HV124 - Thủ tướng PHAN VĂN KHẢI ra đi

Thủ tướng Phan Văn Khải (sinh năm 1933, quê ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) đã từ trần ngày 17-3-2018 tại quê nhà, thọ 85 tuổi. Cả nước cử hành quốc tang. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban lễ tang.

Nhân dân cả nước, đặc biệt nhân dân Nam Bộ, TP.Hồ Chí Minh xúc động tiễn đưa ông về nơi an nghỉ ở xã Tân Thông Hội, Củ Chi - nơi ông thường uống cà phê sáng cùng các lão nông trong xã.

Tạp chí Hồn Việt, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xúc động nghiêng mình vĩnh biệt ông.

HỒN VIỆT

Ông là một người hiền hòa, dễ mến, khiêm nhường... nhưng đủ quyết đoán để đổi mới và điều hành đất nước. Xuất thân từ một thiếu nhi kháng chiến, ông ra Bắc học Bổ túc Công Nông, rồi qua Liên Xô học kinh tế kế hoạch hóa. Ông làm Chủ tịch TP.Hồ Chí Minh năng động và đổi mới, sáng tạo, rồi ra Bắc, thăng dần đến Thủ tướng (từ năm 1997 đến 2006).

Còn nhớ dạo ấy, lúc ông Kiệt làm Thủ tướng, ông làm Phó. Trong thành phố này có một đoàn do hai cụ Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng dẫn đầu, ra Hà Nội để hội thảo phê phán bộ Bách khoa toàn thư quá nhiều sai lầm. Chúng tôi được ông Sáu Dân bố trí ở nhà số 6 Chùa Một Cột. Ngày ngày ông ăn cơm cùng chúng tôi, sáng, trưa, tối và trò chuyện thân tình. Vì quý mến cụ Giàu và cụ Bạch Đằng.

Một hôm, ông Sáu Khải qua chơi, trò chuyện, ông hỏi chúng tôi:

- Có nên lập Viện Hàn lâm không?

Cụ Giàu ưng ý lắm, tán thành ngay. Nhưng tôi đành trái ý cụ mà phản đối, nói rằng:

- Lập Viện Hàn lâm làm gì anh Sáu... Nước Nga hùng mạnh, có Viện Hàn lâm đã đành, nhưng như Mỹ, Nhật họ cũng có đâu, mà khoa học phát triển ầm ầm.

Dự thảo quy định Viện Hàn lâm nằm trên các Bộ Khoa học, Giáo dục…, chỉ đạo tất cả. Vậy thì phải có các Viện sĩ lừng lẫy, ta có đâu. Sau này ông Sáu Khải cho gởi thư đến tôi về việc ấy, tôi cũng trả lời vậy, vì nghĩ đến cái thực chất hơn là cái “hữu danh vô thực” (xin xem thư trích đính kèm).

Khi đã về hưu, có lần ông Sáu Khải và anh Mai Thúc Lân nhà tôi được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh mời đi thăm Bà Nà. Tôi chỉ là người đi theo. Lúc ấy chưa có cáp treo. Đi xe lên đỉnh, nghỉ chân, tôi có đề nghị ông Sáu Khải trả lời vài câu phỏng vấn cho Hồn Việt. Nhưng ông từ chối, ý đã rời chính trường rồi, không còn muốn bàn luận, dây dưa…

Vẫn là dáng người hiền từ điềm đạm ấy, ông xuất hiện trong một vài cuộc gặp gỡ cuối năm ở Thành ủy. Dáng càng ngày càng chậm, buồn buồn… Nghe tin ông bệnh - các bác sĩ cho biết là viêm phổi - rồi ra đi. Người anh hùng Củ Chi, người nắm quyền hành pháp đất nước thời mở cửa, đổi mới, sang Mỹ gặp Tổng thống Bush…, để lại một ấn tượng khó quên.

Sóng bạc đầu cuốn trôi tất cả anh hùng hào kiệt về biển Đông… - đó là ý một câu thơ cổ. Tôi chợt nhớ câu thơ ấy, lòng buồn nhớ đến ông và bao người thế hệ ông đã ra đi, mãi mãi không về…

 

 

 

M.Q.L.