HV125 - Lòng yêu nước Việt Nam đậm tính nhân văn* - Bài 3: Chúng ta là những cây tre mọc thẳng

Cách “nhìn lại” của một học giả mượn lời người khác

Sau nửa thế kỷ tính từ năm “cuốn sách bậc thầy” của GS Paul Mus ra mắt bạn đọc, năm 1952, tạp chí Pháp Moussons chuyên nghiên cứu khoa học nhân văn của Đông Nam Á số tháng 5 năm 2002 đăng bài của tiến sĩ nhân chủng học Laurent Dartigues đánh giá lại tác phẩm Việt Nam, xã hội học về một cuộc chiến tranh. Bài viết nhan đề Nước Việt Nam của Paul Mus: tầm vóc vĩ đại và những hiểu lầm qua một cuộc đối thoại xuyên văn hóa. Bài viết khá dài, gồm ba phần bảy chương và phần kết luận. Tác giả phản bác một số luận điểm và đề xuất của Paul Mus, nhưng theo chính lời ông ngay từ đầu bài, ông chỉ dựa vào ý kiến phản biện của hai người khác là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1915-1987) và triết gia François Jullien (sinh năm 1951), để cuối cùng chốt lại coi như ý kiến của chính mình.

Lời vào đầu bài viết như sau: “GS Paul Mus vốn được coi như một trong những nhà Đông phương học lớn nhất thời ông, năm 1952 đã cho xuất bản công trình quan trọng nhất của mình, một cuốn sách cho đến nay vẫn còn thanh thế lớn: Việt Nam, xã hội học về một cuộc chiến tranh. Với lối văn diễn tả phức hợp được hệ thống ẩn dụ của văn chương kinh điển Khổng giáo gợi cảm hứng, ông đề xuất một xã hội học thực sự đậm chất tôn giáo và chính trị tại Việt Nam. Ông cũng nêu một số gợi ý cho con đường đầy khó khăn là tái hòa hợp hai nước trên cơ sở đối thoại giữa giới thượng lưu hai nước Pháp và Việt. Về điểm này, Paul Mus đã nhận thức không đúng về những bất đồng sâu sắc làm nên đặc trưng cho cuộc đối thoại kéo dài liên miên giữa Pháp và Việt Nam”.

Tên tuổi Nguyễn Khắc Viện “sĩ phu hiện đại” (lời Nguyễn Khắc Viện tự bạch) không mấy xa lạ đối với người Việt Nam chúng ta. Triết gia François Jullien chuyên nghiên cứu về Hy Lạp cổ đại và Trung Hoa học, là một ngôi sao đang lên ở Pháp. Ông đã cho xuất bản hàng trăm tác phẩm văn, triết dựa trên phương pháp so sánh học xuyên văn minh qua các nền văn hóa Đông - Tây. Ông là một trong những học giả đương đại Pháp mà tác phẩm được dịch nhiều nhất sang các ngôn ngữ khác trên thế giới. Tại nước ta cũng có in một số sách của François Jullien bằng tiếng Việt. Năm 2005, NXB Đà Nẵng ấn hành Kỷ yếu cuộc hội thảo quốc tế do Trường đại học Tổng hợp Huế tổ chức, nhan đề Sang Viễn Đông trở về Viễn Tây. Năm 2009, GS Hoàng Ngọc Hiến giới thiệu François Jullien và nghiên cứu so sánh văn hóa Đông Tây (NXB Lao động). Tác giả Laurent Dartigues mượn lời của hai nhân vật như trên để bày tỏ chính kiến của mình và viết thành bài đăng tạp chí Moussons thì có thể cầm chắc ngay từ đầu là… yên chí lớn!

