HV125 - Chung quanh vấn đề Phạm Quỳnh

Trên tạp chí Hồn Việt số 61 (tháng 8-2012), số 63 (10-2012), số 64 (11-2012), số 79 (3-2014), số 80 (4-2014)…, chúng tôi đã cung cấp tư liệu lịch sử và luận giải về trường hợp Phạm Quỳnh. Những tưởng là chừng ấy cũng đã đủ cho việc đánh giá một con người. Nhưng “nước đời lắm nỗi khắt khe”, một số người cố tình bóp méo sự thật lịch sử, tiếp tục tung hô ông ta là “nhà yêu nước đến tận cùng”, “nhà yêu nước không lay chuyển”, “bậc văn hào, chí sĩ”. Rồi lại tung hô là “danh nhân văn hóa Việt Nam của thời hiện đại”. Thật là mỉa mai. Xét cho cùng, trường hợp Phạm Quỳnh đã lọt vào giữa vòng xoáy của thời sự chính trị hôm nay. Nghiên cứu lịch sử phải căn cứ vào tư liệu, tư liệu là không khí của người nghiên cứu. Số người này, mà tiêu biểu là nhà văn Nguyên Ngọc, hầu như không đưa ra một cứ liệu lịch sử nào hết để bênh vực cho lập luận, mà võ đoán, quyết đoán theo nhu cầu chính trị của mình, cốt đạt mục đích, bất chấp sự thật. Cho nên, nói thật lòng, cách làm ăn này không thể đứng vững. Cách làm này là trái với sự thật lịch sử, là làm liều. Trước chúng ta, đã có biết bao nhiêu lời đánh giá của những bậc chí sĩ đích thực, những nhà hoạt động văn hóa. Họ chẳng chịu một sự hướng dẫn nào mà vô tư nói lên những suy nghĩ của mình. Những tưởng bị “bủa vây” trong công luận như thế, Phạm Quỳnh và những người ủng hộ ông ta chẳng còn gì để có thể nói lại, thế nhưng lợi dụng trào lưu đổi mới và những phức tạp của tình hình hiện thời, họ vẫn cố tình lấp liếm sự thật, tung hỏa mù để làm rối loạn các giá trị.

