HV123 - Tết Quang Trung giữa lòng Sài Gòn

Trước cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân của lực lượng cách mạng, tập thể thanh niên - sinh viên - học sinh Sài Gòn đã thực hiện một đêm trình diễn văn nghệ quy mô lớn mang tên Tết Quang Trung, xem như ngòi pháo xung kích mở màn trận chiến ở Sài Gòn. Đêm văn nghệ này là một dạng “nổi dậy”, một cuộc tổng diễn tập huy động lực lượng quần chúng chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Chúng tôi là những diễn viên sinh viên trong Đoàn văn nghệ sinh viên - học sinh của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn do anh Trương Thìn làm đoàn trưởng và chỉ đạo về nội dung ca nhạc, anh Tùng Linh làm biên đạo múa cùng các nhạc sĩ trẻ Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Miên Đức Thắng…

Vào những đêm sau 20 tháng chạp âm lịch, chúng tôi lưu diễn qua các đại học Khoa học, Y khoa, Sư phạm, Văn khoa… Có đêm phải diễn cả 2-3 trường, chúng tôi phải mặc nguyên áo quần diễn cùng lên xe lam di chuyển từ trường này đến trường khác.

Đêm 26 tháng chạp giáp Tết Mậu Thân, đoàn chúng tôi đã mời các đoàn bạn như Đoàn văn nghệ Bừng Sáng, ban đồng ca của học sinh Cao Thắng cùng các đại học và học sinh các tỉnh kế cận cùng tham gia tổ chức một đêm văn nghệ lấy tên là Tết Quang Trung. Để che mắt chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ, chúng tôi lấy lý do ngày xưa vua Quang Trung cũng đã xuất quân tốc hành từ Tết Mậu Thân (ngày 22-12-1788). Ông đã lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, lấy niên hiệu Quang Trung và ra lệnh xuất quân, tiến ra Bắc chiến thắng quân Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long...

Địa điểm tổ chức là sân Học viện Quốc gia hành chánh trên đường Trần Quốc Toản (bây giờ là đường 3 Tháng 2). Giữa rừng cờ đào của nghĩa quân Tây Sơn khắp sân trường, hàng chục ngàn khán giả ngồi xổm trên đất, không có ghế.

Chương trình khai diễn, anh Lê Hiếu Đằng (sinh viên Luật), làm người dẫn chương trình, nói lên ý nghĩa đêm diễn với nội dung kêu gọi lòng yêu nước, hy sinh chiến đấu của toàn dân theo tinh thần Tết Quang Trung. Sau đó là vũ khúc Ải Chi Lăng của tốp nữ sinh viên chúng tôi với áo tứ thân và nón lá, rồi đồng ca bài Thăng Long hành khúc. Xen kẽ giữa các màn ca múa, anh Nguyễn Đăng Trừng (Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn) lên đọc bài hịch Quang Trung kêu gọi tướng sĩ quyết tâm đánh giặc. Tiết mục kế tiếp là đồng ca Hát cho dân tôi nghe của nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Hát từ đồng hoang của Miên Đức Thắng, Người đợi người Làm thân cỏ cú do anh Tùng Linh chỉ đạo...

Các tiết mục đều là những lời ca, điệu múa với nội dung yêu nước, đoàn kết chiến đấu chống xâm lăng với ước nguyện sẽ quyết chiến, hy sinh cho nước nhà độc lập, thống nhất.

Màn hoạt cảnh độc đáo Tiếng trống hào hùng mà anh Tùng Linh đã biên soạn rất công phu trên nền nhạc Hội nghị Diên Hồng của Lưu Hữu Phước, với những tràng trống trận liên hồi như thúc giục vang dội cả sân trường cùng những tiếng hát như gào thét: “Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?”. Cả diễn viên và hàng chục ngàn khán giả cùng hô vang: “Quyết chiến!”. Và: “Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?”. Cả người diễn và người xem cùng hô vang: “Hy sinh!”. Khán giả đứng lên vỗ tay vang dội cả khu phố khiến công an, cảnh sát nhốn nháo chạy ra chạy vào.

Anh Nguyễn Thanh Công (sinh viên Y khoa) đọc bài kêu gọi thanh niên, sinh viên học sinh Sài Gòn hãy tham dự Trại Thanh niên Đống Đa vào chiều mùng 5 Tết Mậu Thân. Anh hô vang khẩu hiệu: “Quang Trung - Đống Đa: Chiến thắng!”.

Buổi trình diễn kết thúc với hợp ca Khúc khải hoàn trong màn diễn hành liên tục lớp lớp cờ đào Quang Trung lên xuống qua sân khấu.

Tiếng gọi đêm văn nghệ Tết Quang Trung là một loại hình “nổi dậy” tuyệt vời, là một cuộc tổng diễn tập việc huy động lực lượng quần chúng chuẩn bị cho giờ tổng tiến công của Tết Mậu Thân. Sau đó, những sinh viên tranh đấu và văn nghệ nòng cốt của chúng tôi đều bị bắt vào Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn giữa hai đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân.

TRẦN TUYẾT HOA