Để trích dẫn ý kiến của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Laurent Dartigues chỉ dựa vào nội dung mỗi một bài báo ông đăng trên tạp chí Pháp La Nouvelle Critique(1) năm 1973, nhan đề Huyền thoại và thực tế. Qua bài viết đó, Nguyễn Khắc Viện phê phán luận điểm của nhà báo Mỹ Frances Fitzgerald (sinh năm 1940), sau khi đọc xong cuốn sách mới xuất bản của bà về cuộc chiến tranh Mỹ ở Việt Nam, và sang năm sau tác phẩm ấy đã ẵm luôn một lúc ba giải thưởng danh giá của Mỹ(2). Cũng qua bài viết của mình, Nguyễn Khắc Viện phê phán quan điểm của một số học giả phương Tây, mỗi lần có dịp nói đến văn hóa Việt Nam là đánh giá quá cao ảnh hưởng của Nho giáo. Ông cũng phản biện cách nhìn của Paul Mus về vai trò của Nho giáo đối với xã hội Việt Nam thời trước nhưng tuyệt nhiên không một lần nhắc đến trong bài tên nhà văn, học giả lúc ấy đã qua đời một phần tư thế kỷ trước.

Vậy mà Laurent Dartigues dùng cả một chương, đầu đề Sự phê phán cay độc của Nguyễn Khắc Viện, để trích dẫn, luận bình một bài báo chỉ dài có sáu trang tạp chí. L. Dartigues khẳng định: “[Từ trước đến nay] chẳng có mấy ai phê phán cuốn Việt Nam, xã hội học về một cuộc chiến tranh của Paul Mus về mặt học thuật. Do đó, bài viết của Nguyễn Khắc Viện thật “đặc biệt lý thú”. Mặc dù bài Nguyễn Khắc Viện viết ra nhằm mục đích bảo vệ đường lối của Đảng cộng sản là chính, nhiều luận điểm của ông ta vẫn “có thể chấp nhận được” (!).

L. Dartigues nhấn mạnh hai điểm: 1) Nguyễn Khắc Viện cho rằng tác giả [không rõ ông muốn chỉ tác giả cuốn sách là bà Frances Fitzgerald hay là cuốn của GS Paul Mus?] không tính đến bối cảnh chính trị khi đề cập các tiếp xúc văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Theo Nguyễn Khắc Viện, chính trị giữ vai trò quyết định văn hóa chứ không phải ngược lại; 2) Nguyễn Khắc Viện viết: Các nhà Đông phương học phương Tây luôn có khuynh hướng “coi trọng kinh sách Trung Hoa hơn thực tế lịch sử Việt Nam”, mỗi lần cần lý giải một sự kiện nào đó trong quá khứ ở Việt Nam là y như các vị lại viện dẫn đến cái gọi là “mệnh trời”, từ đó ông cho rằng Paul Mus đã đánh giá quá cao vai trò của Nho giáo đối với xã hội Việt Nam - vẫn lời của L. Dartigues.

Điều đáng ngạc nhiên là tiến sĩ L. Dartigues hoàn toàn (hay cố tình) không hay biết một bài khác của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nổi tiếng hơn nhiều từ mười năm trước, tại đó ông phê bình trực diện luận điểm của GS Paul Mus và của cả nhà văn Albert Camus, chủ nhiệm nhật báo Combat, Giải thưởng Nobel về văn học, dù chỉ nhắc tên Albert Camus mỗi một lần khi mở đầu bài viết có nhan đề: Nho giáo và chủ nghĩa Mác ở Việt Nam. Bài ấy đăng tạp chí La Pensée(3), số tháng 10 năm 1962. Thời gian này Nguyễn Khắc Viện đang sống và hoạt động tại Pháp, chưa bị trục xuất về Việt Nam. Chúng tôi đã đọc lại bài của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện viết bằng tiếng Pháp công bố lần đầu trên tạp chí Pháp La Pensée, xin tóm lược dưới đây những ý chính.

Paul Mus và Nguyễn Khắc Viện

Tại hồi ký Ước mơ và Hoài niệm(4), bác sĩ Nguyễn Khắc Viện kể rằng: Nhân một buổi tranh luận với nhà văn Albert Camus về quan hệ giữa Nho giáo và học thuyết Mác tại Việt Nam, ông có đưa ra mấy luận điểm của mình. Những luận điểm ấy sau đó được ông viết thành bài, gửi đăng tạp chí La Pensée, và được dư luận quốc tế và nước ta chú ý vì cách đặt vấn đề không mang tính giáo điều như nhiều người vẫn hay làm thời đó. Bài báo của Nguyễn Khắc Viện được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới, NXB Sự thật (Hà Nội) cũng có dịch ra tiếng Việt, in thành tập sách mỏng.