Mời các bạn đọc lại bài Luận về chánh học cùng tà thuyết đăng trên báo Hữu thanh 1927, và in lại nhiều nơi của cụ Nghè Ngô Đức Kế. Đó là một bài nghị luận tiêu biểu cho tinh thần ái quốc của tầng lớp sĩ phu chân chính một thời. Đó là sự súc tích, chan chứa của tâm huyết và trí tuệ của cả một thời đại. Cụ mắng Phạm Quỳnh là “con đĩ Kiều” (chứ cụ ghét gì Kiều của nhà nho vĩ đại Nguyễn Du). Cụ gọi việc đề cao Truyện Kiều của Phạm Quỳnh là tà thuyết thì đúng quá. Phạm Quỳnh không dám trả lời và khi Phan Khôi chất vấn thì ông ta tránh né, nói rằng không muốn tranh luận với một người mười mấy năm tù Côn Đảo(1). Kể như thế cũng là biết điều. Nhưng kể từ ngày đó, năm 1924, bản chất của Phạm Quỳnh đã được định đoạt. Một người hiền lành như Tản Đà còn nói Phạm Quỳnh “lập thân ám muội”, Ngô Tất Tố nói Phạm Quỳnh đánh bài Tây (nói trắng ra là tay cờ bạc bịp), ngay đến nhóm Phong hóa Ngày nay cũng không ưa gì Phạm Quỳnh và kêu lên: đi về thôi, đi về, ông Phạm Quỳnh. Nhưng đến khi Nhật đảo chính Pháp và lập ra chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim thân Nhật, thì ông Trần Đình Nam, y sĩ Đông Dương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, một nhân sĩ yêu nước, nói rằng: khi ông cho mở két sắt tài liệu riêng của Phạm Quỳnh ra thì ông cho đóng lại và nói “một người phản quốc”(2). Vì sao? Chắc hẳn đó là những báo cáo mật của Phạm Quỳnh cho thực dân Pháp. Ngay Bảo Đại còn nói rằng “Tôi đóng vai trò bình phong, làm phỗng đá, để cho các quan lại cai trị của họ [Pháp] tha hồ làm mưa làm gió. Họ cũng đặt ở các địa vị then chốt những bọn tay sai dễ bảo, bọn trung thành tuyệt đối. Họ đặt cạnh tôi Phạm Quỳnh, như vậy là họ được bảo đảm rồi”! (Đặng Minh Phương, Ông Phạm Quỳnh có công gì với đất nước?, Hồn Việt, số 79, tháng 3-2014), (lúc đó Phạm Quỳnh làm Thượng thư Bộ Lại, gần như đứng đầu chính phủ). Ý nói Pháp đặt Phạm Quỳnh để theo dõi ông ta và báo cáo với Pháp. Còn biết bao chứng cứ nữa, rất đáng tin cậy và GS Nguyễn Văn Trung tập hợp trong 2 cuốn sách Chủ đích Nam phong Trường hợp Phạm Quỳnh, xuất bản năm 1975 tại Sài Gòn. Làm sao phản bác lại các tài liệu này, những tài liệu điều tra xã hội học về những người đương thời với Phạm Quỳnh do một Giáo sư Khoa trưởng đại học (tức Hiệu trưởng đại học) công bố. Thế nhưng người ta vẫn cố tình lờ đi những tư liệu ấy và thậm chí còn bịa tạc ra những cái khác. Mức cao nhất là bịa ra câu nói của Hồ Chủ tịch về Phạm Quỳnh: “Phạm Quỳnh là một nhân vật lịch sử thì hãy để cho lịch sử xem xét”(3). Khi chúng tôi chất vấn lại là Cụ Hồ nói câu đó ở đâu, trong trường hợp nào, có văn bản nào ghi chép không thì không thấy ai trả lời. Chúng tôi cho rằng vấn đề Phạm Quỳnh đã trở thành một vấn đề về quan điểm chính trị. Mà đã nói chính trị tức là phải nói đến lợi ích. Ích lợi cho ai? Cho cả Tổ quốc hay chỉ là cho một số người. Theo dòng suy nghĩ đó, chúng tôi xin nói thêm một vài vấn đề.

1. Giải oan lập một đàn tràng. Cuốn sách này được xuất bản tại Hoa Kỳ, do cái gọi là Ủy ban phục hồi danh dự Phạm Quỳnh xuất bản, bao gồm rất nhiều bài tôn vinh Phạm Quỳnh, kết tội Việt Minh của những người đã từng tham gia chính quyền Sài Gòn cũ. Sách dày 458 trang, xuất bản năm 2001. Bà Phạm Thị Ngoạn, con gái Phạm Quỳnh, người đã bảo vệ luận án tiến sĩ ở Đại học Sorbonne về tạp chí Nam phong của Phạm Quỳnh, sau đó về nước gặp các ông Phạm Tuyên, Giáo sư-bác sĩ Phạm Khuê - nguyên Viện trưởng Viện Lão khoa… bàn việc phục hồi danh dự cho Phạm Quỳnh. Theo tư liệu của Chu Giang Nguyễn Văn Lưu, nguyên Giám đốc-Tổng biên tập NXB Văn học thì các ông có đến các nhà xuất bản, trong đó có NXB Văn học để đề nghị in lại các tác phẩm của Phạm Quỳnh. Theo lời ông, in được một chữ trong nước bằng nghìn chữ ở ngoài. Nhạc sĩ Phạm Tuyên, bác sĩ Phạm Khuê đã tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nhưng trước chữ “phụ tử tình thâm”, và trước những cơ hội của tình hình đổi mới, hòa hợp dân tộc đã quay ra làm việc phục hồi cho cha mình bằng tất cả uy tín và sự kiên nhẫn của mình. Kể ra ai chả thích có bố là một nhà yêu nước lớn và nhà văn hóa lớn nhưng nếu đó chỉ là chuyện trong nhà thì không ai nói làm gì, nhưng chuyện này nó lại dính đến quốc gia đại sự. Nước nhà mà được thêm một nhà yêu nước lớn, nhà văn hóa lớn thì tốt quá, ai chả mong, nhưng sự thực có như thế không, và nếu không phải như thế mà bẻ cong thành như thế, đảo lộn trắng đen, phải trái thì lịch sử phải được viết lại theo một hướng hoàn toàn khác. Đó là điều không ai nỡ làm.

