HV125 - Việt Nam Cộng hòa: "Ai chi tiền, người ấy chỉ huy"* - Số phận những người cầm đầu Việt Nam Cộng hòa đều nằm trong tay chính phủ Mỹ

 Năm 1950, ông Ngô Đình Diệm sang Mỹ. Trong sách CIA và nhà Ngô, Thomas L. Ahern, Jr. viết: “Ngô Đình Diệm thu hút những ông chủ Mỹ (American patrons) đầu tiên nhờ 3 đặc điểm: ông được chứng nhận là người quốc gia chống Cộng, theo Công giáo La Mã và hiểu được tiếng Anh”(1). Nhà sử học Seth Jacobs nhấn mạnh đặc điểm thứ hai: “Mỹ quyết định ủng hộ Ngô Đình Diệm chủ yếu là vì ông ta theo Công giáo”(2).

Bốn năm sau, bộ đội Việt Nam chiến thắng ở Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954). Trong khi Pháp chuẩn bị rút lui, Mỹ quyết định nhảy vào Việt Nam thay chân. Đó là lúc “những ông chủ Mỹ” nói trên đưa ông Diệm về Sài Gòn cầm quyền (làm thủ tướng Quốc gia Việt Nam, rồi tổng thống Việt Nam Cộng hòa) để thực hiện một số chủ trương của Mỹ, như truất phế Bảo Đại (tháng 10-1955), ngăn chặn tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam (tháng 7-1956)… Sau này, Tổng thống Kennedy thừa nhận: ông Diệm “đã làm được nhiều việc theo đường lối của chúng ta”(3).

Mỹ đưa ông Diệm lên, rồi Mỹ hạ ông Diệm xuống. Mà không chỉ một lần. Khi ông Diệm ngồi chưa ấm chỗ trong Dinh Độc Lập thì đã bị đại sứ Joseph Lawton Collins đề nghị cách chức, làm như người đứng đầu miền Nam Việt Nam là một công chức của Mỹ không bằng.

Sớm phát hiện những nhược điểm cơ bản của ông Diệm, Collins nhiều lần gửi điện về Mỹ khuyến cáo “thành lập một chính phủ khác”, nếu không “xứ này [tức miền Nam Việt Nam] sẽ bị mất vào tay Cộng sản”(4). Ngày 24-12-1954, Ngoại trưởng John Foster Dulles trả lời: “Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta không có lựa chọn nào khác là tiếp tục ủng hộ Diệm [vì] không biết lãnh tụ nào khác phù hợp”(5). Thật ra, lý do chính là vì ông Diệm đang được một nhóm người Mỹ có thế lực ủng hộ, như Hồng y Francis Spellman (Tổng tuyên úy Quân đội Mỹ), các thượng nghị sĩ Công giáo Mike Mansfield và John F. Kennedy, các tướng William J. Donovan và John W. O’Daniel… Mansfield viện cớ: “Những người di cư [từ miền Bắc vào, đa số theo Công giáo], các giám mục và chức sắc Công giáo sẽ phản đối việc thay thế Diệm”(6).

Được Mỹ ủng hộ, ông Diệm thiết lập ở miền Nam chế độ độc tài gia đình trị, tiến hành cải cách điền địa, mở chiến dịch tố Cộng v.v… Nhân dân yêu nước khởi nghĩa khắp nơi, làm chủ nhiều vùng nông thôn.

Một cuộc đảo chính nổ ra ở Sài Gòn, suýt lật đổ ông Diệm. Ông Diệm tố cáo “có những người Mỹ trong Bộ Ngoại giao rất gần gũi với những kẻ toan giết Diệm trong ngày 11-11-1960”(7).

Cáo buộc của ông Diệm không phải là vô cớ. Một bằng chứng là sau khi cuộc đảo chính bất thành, Hoàng Cơ Thụy - một trong những thủ lĩnh của phe đảo chính - chạy tới nhà George Carver, một quan chức CIA. Thụy được Mỹ che giấu an toàn trước khi bí mật đưa ra nước ngoài.

