không bao giờ thiếu, đó là mật ong rừng. Ngày ấy lính biên phòng chúng tôi được ông Pao Ly hướng dẫn dùng vị thuốc quý này. Mỗi tiểu đội có một ống tre đựng mật ong treo bên giá súng. Đêm giá lạnh sương muối trắng trời đến phiên gác, đến chuyến tuần tra, chúng tôi nhấp mỗi người một ngụm để ấm cổ, chống ho. Ngày chủ nhật chúng tôi hái chanh rừng vắt vào bát ăn cơm pha nước ấm rồi rót mật ong vào. Bên “bếp lửa biên phòng”, chúng tôi vừa uống vừa tếu vui với nhau: “Ong trên đôi cánh nhẹ bay. Ta dẻo chân, sáng mắt vượt rừng dày đèo cao...”.

Theo các nhà khoa học nghiên cứu về loài ong, từ thời cổ đại, con người đã biết trọng dụng mật ong rừng. Con người coi đó là món quà quý tuyệt vời thiên nhiên ban tặng cho loài người. Mật ong rừng là “sản phẩm vàng” thuần khiết. Mật ong có trên 20 tác dụng chữa bệnh và làm cho con người đẹp hơn, khỏe hơn. Nó được ghi trong sử sách xuyên suốt chiều dài lịch sử của nhân loại. Từ thời Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Vệ Đà...., các văn bản của Hồi giáo và các chuyên gia dinh dưỡng thời nay đều khẳng định. Thời Aristote (384-322 trước Công nguyên), nhà triết học cổ đại này, người đặt nền móng cho môn lý luận học, đã ca ngợi mật ong rừng. Kinh Thánh cũng đã trích dẫn lời của vua Salomon(1) dạy bảo gia nhân và khuyến dụ thiên hạ hằng ngày nên ăn mật ong rừng. Cleopatra, nữ hoàng Ai Cập được coi là đẹp nhất thời cổ đại, thường xuyên dưỡng da bằng mật ong và sữa ong chúa.

Các nhà khoa học đã phát hiện một đôi ong hóa thạch tại miền Trung nước Mỹ. Theo nghiên cứu thì đôi ong này đã xuất hiện khoảng 80 triệu năm trước (có tài liệu nói 120 triệu năm). Như vậy có thể nói rằng từ khi trái đất xuất hiện loài thực vật thì đã có loài ong. Loài ong có nguồn gốc tại phía đông bán cầu. Theo sử sách từ cổ xưa thì ong sống nhiều ở vùng nhiệt đới, phân bổ nhiều ở châu Á, châu Âu, châu Phi... Loài ong có mặt khắp nơi trên trái đất, chỉ trừ hai vùng Bắc cực và Nam cực. Có đến 20.000 loài ong khác nhau nhưng loài mang lại nhiều lợi ích nhất cho con người là ong mật. Loài ong có hai nhóm: nhóm sống theo tập đoàn và nhóm sống độc lập. Nhóm ong sống độc lập hung dữ, độc ác gồm: ong đục gỗ, ong đào hầm, ong tu hú... Chúng sống độc thân hoặc tụ tập từng tốp nhỏ lang thang trong rừng. Chúng đẻ trứng trong hốc cây kẽ đá, giấu mật cướp được ở đó rồi trám bịt kín lỗ và bay đi mất. Khi trứng nở, ong non tự ăn mật để trưởng thành và tiếp tục cuộc đời sống lang thang hung ác thành những nhóm ong “thổ phỉ”. Chúng có dáng hình “hầm hố” gớm ghiếc, chân dài ngoằng đầy gai, lông dày và có nọc độc. Chúng sống “vô gia cư”, chuyên dò dẫm xoi tìm tổ loài ong mật để xông vào đánh cướp, phá tổ, giết chúa, ăn con non, hút mật...