2. Sứ mệnh hai mặt (Double mission). Giải quyết trường hợp của Phạm Quỳnh không thể quên quan điểm quan trọng này của K. Marx về chủ nghĩa thực dân ở phương Đông. Trong một bài viết về Ấn Độ Những kết quả có thể xảy đến cho Ấn Độ do sự thống trị của đế quốc Anh (xem bản dịch trên Hồn Việt số 84, tháng

 8-2014): “Khi chinh phục Ấn Độ, người Anh có hai nhiệm vụ cần làm: một là phá hoại đất nước Ấn Độ, hai là giúp xã hội Ấn Độ được hồi phục, nghĩa là xóa bỏ cái xã hội già cỗi của châu Á và đặt những nền móng vật chất để thiết lập một xã hội kiểu phương Tây ở Á Đông”. Cần nói ngay là Phạm Quỳnh là người thực hiện tốt cái mặt thứ hai đó cho thực dân. Tức là sứ mệnh “khai trí”, “khai hóa”, dùng sức mạnh mềm của một nền văn minh phương Tây đi trước để thống trị Việt Nam. Nhưng thực dân vẫn là thực dân và chủ nghĩa thực dân mặc dầu được che đậy bằng cái vỏ văn minh vẫn là hết sức tàn bạo. Vì thế mới có phong trào chống thực dân Pháp khi nó đặt chân lên Việt Nam trong hàng trăm năm. Do đó nếu ca ngợi Phạm Quỳnh trong cái nhiệm vụ mà ông ta được thực dân cấp tiền và giao phó thì chúng ta còn phải ca ngợi dài dài những đường sắt, đường bộ, bến cảng, nhà hát, trường học, báo chí… những thứ mà thời phong kiến ở Việt Nam không thể có. Ca ngợi một chiều như thế thì chúng ta mang ơn chủ nghĩa thực dân đến đời nào hết. Và như vậy những tác phẩm lên án chủ nghĩa thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc hay chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương của Nguyễn An Ninh, hay biết bao những tác phẩm khác, biết bao tâm huyết của những bậc sĩ phu yêu nước thời đó đều là sai cả ư? Thực ra, đó là “huyền thoại” mà thực dân dựng nên để thống trị, không che lấp được cái thực chất thực dân tàn bạo là bản chất của nó. (Xin xem thêm Nguyễn Văn Trung, Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam - thực chất và huyền thoại, NXB Nam Sơn, 1963).

