HV124 - Chuyện vui về các con số

Công dụng của con số

Quan niệm về con số được hình thành và phát triển trong cuộc sống, sản xuất của nhân loại. Nếu như không có con số thì thế giới hỗn loạn biết chừng nào!

Quan niệm và ký hiệu kết hợp với nhau thì đẻ ra con số, đẻ ra toán học, và có thể thực hiện công dụng cơ bản của con số là tính toán. Nhưng ngoài công dụng cơ bản này ra, con số còn có những công dụng khác.

Con số làm phong phú ngôn ngữ. Thành ngữ Việt Nam và Trung Quốc sử dụng nhiều con số. Ví dụ: ba vuông bảy tròn, ba đầu sáu tay, chín đụn mười trâu, chín phương trời mười phương đất, năm lần bảy lượt, tam tòng tứ đức, vạn cổ thiên thu, tam cương ngũ thường, cửu tử nhất sinh…

Một số thực vật được dùng con số để đặt tên: cây tam thất, hoa mười giờ, hoa cúc vạn thọ, hoa lan bát tiên, lan bách tuế… Một số địa danh có tên là những con số: núi Ngũ Hành, núi Tam Đảo… Một số danh nhân cũng được dùng những con số để gọi: Tam kiệt, Tứ kiệt, Ngũ bá, Lục quân tử, Trúc Lâm thất hiền…

Trong thi ca, dùng con số một cách thích hợp sẽ làm cho ý thơ thêm dào dạt. Về mặt này, bài Tuyệt cú của Đỗ Phủ là một ví dụ nổi bật: “Lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu/ Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên/ Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết/ Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền” (Hai con chim hoàng anh hót trong liễu biếc/ Một hàng cò trắng bay lên trời xanh/ Song cửa ngậm tuyết nghìn năm núi Tây Lĩnh/ Ở cửa đậu vạn dặm thuyền của Đông Ngô). Hay như, tương truyền rằng vua Càn Long đi kinh lý vùng Giang Nam, nhìn thấy một con cá bơi dưới sông, liền lệnh cho đại thần Kỷ Hiểu Lam làm bài thơ có chứa 10 chữ “Nhất”. Kỷ Hiểu Lam liền đọc: “Nhất phàm nhất tương nhất ngư chu/ Nhất cá ngư ông nhất điếu câu/ Nhất phủ nhất ngưỡng nhất đốn tiếu/ Nhất giang minh nguyệt nhất giang thu” (Một buồm một chèo một thuyền câu/ Một ông câu cá một cần câu/ Một cúi một ngẩng một trận cười/ Một sông trăng sáng một sông thu).

Con số “3” lý tưởng

Người Hy Lạp cổ đại coi con số 3 là số hoàn mỹ, nói nó là “sự bắt đầu, thời kỳ giữa và giai đoạn kết thúc”, do đó nó linh thiêng. Trong thần thoại Hy Lạp, có 3 vị thần thống trị thế giới, đó là thần tối cao Zeus, thần biển Poseidon và thần âm ty Hades. Thần Zeus tay cầm ngọn sét có 3 chạc, thần Poseidon múa chiếc kích có 3 nhánh, còn thần Hades dắt con chó có 3 đầu. Nữ thần cũng có 3 loại: nữ thần vận mệnh, nữ thần phục thù và nữ thần sắc đẹp…

Thời xưa, văn hóa phương Tây cho rằng thế giới gồm 3 thứ hợp thành: đất, biển và trời; thế giới tự nhiên gồm 3 loại: động vật, thực vật và khoáng sản; thân thể con người gồm 3 phần chính: thân thể, tâm linh và tinh thần; con người cần có 3 tri thức: lý luận, thực dụng và phân biệt…

Ở Trung Quốc, con số 3 có tính chất triết lý sâu sắc. Trong Kinh Dịch, ba gạch (khi liền, khi đứt) kết hợp với nhau thành quẻ tượng, tượng trưng cho vạn vật biến hóa vô lường… Do đó, con số 3 trở nên thần bí, khiến cho các nhà tư tưởng hàng chục thế kỷ nay phải lao tâm khổ tứ. Lão Tử nói: đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật bao quát ở con số 3, đầu khác giữa, giữa khác cuối, cuối lại không giống đầu. Phật giáo cũng cho con số 3 là quý giá, đại biểu cho tam tài: thiên, địa, nhân. Tam tài hợp nhất tạo thành thế giới.