Lần ấy, nhà văn Albert Camus trao đổi với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện như sau: Hòa bình thế giới có thể được bảo vệ nếu những người có thiện chí trên thế giới cùng nhau lập ra một hội đoàn quốc tế theo cách làm của các sĩ phu Nho học và dựa trên học thuyết của Khổng Tử. Nguyễn Khắc Viện hỏi: “Anh căn cứ vào cơ sở nào để nghĩ rằng học thuyết Nho giáo có thể phục vụ việc thiết lập nền hòa bình thế giới ngày nay?”. Albert Camus trả lời: “Dựa trên các văn bản của Khổng Tử mà tôi đọc được”.

Nguyễn Khắc Viện phản bác: “Ngày nay ở nước Việt Nam không đâu dạy chữ Nho trong nhà trường. Khi tôi còn bé, đến trường học, thầy giáo dạy chúng tôi theo sách giáo khoa Pháp, rằng “tổ tiên chúng ta là người Gôloa”. Dù vậy, áp lực chính thống của Nho giáo luôn đè nặng lên tuổi trẻ chúng tôi. Người ta nhân danh Khổng Tử để ngăn cấm chúng tôi nhiều điều, cũng như buộc chúng tôi phải tuân theo nhiều thứ kỷ luật(5). Người ta chủ trương hòa hay chiến, theo ai chống ai đều xuất phát từ quan điểm Nho giáo. Cuộc đấu tranh chống lại những điều cổ hủ có nguồn gốc từ Nho giáo chính thống, cũng như việc tiếp thụ những mặt tích cực của nó tại nước Việt Nam ngày nay là một vấn đề thực tiễn chứ đâu phải chỉ có chuyện qua sách vở”.

Ông phân tích: Từ năm 1075 đến 1919, qua gần 940 năm, cả nước Việt Nam chỉ có hơn hai nghìn người đỗ tiến sĩ. Trở thành ông Nghè khắc được làm quan to. Do vậy tuổi trẻ Việt Nam thời trước luôn tin tưởng và ước mơ, cứ học hành thi cử cho thành đạt, ta sẽ thoát khỏi thân phận người dân thường và bước vào đẳng cấp quan lại.

Nguyễn Khắc Viện cho rằng “Khổng Tử là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên của nhân loại đã tập trung sự chú ý của con người vào các vấn đề thuần túy con người”. Dưới chế độ phong kiến, các nho sĩ Việt Nam học rất nhiều nhưng kiến thức họ lại hạn chế, vì họ chỉ quan tâm đến khoa học nhân văn mà hoàn toàn không chú ý những gì thuộc về tự nhiên. Nguyễn Trãi là một nhà nhân văn chủ nghĩa đúng theo nghĩa ấy. Sau khi Việt Nam chiến thắng quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi đã nói lên với một giọng đầy tự hào dân tộc, tự hào của những con người mở ra một thời đại mới: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân cứu nước trước cần trừ bạo/ Xét như Đại Việt ta/ Thật là một nước văn hiến” (Bình Ngô đại cáo, 1428). Như vậy, Nho giáo của Nguyễn Trãi khác xa Nho giáo đã hấp dẫn Albert Camus, một thứ Nho giáo “bỏ qua luật pháp và thiết chế, chối từ mọi cải cách”.