Còn loài ong sống tập đoàn thì chúng tìm nơi xây tổ như ong mật, ong bầu, ong vò vẽ... Riêng ong mật là loài có đời sống tập đoàn lớn nhất. Có tổ đông đến gần triệu con (ong mật có nơi gọi là ong khoái). Chúng sống giống như lề thói của “chế độ phong kiến” có tổ chức, kỷ cương cực kỳ chặt chẽ...

Con ong mật là loài côn trùng có cấu tạo thân hình đặc biệt. Toàn thân nó phủ lớp lông để phấn hoa bám vào được. Cơ thể nó chia ba phần. Phần bụng có một bao tử để chứa mật hoa khi thu gom được. Phần đầu có hàm, môi và cái lưỡi rất uyển chuyển co dãn dài ngắn là ống hút mật hoa bơm xuống bụng về tổ nhả ra làm mật. Con ong mật có đến năm con mắt. Đôi mắt chính to, có nhiều tròng dùng để quan sát hướng bay và phân biệt các loài hoa. Giữa hai con mắt này có ba con mắt nhỏ nằm theo hình tam giác để hỗ trợ lúc bay. Con ong mật có hai đôi cánh. Đôi cánh trước dày và to hơn phù hợp với bay xa và dùng để “vận chuyển hàng hóa”. Khi bay hai cặp cánh dính vào nhau bởi một màng nhỏ. Ong mật có ba đôi chân. Đặc biệt mỗi chân có đến năm khớp gồm nhiều khúc nhỏ tạo thành bàn chân có rất nhiều sợi lông. Những sợi lông đó như các “bàn tay” vơ phấn hoa “bỏ vào giỏ” mang về tổ. Khi nó về đến các ô “phòng lục giác” trong tổ thì có một con ong khác chờ sẵn dùng đầu vét ủi hết phấn hoa trên mình nó xuống “kho”. Phần ngực con ong là nơi bảo vệ cơ quan nội tạng của nó. Và đây cũng là “kho” chứa “vũ khí tự vệ”. Ở đó có những hạch sản xuất chất độc chuyển ra ngòi chích(2). Ngòi chích của con ong mật có móc câu. Khi ngòi chích chuyển chất độc cắm vào kẻ thù thì móc câu bám chắc vào, ngòi chích đó bị kéo ra khỏi cơ thể con ong và nó sẽ chết.

Loài ong có khả năng tuyệt vời về cảm nhận. Các nhà sinh học đã làm nhiều thí nghiệm để chứng minh rằng, sự nhạy cảm đặc biệt của loài côn trùng này là nó nhận biết các mùi hương khác nhau dù hút gió nhẹ thoảng qua từ các hướng trời xa. Chức năng đó thu hút nó rủ nhau nhanh chóng bay tới nơi đó tìm hoa hút mật. Mỗi đàn ong được “bà chúa” trang bị cho một mùi thơm độc đáo riêng biệt để chúng xác nhận bạn cùng đàn, cùng tổ. Tuy vậy con ong chỉ nhìn nhận được một số màu sắc. Ong nhìn màu đỏ thành màu đen. Nhưng nó lại nhìn được ánh sáng tia cực tím mà mắt người không thể nhìn thấy. Con ong biết sử dụng hình ảnh quang phổ nhận ra nơi tập trung nhiều mật, phấn hoa dày đặc ở vị trí trung tâm của bông hoa để hướng chính xác mục tiêu hút mật.

***

Cho đến nay chưa có một lời nào giải vì sao trong thiên nhiên hoang dã lại có một loài côn trùng bé nhỏ sống chung đàn, chung tổ với nhau mà có “nếp sống trật tự, kỷ cương” như chế độ phong kiến của loài người?