Đến thời cận hiện đại, tư duy logic của các danh nhân cũng không thoát khỏi con số 3. Hugo nói: “Trí tuệ con người cần nắm vững 3 chìa khóa: một chìa mở ra toán số, một chìa mở ra mẫu tự, một chìa mở ra ký hiệu âm nhạc”. Sécnưsépxki nói: “Muốn làm cho con người trở thành có giáo dưỡng, cần phải có 3 phẩm chất: tri thức uyên bác, tập quán tư duy và phẩm tiết cao thượng”. Einstein tổng kết 3 kinh nghiệm thành công: làm việc gian khổ, phương pháp chính xác và ít nói suông.

Con số “7” thiêng liêng

Một kỹ sư kế toán nước Anh viết cuốn sách Nguồn gốc của con số 7. Tác giả cho rằng ý nghĩa của con số 7 này có thể truy nguồn gốc tới tận 5.000 năm trước. Thời ấy có 7 người ngoài trái đất cưỡi 7 con tàu vũ trụ bay đến thăm trái đất, từ đó trái đất mới xuất hiện 7 kỳ quan, 7 nốt nhạc và câu chuyện Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn. Cuốn sách trên lấy tư liệu của Queter nói với tác giả cuốn sách rằng: “Tôi đến trái đất vào lúc 7 quái nhân từ trên trời bay xuống địa cầu”. Người này còn miêu tả khá kỹ về 7 con tàu vũ trụ. Ông ta nói: “Tôi phát hiện ra rằng câu chuyện 7 người từ trên trời bay xuống đã có từ mấy nghìn năm trước, vả lại khắp nơi trên thế giới đều có những truyền thuyết tương tự”.

Các truyền thuyết mà Queter nói chí ít có: người Maya ở châu Mỹ cho rằng tổ tiên của họ đến từ hang động, trong 7 hang động có 7 vị thần tiên; dân tộc Hán Trung Quốc có câu chuyện 7 tiên nữ giáng trần; dân tộc Tạng Trung Quốc cho rằng những người khai sáng cho nhân loại là 7 vị quốc vương đến từ 7 hành tinh khác nhau; trong tôn giáo của các phái ở Trung Đông có 7 thiên sứ đến từ 7 thiên quốc.

Thật là thú vị, con số 7 đến từ ngoài vũ trụ, bây giờ lại bay lên trời: Sau khi chiếc Boeing của Mỹ bay thử thành công, công ty Boeing đưa đi kiểm nghiệm. Số phiếu kiểm nghiệm hợp quy cách lại chính là 70700. Do nhiều người Mỹ tin rằng con số 7 là con số hên, nên công ty Boeing quyết định lấy số 707 làm con số tiêu biểu cho loại máy bay phản lực đầu tiên của Mỹ. Về sau, họ tiếp tục sử dụng những con số như 727, 737, 747, 757, 767.

Đạo Do Thái cho rằng 7 ngày có một ngày nghỉ - thứ bảy. Cứ 7 năm có một năm nghỉ ngơi không cày cấy. Cứ 7x7 = 49 năm sẽ tổ chức một đại lễ. Một năm có 3 ngày lễ, mỗi lần nghỉ 7 ngày.

Đạo Phật có truyền thuyết Thích Ca Mâu Ni 7 ngày đốn ngộ tu thành chính quả. Kinh Phật cho rằng vạn vật đều do thổ, thủy, hỏa, mộc, phong, không (không gian) và thức (tri thức) tạo thành. Theo tập quán của đạo Phật, con người sau khi chết phải cúng vào ngày thứ 49 (7x7).

Vì sao con số 7 lại linh thiêng như thế? Có thuyết cho rằng đời sống của con người đều liên quan đến 7 hành tinh: mặt trời, mặt trăng, kim tinh, hỏa tinh, mộc tinh, thổ tinh và thủy tinh.

