Các bạn có đồng ý với chúng tôi không, rằng thế giới ngày nay chẳng khác gì thời Xuân Thu Chiến Quốc của Tàu. Các nước, đặc biệt là các siêu cường, tranh giành nhau, chèn ép nhau, đe dọa nhau. Thời xưa, đánh giết nhau bằng những vũ khí như gươm giáo, ngày nay người ta sản xuất ra vũ khí hạt nhân, tên lửa hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân… và chỉ cần một nút bấm hạt nhân, thế giới sẽ đổi khác. Treo lơ lửng trên đầu nhân loại là những quả bom hạt nhân ấy. Nhưng tất nhiên là những người chơi trò chơi hạt nhân này cũng phải tính đến hậu quả cho chính họ.
Cuộc tấn công vào Syria ngày 13-4 vừa qua của liên quân Mỹ-Anh-Pháp bằng hơn 100 tên lửa Tomahawk là một minh chứng cho tình hình hiện nay. Sự tranh giành của các siêu cường ở mảnh đất Trung Đông chiến lược giàu dầu mỏ đã gây ra chiến tranh Iraq, chiến tranh Libya, chiến tranh Syria. Nay thì chính quyền do Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã quét được chiến binh IS Hồi giáo và các phe phái phản động, có thể thống nhất được đất nước dưới sự yểm trợ của Nga. Vậy thì Nga đang chiếm thế thượng phong ở đây. Điều đó làm Mỹ-Anh-Pháp không yên lòng. Với cái cớ về một cuộc thảm sát bằng chiến tranh hóa học ở Duma chưa cần kiểm chứng, họ liền bắn tên lửa vào Syria để dằn mặt. May mắn là cuộc bắn phá này cũng có giới hạn. Chỉ có mấy người bị thương, còn tình hình Syria vẫn bình thường. Tên lửa không động đến quân đội Nga, căn cứ Nga đóng ở Syria. Nhưng dĩ nhiên là Nga cực lực lên án hành động này. Đức, Hà Lan và nhiều nước châu Âu không tham gia. Pháp là nước có mặt ở Syria từ lâu đời, do được Liên hiệp quốc ủy trị Syria, đã tham gia vào trò chơi này. Nhưng các nghị sĩ của các đảng đối lập hữu và tả cực lực phản đối hành động này của Tổng thống Pháp Macron. Có nghị sĩ phẫn nộ. Ở chính trường Anh cũng vậy. Bà Thủ tướng Theresa May cũng bị nghị viện phản đối, bởi vì những trò chơi này “sai một ly” có thể “đi một dặm”, có thể dẫn tới chiến tranh lớn. Nhân danh việc làm này để bảo vệ dân thường Syria trong cuộc chiến tranh hóa học mà chưa biết ai dựng nên (theo cáo buộc của Nga). Những ông bà này “thương xót” dân lành Syria. Ở đó một cuộc chiến tranh kéo dài 7 năm tàn phá đất nước này khiến hàng triệu người phải di tản, không phải là không có trách nhiệm của họ. Chúng ta, những người Việt Nam, chúng ta đặc biệt nhớ tới chất độc dioxin máy bay Mỹ đã rải khắp đất nước ta hồi chiến tranh mà đến bây giờ hậu quả thảm khốc vẫn còn đang phải khắc phục. Hồi đó có ông bà nào bắn tên lửa vào căn cứ Mỹ để răn đe không? Cho nên, từ “nhân đạo” là một từ hiểu theo nhiều nghĩa. Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta thật là rõ ràng, chính xác: Chúng ta quan ngại hành động vũ lực mà nạn nhân sẽ là các dân thường vô tội. Chúng ta mong các bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán để đối thoại, không phải dùng đến bạo lực. Tình hình Syria rồi sẽ đi đến đâu, đó còn là một dấu hỏi lớn, phức tạp ở đất nước được xem là nơi có nền văn hóa rất lâu đời của loài người. Có câu: “Mỗi người có văn hóa trên thế giới phải chấp nhận rằng anh ta có hai quê hương: một nơi anh ta sinh ra, và Syria” (Andrea Parrot).
