Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (gọi tắt là Chương trình) có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, là “cơ sở pháp lý cho việc biên soạn sách giáo khoa, các tài liệu hướng dẫn, chỉ đạo dạy học và đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn; được sử dụng thống nhất trong cả nước” (tr.100). Vì vậy việc góp ý cho Chương trình là hết sức cần thiết, để làm sao Chương trình thật sự là “cơ sở pháp lý” đáng tin cậy nhất cho việc triển khai công tác chỉ đạo, các hoạt động dạy học môn Ngữ văn ở trường phổ thông.
Ở đây chúng tôi xin được góp ý 3 vấn đề:
1. Chương trình thiên về giáo dục ngôn ngữ hơn là văn học, thiên về tính chất công cụ hơn là tính thẩm mỹ - nhân văn của môn Ngữ văn
Chương trình xác định đúng Đặc điểm môn học: “Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực Giáo dục ngôn ngữ và văn học”, “môn học vừa có tính công cụ, vừa có tính thẩm mỹ - nhân văn” (tr.3), nhưng hướng triển khai, cách triển khai chương trình, nội dung chương trình có phần thiên về giáo dục ngôn ngữ, thiên về môn học có tính chất công cụ.
- Biểu hiện: “Chương trình được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe” (tr.3), kéo dài suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Năng lực ngữ văn được chương trình xác định là năng lực giao tiếp và năng lực thẩm mỹ. Nhưng khi chương trình được thiết kế trên mạch chính là kỹ năng đọc, viết, nói, nghe thì chủ yếu là hướng tới tính chất công cụ của môn học, hướng tới năng lực giao tiếp qua dạy học môn Ngữ văn. Thực tế, khi triển khai chương trình cụ thể với Yêu cầu cần đạt và Nội dung qua từng lớp học, qua từng cấp học, các kỹ năng đọc, viết, nói, nghe khá tường minh, trong khi đó năng lực thẩm mỹ thì chỉ được nói đến như một yêu cầu chung, còn các phạm trù thẩm mỹ, nội dung thẩm mỹ của văn chương chưa được thể hiện rõ ở cả phần Yêu cầu cần đạt và phần Nội dung. PGS-TS Nguyễn Bá Thành cho rằng “Ban soạn thảo đã vô cùng cố gắng nhưng tôi nghĩ cần phải làm lại vì đây chỉ là yêu cầu đạt được chứ không phải chương trình cụ thể”(1).
Những kiến thức hạt nhân, cơ bản về văn học chưa được thể hiện trong chương trình, ví dụ như kiến thức về lịch sử văn học. Mặc dù phần Đặc điểm môn học, khi nói về Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp có nêu rõ: “Trang bị một số kiến thức lịch sử văn học” (tr.4), kiến thức lịch sử văn học được nói tới với hai dòng ngắn gọn ở lớp 9 (tr.64) và lớp 12 (tr.88), nhưng trong thực tế, khi triển khai chương trình, không hề có kiến thức về lịch sử văn học, dù là lồng vào kỹ năng đọc, viết, nói, nghe. Vả chăng, khi thiết kế chương trình theo mạch chính là kỹ năng đọc, viết, nói, nghe thì rất khó đưa vào kiến thức về lịch sử văn học.
- Hệ quả: Một học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, học môn Ngữ văn mà không biết đến lịch sử văn học, thành tựu văn học nước nhà, ở những điều cơ bản nhất. Ai cũng biết, lịch sử văn học liên quan tới lịch sử dân tộc, văn hóa dân tộc, liên quan tới thời đại, những khuynh hướng tư tưởng… Vì thế, bỏ lịch sử văn học, đâu chỉ đơn thuần là bỏ kiến thức văn chương mà còn là vấn đề thời đại lịch sử, truyền thống dân tộc, những khuynh hướng tư tưởng, thẩm mỹ... Cần lưu ý một điều: cái mà học sinh dùng suốt đời không những là đọc gì, viết gì, thiết thực với đời sống, với công việc mà còn là năng lực thẩm mỹ, là tâm hồn, tình cảm, sự phát triển nhân cách, những giá trị nhân văn mà văn chương mang lại, cũng theo suốt cuộc đời con người. Chúng tôi đồng quan điểm với PGS-TS Phạm Quang Long khi ông cho rằng phần cảm thụ văn chương, từ rung động thẩm mỹ để khơi dậy những khát vọng hướng tới cái đẹp, cái thiện, đến sự hình thành nhân cách qua môn học Ngữ văn hơi bị nhẹ so với những tri thức và những yêu cầu về mặt ngôn ngữ học(2).
- Đề nghị: kiến thức về lịch sử văn học ở mức phổ thông, cơ bản nhất phải có trong chương trình, được dạy học ở lớp 11, 12.
2. Chương trình theo hướng mở và mở như thế nào
Phần Quan điểm xây dựng chương trình xác định: “Chương trình Ngữ văn được xây dựng theo hướng mở; thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể cần dạy mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học, tiếng Việt và một số văn bản có vị trí, ý nghĩa đặc biệt của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc”.