Chuyện Phạm Quỳnh được cấp lương sáu trăm đồng bạc Đông Dương 1 tháng để làm chủ bút Nam phong do trùm mật thám Louis Marty chỉ huy ai cũng biết, nhưng không phải vì thấy sáu trăm đồng bạc Đông Dương lúc đó là to mà ta kết án Phạm Quỳnh. Mà kết án là ở chỗ ông ta đã dùng cái thông minh của mình (Pháp thực là có con mắt tinh đời để chọn người), để hết lòng làm việc cho Pháp, thực hiện ý đồ của Pháp một cách sinh động, hấp dẫn. Nam phong vừa truyền bá những kiến thức mới về văn hóa phương Tây, vừa chiếu cố đến nền văn hóa dân tộc cổ xưa viết bằng chữ Hán chữ Nôm của cha ông. Làm được việc ấy, chắc chỉ có một Phạm Quỳnh là nghĩ ra được. Nói rằng Phạm Quỳnh chủ trương quốc học, quốc ngữ, quốc túy, quốc hồn thì đó chẳng qua chỉ là nằm trong mưu đồ của thực dân trước cao trào yêu nước của các trí thức Nho học tác động mạnh mẽ đến nhân dân như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Đức Công, Nguyễn Duy Hiệu… Thực dân biết rằng hãy để cho giới trí thức được xả hơi về lòng yêu nước của mình qua tấm mạng che mặt giả dối đó của Nam phong. Các toàn quyền Đông Dương được chính phủ Pháp cử qua đây thống trị đều là những trí thức cao cấp được đào tạo từ chính quốc như Doumer, Varenne, Pasquier, nó hiểu một cách sâu sắc rằng muốn đặt được nền thống trị vững chắc ở xứ này thì nó phải lấy được lòng của tầng lớp sĩ phu đó. Cho nên cụ Ngô Tất Tố mới nói rằng đó là trò đánh bài Tây. Có kẻ nào ngây thơ tưởng rằng dưới ách thống trị cực kỳ hà khắc của đế quốc Pháp, các toàn quyền Đông Dương, các trùm mật thám Marty, Sogny lại để cho Phạm Quỳnh vừa ăn tiền của mình vừa để cho Nam phong cổ vũ cho lòng yêu nước. Đó chẳng qua chỉ là cái mẹo nhỏ, đã mang tiếng bán mình, làm “con đĩ Kiều” cho thực dân, mà lại muốn làm người yêu nước thì khó đấy. Nó kiểm duyệt khắt khe lắm, không để lọt một chữ nào đâu. Mà đây là âm mưu gian xảo của thực dân, để cho Phạm Quỳnh “lóp lép” mấy câu yêu nước cũng chẳng mất gì. Do đó phải nhìn trong toàn cục, nhìn thấu đáy để thấy rõ cái âm mưu thâm độc của thực dân. Và mới hiểu được vai trò của Phạm Quỳnh trong vở kịch đó. Khi ông ta kêu xin hãy cho chúng tôi một Tổ quốc để mà thờ thì GS Trần Văn Giàu gọi đó là chủ nghĩa ái quốc ăn xin là đúng rồi. Còn nhiều đoạn khác nữa nhưng hãy chú ý đến đoạn trích này của Phạm Quỳnh: “Người nước Nam không phải thể hiện ồn ào lòng trung thành của họ đối với nước Pháp. Chỉ cần họ chống chấp nhận sự đô hộ của Pháp. Yêu cầu họ phấn khởi chấp nhận điều đó như một ân huệ của Chúa, hay một ân huệ của Thiên Hựu, tới mức khiến họ quên rằng họ đã từng có một Tổ quốc mà không còn nuối tiếc Tổ quốc ấy nữa, như thế có lẽ là đòi hỏi quá đáng. Nhưng chấp nhận nó như một thực tế phải kính cẩn nghiêng mình và cố gắng moi ra từ thực tế này phần lợi nhất có thể, đó là điều mà họ làm hằng ngày bằng một thiện chí không mệt mỏi” (Phạm Quỳnh, Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932, NXB Tri Thức, Hà Nội, 2007, tr.390-391). Ông Đinh Nho Hoan (có phải là hậu duệ của ông Nghè Đinh Nho Hoàn nổi tiếng thời Lê?) trên tạp chí Xưa và Nay số 486, tháng 8-2017 viết: “Nếu ông Phạm Quỳnh có gửi bức thư như thế này cho toàn quyền Đông Pháp thì ông ta quả là tên phản quốc mạt hạng, đáng bị muôn đời phỉ nhổ”. Nay đã tìm ra đoạn văn ấy là có xuất xứ là viết bằng tiếng Pháp và được dịch và xuất bản thì ông Đinh Nho Hoan nói sao? Nhưng chúng tôi chỉ có thể hoan nghênh lời bình luận xác đáng của ông về Phạm Quỳnh mà thôi. Và hãy đọc thêm câu này: “Ngày nay, không có phân biệt người nào là vị người Pháp, người nào là phản đối nước Pháp, chỉ nên phân biệt người nào là ái quốc, người nào là không ái quốc mà thôi. Ai đã ÁI QUỐC tức VỊ NƯỚC PHÁP, ai PHẢN ĐỐI NƯỚC PHÁP tức là người KHÔNG ÁI QUỐC vì làm cản trở cái công nước Pháp kinh doanh cho giống nòi An Nam được cường mạnh, công ấy đến sau cuộc chiến tranh rất nặng nề khó nhọc hơn nay nhiều”. (Trích theo Nguyễn Văn Trung, Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam - thực chất và huyền thoại, NXB Nam Sơn, 1963, tr.141. Gốc từ Phạm Quỳnh: Luận thuyết về thế lực Nhật Bản ở Tàu, đăng ở Nam phong, số 6). Còn có thể dẫn ra nhiều bài, nhiều đoạn nữa nhưng mà thôi, chừng ấy cũng đủ rồi. Không phải ngẫu nhiên hay vì sai lầm trong “công tác tổ chức cán bộ” mà thực dân Pháp thăng ông chủ bút Nam phong đeo bài ngà Thượng thư Bộ Học, rồi Bộ Lại trong chính phủ Nam triều của Bảo Đại. Vì quyền lợi tối thượng của thực dân Pháp thống trị, họ xét người, cất nhắc người đúng lắm.