Cái quan trọng hiện nay là sự căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ - Anh… Sự căng thẳng này là phản ánh các tương quan giữa Nga và các nước đó và không dễ giải quyết, chừng nào Nga vẫn kiên quyết giữ vững chủ quyền, độc lập của mình.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một vấn đề thời sự nóng. Mỹ áp thuế 50 tỉ USD rồi 100 tỉ USD lên hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ. Lập tức Trung Quốc đáp trả và tuyên bố không nhân nhượng. Với chính sách “nước Mỹ trước tiên”, “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump, một doanh nhân tính ra mỗi năm Mỹ thất thiệt 370 tỉ USD trước hàng hóa Trung Quốc. Nhưng làm thế nào khi người Mỹ đã quen dùng hàng giá rẻ từ Trung Quốc (trong đó có các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc). Cái lợi cho Mỹ là ở đó. Giá rẻ vì nhân công Trung Quốc rẻ, rẻ hơn nhiều so với Mỹ, tất nhiên. Do vậy, chắc chắn là phải có đàm phán, tham vấn và nhượng bộ lẫn nhau, còn “già néo đứt dây” thì Mỹ cũng không có lợi. Thị trường Trung Quốc lớn quá, mà Mỹ và bất cứ nước nào cũng cần đến.
Trong lúc đó, Trung Quốc huy động 50 tàu chiến và 80 chiến đấu cơ, hơn 10.000 binh sĩ, trong đó có tàu Liêu Ninh là một hàng không mẫu hạng tập trận ở biển Đông. Chủ tịch nước Tập Cận Bình đích thân thị sát, sau đó tàu Trung Quốc tiến về phía eo biển Đài Loan. Giữa Đài Loan và Bắc Kinh đang căng thẳng. Vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan phòng thủ, và ban hành luật cho phép các nhân vật cấp cao của Mỹ được phép đến Đài Loan. Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ sẽ bị thu hồi, kể cả bằng vũ lực, của mình. Do đó, Trung Quốc tỏ thái độ. Dầu sao chắc cũng chưa đến nỗi xảy ra chiến cuộc ở hai bờ. Đài Loan cũng tổ chức diễn tập quân sự ở ven biển phía Đông hòn đảo, nữ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cũng đi thuyền thị sát. Trung Quốc vẫn đang căng thẳng về đảo Điếu Ngư, biển Hoa Đông với Nhật và trên biên giới Trung - Ấn.
Nhưng Trung Quốc có lẽ đang tiến hành một bước đi ngoại giao hòa dịu trước mắt để tranh thủ thời cơ quốc tế thực hiện chiến lược “vành đai và con đường”, thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” trỗi dậy dưới thời kỳ Tập Cận Bình. Đối với Việt Nam, Vương Nghị - ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vừa qua nước ta và lãnh đạo ta nhắc lại với ông ta rằng cần thực hiện những cam kết đã được thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước, không gây căng thẳng thêm ở biển Đông. Nhưng Trung Quốc có thực hiện điều đó không, còn là một vấn đề rất tế nhị. Đó là các vấn đề về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền khai thác tài nguyên của Việt Nam trên biển Đông. Chúng ta phải hết sức kiên nhẫn. Trước mắt, duy trì và phát triển những quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc, duy trì tình hữu nghị vốn có, đang có. Trong một việc lớn như thế này, các bên “chơi cờ” cần có những nước cờ cao, đôi khi phải chọn nước đi mềm, hòa hoãn.
Tình hình Triều Tiên diễn biến khá kỳ lạ. Từ căng thẳng tột độ về hạt nhân của Bình Nhưỡng như thế, nay Hàn - Triều sắp ngồi lại ở cấp cao (27-4), rồi tiếp theo sẽ là Mỹ và Bình Nhưỡng (đầu tháng 6). Mục tiêu duy nhất là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nghĩa là Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa. Để đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ đưa ra yêu sách gì? Chưa biết. Phải đảm bảo hòa bình cho họ, còn những điều kiện khác về kinh tế thương mại, bình thường hóa quan hệ… thì như thế nào? Ông Kim Jong-un vừa cùng bà vợ (đã ba con nhưng trang phục đẹp như một thiếu nữ khiến dân mạng xôn xao) đi tàu hỏa (tất nhiên là tàu đặc dụng) thăm Bắc Kinh, và được Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp như một người anh em thân thiết. Động thái này của hai bên Trung - Triều là rất có ý nghĩa. Kim đi nước cờ nào cũng phải dựa vào Bắc Kinh, nước lớn áp sát mình, quan hệ anh em đồng chí lâu đời với mình, Trung Quốc từng “kháng Mỹ viện Triều”, hy sinh cả 1 triệu quân, không thể xem thường. Liệu Bình Nhưỡng có “cải cách, mở cửa” sau khi phi hạt nhân hóa để vực dậy nền kinh tế của mình?
