18 năm trước, tôi đã đọc Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, quyển sách gần 1.000 trang dày cộm do đạo diễn - nhà báo Tô Hoàng đưa cho: Em phải đọc đi, đọc để hiểu cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta vĩ đại đến mức nào… Và tôi đã đọc, đã sống với từng nhân vật của anh như bị thôi miên vào từng dòng chữ cháy bỏng ấy. Chỉ là một quyển nhật ký, giống như sổ tay ghi chép của một nhà văn, nhưng là những suy tư, tâm sự cháy bỏng của một con người trước rất nhiều sự kiện trong suốt gần 4 năm, từ ngày 11-7-1967 đến ngày 27-4-1971. Trang nhật ký cuối cùng kết thúc trước 4 ngày tác giả hy sinh (1-5-1971) là những dòng chữ viết vội vàng trong máu lửa, những dòng ngắn báo hiệu một trận càn thảm khốc sắp xảy ra: “Sáng nay chúng bắn ngót trăm trái pháo sang Đại Lộc, sau đó đổ 10 tàu HU-1A… 10 giờ, 2 chiếc phản lực tới thả bom và bắn đạn 20 ly, sau đó đổ quân bộ kéo sang”. Đó là những dòng chữ cuối cùng, lặng thinh trong sự im lặng kéo dài suốt gần 30 năm… Phần cuối quyển nhật ký lẽ ra đã bị vĩnh viễn chôn vùi trong đất, nếu không có hai sĩ quan của phía quân đội Sài Gòn. Một sĩ quan tác chiến đã lấy nó từ thi hài Chu Cẩm Phong, còn một sĩ quan thuộc Phòng Chiến tranh chính trị Sư đoàn 3 đã cất giữ nó trong 4 năm trời, và đã trao lại cho Cách mạng khi Đà Nẵng được giải phóng. Người đầu tiên được đọc phần cuối quyển nhật ký lại là người lính của Việt Nam Cộng hòa, và cũng chính anh là người đã cất giữ, đã bảo vệ nó cho đến ngày hòa bình. Người sĩ quan đó tên Hoàng Đình Hiếu - hiện đã định cư tại California, Mỹ - thậm chí còn bao bìa mới cho cuốn sổ và vẽ lên bìa hình một cái cây mọc thẳng dưới mặt trời. Có lẽ những dòng chữ trong từng trang nhật ký đã thuyết phục người lính Việt Nam Cộng hòa, bởi sống trong xã hội Sài Gòn cũ, anh khó có thể hình dung nổi có những con người khí phách và anh hùng dường ấy... Sau này, khi được biệt phái trở về dạy sử ở trường Hồng Đức (Đà Nẵng), thầy giáo Hiếu đã từng đem Nhật ký Chu Cẩm Phong đọc cho học trò nghe.
.jpg)
Thăm mộ Chu Cẩm Phong (từ trái sang: Hoàng Hương Việt, Mai Quốc Liên, Bích Tiên và tác giả)
Đó là những câu chuyện rất hồn nhiên đánh giặc của 9 thanh niên ở tổ sản xuất và sửa chữa vũ khí ở vùng ven Hội An; chuyện cô Hồng trong nhóm đã cỡi lên trái bom 500kg, căn dặn các bạn mình ở trong hầm: “Tôi vừa mở vừa báo to cho các đồng chí biết, làm tới đâu nói tới đó. Tôi có hy sinh, các đồng chí rút kinh nghiệm”; chuyện bà mẹ có 9 người con trai và hiến trọn 9 người con cho cách mạng, ở nhà lo đào hầm, làm rẫy bám trụ cùng bộ đội; chuyện cậu Miên đi chiến đấu bị thương toác cả xương chân mà nhất định không chịu trở ra Bắc an dưỡng, anh tập bỏ nạng vào rừng vác củi, vượt đường số 1 để chứng minh mình còn chiến đấu được…; chuyện anh Thành, người anh hùng đánh bom, đánh mìn, thủy lôi từng gây nhiều trận thất kinh cho giặc, vậy mà gặp anh, anh chỉ cười hiền khô khi nói về mình: “Tôi nhát gan nhứt hạng, nghe tiếng bom, tiếng đại bác tôi sợ lắm… Nhưng khi nhận lệnh thì cái sợ bay đi mô mất… Xong trận đánh về, tôi lại sợ đại bác…”. Đó chính là những chất quặng tinh nguyên, nó tràn đầy chất sống của những cuộc đời nguyên mẫu, bản thân nó đã là chất kim cương của cuộc sống, người viết chỉ cần ghi lại mà không cần phải thêm thắt, tưởng tượng, chất mộc ấy cũng vẫn thực sự sống và đi vào lòng người với đầy tràn nỗi xúc động.