3. Thương đồng bạc trắng của Tây cho (Tú Xương).

Nhiều người viết về Phạm Quỳnh trong đó có những cây bút có học thức, thường dẫn câu: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” của Phạm Quỳnh và tán thưởng đó là một câu tôn vinh Truyện Kiều, tôn vinh tiếng Việt tuyệt hay. Nhưng có câu chuyện này xin kể hầu bạn đọc nghe: Khoảng đầu những năm 80 thế kỷ 20, ở khu Trần Phú - Ba Đình có cụ Từ Sơn trên 80 tuổi. Tôi có được gặp cụ vì lúc đó tôi ở nhà số 5 Trần Phú. Cụ là tổng sư ở thành phố Nam Định khi xưa, có biết về câu chuyện Tú Xương vịnh Kiều và cụ có kể lại trên báo. Chuyện rằng: Thực dân Pháp ở Nam Định bày ra trò dùng các quan lại, nhà nho ta tổ chức kỷ niệm Nguyễn Du. Cụ Tú vịnh rằng “Hỡi hỡi Tiên Điền có biết cho/ Hôm qua có kẻ khóc bên mồ/ Khóc đây đâu phải là thương cụ/ Thương đồng bạc trắng của Tây cho”.

Đêm hôm ấy, Tú Xương đi uống rượu ở tại phố Cổng Hậu, lúc về say khướt, cụ bị cảnh sát bắt vào đồn. Cụ bảo: “Tôi khát nước quá, xin các ông một chén nước nào”. Uống xong chén nước, cụ đọc luôn: “Hỡi hỡi nàng Kiều hỡi có hay/ Vì nàng nên tớ phải tai bay/ Nàng còn bán được ba trăm lạng/ Chứ tớ ai mua khố rách này”. Qua đường dây điện thoại cảnh sát báo lên Phòng thành bài thơ trên. Thì lập tức được lệnh thả ngay. (Chắc hẳn vì thấy dây dưa với Tú Xương bất lợi).

