Nền giáo dục Mỹ, các trường học ở Mỹ luôn là mơ ước của nhiều bậc cha mẹ và các em học sinh. Bởi đấy là một trong những nền giáo dục hiện đại, tiên tiến nhất của nhân loại. Năm nào nhận Giải thưởng Nobel ở các lĩnh vực, cũng có người Mỹ, hoặc những người được hưởng nền giáo dục của Mỹ.
Vậy học ở Mỹ thực chất thế nào? Gần đây, đã xuất hiện một cuốn sách kể về việc du học Mỹ này. Người viết nó không phải nhà văn, nhà báo, cũng không phải nhà nghiên cứu giáo dục, mà là một học sinh phổ thông, đang du học tại Mỹ, cháu Trịnh Huyền Vi.
Vi là con út của anh bạn thân cùng học phổ thông với tôi ở quê. Hôm Vi chào đời, tôi đã mang hoa đến bệnh viện Phụ sản Hà Nội đón cháu và thay mặt bố cháu, cảm ơn các bác sĩ và kíp trực mổ đẻ. Khi ấy bố cháu đang làm thường trú cho báo Nông nghiệp ở Cần Thơ. Nhiều người lại tưởng Vi là con gái tôi. Một bà hộ lý tỏ vẻ ngỡ ngàng: “Vui quá nhỉ! Bố cứ như con cóc già mà đẻ được cô con gái đẹp thế. Cháu bé này rồi sẽ thành người đấy!”.
Ai chẳng mong con cái mình thành người. Bởi không phải ai trưởng thành rồi cũng thành được người. Thương yêu ta nhất vẫn là bố mẹ. Nhưng bố mẹ dù có yêu ta thế nào cũng chỉ cho ta vóc dáng hình hài ở cõi trần gian bụi bặm này thôi. Còn muốn thành được người thì lại phải học.
Khi Vi có học bổng sang Mỹ du học, tôi bảo: “Cháu học được gì thì ghi lại cho bác học ké với nhé. Bác cũng muốn học như cháu lắm, nhưng không còn điều kiện để học nữa rồi. Cháu cứ thấy gì thì kể lại như vậy. Kể đúng như những gì cháu đã trải nghiệm”. Và bây giờ những gì Vi “thấy” đã thành cuốn sách. Một tư liệu ngồn ngộn. Vi đã viết rất thật. Có lẽ Vi đã thấm cái chất “thật” của đa số người Mỹ bình thường. Bàn về “cái thật” này của người Mỹ, Giáo sư Gari Athen, chuyên gia trường Đại học Iowa, đã có một nhận xét khá thú vị. Cứ như lời vị giáo sư, thì ở nhiều nước, đặc biệt là các nước châu Á, người nói thường lựa theo người nghe. Thích gì thì nói thế, cốt sao cho người nghe thấy khoái. Với người Mỹ, như thế là bất lương, là lừa đảo, vì giá trị cao nhất là sự thật. Sự thật cao hơn cả lễ phép và xã giao. Khi thương lượng để ký hợp đồng, người Mỹ không quanh co, khéo léo, mà đi thẳng vào những điều khoản cam kết. Đi đường, người Mỹ hỏi: “Đến làng X bao xa?”. Nhiều khi để khách đi đường đỡ ngại, người kia có thể đáp: “Ồ, ở ngay dưới kia thôi!”. Người Mỹ lái xe đi cả đêm, chửi rủa người chỉ đường nói dối. Nếu người Mỹ được hỏi đường, họ sẽ trả lời ngay: “Còn xa đấy. Xa lắm đấy. Đi mệt đấy!”. Khách sẽ thất vọng, mệt mỏi, nhưng biết được sự thật.