… Thật tình dù đã đọc và biết ít nhiều về chiến tranh, nhưng những trang viết của Chu Cẩm Phong đã trở thành một nỗi ám ảnh trong tôi bởi những con người thật và đẹp đến nao lòng như thế… Những cái tên gọi như bà già Dít, chị Sáu Hoàng, ông Đụng, anh Phong bí thư xã Xuyên Phú, chị Mười huyện đội phó Hòa Hải, những cái tên như Phạm Nổi, Hẹn, Tức, Gần, Năm Phối, San… năm trước còn gặp, năm sau trở lại đã hy sinh… Những chàng trai, cô gái tiếp nối nhau lướt qua trên giấy không làm sao nhớ hết tên, nhưng cái chất lắng sâu xa ấy cứ sống như có hồn, giống như một chất keo kết dính trong cùng một âm điệu bi tráng chung của cuộc chiến tranh giữ nước. Những nơi anh từng đi qua: Sơn Tịnh, Hội An, Thăng Bình, Hòa Hải, Gò Nổi, Nam Giang…, những vùng đất ác liệt nhất, vùng xôi đậu giữa ta và địch, những chuyến đi thực tế gian nan mấy lần chạm trán cùng cái chết…, nhưng những dòng chữ vẫn còn dày, nghĩa là anh vẫn còn trở về và anh lại ngồi ghi nhật ký, những dòng nhật ký pha trộn dòng nước mắt về cái chết đau thương của đồng đội: “Mình nghe tin như vậy ngồi khóc ròng, thương tiếc, uất ức, căm giận. Các em ấy chết cho mình sống. Rõ ràng là vậy. Mình thấy nhói ở tim…”.
Nhưng dòng nước mắt ấy hoàn toàn không dừng lại như là một cảm giác bi lụy, đó là tình yêu thương, và chính vì tình yêu ấy mà anh sống đẹp hơn, chín chắn hơn và bình thản hơn khi nghĩ đến ngày chính mình sẽ nằm xuống: “Bây giờ mình hiểu rõ nó bằng con đường tình cảm, bằng máu của 4 em Hường, Cúc, Anh, Dũng đã hy sinh vì mình, bằng sự quằn quại vì tra tấn của những người bạn Hòa Hải, bằng nỗi đau khổ không cùng tận của mẹ yêu thương, bằng những hy sinh của trăm ngàn người mình đã gặp… Sắp tới mình nhận đi công tác ở Quảng Đà, một nơi ác liệt nhất, mình có thể hy sinh trong mùa xuân lịch sử này. Mình nghĩ đến điều này một cách nghiêm túc. Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý thì ba mình, nhất là mẹ sẽ đau khổ đến dường nào… Nhưng dẫu thế nào mình cũng không xê dịch cái phương châm sống của mình: Dũng cảm, say sưa, quên mình như những chiến sĩ cộng sản chân chính đi trước. Dẫu ngã xuống 1 giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn cũng hạnh phúc lắm thay!...” (8-1-1970).
Suốt hơn 900 trang, có cảm giác như anh sống không kịp cùng cuộc sống, tất cả dường như sôi sục, như dâng trào cùng những sự kiện, những con người rừng rực quanh anh. Những chuyến đi tiếp nối những chuyến đi từng năm một, mà ở thời điểm bốc lửa ấy, anh chỉ có thể ghi vội vào trang nhật ký của mình để giữ lại điểm nóng của trái tim cho nhiều nhân vật mà anh từng nung nấu cho những trang văn của mình sau này. Và ngay bản thân anh, cuộc sống cũng như cuốn đi từng ngày với những lo toan cháy lòng bởi những cơn đói thôi thúc, những cơn sốt rét rừng dai dẳng… Ngòi bút được tôi luyện bởi những ngày cõng gạo băng qua cái chết, những ngày tháng lao động nhọc nhằn, đốn cây, phá rừng làm rẫy tự túc lương thực. Hạt gạo trong từng trang sách như thấm đẫm vị mặn chát của máu và nước mắt, nó quý giá như bản thân từng sự sống: “Sau đợt cõng gạo về người cứ lừ đừ, lử đử và muốn sốt muốn cảm… Cứ đến 9 giờ sáng và 4 giờ chiều là đói bụng… Cũng bắt đầu hôm nay bọn mình ăn mỗi ngày hai bữa cháo. Bắp đã hết, gạo đề phòng đói sắp đến… Giai lại mang về 1 ang bắp hột và 2 ang bột bắp. Hai bữa khuấy bột bắp ăn ớn kinh khủng. Đây là một loại tấm, một loại cám của bắp, ở đồng bằng người ta chỉ dùng cho heo. Nhưng chẳng sao, có cái để ăn, để mà làm việc là được rồi…” (18, 21-8-1968).