Cụ Tú mất năm 1907. Vậy thì ta biết trước đó thực dân Pháp đã bỏ tiền ra kỷ niệm Nguyễn Du, xướng xuất tôn vinh Truyện Kiều để đánh lạc hướng và ru ngủ nhân dân ta trước phong trào ái quốc. Cho đến năm 1924, Phạm Quỳnh mới đọc diễn văn ở Hội Khai trí tiến đức về Truyện Kiều và thốt ra cái câu: Truyện Kiều còn… Mà kết thúc câu ấy, Phạm Quỳnh còn nói: “Có gì mà lo, có gì mà sợ, còn điều chi nữa mà ngờ” (Nam phong số 86, năm 1924). Cái câu nó chính trị trắng trợn như thế, sao có vị còn cố tình hiểu sai? Nghĩa là Truyện Kiều còn đây thì nước ta còn, có gì mà lo nào. Cái câu thực hiện âm mưu của thực dân đánh lạc hướng nhân dân như thế mà giờ đây còn có người không hiểu hoặc cố tình không hiểu, cho là một danh ngôn hay nhất, sâu sắc nhất. Cụ Tú Xương mà sống dậy chắc cũng phải phì cười. Cụ Đặng Thai Mai trong một bài viết về Phạm Quỳnh có phê bình sâu sắc về câu đó và nói Phạm Quỳnh có đủ chữ Tây để bịp dân ta và có đủ chữ Hán để lừa Tây. Cụ Đặng Thai Mai là con của Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn - Đốc học Nghệ An, đồng chí của Ngô Đức Kế, cũng bị tù Côn Đảo nhiều năm, làm sao mà mắc mưu Phạm Quỳnh được.

Lời kết:

Năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Pháp mưu tính quay trở lại Đông Dương. Trong một bức điện gửi cho viên thiếu tá Castella được cử nhảy dù xuống Huế, De Gaulle chỉ thị bắt liên lạc với Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi để thiết lập lại chính quyền Pháp. Chúng tôi cho rằng chính cái bức điện ấy là bản án cho Phạm Quỳnh(4). Chuyện đã xa, xảy ra vào lúc nạn nước cấp bách, bây giờ nhìn lại phải hiểu cho đầy đủ hoàn cảnh và cũng nên cho qua, để lo cho đất nước hiện thời. Ông Phạm Tuyên đã làm như vậy trong 9 năm chống Pháp, “lấy trung làm hiếu”, thì sao bây giờ lại phát động chuyện báo ân báo oán cho cha mình. Còn nhà văn Nguyên Ngọc dùng giải Văn hóa Phan Châu Trinh để tấn phong Phạm Quỳnh là danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại với tất cả hậu ý mà ta đã biết. Nhưng e rằng với tất cả hậu ý đó, nhà văn Nguyên Ngọc cũng khó mà chiêu tuyết được cho Phạm Quỳnh. Ở đây tôi chỉ trưng ra một số tư liệu cho bạn đọc xem xét, nhận định để chúng ta cùng suy nghĩ.

18-4-2018

_____

Có người dẫn lời viên khâm sứ Trung Kỳ Haelewyn ngày 18-2-1945 gửi Toàn quyền Đông Dương Decoux và Trung tướng Mordant, Tổng đại diện và là chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương nói Phạm Quỳnh “quyết liệt tranh đấu cho Việt Nam độc lập”, “không nên hy vọng làm dịu tinh thần ái quốc của ông ta, một tinh thần chân thành và không thể lay chuyển…”. Cần lưu ý rằng, đó là trước ngày Nhật hất cẳng Pháp (9-3-1945), tình hình chính trị trong nước ta hết sức căng thẳng. Phạm Quỳnh bắt đầu rời bỏ Pháp để toan tính theo Nhật. Nhưng chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật không dùng Phạm Quỳnh. Những lời “ái quốc” của Phạm Quỳnh là một ẩn ý chính trị, muốn đánh tiếng để nhảy ra nắm quyền. Nhưng trước sau gì, ông ta cũng là người đi theo ngoại bang (Pháp hoặc Nhật, và được De Gaulle tín nhiệm).

______

(1) Xem Huỳnh Thúc Kháng: Chánh học cùng tà thuyết có phải là quan hệ chung hay không? (Tiếng dân, số 317, ngày 17-9-1930).

(2) Xem Nguyễn Văn Trung: Trường hợp Phạm Quỳnh (NXB Nam Sơn, Sài Gòn, 1975).

(3) Câu này giống với câu của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam trước khi uống thuốc độc tự tử thời Ngô Đình Diệm.

