Không có bài hát Mùa xuân đầu tiên thì Văn Cao vẫn nổi tiếng, bởi ông là tượng đài của âm nhạc Việt Nam thời cận đại, tác giả của nhiều bài hát bất hủ trong đó có Tiến quân ca được chọn làm Quốc ca.
Người nghệ sĩ tài hoa ấy còn là họa sĩ, nhà thơ nhiều người mến mộ.
Nhưng Mùa xuân đầu tiên lại là đoạn Coda kết thúc trường ca nhiều phần cuộc đời nhạc sĩ, là khúc vĩ thanh khá đặc biệt.
Mùa xuân 1976, xuân Bính Thìn, mùa xuân đầu sau năm 1975 đất nước thống nhất và nhạc sĩ Văn Cao qua hai mươi năm từ vụ “Nhân văn - Giai phẩm” tưởng đã gác kiếm, ông lại muốn cầm bút ghi lại cảm xúc trong bài hát ông đang nung nấu.
Vừa đúng dịp báo Sài Gòn Giải phóng nhờ ông viết bài hát cho số Xuân Bính Thìn, Văn Cao đã gửi đăng ca khúc Mùa xuân đầu tiên.
Bài hát được hưởng ứng dè dặt, thậm chí có người còn chê ủy mị, không có hào khí chiến thắng. Chẳng hiểu bằng con đường nào Mùa xuân đầu tiên được ấn hành ở Nga và con gái ông đã lĩnh hộ nhuận bút 100 rúp, còn sinh viên Việt Nam tại Nga vô cùng thích thú hát.
Xuân 1985 trong chuyến đi sáng tác ở miền Trung, Văn Cao đã gửi bài Mùa xuân đầu tiên cùng bài thơ về Quy Nhơn và chân dung tự họa cho tỉnh Nghĩa Bình (Bình Định và Quảng Ngãi khi còn nhập tỉnh).
Năm 1988, Hội Nhà văn Việt Nam phục hồi hội tịch cho một số văn nghệ sĩ thời “Nhân văn - Giai phẩm”, nhà xuất bản Tác Phẩm Mới ấn hành tập thơ Lá và nhà xuất bản Trẻ in tập thơ - nhạc khổ rộng mang tên Thiên thai có bài Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao. Tuy vậy, bài hát Mùa xuân đầu tiên vẫn chỉ được hát ở hội diễn quần chúng hoặc được một vài ca sĩ như Quốc Đông, Minh Hoa trình bày và vẫn chưa ra đĩa CD hay lên sóng phát thanh, truyền hình.
Sau hai mươi năm ngừng sáng tác (1956- 1976) rồi hai mươi năm sau khi bài hát Mùa xuân đầu tiên ra đời, mãi khi Văn Cao từ trần ngày 10-7-1995 bài hát mới thực sự phổ biến rộng rãi.
Vào dịp 49 ngày của ông, tốp ca nữ trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội trình diễn Mùa xuân đầu tiên đoạt Huy chương vàng. Cùng năm ấy đạo diễn Đinh Anh Dũng thực hiện phim ca nhạc Văn Cao - Buổi sáng có trong sự thật, ca sĩ trẻ Thanh Thúy đã hát rất thành công Mùa xuân đầu tiên. Từ đó Mùa xuân đầu tiên được dàn dựng song ca, tam ca, tốp ca nữ và được nhiều ca sĩ đưa vào tiết mục xuân trong các chương trình biểu diễn và album nhạc xuân.
So với các bài hát nhịp 3/4 của Văn Cao trước đây như Làng tôi, Ngày mùa thuở ông mới tuổi 25 tràn đầy nhiệt huyết, âm nhạc trong sáng, tươi vui với điệu trưởng thì khi viết Mùa xuân đầu tiên, Văn Cao đã bước vào tuổi 53 từng trải bao sóng gió.
Ông đưa chúng ta cùng đi theo nhịp 3/4 nhưng với điệu thức thứ êm đềm sâu lắng nhiều suy tư, làm ta liên tưởng đến những bài hát Nga kiểu như Cây thùy dương - Ural. Điều đó cũng ít nhiều lý giải tại sao Nga là nơi đầu tiên in Mùa xuân đầu tiên và tại sao sinh viên Việt Nam tại Nga lại đón nhận nhiệt tình đến thế.
Bài hát mở đầu phong cảnh mùa xuân rất Việt Nam “Có én về”, “Khói bay trên sông”, “Gà đang gáy trưa bên sông”…
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh.
Bài hát dẫn dắt lên cao trào với những nốt nhạc cao réo rắt da diết:
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người
Văn Cao đã gửi một thông điệp đầy chất nhân văn với tình nghĩa đồng bào, tình yêu quê hương, tình nhân loại yêu hòa bình - một đề tài muôn thuở của các nghệ sĩ vĩ đại. Văn Thao, con trai ông, kể lại: “Cha viết bài này mừng đất nước thống nhất, nhân dân mình đoàn tụ”.
Và người nghe mãi mãi ghi sâu câu nhạc bất hủ “Từ nay người biết yêu người” để thương yêu nhau nhiều hơn và tin rằng người nghệ sĩ lớn ấy dù trải qua đau khổ bất hạnh vẫn vượt qua và gửi lại hậu thế bài hát cuối cùng - khúc hát thiên nga về mùa xuân tràn ngập yêu thương.