HV125 - Về sách giáo khoa bậc phổ thông - như tôi hiểu và mong muốn

1. Ngữ - Văn: Tiếng nói và Chữ viết. Phải quan tâm cả hai phía; và chú ý tính đặc thù của Ngữ - Văn Việt trên con đường khó khăn đi tìm Chữ.

Tiếng nói Việt có từ rất lâu đời, nhiều nghìn năm. Còn chữ viết thì muộn, phải về sau mới có, với trật tự từ Hán - Nôm sang Quốc ngữ.

Có tiếng nói là có văn học - đó là văn học truyền khẩu, gồm nhiều loại hình, có trước và cùng tồn tại song song với văn học viết trên suốt chiều dài lịch sử. Và sự giao thoa, tác động qua lại giữa hai khu vực cũng là một tồn tại lâu dài. Những bà mẹ Việt Nam mù chữ vẫn thuộc lòng và lưu truyền 3.254 câu thơ Kiều cùng ca dao và các truyện Nôm khác. Cho đến thời hiện đại vẫn tồn tại truyện và thơ dân gian - như thơ Bút Tre.

2. Ngữ Văn - đó là nghệ thuật của ngôn từ, để phân biệt với các loại hình nghệ thuật khác như họa, nhạc…

Đồng ý với cách phân biệt 3 loại văn, theo cấp độ khác nhau.

- Văn thông tin: cần cho mọi nhu cầu giao tiếp.

- Văn nghị luận: cần chất trí tuệ.

- Văn nghệ thuật: cần xúc cảm, mỹ cảm.

Trong chương trình phổ thông cần trang bị sự hiểu biết và vận dụng cần thiết cả 3 loại văn. Tối ưu là cả 3. Tối thiểu là 1 và 2. Văn thông tin để diễn đạt tốt các ý tưởng (trong nói và viết) cho bất cứ ai là công dân từ nhỏ đến lớn, trên mọi ngành nghề, mọi phân công xã hội để ăn nói được gẫy gọn, sáng sủa; viết công văn, thư từ (ở tất cả các cấp từ xã, phường đến trung ương) không sai, vụng, gây nhầm hiểu hoặc khó hiểu. Với văn nghị luận, trong diễn đạt phải có ý tưởng, tư tưởng. Có thêm cảm xúc và có cách thức trình bày mang tính sáng tạo đó là văn nghệ thuật. Nói như Roland Barthes (1915-1980) chỉ được xem là nhà văn những người có được văn phong và tạo được một ngôn ngữ riêng. Còn Nguyễn Tuân thì rất dị ứng với những người viết cẩu thả, và người đọc nông nổi.

Như vậy, học Văn tối thiểu là để giúp trẻ em biết cách thức giao tiếp trong sinh hoạt và trong trường đời.

Còn tối đa - sẽ có một tỷ lệ nhỏ, hoặc rất nhỏ trong số các em rồi sẽ thành nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn chương, hoặc khoa học xã hội - nhân văn, và đó cùng là một yêu cầu đặt ra, để trong sự chọn lọc tự nhiên của nó, do nhờ vào năng khiếu mà biết đâu vài chục, hoặc vài trăm năm sau, dân tộc Việt sẽ có thêm một Nguyễn Du cho thời hiện đại. Hoặc không lâu nữa, sẽ có tiếp Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Nam Cao, Xuân Diệu, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tô Hoài... cùng rất đông các tên tuổi mới sau 1945, kể từ Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng… đến Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật…

3. Cần chú ý nét đặc thù trong lịch sử văn chương Việt để có cách đưa đến cho trẻ em bậc phổ thông một cách tiếp cận và tiếp nhận có hiệu quả, đi từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Nếu nương theo lịch sử và dựa theo cái khung văn học sử thì phải bắt đầu từ Văn Hán - với các loại hình như hịch, phú, cáo, chiếu, biểu, văn tế, truyện chương hồi, qua Văn Nôm - với truyện thơ, sử ca…, rồi mới đến Quốc ngữ - với thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, kịch… Điều này rất gây khó cho các em; mà phải theo một trật tự ngược, từ dễ đến khó, bắt đầu từ văn Quốc ngữ thời hiện đại với những áng văn dễ đọc, dễ hiểu.

Có thể bắt đầu bằng những trích đoạn văn của các tác giả tiêu biểu như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tô Hoài, xen với ca dao, Truyện Kiều, truyện cổ tích…

Ở bậc tiểu học, thậm chí có thể tìm chọn, hoặc đặt hàng cho các nhà văn viết cho các em những bài, những đoạn như trong Quốc văn giáo khoa thư trước 1945 do Trần Trọng Kim - Đỗ Thận soạn: Ai bảo chăn trâu là khổ, Cảnh quê hương đẹp hơn cả… Cũng nên có môn học thuộc lòng, để các em học thuộc những đoạn văn hay rồi nhớ suốt đời…

Từ khởi động là hiện đại (văn Quốc ngữ) sẽ đi ngược dần về cổ điển (Hán - Nôm) cho đến năm cuối - lớp 12, hoặc hai năm cuối - lớp 11 và 12, các em sẽ có được một hình dung sơ bộ về lịch sử văn học, theo trật tự: Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc… đến Tuyên ngôn độc lập và các áng văn Quốc ngữ của các tác giả tiêu biểu trước và sau 1945.