Con số “9” thần bí

Con số 9 có quan hệ mật thiết với truyền thuyết, thần thoại cổ đại. Trong tiếng Hán, chữ “cửu” (số 9), trông giống con rồng, con rắn, sau diễn biến thành ý nghĩa “thần thánh”. Trung Quốc gọi các số lẻ là “số dương”, số 9 là số cao nhất của số dương, nên được gọi là “thiên số”. Vì thế số 9 tượng trưng cho ý nghĩa cao nhất, rộng nhất, sâu nhất, lạnh nhất. Đã là thiên số, nên nó tượng trưng cho giới hạn cuối cùng của sự vật. Người Trung Quốc cổ đại coi nó là con số cát tường. Trong tiếng Hán có “cửu sách”, “cửu sơn”, “cửu tuyền”, “cửu trùng”…

Tiếng Hán, số 9 đồng âm với chữ “cửu” (lâu dài), vua chúa phong kiến mong trường sinh bất lão, sống được “vạn tuế” (vạn tuổi) và mong vương triều của mình được vĩnh cửu nên càng sùng bái con số 9. Con số này dần trở thành tượng trưng cho quyền lực. Kiến trúc cổ Trung Quốc thể hiện rất rõ. Điện Tam Đại ở Cố Cung cao 9 trượng 9 thước, điện Bài Vân ở Di Hòa Viên cũng cao 9 trượng 9 thước… Cố Cung có 9990 gian nhà, các cửa lớn nhỏ trong Cố Cung đều đóng bằng đinh đồng thau, ngang 9 hàng, dọc 9 hàng, tổng cộng 81 chiếc. Các bậc đá trong điện đều có 9 bậc hoặc bội số của 9. Thiên đàn có 3 tầng, tầng cao nhất đường kính là 9 thước, lan can chung quanh ở tầng thấp nhất có 108 cái, tầng giữa là 72, tầng cao nhất là 36, đều là bội số của số 9.

Con số “12” thú vị

Cuộc sống của con người lúc nào cũng gắn chặt với con số 12. Trên mặt đồng hồ, số cao nhất là 12. Một ngày chia ra làm 2 lần 12 giờ, mỗi giờ chia ra làm 5 lần 12 phút, mỗi phút lại chia ra làm 5 lần 12 giây.

Một năm được chia ra làm 12 tháng. Vì sao? Vì một năm có 12 lần trăng tròn. Người Trung Quốc có 12 địa chi, mỗi chi lại được một con vật tượng trưng: chuột, trâu, hổ, thỏ (ở Việt Nam là mèo), rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, lợn. Mỗi con vật đó tượng trưng cho một năm, 12 năm là một giáp, là chu kỳ của 12 chi. Người phương Tây cũng chia hoàng đạo ra thành 12 cung và gọi các chòm sao ở mỗi cung bằng những cái tên khác nhau.

Người Hy Lạp cổ đại có cách dùng con số 12 rất đặc biệt. Họ cho 12 là do 3x4 mà thành. Con người có 3 phương thức phản ứng (tức cá tính): phản ứng tích cực, không phản ứng và phản ứng bình thường. Còn con số 4 là 4 vật chất cơ bản: thủy, thổ, khí và hỏa.

Trong thần thoại Hy Lạp, thần Zeus chạy quanh mặt trời một vòng là 12 năm. Người ta coi con số 12 là tốt lành, may mắn, vì họ tin rằng cứ cách 12 năm thì Zeus lại mang vận may đến cho họ.

Con số “13” hung dữ

Nhiều người ở Âu - Mỹ rất kỵ con số 13. Trong tiệc, không ngồi 13 người một mâm, cũng không ăn 13 món; số cửa, số tầng của các tòa nhà lớn không dùng con số này, trên tầng 12 là tầng 14. Hải quân rất ghét tàu số 13. Đồn rằng Tổng thống Roosevelt của Mỹ không bao giờ khởi hành vào ngày 13. Con số 13 từng là bóng đen khủng khiếp đối với cơ quan NASA của Mỹ: con tàu Apollo số 13 phóng lên vũ trụ ngày 13-4- 1970 bị vỡ tan tành.

Vì sao người ta lại sợ con số 13? Hy Lạp cổ ghét con số này vì nó là số “không hoàn chỉnh”. Sử sách ghi rằng Adam và Eva ăn trái cấm vào ngày 13. Theo Kinh Thánh, Jesus và các tông đồ đang ăn “bữa tối cuối cùng”, bỗng có người thứ 13 xuất hiện, ngay sau đó Jesus bị bắt, bị đóng đinh lên cây thập tự cũng vào ngày 13. Vì những nguyên nhân trên, lâu dần, người phương Tây “mắc bệnh” sợ con số 13.

Ở phương Đông, một số nước như Nhật Bản, Triều Tiên đều ghét con số “4” như người phương Tây ghét con số “13” vậy, vì con số 4 (tư) phát âm giống chữ “tử” (chết), nên coi con số 4 là xui xẻo.

(Tổng hợp từ các báo nước ngoài)

LÊ HUY TIÊU