Kennedy đề nghị thượng nghị sĩ Mike Mansfield, lãnh tụ Phe đa số (tức đảng Dân chủ) ở Thượng viện, sang Sài Gòn. Kennedy rất tin tưởng Mansfield vì hai ông đều theo Công giáo, cùng ở trong đảng Dân chủ, cùng đắc cử vào thượng viện năm 1953 và nhất là cùng ủng hộ việc đưa ông Diệm về cầm quyền ở Sài Gòn năm 1954. Mặc dù nhỏ tuổi hơn ông Diệm, Mansfield thường được xem là “cha đỡ đầu của Diệm” (Diem’s godfather). Nhưng Mansfield không thể không nói lên sự thật: Diệm “không phát triển được một quân đội có thể chống lại Việt Cộng nếu Mỹ không ngừng gia tăng viện trợ và giám sát. Uy tín của Diệm trong dân quê chưa bao giờ cao, nay đang xấu hơn. Tóm lại, việc thử dùng Ngô Đình Diệm là một thất bại”. Mansfield kết luận: Nếu tiếp tục như hiện nay, “Mỹ sẽ hao người tốn của trên quy mô ít tương xứng với lợi ích của nước Mỹ”(8).

Báo cáo của Mansfield ảnh hưởng sâu sắc tới Kennedy nên đại sứ Nolting gọi đây là “một đòn chí tử”, là “chiếc đinh đầu tiên cắm vào quan tài của Diệm” (the first nail in Diem’s coffin)(9). Một nhóm tướng tá của Quân đội Việt Nam Cộng hòa thực hiện quyết định “thay đổi nhân sự” của ông chủ Nhà Trắng. Ông Diệm và ông Nhu không chỉ bị lật đổ mà còn bị sát hại một cách thảm khốc trên xe tăng (ngày 2-11-1963).

Nhân sự thay thế ông Diệm đã được đề cập trong bản ghi nhớ ngày 16-8-1962, tức hơn 1 năm trước đó, của Joseph A. Mendenhall. Sau khi đề nghị loại bỏ cả nhà họ Ngô, nhà ngoại giao này giới thiệu “những người có thể được chọn để thay thế: Phó tổng thống [Nguyễn Ngọc] Thơ và tướng Minh “lớn” [Dương Văn Minh] làm một cặp bài trùng nắm quyền, với Thơ tiếp nối chức tổng thống một cách hợp hiến, còn Minh - viên tướng được nhiều người ái mộ nhất - phụ trách quân lực. Đây là cặp bài trùng nắm quyền được ưa thích hơn hết”(10). Đề xuất của Mendenhall được chấp thuận với một ít điều chỉnh: Dương Văn Minh giữ chức quốc trưởng, còn Nguyễn Ngọc Thơ được cử làm thủ tướng.

Tình hình Việt Nam Cộng hòa sau đảo chính ngày càng xấu, khiến Johnson (làm tổng thống từ ngày 22-11 sau khi Kennedy bị ám sát) phải cử Bộ trưởng Bộ Quốc phòng McNamara sang Sài Gòn. Báo cáo ngày 21-12 của McNamara viết: “Việt Cộng đạt nhiều tiến bộ trong giai đoạn sau đảo chính… Tình hình rất rối loạn. Nếu không bị đảo ngược trong 2-3 tháng tới, chiều hướng hiện nay sẽ dẫn tới việc trung lập hóa [miền Nam] là may mắn lắm, nhưng có khả năng nhiều hơn là dẫn tới tình trạng bị Cộng sản kiểm soát”(11).

Ngày 2-2, Johnson gửi “một bức thư viết tay nồng nhiệt ủng hộ Khánh”(12). Trước khi McNamara sang Sài Gòn, Johnson dặn: “Này Bob [tên gọi thân mật của McNamara], tôi muốn thấy một nghìn bức ảnh của anh với tướng Khánh, cười và vẫy tay, chỉ cho dân chúng bên ấy [Nam Việt Nam] thấy rằng nước này [Mỹ] hoàn toàn đứng đằng sau Khánh”(13).

Đầu tháng 2, đại sứ Maxwell Taylor đề nghị chính phủ Mỹ “bằng cách nào đó phải loại Khánh ra khỏi chính trường”(14). Nghĩ tới số phận của ông Diệm, “Khánh đầu hàng”(15). Ông không chỉ mất hết các chức (ngày 20-2) mà còn phải rời khỏi Việt Nam (ngày 25-2), một đi không trở lại. Trước sức ép của Mỹ, Khánh phải chấm dứt sự nghiệp chính trị và quân sự của mình khi mới 38 tuổi.