Trong tổ loài ong mật, chúng tách bạch ra ba “giai cấp” rõ ràng. Đứng đầu là “bà chúa”. Bà chúa sống trong “lâu đài” lộng lẫy trung tâm tổ do đàn ong thợ xây nên. Bà có thân hình đẹp rực rỡ. Bà là con ong duy nhất trong tổ sinh ra các thế hệ ong kế tiếp. Tốc độ sinh sản của bà chúa cực mắn. Một ngày, bà có thể cho ra đời từ 2.000 đến 3.000 quả trứng. Trong cuộc đời làm chúa (5-6 năm), bà có thể đẻ ra hơn vài triệu quả trứng. Trứng ong màu trắng nhỏ như đầu mũi kim có hình giống quả lê. Sau năm ngày trứng nở thành ong non. Ong cái sau 20 ngày thì thành các “nàng ong thợ”. Ong đực hơn 25 ngày thì thành nô lệ tình dục” của bà chúa. Trước ngày đó, bà chúa kiểm tra kỹ lũ ong non. Bà lựa chọn trong đám ong đực, những con to lớn, mập mạp bà ưng ý thì để lại; còn nữa bà diệt hết. Trong đàn ong cái, bà nhìn thấy những con ong non đẹp, rực rỡ có dáng dấp làm “chúa”, cũng bị diệt, vì bà cho nó là nguy cơ tiềm ẩn chiếm ngôi báu của bà. Còn trong đám ong thợ, “nàng” nào còn sót lại “nữ tính” bà diệt luôn.

Bà chúa cũng là con ong duy nhất trong tổ có thứ “vũ khí đặt biệt” - nọc độc chích giết chết tức khắc. Thứ vũ khí đặc biệt của bà chúa có uy lực khác hẳn vũ khí thông thường của cả đàn ong thợ. Những con ong thợ khi “chiến đấu” chích nọc đốt kẻ thù thì để ngòi lại giống như kẻ đánh bom tự sát. Còn “vũ khí đặc biệt” của bà chúa thì khi diệt đối thủ rồi, bà thu về nguyên vẹn để phục vụ mưu đồ cai trị suốt đời.

Trong đàn ong cùng tổ, ong đực chỉ chiếm 1% đến 2%. Ong đực là lũ ong vô dụng. Cả cuộc đời của chúng chỉ làm một việc “nô lệ tình dục” cho bà chúa. Trông bề ngoài, con ong đực có dáng hình oai phong nhưng chỉ là lũ yếu đuối, ươn hèn. Gọi là ong nhưng chúng đâu có “vũ khí” tiêm chích. “Vũ khí” của chúng đã bị bà chúa tước hết rồi. Vòi hút của chúng lại ngắn cũn nên không thể tự nuôi thân được. Bà chúa đã triệt tiêu những thứ đó từ ngày ong đực còn là ấu trùng. Phải chăng chúng luôn sống bên cạnh bà, nên bà phòng hiểm họa phản phúc? Vì thế ong đực “đoản thọ” nhất. Con nào “thọ” nhất cũng chỉ lay lắt kéo dài được vài tháng. Vì sau khi bà chúa gọi vào “phục vụ”…, ong đực cạn kiệt chức năng giới tính, sức tàn lực hết bị đẩy ra khỏi tổ, chết.

Thường vào những ngày đẹp trời, nắng ấm, bà chúa bay ra dạo chơi ngắm hoa vãn cảnh, bà gọi bầy ong đực tháp tùng, phục vụ… Khi bà chúa thỏa thuê thong dong vẫy cánh bay về tổ thì những con ong đực chỉ còn sức bay loạng choạng quanh tổ vài vòng như để vĩnh biệt đàn rồi gục đầu xếp cánh về với đất. Các nhà khoa học nghiên cứu về loài ong mật đã nói rằng “cuộc sống của các ‘trang nam nhi’ trong xã hội ong thật là bi thương và vô vị! Chúng chỉ có một tác dụng làm công cụ duy trì nòi giống”.