(4) Mật lệnh

Quan tư Castella có nhiệm vụ bắt liên lạc với Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh..., với các lực lượng Pháp hải ngoại (FFE) và các lực lượng Pháp nội địa (FFI) để tổ chức chiếm lĩnh các công sở và thành lập chính quyền thuộc địa ở miền Trung Việt Nam.

Tất cả các FFE và FFI đều phải đặt dưới quyền của quan tư Castella.

De Gaulle.

Nguyên văn tiếng Pháp:

Ordre de mission

Le commandant Castella a pour mission de prendre contact avec Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh…, de prendre liaision aves les FFE et les FFI d’organiser l’occupation et le rétablissement du protectorat sur le Centre d’Annam.

Les forces FFE et FFI doivent se soumettre sous le commandement du Cdt Castella.

De Gaulle.

Mật lệnh này được nhắc đến trong bài Ông Phạm Quỳnh có công gì với đất nước? của Đặng Minh Phương đăng trên Hồn Việt số 79 (tháng 3-2014).

 

* * *

Sau đó sự tiến bộ của tiếng Việt trong thời gian 1920-1940 thì cũng là thành tích của nhiều nhóm nhà văn mà phần đông có tinh thần yêu nước và vẫn chống đối với tư tưởng văn chương của Phạm Quỳnh. Nhưng trong vấn đề bồi dưỡng văn học tiếng Việt này, Phạm Quỳnh đã có đóng góp được công lao gì? Phạm Quỳnh đã làm báo, nhưng chương trình “phục hưng” tiếng Việt của tay chủ bút tờ Nam phong là thế nào? Trong văn chương của Phạm Quỳnh có gì có thể gọi là chủ trương đúng đắn, là lý luận vững chắc? Phạm Quỳnh đã làm Thượng thư Bộ Học, nhưng trong thực tiễn “cụ Thượng Học” đã làm được gì? Trước sau mười mấy năm, Phạm Quỳnh chỉ khai sinh cho cái bằng sơ học yếu lược. Cái cấp học quốc ngữ ba năm ấy đâu phải là đạo bùa cải tử hoàn sinh cho tiếng Việt! Ấy là chưa nói đến nội dung của cái chương trình sơ học yếu lược của y. Ngay từ hồi đó, có người đã phê phán chủ trương của Phạm Quỳnh và cho rằng: nó chỉ làm chậm bước tiến của học sinh. Ý kiến trên đây có phần đúng là ở chỗ Phạm Quỳnh thực tế chỉ nối giáo cho bọn thực dân kìm hãm học tiếng Việt vào cấp sơ học mà thôi. Cuối cùng còn lại một câu nói của Phạm Quỳnh mà ngày nay vẫn còn có người khoái trá ngâm nga: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Một câu lập dị, mới nghe ra tưởng chừng sâu sắc lắm! Nhưng lập dị muốn cảm động, muốn thuyết phục thì ít ra cũng phải có một chút sự thật! Đằng này không! Mọi người có chút lương tri đều biết rằng: nước ta có còn thì tiếng ta mới còn và tiếng ta có còn thì Truyện Kiều mới còn! Phạm Quỳnh sợ nói như thế vì y chỉ là người phát ngôn của Phòng nhì Phủ Toàn quyền. Phạm Quỳnh đã ngụy biện, đã nói dối để che đậy một lập trường chính trị bán nước hại dân. Chân lý giản dị hơn, chân thật hơn, nhưng y không dám nói, vì hoạt động của y sẽ vả vào miệng của y ngay lập tức!”.

(Trích GS ĐẶNG THAI MAI - Tuyển tập, NXB Văn học, 1984, tập 2, tr.90-91)

* * * 

1. Sau giai đoạn xâm chiếm và bình định, bước vo giai đoạn khai thác thuộc địa, Pháp quan tâm hơn các lĩnh vực văn hóa - giáo dục.Năm 1917, lập tạp chí Nam phong, giao cho Phạm Quỳnh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Năm 1919, lập Hội Khai trí tiến đức, giao Phạm Quỳnh làm tổng thư ký.