“Người hùng” tiếp theo của Mỹ là Nguyễn Văn Thiệu. Cho tới cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, ông Thiệu mới là đại tá, ít được biết tới. Thế nhưng, vào đầu năm 1965, tức chỉ hơn một năm sau, ông đã là trung tướng. Từ ngày 14-6-1965 đến ngày 21-4-1975, trong 10 năm, ông liên tục giữ chức vụ cao nhất của Việt Nam Cộng hòa: chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia (tức quốc trưởng), tổng thống (hai nhiệm kỳ). Theo Bùi Diễm (nguyên đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ), ông Thiệu “luôn xem nhân tố Mỹ là yếu tố quan trọng nhất - nếu không phải là yếu tố sống còn - trong mọi vấn đề mà ông phải giải quyết, dù nó liên quan đến tương lai đất nước hay tương lai chính trị của riêng ông”(16). Vì vậy, trong mắt các quan chức Mỹ, “ông là người thân thiện và hợp tác, trái ngược với mấy người tiền nhiệm của ông”(17).

Tuy vậy, quan hệ giữa ông Thiệu và 3 tổng thống Mỹ cùng thời không phải là không gặp nhiều sóng gió, đến độ trong bài diễn văn từ chức được truyền hình trực tiếp tối ngày 21-4-1975, ông lên án Mỹ là “một đồng minh vô nhân đạo”(18). Xin kể mấy lần đụng độ, trong đó các tổng thống Mỹ nhiều lần đòi loại bỏ ông Thiệu:

+ Cuối năm 1968, hai chính phủ Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định mở rộng Hội đàm (hai bên) ở Paris thành Hội nghị (bốn bên). Ông Thiệu không muốn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tham dự, nên chần chừ, “làm chính phủ Johnson phẫn nộ, định lật đổ ông”(19), thậm chí “có thể ông sẽ bị CIA ám sát”(20). Ông Thiệu tâm sự với các cộng sự: “Nếu họ muốn ám sát tôi thì cũng dễ thôi. Rồi sau đó cứ đổ cho Việt Cộng hoặc là do âm mưu đảo chính là xong”(21). Nghĩ vậy, ông Thiệu đành phải làm theo ý của Mỹ, cử phái đoàn ngồi vào bàn Hội nghị Paris.

+ Bốn năm sau, hai chính phủ Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng thông qua bản dự thảo Hiệp định Paris. Thấy ông Thiệu chần chừ, ngày 6-10-1972, Nixon viết thư hăm dọa ông Thiệu đừng lặp lại “một tình huống có thể đưa tới những biến cố tương tự như biến cố mà chúng tôi [Mỹ] đã ghê tởm năm 1963.

Ngày 2-4-1975, giữa lúc Quân Giải phóng đang giành thắng lợi giòn giã trong cuộc tổng tiến công trên toàn miền Nam, Thomas Polgar, trưởng CIA tại Sài Gòn, “gửi về Nhà Trắng một bức thư tối mật, cảnh báo miền Nam Việt Nam sẽ sụp đổ trong vài tháng tới nếu Thiệu không bị cách chức”(22).

Chính phủ Mỹ tán thành đề nghị của Weyand và Polgar, chỉ thị cho Đại sứ Graham Martin ép ông Thiệu phải từ chức. Martin nói thẳng điều đó với ông Thiệu: “Nếu ông không chịu xuống thì các tướng lãnh dưới quyền ông sẽ bắt buộc ông làm điều này”(23).

Nhớ lại cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 mà bản thân ông từng tham gia, ông Thiệu đành phải từ chức (ngày 21-4-1975), bay ra nước ngoài (ngày 26-4) sống lưu vong cho đến ngày qua đời tại Mỹ (ngày 29-9-2001).