Vi chỉ kể chuyện thật. Những buổi học trong lớp. Những ngày học ngoài trời. Những buổi đi thuyền dọc sông khám phá trải nghiệm. Các thầy cô đưa các em vào rừng để các em tự tìm lối ra. Đưa các em ra một hòn đảo, như là đảo hoang để các em tự tồn tại. Khi nào không còn cách nào khác nữa thì thầy cô mới xuất hiện. Rồi chuyện tập làm gốm ở một làng gốm. Đi học muộn, hay trong giờ học mà làm việc riêng là bị phạt. Phạt lao động, dọn vệ sinh trường học. Ở Mỹ, dọn vệ sinh là các em tự quản. Rồi các em tự làm những món ăn ngon. Chuyện Vi cho ta biết một sự thật. Sự thật là học ở Mỹ không hề nhàn tản, thoải mái và không có gì áp lực như nhiều người nhầm tưởng. Người Mỹ không dạy theo kiểu đọc chép. Thầy đọc trò ghi. Trò chỉ nhắc lại những gì thầy đã nói ở trên bục giảng. Người Mỹ rất cụ thể, thiết thực. Họ biến giờ học thành buổi thảo luận. Thầy đưa ra một chủ đề cho học sinh luận bàn. Không ít buổi thảo luận thành tranh luận. Rồi thầy kết luận. Mà cũng có vấn đề thầy cũng không kết luận mà chỉ hướng cho học sinh cùng nghĩ tiếp rồi tự kết luận. Buổi học rất thú vị. Học sinh tự tin hơn. Nói như Vi: “Ở Mỹ, sự thụ động, thói ỷ lại không thể tồn tại được”. Vi còn bảo “Ở Việt Nam, mạng xã hội chỉ là nơi chia sẻ ý kiến. Nhiều thông tin rất nhanh. Nhưng cũng có cả tin vịt. Bởi thế, có người coi mạng xã hội như một bãi rác. Ở Mỹ, người ta đưa mạng xã hội vào lớp học. Thứ đầu tiên mà bạn cần phải từ bỏ khi đặt chân đến Mỹ là sự rụt rè. Ở Mỹ, chẳng có một đứa trẻ nào rụt rè. Và nhìn ở một góc độ nào đó theo quy ước phép tắc cứng nhắc, họ như là rất “điên rồ”. Và họ kéo mình vào cuộc “điên rồ” của họ. Bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều, tự tin hơn rất nhiều, đến mức bạn không còn thấy mình là mình nữa khi bạn học tập trong một môi trường như thế này”…
Một trong những công việc vô cùng quan trọng đối với học sinh Mỹ là đọc sách. Đọc sách là học. Thứ mà chúng ta không có. Hai đối tượng cần phải đọc sách nhất, đọc sách hằng ngày là các quan chức và học sinh, sinh viên. Các nhà lãnh đạo đọc sách không phải chỉ để thưởng thức nghệ thuật mà để hiểu cuộc sống, hiểu lòng dân. Các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ có sự mẫn cảm rất đặc biệt. “Vui từ trong dạ vui ra” là cái vui bình thường, ai chẳng có. Nhưng “Buồn từ ngã bảy ngã ba buồn về” là cái buồn nhân thế, cũng là nỗi niềm của muôn dân. Người lãnh đạo thấu được nỗi lo của dân, nỗi khổ của dân thì sẽ có giải pháp và quyết sách đúng đắn cải thiện đời sống của dân. Nhưng lãnh đạo ở ta hiện nay suốt ngày họp hành. Có người mỗi ngày nhận được 20 giấy mời họp chỗ này, “khánh thành”, “tổng kết” chỗ kia. Mỗi năm chỉ có 365 ngày mà có đến hàng vạn cuộc họp, đấy là con số đưa chính thức của giới truyền thông chính thống, thì còn thời gian đâu mà điều hành công việc. Chuyện đọc sách càng xa xỉ. Còn học sinh, sinh viên thì chương trình học quá nặng, các em phải đối phó, học để thi, làm sao có thời gian đọc sách. Cụ Lenin bảo: “Học! Học nữa! Học mãi!” là học trong sách đấy chứ. Sách bao giờ cũng là người thầy thứ nhất, người thầy sẽ đi theo mình suốt đời. Còn các thầy cô, các giáo sư trên giảng đường, dù có gần gũi chúng ta đến thế nào thì cũng chỉ là người thầy thứ hai. Đọc sách là tự đào tạo. Người giỏi bao giờ cũng là người có khả năng tự đào tạo. Ngay cả một giáo sư, một tiến sĩ, nếu không tự đào tạo, cũng sẽ bị “tái mù”.