Như vậy đó, cả cuộc sống ngồn ngộn ấy đã trải dài suốt hơn 700 trang sách, cứ ngỡ con người cộng sản ấy chỉ biết có lo toan, trách nhiệm, và ngòi bút từng ngày chỉ vội vã với những sự kiện thô tháp của cuộc sống thời chiến, nhưng chính 200 trang cuối cùng đã bừng nở một con người khác nữa trong anh. Đó là một Chu Cẩm Phong say đắm, nồng nàn, một trái tim dữ dội bỏng cháy cho tình yêu… Con người tưởng chừng chỉ biết có công việc ấy thực sự biết yêu và yêu đến nao lòng người đọc. Người con gái tên P.L. như là một nỗi ám ảnh không nguôi, như vầng trăng dịu dàng soi vào từng dòng chữ thiết tha trong anh…, nó đằm thắm, tràn đầy một nỗi nhớ không lúc nào vơi trong trái tim anh: “Lại chiêm bao gặp Em. Mình đi làm đầu óc lúc nào cũng nghĩ tới Em, hình ảnh Em cứ thắm thiết, thân yêu, nồng nàn hiện lên trong đầu óc mình. Nhiều buổi chiều vác rìu từ rẫy đi về, áo khoác trên vai, mình mơ ước chiều nay về nhà ở dưới suối nước bước lên sẽ nhìn thấy Em từ trong nhà bước ra đón mình… Mình như trôi vào một cõi lạ, chỉ còn nỗi nhớ P.L. và khao khát được sống bên nhau, quấn quýt trong hạnh phúc ấm êm… Không gì nhiều, giá như lúc này có Em ở đây, cùng ngồi bên cạnh mình trên chiếc ghế bằng nứa này, Em khe khẽ hát cho mình nghe, một bài thôi… Tình yêu sôi nổi trong máu mình, trong trái tim nóng bức chói chang như nắng hè của mình khiến mình mạnh thêm lên khao khát sống mãnh liệt để vươn tới những cao thượng…” (5-7, 11-3- 1971). Và họ đã có cùng nhau một tình yêu đẹp tuyệt vời, chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi trước ngày anh hy sinh… Lần cuối cùng họ gặp nhau bên bờ sông Đăkvin trên đường anh đi công tác về Xuyên Tân, đó cũng là lần đầu tiên những khát khao cháy bỏng trong giấc mơ của anh đã trở thành hiện thực… Và anh say đắm ghi lại từng dòng, đọc mà thấy nao lòng: “Ngồi bên Em, mình ngắm nhìn rất lâu một bên má, chiếc gáy trắng. Da Em mịn màng. Và lần đầu tiên mình ôm thân hình mềm mại của Em và hôn Em”. Đó là ngày 31-3-1971, trang nhật ký vẫn phập phồng một niềm hy vọng cháy bừng cho tình yêu. Và từ đấy, những dòng chữ như có một chất sống mãnh liệt và chứa chan hạnh phúc… Ôi, cái thứ hạnh phúc hết sức bình dị của con người mà cả hai người cùng mơ ước, cùng hướng về nhau ấy đã mãi mãi không bao giờ đạt được… Chỉ 30 ngày sau đó, trang nhật ký vĩnh viễn ngừng lại ở ngày 27-4-1971…!!
Quyển nhật ký đã từng theo tôi như một nỗi ám ảnh không nguôi…, gần 20 năm sau, tôi mới được đến viếng mộ anh. Người thanh niên ấy vẫn cứ trẻ mãi cùng tuổi thanh xuân của anh. Và người con gái trong trái tim anh vẫn còn trẻ mãi cùng với tình yêu cháy bỏng của hai người. Anh đã ra đi trọn vẹn, thanh khiết như hàng triệu người trẻ khác đã ra đi…
Anh đã ra đi gần nửa thế kỷ, đất nước đã hòa bình 43 năm… Những nấm mộ chập chùng im lặng trong kia vẫn lặng lẽ nằm một bên cuộc sống. Và cuộc sống vẫn trôi đi, dữ dội, giữa đôi bờ thiện ác… Khi đứng trước mộ anh và hàng ngàn nấm mộ anh hùng trong kia làm sao mà không đau lòng, không chua xót khi nghĩ đến mảnh đất anh đã trở về, đã dâng hiến tuổi thanh xuân và cuộc sống cho nó bây giờ?! Một vùng đất anh hùng thấm máu biết bao anh hùng đã ngã xuống, giờ đây đang bị đem ra chia chác, đổi bán trong tay các quan chức, với những con số nhảy múa hàng ngàn tỉ đồng như tiếng chuông báo tử…
Ôi, những dòng máu thanh xuân ấy đã đổ xuống cho chúng ta được sống...!!