Đại đa số những trí thức đạo Nho ở Việt Nam ngày trước đều có xu hướng bảo vệ chế độ truyền thống một cách hữu thức hoặc vô thức. Tuy nhiên nhiều nhà nho lớn hằng ngày sống gần gũi với nhân dân, họ không thể không nhìn thấy mặt trái của xã hội. Đối với những nho sĩ nổi loạn, hay mới là gắn bó với nông dân mà họ là những cố vấn trong cuộc sống thường ngày, thì ý nghĩa về Hoàng đế, về thời thái bình thịnh trị của vua Nghiêu vua Thuấn bên Tàu thuở xa xưa toàn là chuyện trong tưởng tượng. Dân gian Việt Nam có thành ngữ “Được làm vua, thua làm giặc”. Đối lập với mỗi châm ngôn Nho giáo cổ điển, người ta dễ dàng tìm thấy một ngạn ngữ dân gian có nội dung ngược lại. Chèo, loại hình sân khấu dân gian rất được ưa chuộng ở Việt Nam, nội dung chủ yếu thuộc thể loại trào phúng. Các vở chèo hay đưa quan lại và kỳ hào ra chế diễu. Vương triều và quan lại sử dụng chữ Hán như ngôn ngữ chính thức, các nho sĩ sống gần gũi với nhân dân lại thích viết bằng chữ Nôm hơn, để cho người dân dễ hiểu, dễ cảm thông (mà Truyện Kiều Lục Vân Tiên là những thí dụ điển hình - PQ). Phong trào nông dân Tây Sơn vừa thành công đã có ý định dùng chữ Nôm làm chữ viết chính thức, tiếc là một thời gian sau, Nguyễn Huệ bị Nguyễn Ánh đánh bại. Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lại quay về lấy chữ Hán làm ngôn ngữ chính thống. Tại nước Việt Nam thời trước luôn tồn tại song hành hai luồng tư tưởng Nho học, luồng chính thống và luồng mang tính dân gian. “Thiếu sót lớn nhất trong cuốn sách nghiên cứu về xã hội Việt Nam của Paul Mus là chỉ trình bày những tư tưởng và tín ngưỡng của người Việt Nam thông qua khía cạnh chính thống”, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện phân tích.

Nguyễn Khắc Viện viết: “Kiến thức của nhà nho so với chúng tôi (những trí thức Tây học) còn bị hạn chế nhiều, nhưng họ là những “Con người”, những “Cây tre mọc thẳng”, những “Cây thông đứng vững”(6). Chúng tôi học vấn cao hơn nhưng chỉ là những “cái túi kiến thức”, những “cây sậy sẵn sàng rạp mình trước gió nhẹ”(7), khi gặp gian khổ thì không thể nào tin cậy.

... Cũng như các quan lại thời xưa, mấy ngàn trí thức được đào tạo dưới thời thuộc địa tại các trường đại học bên Pháp hay tại Việt Nam ngày nay hầu hết đều sống xa nhân dân. Khi các nhà yêu nước chống chế độ thực dân ra lời kêu gọi, cả nước từ Nam ra Bắc đều hưởng ứng, vì các nhà nho sống ở làng quê, có quan hệ mật thiết với nông dân. Trí thức Tây học chúng tôi bị chìm giữa đất nước bị nước ngoài thống trị, không có kim chỉ nam, không có gậy chỉ đường. Giới trí thức Việt Nam thời thuộc địa không thể đóng vai trò như các nho sĩ thời Nguyễn Trãi”.

Từ phản biện luận điểm của Paul Mus về ảnh hưởng của Khổng giáo đối với nông dân, Nguyễn Khắc Viện lý giải con đường từ Nho giáo đến chủ nghĩa Mác ở Việt Nam. Những chiến sĩ mácxít đầu tiên ở Việt Nam phần lớn là những “trí thức nhỏ”, phải thôi học trước khi đỗ tú tài để kiếm sống. Là những “cu ly cầm bút”, họ chia sẻ sự nghèo khó với công nhân và nông dân, họ cũng chịu tủi nhục, cũng lo thất nghiệp. Chủ nghĩa Mác đến với Việt Nam không phải với tư cách một học thuyết như mọi học thuyết khác mà như một công cụ giải phóng dân tộc.

Những quan lại lỗi thời của triều Nguyễn, những nhà trí thức đi làm chức sắc cho chế độ bảo hộ của Pháp sớm hay muộn rồi cũng sẽ trở thành những kẻ phục vụ chế độ thực dân một cách điên cuồng. Các nhà nho yêu nước lỗi lạc như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng lại có cảm tình ngay với học thuyết Mác khi nó vừa xuất hiện ở Việt Nam. Do căm thù chế độ thuộc địa, họ dễ dàng gắn bó với những chiến sĩ cách mạng kiểu mới, hai bên gần gũi với nhau trên lĩnh vực tư tưởng.