Học sinh của ta đã mất thói quen đọc sách. Nói như một em học sinh lớp 12, tác giả của video clip gây chấn động trên mạng xã hội: “Trần tình của một kẻ lười biếng” thì “Một ngày chúng em phải nhét vào đầu bao nhiêu thứ vô bổ, mà nhét vào cũng chẳng biết để làm gì, vì chỉ thi xong đã phải vứt bỏ, vì không thể đem theo làm hành trang để vào đời được. Chúng em chỉ nhăm nhăm đối phó với các yêu cầu cũng rất vô bổ của các chương trình học để thi, không còn thời gian đâu mà đọc sách và vui chơi. Chúng em mất hoàn toàn tuổi thơ với những bài học không biết để làm gì”. Ngay cả ở ngành Văn mà rất nhiều sinh viên Văn một năm cũng chẳng chạm đến một cuốn sách nào. Họ chỉ đọc những tác phẩm để thi, và ngay cả những tác phẩm để thi, họ cũng chỉ đọc những đoạn trích chứ cũng không đọc hết được cả tác phẩm. Tuổi trẻ đã không đọc sách thì cả đời sẽ mất thói quen đọc sách. Trong khi đó, học ở Mỹ thì ngược lại. Chúng ta hãy nghe Vi kể: “Người ta nói học ở Mỹ rất dễ. Nhưng nếu học mà dễ thì sẽ chẳng có ai tài giỏi được đâu. Trong bất cứ lớp học nào ở Mỹ, chỉ trừ Toán, chúng tôi đều “phải đọc rất nhiều sách”. Mà ở đây, người ta gọi là “được đọc rất nhiều sách”. Lớp học nào cũng vậy, giáo viên cứ lựa khoảng 5-6 cuốn sách, lớp Tiếng Anh thì phải hơn chục quyển cho học sinh đọc. Mỗi quyển sách dài đến 300 trang, nên tính ra ngày nào tôi cũng đọc sách. Và đọc ở đây không phải là chỉ đọc cho vui. Sau mỗi quyển sách, chúng tôi đọc ở lớp Tiếng Anh, học sinh phải viết bài luận 2-5 trang để phân tích về một một chủ đề trong tác phẩm đó”.
Ở nước Mỹ, cũng theo Vi “bất cứ chỗ nào cũng có thể thành lớp học. Có khi lớp học là cả một rạp chiếu phim. Chúng tôi ngồi xem một bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học, hay phim khoa học về môi trường. Xem rồi lại thảo luận”. Trong các chương trình học ở Mỹ, việc thảo luận là rất nhiều. Người ta còn kể rằng, trong một giờ học ở trường Ngoại giao, trường đào tạo các chính khách, người ta đưa ra một tình huống rất cụ thể, ví như anh đang diễn thuyết hay đang chỉ phát biểu xã giao về một vấn đề gì đó mà lại có một kẻ bất hảo, ném cà chua trứng thối vào mặt anh, anh sẽ xử lý thế nào? Chỉ một tình huống ấy, họ đưa ra đến 500 cách xử lý khác nhau. Mỗi học viên có thể lựa chọn 1 trong 500 cách xử lý đó. Có người không chọn cách nào cả, họ đưa ra cách xử lý khác nằm ngoài cuốn sách, nhưng lại hay hơn và thông minh hơn. Bởi thế, các sinh viên của họ khi thành các chính khách, họ không làm con rối, chỉ thụ động nhắc lại những gì thư ký chuẩn bị, mà rất tự nhiên linh hoạt trước mọi tình huống xảy ra.
Bài học trong các trường đào tạo ở Mỹ thường thiết thực như thế. Nhiều kỹ năng sống được đào luyện ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế phổ thông. Chính vì thế, các em rất tự tin, có thể tự lập, đứng vững trong đời sống trước mọi sóng gió, thử thách. Điều ấy, chúng ta rất cần tham khảo để đào tạo con em mình.