Người chủ trì hai cơ quan trên là Louis Marty, Giám đốc Sở Mật thám Đông Dương!

Mục đích của Pháp là lôi kéo giới trí thức Việt Nam vào những vấn đề văn hóa - giáo dục để xao nhãng chuyện chính trị.

Phạm Quỳnh phục vụ chủ trương này. Trong Thư cho người bạn đăng trên tạp chí Nam phong số 28, Phạm Quỳnh khuyên người bạn thanh niên “đừng lo chuyện gì khác, như chuyện tự trị, đều là mộng tưởng, hoang đường. Vấn đề hợp thời bây giờ chỉ là giúp Chính phủ Bảo hộ dìu dắt ta. Vấn đề bây giờ là vấn đề giáo dục. Vấn đề chính trị bây giờ chỉ có thế thôi, còn những sự mưu loạn [chỉ các cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của Pháp] to lớn quá, chưa hợp với trình độ quốc dân ta” (trích dẫn theo Nguyễn Văn Trung, Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam - thực chất và huyền thoại, NXB Nam Sơn, Sài Gòn, 1963, tr.145).

Trong lễ kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Khai trí tiến đức tổ chức tối 8-9-1924, Phạm Quỳnh nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, còn điều chi nữa mà ngờ”. Ý nói: Còn Truyện Kiều thì nước Việt Nam vẫn còn, nước Việt Nam đâu có mất, đâu có bị ai chiếm mà khởi nghĩa với kháng chiến! Một câu nói hàm ý xấu. Thế nhưng bọn xấu thời trước cũng như hiện nay lờ đi hậu ý xấu xa chứa đựng trong câu nói đó, khen lấy khen để Phạm Quỳnh có thiện chí bảo tồn ngôn ngữ và văn chương Việt Nam!

2. Phạm Quỳnh giương cao lá cờ Pháp - Việt đề huề, khuyên quốc dân chấp nhận ách thống trị bóc lột của thực dân, đừng nổi dậy chống Pháp. Trong Essais franco-annamites, Phạm Quỳnh viết: “Le fait est que les hasards ou les fatalités de l’histoire ont lié pour longtemps encore ce pays à la France... Et ainsi le sort en est jeté. L’Annam fut désormais indissolublement lié à la France” (Điều đã xảy ra là những tình cờ hay định mệnh của lịch sử đã ràng buộc xứ này vào nước Pháp còn lâu dài... Và như thế số phận đã an bài. Từ nay An Nam gắn kết với nước Pháp không thể tách rời).

3. Phạm Quỳnh phục vụ đắc lực các chủ trương của Pháp, nên toàn quyền Jean Decoux trong hồi ký ca ngợi Phạm Quỳnh “trung thành với nước Pháp” (sa fidélité à la France) (Jean Decoux, À la barre de l’Indochine, NXB Plon, Paris, 1952, tr.280).

PHAN PHÚ NHUẬN

 

* * * 

Khi số tạp chí này sắp đưa in, Hồn Việt nhận được bài Phạm Quỳnh dưới cái nhìn của Phan Châu Trinh của luật gia - nhà báo Hoàng Phương (tuần báo Văn nghệ TP.HCM số 493 ngày 12-4-2018), có đoạn trích:

“Như Phạm Quỳnh thì tôi thấy một hai bài trên nhật trình: không những là giả dối, vẽ vời mà lại lắm điều hại cho thanh niên lắm” (Tân Dân đặc san, Hà Nội, 1940).

Giải lấy tên Phan Châu Trinh để tôn vinh Phạm Quỳnh, mà cụ Phan nói về Phạm Quỳnh như thế thì giải còn có ý nghĩa gì nữa!

Đặc biệt, ta nhận thấy cụ Phan nói đúng lắm, tinh lắm: Phạm Quỳnh viết báo GIẢ DỐI, VẼ VỜI!

 

MAI QUỐC LIÊN