Những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, trên một số trang mạng và trong dư luận bạn bè ở trong và ngoài nước chú ý tới một bức thư của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường có nội dung xin lỗi về những điều ông đã trả lời phỏng vấn trong bộ phim tài liệu Việt Nam, một thiên sử truyền hình của Mỹ sản xuất năm 1981. Tôi đã xem phim ấy và đã đọc lá thư xin lỗi của ông Tường do nhà văn Nguyễn Quang Lập công bố nóng hổi trên mạng. Xin tạm gác mối quan hệ anh em ruột thịt để nhìn mọi việc một cách tỉnh táo, trung thực và để có thể hiểu được sự thực.
- Sự thực là trong chiến dịch Xuân Mậu Thân, ông Tường tuy có “xuống núi” nhưng không hề vào đến thành phố Huế mà chỉ ở tại một căn cứ tương đối an toàn và xa chiến trường để đón tiếp các nhân sĩ trí thức như Hòa thượng Thích Đôn Hậu, bà Nguyễn Đình Chi, tiến sĩ Lê Văn Hảo, cụ Nguyễn Đóa... Về sau, ông Lê Văn Hảo sang định cư ở Pháp và công tác tại bảo tàng Louvre ở Paris đã xác nhận điều này với một số bạn bè và cơ quan truyền thông nhưng cho tới bây giờ, những người có ác ý vẫn phớt lờ sự thật đó, tiếp tục vu cáo ông Tường vào thành phố Huế, mở tòa án nhân dân và là đồ tể giết người không gớm tay.
- Khi trả lời phỏng vấn trong phim Việt Nam, một thiên sử truyền hình, ông Tường đã xưng chúng tôi hoặc tôi như là người có mặt tại chiến trường thành phố trong khi ông không hề trực tiếp tham dự. Có lẽ khi ấy ông Tường cho rằng đây là cơ hội để phát biểu thay những người trong cuộc vốn không có cơ hội tiếp cận với truyền thông nước ngoài. Nhưng trong nghề văn, nghề báo tác giả có thể lấy tư liệu từ thực tế của những người trong cuộc chứ không nhất thiết phải là người trong cuộc, miễn là không nói sai sự thật. Nếu cho rằng cách xưng chúng tôi hoặc tôi trong đoạn trả lời phỏng vấn nói trên là sai thì bất quá chỉ là vấn đề chữ nghĩa chứ không thể xem là bằng chứng của tội ác và cũng không cần phải có một lá thư xin lỗi nghiêm trọng đến thế.
- Ngôn ngữ phát biểu của ông Tường khi trả lời phỏng vấn quả là có hơi cứng. Có lẽ khi ấy ông Tường tự đặt mình trong hoàn cảnh chiến cuộc Mậu Thân nên chỉ nhấn mạnh đến nhiệm vụ chiến đấu. Và quả thực tình hình năm ấy (1981) vẫn còn nặng nề u ám không khí chiến tranh, đất nước còn bị thù trong giặc ngoài bao vây cấm vận đến nghẹt thở. Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan... liên thủ tấn công trên khắp các mặt trận. Ngôn ngữ của thời ấy khác với bây giờ nhiều lắm.
- Điều mà ông Tường chưa nói được (mà thực ra là vì ông Tường không đủ thẩm quyền và trách nhiệm phát biểu) trong trả lời phỏng vấn là cái phần bóng tối có những hành động oan sai, nhầm lẫn hoặc tai nạn ngoài ý muốn... bề nào cũng đã gây đau thương cho một bộ phận đồng bào Huế. Cụ thể như cái chết của các giáo sư người Đức ở Đại học Y khoa Huế; bác sĩ Nguyễn Văn Đệ bị đưa đi phục vụ bệnh viện tiền phương nhưng không thấy trở về; giáo sư Lê Văn Thi dạy Toán ở trường Quốc Học Huế là người có tiếng ham vui chơi nhưng không hề có chính kiến thân Mỹ, chống Cộng gì cả. Sau này đọc cuốn Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca, tôi lại biết thêm một trường hợp đáng tiếc là cái chết của ông Võ Thanh Minh tức nhà thơ Võ Song Thiết, người từng thổi sáo bên hồ Léman ở Thụy Sĩ để cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam năm 1954.
Tuy nhiên đã có một nhân vật tương đối có thẩm quyền và trách nhiệm phát biểu về vấn đề này. Đó là ông Lê Minh, bí danh Tư Minh, nguyên chỉ huy trưởng chiến trường Trị Thiên Huế trong chiến dịch Mậu Thân, đã không né tránh trách nhiệm về những sai lầm này của phía cách mạng. Ông từng phát biểu công khai trên báo: “Nếu có một người bị oan sai thì phải minh oan cho một người. Có trăm người thì phải minh oan cho cả trăm”.