Chủ nghĩa Mác đến Việt Nam không gặp nhiều khó khăn như khi du nhập vào các xã hội Hồi giáo hay Thiên Chúa giáo. Chủ nghĩa Mác không làm cho các nho sĩ Việt Nam gắn bó với nhân dân ngỡ ngàng. Học thuyết Mác coi con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội thì các nho sĩ Việt Nam coi mục đích cao cả của con người là gánh vác những trách nhiệm xã hội. Những chiến sĩ mácxít sẵn sàng và biết cách vận dụng đạo đức chính trị của Nho giáo cho công việc của mình. Chẳng hạn, ý thức rằng những người lãnh đạo phải tuyệt đối gương mẫu ăn rất sâu vào truyền thống Nho giáo ở Việt Nam, và những người mácxít Việt Nam ngày nay, trong khi tìm cho nó một ý nghĩa khác, đã biết kế thừa truyền thống của các nho sĩ thời xưa. Không để cho tiền bạc làm hư hỏng con người, không chịu cúi đầu trước sức mạnh - những châm ngôn ấy của Nho giáo được những người mácxít Việt Nam ca ngợi nhiều lần. Bernard Fall, một học giả, nhà báo Pháp sống và làm việc ở Mỹ, trong một cuốn sách viết về Việt Nam đã công nhận đạo đức cao cả của những người cộng sản Việt Nam. Ông có kể lại trường hợp những cán bộ đi thu thuế luôn mang theo bên mình một số tiền lớn mà đành chịu đói, không tiêu tiền của tập thể dù chỉ một đồng.

Theo nhận thức của người viết bài này, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện suốt đời chung thủy với niềm tin: Nho giáo ở Việt Nam vốn có hai luồng, một luồng mang tính nhân văn, một luồng của triều đình và phong kiến (và đây là điểm ông khác biệt với Paul Mus khi bàn về ảnh hưởng của Nho giáo đối với xã hội Việt Nam thời xưa cũng thời ông sống - tức từ khoảng vào đầu thế kỷ 20 đến những năm thực dân Pháp thất bại rồi đế quốc Mỹ ngụp lặn trong đầm lầy chiến tranh tại Việt Nam, đầu những năm 1970). Theo Nguyễn Khắc Viện, Nho giáo và chủ nghĩa Mác tuy khác nhau nhưng có điểm tương đồng là cùng tập trung tư tưởng con người vào việc đổi mới tổ chức xã hội, xây dựng mối quan hệ tốt giữa người và người. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là đảng viên Đảng cộng sản Pháp và Đảng cộng sản Việt Nam, ông thuộc luồng Nho giáo mang tính nhân văn, trong trước tác cũng như hành xử hằng ngày, trước sau ông đồ Tây học xứ Nghệ vẫn là một “sĩ phu Việt Nam hiện đại”.

 

_____

* Tiếp theo Hồn Việt số 124 (tháng 4-2018).

(1) Tạp chí lý luận, phê bình văn học của Đảng cộng sản Pháp do nhà văn Jean Canapa làm chủ bút, xuất bản năm 1948, đình bản năm 1980.

(2) Fire in the Lake: The Vietnamese and the Americans in Vietnam, Giải thưởng Pulitzer về tiểu luận, Giải thưởng National Book Award về lịch sử đương đại, Giải thưởng Bancroft của Trường đại học Tổng hợp Columbia về ngoại giao và lịch sử năm 1973.

(3) La Pensée, tạp chí tổng hợp do Paul Langevin, Georges Cogniot và các nhà trí thức cánh tả Pháp xuất bản năm 1939, qua nhiều thay đổi nay vẫn tồn tại, là ấn phẩm định kỳ có uy tín ở Pháp.

(4) NXB Đà Nẵng, 2003.

(5) Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ra đời trong một gia đình Nho học. Thân sinh ông là cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, một nhà nho xuất sắc, người tỉnh Hà Tĩnh. Cụ từng làm quyền Tổng đốc tỉnh Thanh Hóa. Sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, cụ tham gia Hội Liên Việt (Mặt trận Tổ quốc ngày nay) tại Liên khu 4.

(6) “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo” (Nguyễn Công Trứ).

(7) Ý của Blaise Pascal (1623-1662): “Con người là cây sậy biết suy nghĩ, cây sậy rạp mình trước mọi làn gió nhẹ”.

PHAN QUANG