Các tổ chức quốc tế về ngân hàng đánh giá sự tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2018 là rất cao, từ 6,5% lên đến 7,1%. Chỉ riêng quý I, Việt Nam đã tăng trưởng được 7,41%. Hiện thời, Trung ương và các địa phương đang hết sức đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhiều con số gây ấn tượng. Ví dụ về xuất khẩu thủy sản, hoa quả đều tăng so với năm ngoái. Con cá tra của Việt Nam được ưa chuộng ở nhiều nước, và quả chôm chôm bề ngoài có vỏ xù xì nhưng trong trắng ngần lại được ưa chuộng ở New Zealand - một thị trường hết sức khó tính. Vải thiều năm nay triển vọng được mùa, sẽ được xuất sang nhiều thị trường lớn. Làm sao cho người dân có thêm thu nhập, đỡ khó khăn vất vả, đó là tấm lòng quý báu của Nhà nước ta. Tất cả các bộ, ngành đều ra sức và những người chỉ huy càng dốc lòng tâm huyết, ai cũng thấy. Các hiệp định CPTPP mà chúng ta ký với các nước, rồi hiệp định với EU… sẽ mở ra những triển vọng lớn cho phát triển. Sự tiếp xúc rộng rãi, đa dạng, hiệu quả với nhiều quốc gia trên thế giới, mở ra những triển vọng buôn bán trao đổi hàng hóa đáng mừng. Tình hình kinh tế thế là triển vọng. Nhưng tình hình văn hóa xã hội, nhất là giáo dục làm cho người ta nhiều lúc xốn xang, bức xúc, lo lắng.
Một là, những diễn biến xấu, hàng ngày xảy ra trong giáo dục tuy chỉ là cá biệt, đột ngột, nhưng cũng thể hiện một sự thật, phản ánh tình trạng xã hội, con người xuống cấp về đạo đức đã từ lâu.
Hai là, những biểu hiện ở cấp cao trong giáo dục, như chuyện cải cách toàn diện và cơ bản giáo dục mà cái thể hiện ra là ở chương trình và sách giáo khoa, làm cho có người cho là “giáo dục đang vỡ trận”. Thực ra thì nếu nhìn cách nào đó thì giáo dục từ lâu đã vỡ trận. Qua bao nhiêu đời Bộ trưởng, giáo dục Việt Nam vẫn tụt hậu, vẫn bị xếp vào những thứ bậc thấp trong vùng và trên thế giới. Không có một trường đại học nào được xếp vào top 300 đại học ở châu Á. Giáo dục là một vương quốc 23 triệu người, cả thầy lẫn trò. Giáo dục là một khoa học, hơn nữa, khoa học của các khoa học. Nó đứng ở hiện tại, mà phải nhìn thấy tương lai khi những sản phẩm của nó bước vào đời. Khó khăn là vậy, nhưng cái cỗ máy sản xuất ra con người, ra nhân tài, nhân lực này do những ai điều khiển? Đã đành rằng không thể tìm ra một Chu An là “thái sơn, bắc đẩu”(*) trong giáo dục như thời xưa. Nhưng chọn người làm giáo dục, người dạy con người làm người, đào tạo ra con người là một việc hình như càng ngày càng khó. Nếu những người đó không nối được bước ông cha thời xưa và thời nay, những người đạo đức cao cả, hiến mình, tấm gương giáo dục người, hơn nữa, họ phải là người có tài bên cạnh có đức. Thế mà nhìn vào nền giáo dục hiện thời, chúng ta có quá ít hy vọng. Tại sao đến nông nỗi ấy?