Xây dựng chương trình theo hướng mở, nhưng cần lưu ý tới những yêu cầu về tính tư tưởng của chương trình giáo dục môn Ngữ văn cũng như các môn xã hội nhân văn trong nhà trường. Phải có những quy định về nội dung dạy học, những yêu cầu cần đạt về giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng của môn Ngữ văn, chứ không chỉ đơn thuần là “yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe”. Chương trình Ngữ văn hiện hành (và các Chương trình Ngữ văn trước đây) nhấn mạnh yêu cầu về thái độ, tình cảm đến từng bài học. Chương trình mới khó có thể làm thế và cũng không nhất thiết phải thế. Do thiết kế chương trình theo mạch đọc, viết, nói, nghe nên khi triển khai cụ thể khó có thể xác định những yêu cầu cần đạt về giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng cho bài học. Vì vậy cũng cần cân nhắc lại quan niệm: giáo viên dạy môn Ngữ văn có thể không cần dựa vào bất cứ cuốn sách giáo khoa nào, có thể tùy chọn bất kỳ tác phẩm nào, miễn là đảm bảo mục tiêu, yêu cầu cần đạt. Cần lưu ý: mục tiêu, yêu cầu cần đạt nêu ở dạng khái quát chung, còn lựa chọn dạy tác phẩm nào lại là trường hợp cụ thể, mỗi người có quan điểm khác nhau. Văn học trong nhà trường là văn học mang định hướng tư tưởng, có tính giáo dục nên “mở” để tạo nên tính đa dạng trong sự thống nhất, chứ không mở tới mức tạo nên sự hỗn loạn. Về điều này, GS Đinh Xuân Dũng cho rằng: khi hoàn toàn có thể đưa tác phẩm khác vào sách giáo khoa để giảng dạy theo lựa chọn của giáo viên và tác giả sách giáo khoa, vậy quan điểm của dự thảo này, chương trình là cơ sở pháp lý sẽ không còn vị trí pháp lý thực chất của nó.
Về những tác phẩm mà sách giáo khoa, giáo viên có quyền tự chọn để dạy học, Tổng chủ biên Chương trình cho rằng “kiểm soát” điều này không khó, vì để xuất bản được, sách giáo khoa phải qua nhiều “lưới lọc”, tất cả các sách giáo khoa đều chịu sự đánh giá, sàng lọc của giáo viên và học sinh trong khi sử dụng(3). Tuy nhiên, để Chương trình thật sự là cơ sở pháp lý đáng tin cậy nhất thì trước hết tác giả Chương trình phải là “lưới lọc” đáng tin cậy nhất.
Một điều cũng rất cần lưu ý là “mở” quá mức độ sẽ dẫn đến những khó khăn trong khâu kiểm tra, đánh giá.
3. Về phần Đề xuất văn bản (ngữ liệu)
Phải khẳng định đây là phần rất quan trọng, bởi vì đọc, viết, nói, nghe đều trên cơ sở văn bản. Hơn nữa, năng lực thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng nhân cách… đều gắn với việc dạy học tác phẩm văn chương. Vì vậy việc cần phải chọn lựa được các văn bản tốt, hay, có giá trị tiêu biểu, kết tinh là hết sức cần thiết.
- Xác định Các văn bản (ngữ liệu) bắt buộc như Chương trình là còn bất cập. Nên thêm một số tác phẩm văn học hiện đại - những tác phẩm tiêu biểu cho quá trình hiện đại hóa văn học, cho thời đại kháng chiến chông xâm lược và thời kỳ đổi mới đất nước. Những văn bản bắt buộc cần phong phú, đa dạng về thể loại, về chủ đề.
- Phần Các văn bản (ngữ liệu) gợi ý:
+ Tuy là gợi ý nhưng mang tính chất khuyến nghị các bộ sách giáo khoa nên sử dụng, thậm chí sử dụng phần lớn các văn bản gợi ý này, vì vậy chọn lọc các văn bản gợi ý là hết sức quan trọng.
+ Việc chọn tác phẩm mang tính chất dàn đều như Chương trình đã làm, dẫn đến có khi đã bỏ qua những tác phẩm văn học có giá trị lớn và đưa vào những tác phẩm “làng nhàng” cả về nội dung và nghệ thuật. Cần lưu ý, tác phẩm càng lớn thì càng dễ dàng đi qua cổng trường để vào với học sinh và ngược lại. Những tác giả lớn, những tài năng kiệt xuất, có thể có hơn một tác phẩm được dạy học ở các khối lớp khác nhau.
- Cách phân chia văn bản văn học thành các mục Truyện, Thơ, không mang tính khoa học, bởi chủ yếu căn cứ vào tính chất lời văn (văn xuôi hay văn vần) mà không dựa trên đặc điểm, bản chất của thể loại.
- Đề nghị: Cẩn trọng trong việc lựa chọn các văn bản gợi ý. Số lượng các văn bản gợi ý đủ nhiều, đủ dư để các bộ sách giáo khoa và người giáo viên lựa chọn.