Ông Nguyễn Văn Ngân, nguyên phụ tá đặc biệt của ông Thiệu, kể: “Ông Thiệu nói với tôi là ông không có an ninh”, do đó ông phải “có những biện pháp an ninh lúc ông đi ra ngoài, chẳng hạn mặc áo chắn đạn… Chỉ có điều là đề phòng này nhằm về phía Mỹ hơn là Cộng sản. Thực ra ông Thiệu đã sống trong sự đe dọa thường trực của người Mỹ về đảo chính và ám sát suốt thời gian từ lúc cầm quyền năm 1967, đến lúc rời Việt Nam đi Đài Loan năm 1975. Đồng minh Mỹ là một đồng minh bất trắc, khó tiên liệu, và ông Thiệu luôn ở trong tình trạng của người làm xiếc đi dây nguy hiểm”. Theo ông Ngân, “ông Thiệu sợ Mỹ hơn sợ Việt Cộng, ưu tư và toan tính đối phó với Mỹ hơn là tìm cách bảo vệ miền Nam [tức chế độ Sài Gòn]… Ông Thiệu sợ Mỹ, nhưng cũng chính ông lại tuyên bố là ‘Không có viện trợ Mỹ, tôi không làm tổng thống nữa’ ”. Cho đến lúc sắp chết, ông Thiệu vẫn còn oán hận Mỹ đã buộc ông phải từ chức, nên dặn dò “ý nguyện của ông muốn hỏa táng… chứ không muốn chôn trong lòng đất Mỹ”(24).

***

Nguyên phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ viết trong hồi ký: “Người Mỹ lựa chọn, hay ảnh hưởng đến sự lựa chọn, những nhà chính trị và lãnh tụ của chúng ta, ngay cả ở cấp làng xã, và họ có xu hướng tự nhiên là chọn những người phục tùng nhiều nhất, chứ không phải là người có tài nhiều nhất”(25). Điều đó cũng dễ hiểu: họ cần người phục vụ lợi ích của họ ở Việt Nam.

Ông Kỳ viết tiếp: “Không có viện trợ Mỹ, chúng tôi không thể sống sót… Người Mỹ ý thức được ưu thế của họ do đồng đôla mang lại, nên họ đối xử với chúng tôi với thái độ kẻ cả ở mọi cấp bậc”(26). Người ta còn nhớ câu nói “nổi tiếng” của Tổng thống Johnson về ông Diệm: “Diệm có thể là một tên chó đẻ, nhưng ông ta là một tên chó đẻ của chúng ta” (Diem may have been a son-of-a-bitch, but he was our son-of-a-bitch)(27).

 

_____

* Xem kỳ 1 trên Hồn Việt số 120 (tháng 11-2017).

(1) Thomas L. Ahern, Jr., CIA and the House of Ngo - Covert Action in South Vietnam 1954-63, Center for the Study of Intelligence, 2000, tr.9.

(2) Seth Jacobs, American’s Miracle Man in Vietnam, Duke University Press, Durham, 2004, tr.43.

(3) Robert S. McNamara, In Retrospect - The Tragedy and Lessons of Vietnam, NXB Times Books, New York, 1995, tr.57.

(4), (5), Seth Jacobs, Cold War Mandarin, NXB Rowman & Littlefield, New York, 2006, tr.68, 69 và 74.

(6) William C. Gibbons, The U.S Government and the Vietnam War, Princeton University Press, New Jersey, 1986, phần I, tr.291.

(7) George McTurnan Kahin, Intervention - How America Became Involved in Vietnam, NXB Alfred A. Knopf, New York, 1986, tr.130.

(8), (9) Seth Jacobs, Cold War Mandarin, sđd, tr.139.

(10) Bộ Ngoại giao, sđd, tập II, tr.598.

(11) The Pentagon Papers, sđd, tr.290.

(12), (15) George McTurnan Kahin, sđd, tr.203 và 303.

(13) Robert S. McNamara, sđd, tr.112.

(14) The Pentagon Papers, sđd, tr.392.

(16) Stanley Karnow, Vietnam - A History, NXB Penguin Books, New York, 1987, tr.443.

(17) Joshua A. Lovell, See It through with Nguyen Van Thieu - The Nixon Administration Embraces a Dictator 1969-1974, Đại học McMaster xuất bản, Ontario, 2013, tr.13.

(18) Trần Đông Phong, Việt Nam Cộng hòa 10 ngày cuối cùng, NXB Nam Việt, California, 2006, tr.225.

(19), (20), (21), (23) Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, San Jose, 2005, tr.90, 45, 45, và 388.

(22), Edward Rasen, Final Fiasco - The Fall of Saigon, historynet.com

(24) Nguyễn Văn Ngân trả lời phỏng vấn của Trần Phong Vũ - https://ongvove.wordpress.com/2009/04/30

(25), (26), Nguyễn Cao Kỳ, How We Lost the Vietnam War, NXB Stein and Day, New York, 1978, tr.137, 138.

(27) https://www.pri.org/stories/2017-09-08

TS PHAN VĂN HOÀNG