Đáng tiếc là ông Tư Minh chỉ nói thế rồi bỏ đó và cho đến nay những người trong cuộc có trách nhiệm và thẩm quyền cao nhất hầu hết đã qua đời. Những người kế tục càng khó có thể gánh vác trách nhiệm này. Có người đề nghị tổ chức một lễ truy điệu chung cho đồng bào chiến sĩ nạn nhân trong chiến cuộc nhưng cũng không thực hiện được. Do đó oán khí càng nặng. Giá như những người trong cuộc có trách nhiệm kịp thời giải mã những nỗi đau, nỗi oan, cái được cái mất ấy của đồng bào Huế thì cái “hậu Mậu Thân” đã không đến nỗi kéo dài và khó chịu như hiện nay. Trong khi đó, bên Mỹ có tên cựu thiếu tá cảnh sát Liên Thành cứ đem bao nhiêu ân oán giang hồ từ những mùa đấu tranh của đồng bào Phật giáo đổ lên đầu ba anh em chúng tôi là Hoàng Phủ Ngọc Tường - Hoàng Phủ Ngọc Phan - Nguyễn Đắc Xuân. Thế là 50 năm qua, cả ba người chúng tôi đã trở thành những con vật tế thần, giơ đầu chịu báng. Đây cũng chính là điều ông Tường cảm thấy bức xúc, phải lên tiếng để giải tỏa cho mình.
Có điều nếu trong cuộc trả lời phỏng vấn năm 1981 ông Tường dùng ngôn ngữ hơi bị cứng thì trong thư xin lỗi vừa qua, ngôn ngữ của ông lại quá mềm. Đúng ra ông chỉ cần khẳng định mình không có mặt trong thành phố Huế và không hề giết người là đủ, chứ cần gì phải “ngàn lần xin lỗi”?
Ông Tường bị tai biến từ năm 1998, nằm liệt giường từ 20 năm nay. Và hơn nửa năm nay, ông phải dùng thức ăn lỏng do bệnh viện cung cấp hằng ngày. Đồ ăn thức uống phải bơm qua ống nhựa vào thẳng dạ dày. Ông phát âm không chỉ khó nghe mà không thể nghe được. Tôi ngồi bên cạnh, cúi xuống ghé tai thật gần mà cũng bó tay.
Vậy mà cái thư xin lỗi vừa qua mở đầu bằng câu: “Tôi đọc cho con gái những dòng này...” v.v… và v.v... Thật là khó mà tưởng tượng nổi ông Tường làm sao để diễn đạt được một cái thư cay đắng như thế qua ngôn ngữ ấm ứ trong cổ họng? Thư ấy được công bố từ nguồn của Bọ Lập tức nhà văn Nguyễn Quang Lập. Trong thư quả có một phần hơi hướm ngôn ngữ quen thuộc của ông Tường nhưng không biết có bao nhiêu câu chữ đã qua bàn tay biên tập của Bọ Lập? Ông Lập vốn rất quý mến ông Tường nên tôi không nghĩ rằng ông Lập có ý gì xấu làm hại ông Tường. Nhưng ông Lập là nhà văn dám nói thẳng nói thật những điều khác chính kiến. Và cái cách ông Lập giúp ông Tường giải trừ oan khiên thì thực tế đã phản tác dụng. Những kẻ ác ý không những không ngừng vu cáo mà còn thừa thắng xông lên. Cuộc chiến tranh mạng này sẽ không có điểm dừng. Nói “Chuyện dài Mậu Thân - Huế” chính là sự không có điểm dừng này.
Ông Tường nay đang ở vào những ngày cuối đời. Rất mong đừng ai bắt ông phải gánh chịu thêm những chuyện thị phi vốn đã quá nhiều. Năm ngoái ông Tường bệnh nặng ở Huế suýt đã ra đi. Tôi đã về Huế lo hậu sự. Trong phần chuẩn bị hậu sự đó có mấy câu thơ của tôi viết để tặng ông:
“Thức suốt đời người viết chữ TÂM
Chữ ấy dường như đã viết xong
Gửi lại dòng Hương lời giã biệt
Một vừng trăng trong vắt lòng sông”
Anh Tường ơi! Cứ yên tâm dưỡng bệnh đi nhé. Mọi việc đâu còn có đó. Và vẫn còn có em đây - đứa em luôn luôn vững vàng trong mọi cuộc chiến đấu.