Ba là, chúng tôi cho rằng việc giáo dục có phần trách nhiệm của lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Đã nói được giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng có thấy ai xắn tay áo lên, ngày đêm suy nghĩ, lo lắng cho công việc và kết quả của cái vương quốc 23 triệu người ấy đâu! Hình như chúng ta quan tâm đến kinh tế, thương mại, đến chỉ số tăng trưởng, nhưng chúng ta còn ít quan tâm đến giáo dục. Mà lẽ ra, đây là vấn đề đáng lo lắng hàng đầu, hằng ngày. Tình hình chỉ bình yên bên ngoài, nhưng sự xuống cấp và nói cho quá lên là “vỡ trận của giáo dục” đang đe dọa tương lai của đất nước. Chúng tôi cho rằng lơ mơ là chúng ta mất ở thế hệ kế tiếp, thế hệ đang “nhạt Đảng, khô Đoàn”, không mặn mà với chính trị, nghĩa là với đất nước.
Xin nói về chương trình đổi mới giáo dục và sách giáo khoa. Theo thông tin mà chúng tôi có được, trước đây đã chi 4.000 tỉ đồng, và gần đây đã vay ODA 77 triệu USD để làm việc đổi mới này. Nhưng hiện thời có rất nhiều ý kiến chung quanh việc này. Người ta hoài nghi công việc và kết quả của nó. Chương trình tích hợp trong các môn Tự nhiên đã thật là tích hợp một cách biện chứng sâu sắc hay chưa, hay chỉ mới là một sự trộn lẫn hình thức. Về Khoa học xã hội, trong đó có Sử và Văn, trong đó Văn là vấn đề chúng tôi quan tâm nhiều. Mới xem qua chương trình và sự thể hiện, chúng tôi thấy có rất nhiều câu hỏi. Tại sao toàn bộ 1.000 năm văn học lại chỉ chọn bắt buộc có 6 tác phẩm, còn thì để giáo viên tự chọn. Rồi thì trong khung định hướng để tự chọn đó, thì lại xuất hiện vấn đề vị trí của văn học yêu nước, cách mạng, kháng chiến được dàn dựng như thế nào. Ở đây, có sự hạ thấp nền văn học ấy, nếu không muốn nói là âm thầm gạt bỏ một cách rất tinh vi. Ta biết rằng lâu nay những luồng tư tưởng cho văn học kháng chiến - cách mạng là văn học quan phương, văn học đồng phục, văn học minh họa… được phổ biến lan tràn. Họ muốn hạ thấp và gần như xóa nhòa nền văn học ấy trong trí nhớ của học sinh. Vì thế, những nhà văn tên tuổi lừng lẫy, dấu ấn không thể phai mờ của tác phẩm và nhân cách trong kháng chiến như Anh Đức, Nguyễn Thi, Phan Tứ… không được đưa vào chương trình đã đành, còn văn học yêu nước ở các thành thị miền Nam, với những bài thơ áng văn tâm huyết bị đứng ngoài ngõ. Chế Lan Viên, một thiên tài thơ, tâm huyết với Tổ quốc ta bao giờ đẹp thế này chăng, Kết nạp Đảng trên quê hương của mẹ, Ngày vĩ đại, Sau chiến thắng… lại đưa vào một bài Con cò vô thưởng vô phạt. Các vị nói rằng đó là các vị mở, đổi mới, đề cao nhân văn… nghĩa là tất cả những mỹ từ, nhưng đằng sau đó là một toan tính không thể chấp nhận được. Nếu Trung ương Đảng và Nhà nước ở quá xa chuyện này, không đi sâu sát chuyện này, kể cả vấn đề nhân sự tổ chức thực hiện, thì chúng tôi cho rằng đó là một điều không thể coi thường.