Trong “xã hội phong kiến” cực đoan nghiệt ngã của đàn ong mật, ong thợ chiếm đến 98%. Chúng là những nàng ong tội nghiệp, “nữ tính” của chúng đã bị bà chúa triệt tiêu khi còn là ấu trùng. Chúng hoàn toàn không có khả năng sinh đẻ. Chúng là đội thợ chủ lực cần mẫn đến quên mình để xây nên tổ. Chúng là đội “nữ binh thiện chiến” để bảo vệ tổ. Hằng ngày các nàng ong thợ bay đi tìm hoa lấy phấn, hút mật. Các nàng đã dùng chất tiêu hóa của mình với một chất “dịch kỳ bí” trong cơ thể để luyện thành mật ong. Các nàng ong tạo chất enzyme trong mật để hóa giải các độc tố trong thiên nhiên và cả các loại hóa chất con người phun vào cây cối. Các nàng ong thợ còn sản sinh ra một chất sền sệt có mùi thơm từ các hạch trên đầu gọi là sữa ong chúa. Loại sữa đó chỉ dành riêng cung phụng bà chúa, nuôi bầy ong non và vỗ béo lũ ong đực chuyên làm “nô lệ tình dục” cho bà chúa. Một nàng ong thợ mỗi ngày phải bay xa tổ 5-7km để tìm nước, tìm hoa. Trên chặng đường đó các nàng ong phải ghé qua vài trăm bông hoa trước khi về tổ. Cả cuộc đời, một nàng ong thợ phải cần mẫn tìm đến hơn 4.000 bông hoa mới có thể tạo ra được một thìa cà phê mật ong. Những nàng ong thợ trong tổ muốn tạo ra được 0,5kg mật thì phải bay tới gần 90.000km tìm mật trên gần 3 triệu bông hoa đem về. Tốc độ bay của ong mật khoảng 24km/giờ, và tần số vỗ cánh của chúng là 11.000 lần mỗi phút. Các nàng ong thợ còn là đội “bảo vệ an ninh” của tổ ong. Hằng ngày chúng chia nhau bay “tuần tra thám sát” quanh tổ và rà soát các tầng cây, hốc đá để phát hiện lũ “ong thổ phỉ” giấu mặt, rình mò chờ lúc sơ hở xông vào tổ cướp mật ăn con non. Khi phát hiện ra chúng, “đội nữ binh” gọi nhau đến bao vây giết chết.

Trong tổ ong, bà chúa phân chia các nàng ong thợ thành nhiều nhóm. Mỗi nhóm có trách nhiệm rõ ràng: nhóm phục vụ “lâu đài” bà chúa, nhóm nuôi con non, nhóm hằng ngày dọn vệ sinh thu gom xác ong chết vất ra ngoài tổ, nhóm phục dịch lũ ong đực… Nhưng nhiệm vụ đặc biệt nhất là nhóm canh gác cửa tổ. Nhóm này khi phát hiện “ong thổ phỉ” kéo đến, các “nữ chiến binh” lập tức phát ra một thứ mùi “báo động chiến đấu”. Cả đàn ong kéo ra vòng ngoài lập thành “phòng tuyến” tầng tầng lớp lớp bao bọc quanh tổ. Chúng giương vũ khí - nọc tiêm chích - ra chống đỡ. Một số “nữ binh” kết cánh, ken chân nằm lấp kín các cửa tổ để chặn đường lũ ong kẻ cướp xâm nhập vào.