Ngoài 3 vấn đề trao đổi góp ý nêu trên, còn một số điều khác chúng tôi đã từng góp ý như tính khái quát chưa cao, tính đồng tâm và phát triển chưa thể hiện rõ, sự trùng lặp về nội dung và diễn đạt, tính chuẩn xác về khoa học cơ bản v.v…
Nhân đây xin nêu lên một vài ví dụ để có thể chỉnh sửa:
Ví dụ 1: Tính khái quát chưa cao
Khi viết Yêu cầu cần đạt về năng lực thẩm mỹ, Chương trình diễn giải:
“Thông qua môn học Ngữ văn, học sinh có được năng lực thẩm mỹ với các biểu hiện cụ thể sau:
- Chỉ ra, phân tích và đánh giá được vẻ đẹp của các hình thức ngôn từ trong các văn bản văn học. Hứng thú và xúc động trước những hình ảnh, hình tượng cao đẹp về thiên nhiên, con người, cuộc sống trong tác phẩm.
- Nêu ra và phân tích được những giá trị thẩm mỹ được thể hiện trong tác phẩm văn học: cái đẹp, cái xấu, cái hài, cái bi, cái cao cả, cái thấp hèn... từ đó hiểu và đánh giá được những giá trị tư tưởng và cảm hứng nhân văn của tác giả được thể hiện qua tác phẩm.
- Trình bày được những tác động của văn bản tác phẩm đã giúp người đọc hiểu được những giá trị của bản thân như thế nào; hình thành và nâng cao nhận thức về cái đẹp và xúc cảm thẩm mỹ của cá nhân ra sao; có những suy nghĩ và hành vi đẹp đối với bản thân và những người xung quanh.
- Tạo ra được những sản phẩm đẹp như biết sử dụng từ ngữ, câu văn, đoạn văn, bài văn hay và đẹp trong giao tiếp nói và viết hàng ngày” (tr.12).
Toàn bộ nội dung trên đều nói về năng lực thẩm mỹ của học sinh được hình thành qua việc tiếp xúc với văn bản văn học. Trong khi đó những nhận thức, tình cảm thẩm mỹ của học sinh trước hiện thực đời sống do văn học mang đến lại không được đề cập tới.
Ví dụ 2: Sự trùng lặp
- Mục 1. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất, Chương trình viết: “b) Biết quan tâm đến những người thân, tôn trọng bạn bè, thầy cô; biết nhường nhịn và tha thứ; biết xúc động trước những con người và việc làm tốt, giữ được mối quan hệ hài hòa với người khác, quý trọng những hành động cao đẹp trong cuộc sống cũng như trong tác phẩm văn học; phản đối cái ác, tham gia và chủ động vận động người khác ngăn chặn các hành vi bạo lực; biết cảm thông, chia sẻ niềm vui,
nỗi buồn, tình yêu thương đối với những người xung quanh cũng như đối với các nhân vật trong tác phẩm; tôn trọng sự khác biệt về hoàn cảnh và văn hóa, biết cảm thông, độ lượng với người có lỗi” (tr.9, 10). Ở đoạn văn này, bên trên đã nói “biết nhường nhịn và tha thứ”, dưới còn lặp lại “biết cảm thông, độ lượng với người có lỗi” - về cơ bản, nội dung không khác gì nhau.
- Phần viết về Lớp 10, Yêu cầu cần đạt - ĐỌC - ĐỌC HIỂU (tr.67, 68):
“1.a. Nhận biết được các chi tiết tiêu biểu, độc đáo và các nội dung tường minh hoặc hàm ẩn của văn bản; giải thích được mối liên hệ giữa các chi tiết; biết phân tích vai trò của các chi tiết và các thành phần nội dung khác trong việc thể hiện chủ đề”.
Đoạn văn trên được lặp lại gần như y nguyên ở lớp 11 (tr.76) và lớp 12 (tr.6). Cách viết trùng lặp này không cho thấy những yêu cầu khác nhau của từng lớp cũng như sự tiếp nối, sự tiến triển từ lớp dưới đến lớp trên. Nhìn chung, tính đồng tâm và phát triển chưa được thể hiện rõ.
Những trao đổi, góp ý của chúng tôi xuất phát từ mong muốn Chương trình được hoàn thiện ở mức tốt nhất có thể, để khi Chương trình trở thành “cơ sở pháp lý cho việc biên soạn sách giáo khoa, các tài liệu hướng dẫn, chỉ đạo dạy học và đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn; được sử dụng thống nhất trong cả nước”, chúng ta thật sự yên tâm.
27-3-2018
_____
* Đại học Sư phạm Hà Nội, Hội đồng Lý luận - phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.
(1) Tọa đàm khoa học Góp ý Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn. Hội đồng Lý luận - phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, tổ chức ngày 22-3-2018.
(2) Tọa đàm khoa học Góp ý Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn.
(3) Chương trình Ngữ văn mới có “nhẹ” phần văn? VietNamNet, ngày 26-3-2018.