Tôi đồng ý cách chọn 6 tác phẩm bắt buộc phải học và học kỹ trong chương trình phổ thông như đã kể trên; có tác phẩm phải học đi học lại, trong nhiều năm, và lần lượt từ lớp thấp lên lớp cao, chứ không chờ đến lên cao mới học - như Truyện Kiều

Ngoài 6 tác phẩm đương nhiên phải có một cái khung rộng rãi cho sự tuyển chọn, để có thể hình dung lịch sử văn chương đã diễn ra qua các tác giả và tác phẩm tiêu biểu như thế nào? Nên có một Danh mục rộng qua các thời kỳ, và trên các chủ đề, cho người giảng chọn lựa. Danh mục này cần được cân nhắc kỹ trên nhiều tiêu chí, và dựa vào những đánh giá hoặc tổng kết của các giới sáng tác, nghiên cứu, phê bình, giảng dạy qua các thời kỳ, chứ không nên tùy tiện, chủ quan.

Có nghĩa là các Ban biên soạn - gồm cả Chủ biên hoặc Tổng chủ biên phải là những chuyên gia có uy tín, hoặc ít nhất phải được sự tin cậy của các giới chuyên môn. Cần công khai danh tính Ban biên soạn và những cá nhân hoặc tổ chức được tham khảo.

4. Nhìn chung việc tuyển chọn và bình giảng qua 3 bậc phổ thông cần từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp. Những tác gia, tác phẩm tiêu biểu cần được trở đi trở lại nhiều lần; thậm chí nên có môn học thuộc lòng cho bậc tiểu học, để cho các ý tưởng hay, và câu văn đẹp trong tiếng Việt thấm sâu vào tâm và trí các em, đến với các em ngay từ đầu đời, và sống với các em suốt đời.

Trong diện rộng của tuyển chọn cần tránh tùy tiện, lười biếng mà phải đạt được sự tâm phục, khẩu phục của các giới chuyên môn. Vì đây là sách giáo khoa cho hàng chục triệu con em, và với giá trị ổn định, bền lâu, chứ không chỉ là nhất thời, thay đổi theo thời vụ, chọn các em làm vật thí nghiệm, để nếu có ý kiến phản hồi, không đồng tình thì chỉ cần “rút kinh nghiệm” là xong! Nếu không đủ sức tìm chọn, thì nhờ chính các tác giả hoặc các chuyên gia tìm chọn, thậm chí có thể tổ chức các cuộc thi về các chủ đề cũ và mới trong các giới sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy… để có được những bài hay.

5. Lịch sử văn học - để nắm hiểu được nó, là cả một giàn giáo rất nặng; thế hệ tôi phải vào bậc đại học mới được làm quen với khái niệm này. Do vậy không cần thiết phải chất đầy, hoặc nhồi cho đủ vào đầu óc non trẻ của các em. Chỉ cần là một hình dung sơ bộ, qua các áng văn tiêu biểu, dễ tiếp nhận, sau khi kết thúc bậc phổ thông. Để sau này, khi vào bậc đại học, chỉ những ai chọn nghề ở khu vực văn chương, hoặc khoa học xã hội - nhân văn nói chung mới cần đi sâu, với tính hệ thống của nó, bằng các giáo trình hoặc chuyên đề.

Cũng như vậy, lý luận văn học là môn phải vào bậc đại học mới cần đến nó. Không nên vội nhồi vào các em những khái niệm vừa quá sức vừa khó tiêu - như là văn bản, chủ thể, nhân vật, điển hình, cá tính, trường phái, chủ nghĩa… này nọ.

Cần nhớ ở bậc phổ thông có đến hàng chục môn học; nếu môn nào cũng nặng nề như cả một giàn giáo thì việc học là cả một gánh nặng quá sức các em. Gánh nặng ấy vào đại học buộc phải trút bỏ gần hết để chỉ còn một vài phần trăm cho chuyên ngành được chọn, nếu có sự gần nhau như Văn - Sử - Địa; hoặc là xóa trắng tất cả, nếu xa nhau như Toán - Lý - Hóa… Trút bỏ hoặc xóa trắng sau 12 năm dùi mài, thi cử, đó là những tổn phí lớn về thời gian, công sức và tuổi trẻ! Do vậy, tính liều lượng, sự lựa chọn, cách thức loại bỏ đòi hỏi rất nhiều sự am hiểu của người soạn và người giảng ở bậc phổ thông.

Theo tôi hiểu, viết một giáo trình cho bậc đại học dễ hơn rất nhiều lần so với bậc phổ thông; và ở bậc phổ thông thì các cấp thấp khó hơn cấp cao. Do vậy ở khu vực này cần nhiều hội nghị Diên Hồng lớn nhỏ, trên nhiều khu vực với sự tập hợp ý kiến của các chuyên gia tiêu biểu.

 

__________

* Chủ tịch Hội Kiều học, nguyên Viện trưởng Viện Văn học.

GS PHONG LÊ*