***

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng thế giới của loài ong mật còn đầy những kỳ bí. Nó là “nhà toán học” kiệt xuất trong lĩnh vực tính toán xây dựng. Nó xây được những “tòa tổ” đúng quy tắc kết cấu hợp lý nên rất bền vững bởi nhiều mảnh tổ xếp theo thẳng góc với mặt đất. Mảnh tổ có hình lục giác đều nhau xây bằng những vẩy sáp do các ong thợ tiết ra từ tuyến sáp. Tổ ong có hình lục giác rất giống thân hình con ong. Nghệ thuật xây tổ thuộc bản năng kỳ diệu của loài ong mật. Điều kỳ lạ nhất là cấu trúc trong tổ loài ong mật được hình thành hàng chục ngàn ô nhỏ theo mô hình lục giác bằng sáp ong giống hệt nhau như có một khuôn mẫu. Trong đời sống “xã hội phong kiến”, loài ong mật biết phân chia rành rọt từng khu vực ở, công việc làm rất hợp lý. Ba “giai cấp” được khu trú ba nơi ở khác nhau, thức ăn khác nhau, sự phục vụ cũng rất khác nhau. “Bà chúa” không để xảy ra một sai số nào.

Loài ong mật còn là những “nghệ sĩ khiêu vũ” tài hoa. Sau khi thu lượm được phấn thơm mật ngọt mang về giao thành quả vào kho, các nàng ong thợ vui mừng bay lượn nhảy múa quanh tổ để thông tin cho đồng loại về chuyến đi. Các nàng bay vòng tròn quanh tổ, lúc liệng về phải, lúc nghiêng cánh chao vòng qua trái. Vũ điệu này, nàng ong thợ muốn thông tin cách xa tổ vài quả đồi có hoa. Vũ điệu bay lượn theo hình số tám là “ngôn ngữ” gọi đàn bay nhanh tới vùng núi xa hơn có rừng hoa đang nở. Còn vũ điệu các nàng ong thợ hối hả nhào lên lộn xuống quanh tổ rồi bay cuộn khúc trước cửa tổ là thông tin cho đồng loại: có lũ ong “thổ phỉ” đang rình rập.

Các nhà nghiên cứu còn cho ta biết thêm nhiều điều thú vị. Loài ong mật từ ngàn xưa đã có vai trò lịch sử góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp của con người. Hằng năm vào những mùa hoa lúa, hoa ngô…, hàng triệu “nàng ong thợ” mải mê thụ phấn hoa cho những cánh đồng ngô, lúa, cho những rừng cây ăn quả. Nhờ vậy mà nền nông nghiệp của nước Mỹ mỗi năm thu thêm hàng tỉ đôla. Thêm một điều cực kỳ mới mẻ nữa, đó là trong các đường bay thiên lý của cuộc sinh tồn, loài ong mật đã góp sức giúp con người giữ cuộc sống bình yên. Điều ấy cơ quan an ninh nhiều nước đã nhìn nhận được trong các mẫu nhụy hoa, bụi phấn hoa các “nàng ong thợ” lấy được từ nhiều nơi xa lạ. Từ đó họ đã xác minh được những vùng có bụi hóa chất độc hại, có bụi các lò bí mật chế tạo bom, mìn… Và, đặc biệt là phát hiện ra những vùng đất có bụi phóng xạ. Các nàng ong cũng đã cõng được những thiết bị khoa học tinh vi, kể cả camera cực nhỏ đến những miền núi non hiểm trở để giúp con người trong việc giữ bình yên cuộc sống.

… Mùa xuân - mùa non ngàn nở hoa. Các nàng ong thợ mải mê hút mật. Chúng tôi, những người lính biên phòng đi tuần tra trên các nẻo rừng để giữ bình yên miền cương thổ được gặp các “nàng ong”. Ánh sao lấp lánh rừng xuân như vẫy chào với niềm vui ngọt ngào và thân thiện…

 

_____

(1) Kinh Thánh ghi nhận Solomon là vua Vương quốc Israel và Jordan, ông là người xây đền Solomon ở Jerusalem (theo Bách khoa toàn thư mở).

(2) Chất độc làm tan hồng cầu, phá hủy màng tế bào, làm thoái hóa các hạt bạch cầu, gây độc thần kinh, tủy sống, kích thích cơ bắp co giật… (theo báo Sức khỏe & Đời sống).

TRẦN HỮU TÒNG