Tóm lại, nếu giáo dục không được quan tâm lãnh đạo, quan tâm lắng nghe, quan tâm ở từng việc tưởng là nhỏ mà không hề nhỏ như sách giáo khoa thì cái nền tảng của giáo dục là đạo làm người, là lòng yêu nước, là khí phách dân tộc… sẽ bị suy yếu. Trước đây đã có lần những người làm sách giáo khoa đưa Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh ra khỏi sách giáo khoa, lập luận rằng Tuyên ngôn độc lập không phải là mỹ văn (belle lettre). Hồi đó Bộ Chính trị (đồng chí Đào Duy Tùng, đồng chí Nguyễn Đức Bình) được báo cáo liền chỉ đạo chấn chỉnh. Nay thì đệ tử của những người làm sách thuở đó lại vòng vo thực hiện cái tư tưởng sai trái của người đi trước. Bộ Giáo dục đã cân nhắc kỹ lưỡng thấu đáo, nghiêm túc dàn nhân sự này chưa? Tại sao tiền để làm sách nhiều như thế, không hề tổ chức nhiều cuộc tham vấn hội thảo với các chuyên gia để lấy ý kiến. Lặng lẽ làm đến nay đưa ra vấp phải phản ứng, nếu cấp trên không giải quyết một cách kiên quyết và riết ráo, cứ để vòng vo tam quốc mãi thì hậu quả sẽ rất xấu. Cái sai trong giáo dục là cái sai theo cấp số nhân, ảnh hưởng cả một thế hệ. Thà để “tiền mất”, không thể để “tật mang”. Đến lúc đó dù có mất công tranh biện thì việc cũng đã rồi.
Chúng tôi mong rằng Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và cả một bộ máy khổng lồ của hệ thống chính trị dùng để bảo vệ chế độ nên có sự chuyển động thực chất, quan tâm đến giáo dục văn hóa, tư tưởng - chính trị, những cái rất dễ bị coi nhẹ trong kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.
_____
(*) “Thượng tướng Sơn Đẩu tác tư nhân” (thơ Trần Nguyên Đán mừng Chu An).
* * *
Ngay trước khi số báo này đưa in, tin khởi tố 2 Chủ tịch Đà Nẵng và 1 Trung tướng công an, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, đã làm nóng thêm bầu không khí chống tham nhũng. Đây là một bước tiến mới, làm nhân dân hả dạ, nhưng cũng thấy thật đau xót. Những cán bộ cao cấp - và số này là “không nhỏ” - được bố trí vào những chức vụ quan trọng, đã câu kết với mafia nhà-đất, lợi dụng chức quyền, kẽ hở của cơ chế, hành động gian tham, làm hại nhân dân, đất nước.
Kết án những quan tham này không có gì đáng bàn. Cái đáng bàn là: tại sao trong thể chế cầm quyền của Đảng, có thể xuất hiện những “ông vua vùng”, “con hùm xám” như Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và sau đó là Nguyễn Xuân Anh… Có cảm tưởng như thiết chế phong kiến - vua quan đã trở lại (tất nhiên là dưới một dạng khác: “quan Cách mạng”). Bây giờ xót xa là, có người đối lập nói chúng ta đánh giặc làm gì, để cho những kẻ gian(*) và dốt(*) lên cầm quyền và tham nhũng (để che mắt, các ông bị ra tòa này, nghe nói, đều có bằng Tiến sĩ!, dù vậy dốt vẫn dốt và gian vẫn gian!).
Cái mà chúng tôi suy nghĩ là: làm sao cải tiến, chỉnh đốn cái mô hình mà chúng ta đang theo, đầy những cạm bẫy, hiểm nguy chết người. Học các mô hình khác (Tây Âu, Bắc Âu, Singapore, cả Trung Quốc). Thực hành dân chủ thực sự, rộng rãi trong Đảng và trong dân. Bắt đầu sự thiết lập “quyền dân”, trưng cầu ý dân, để dân phê duyệt các việc lớn, chức vụ lớn của đất nước. Làm sao mỗi ngày mở ra cơ chế mới, thiết chế mới của nền dân chủ nhân dân (tất nhiên chúng ta không một phút nào buông lơi luật pháp, kỷ cương…).
Mong các nhà lãnh đạo, các vị làm “lý luận” tập trung suy nghĩ và giải đáp vấn đề này. Đó là trách nhiệm lịch sử khó khăn đặt trên vai quý vị. Việc lớn của chế độ, của đất nước đang còn ở phía trước.
_____
(*) Chữ của nhà thơ Tố Hữu.