HV126 - Những chuyện vui buồn trong thi cử ngày xưa

Ngày nay học sinh đi thi, ngồi trong những ngôi trường khang trang sạch đẹp, đèn điện sáng choang, quạt trần vù vù quay tít hay máy lạnh chạy êm ru, làm sao có thể hình dung được nỗi cực khổ của ông cha ta ngày trước khi mang lều chõng đi thi.

Vào cái thời còn thi cử bằng chữ Hán ấy, người ta không tổ chức thi trong các ngôi trường vì hồi ấy rất ít trường học và trường không đủ lớn để chứa nổi hàng trăm hàng ngàn thí sinh, nên tổ chức thi ngay trên bãi cỏ hay những thửa ruộng vừa mới gặt xong, dĩ nhiên là không có mái che, chỉ có hàng rào tre nứa vây quanh. Vì thế thí sinh phải mang theo lều chõng và các vật dụng linh tinh khác. Chõng tre để ngồi khom lưng làm bài, lều vải dùng để che mưa nắng. Thật ra chỉ che được nắng, chứ mưa to thì đành chịu. Gặp lúc mưa bão, gió thốc bay cả lều, người ướt như chuột lột, có kẻ đã chết rét trong trường thi. Vậy mà thí sinh vẫn phải quay lưng về hướng gió, lấy thân mình che cho quyển thi khỏi ướt và tay run lẩy bẩy viết bài, nỗi cực khổ không bút nào tả xiết.

Trước khi vào trường thi, thí sinh ai nấy đều có một lối “trang sức” như nhau: Bên sườn này là cái chõng tre và bộ gọng lều; sườn kia thì bó áo tơi và cuộn áo lều hoặc một đôi chiếu cói. Trên ngực là quả bầu be đựng nước và chiếc ống quyển đựng giấy nháp, giấy thi. Dưới bụng thì cái yên mộc hay cái tráp sơn đựng bút mực, tiền bạc và những vật cần dùng. Bấy nhiêu đồ vật, nhẹ có, nặng có, lớn có, bé có, dài có, ngắn có, hết thảy xúm lại và đu cả lên cái cổ yếu ớt của các thư sinh. Hình như Trời cũng bắt tội nhà nho, trước khi bước lên đường công danh đều phải tập việc làm của người phu trạo(1).

Thời đó người ta còn mê tín dị đoan lắm. Trước khi gọi tên sĩ tử vào trường thi, một người lính đứng trên chòi cao, theo lệnh của quan Đề điệu, cầm ống loa lia qua lia lại và hô lớn:

“- Báo oán giả tiên nhập

- Báo ân giả thứ nhập

- Sĩ tử thứ thứ nhập”

Nghĩa là: những hồn ma báo oán vào trước, những hồn ma báo ân vào sau, các thầy khóa vào sau rốt. Người ta tin rằng trong các kỳ thi, hồn ma thường đột nhập trường thi để ơn đền oán trả.

Nhà văn Nguyễn Tuân kể trong cuốn Vang bóng một thời rằng hai anh em ông đầu xứ Ngoạt (làng Cổ Nguyệt) học rất giỏi, chữ tốt văn hay, nhưng cứ mỗi lần vào thi Hương trường nhất thì lên cơn đau bụng dữ dội, không thể nào cầm bút được mặc dù đã viết xong bản nháp thật hay. Ông đầu xứ anh để tâm tra cứu lại chuyện nhà thì ra lúc sinh thời, cụ Huấn, thân phụ ông, đã phạm vào một việc thất đức. Hồi còn mồ ma cụ Huấn, cụ đã mang lấy trách nhiệm tinh thần về cái chết của nàng hầu tài hoa nổi tiếng một thời. Người thiếp đó, lúc tự ải, đang có thai được khoảng sáu, bảy tháng. Nỗi oán đó cứ theo đuổi gia đình ông, hồn ma đột nhập vào trường thi để phá anh em ông, không cho thành đạt.

Lại còn chuyện Nguyễn Quýnh, người Lai Thạch, em ông thám hoa Nguyễn Oánh, khoa thi Hội năm Nhâm Thìn (1772) vào kỳ đệ tứ xong, vui vẻ nộp quyển ra về. Ông thám hoa bảo đưa xem văn bài thì té ra nộp nhầm quyển nháp, vẫn còn lưu quyển có dấu lại.

Đêm ấy, sửa mấy chỗ trong bài thi rồi sáng sớm hôm sau, ông Quýnh đút quyển ấy vào tay áo và đem theo vài chục lạng bạc đi vơ vẩn ngoài cửa trường thi, chưa biết mưu tính ra sao. Mặt trời đã xế chiều, bỗng thấy một người lính đến, hỏi có việc gì mà vơ vẩn ở đây, cứ nói, nếu có thể sẽ giúp đỡ cho. Ông bèn nói thực. Người lính hớn hở bảo: “Việc ấy rất dễ, để tôi giúp ông”. Người ấy nhận lấy quyển thi mà trả bạc lại, xưng tên rồi dặn ông rằng:

- Sau khi ra bảng, có nhớ đến tôi thì cứ đến phường Đồng Xuân mà hỏi thăm nhà tôi là đủ, cần gì phải cho vàng bạc.

Nói rồi bỏ đi mất. Quả nhiên lúc xướng danh, ông Quýnh đỗ đại khoa. Ông liền tìm đến phường Đồng Xuân để tạ ơn người lính ấy, nhưng khi hỏi thăm thì té ra đó là một người lính tùy hiệu chết đã hơn trăm ngày rồi. Hẳn người lính đã từng chịu ơn ông hoặc gia đình ông nên dốc lòng báo đáp. Nhớ cái ơn đó, sau này khi ra làm quan, ông thường đến thăm viếng và giúp đỡ gia đình người lính ấy(2).

Đầu đời Cảnh Hưng (1740-1786) nhà Lê, ông Ngô Thì Sĩ (1726-1780) nổi tiếng là bậc hay chữ bị bọn quan lại đương thời ghen ghét vì văn tài kém hơn ông nên khi thi Hội, khảo quan dò xét, hễ thấy quyển nào có giọng văn hơi giống văn ông thì bảo nhau “Quyển này hẳn là khẩu khí Ngô Thì Sĩ”, thế là họ tìm mọi cách để đánh hỏng. Trịnh chúa Nghị tổ (Trịnh Doanh) biết cái thói tệ ấy nên sau kỳ thi, truyền đem quyển hỏng của Ngô Thì Sĩ ra duyệt lại. Các khảo quan nhiều người bị truất phạt, nhưng vẫn không diệt được cái tệ ấy.

Khoa Bính Tuất (1766), Ngô công bị bệnh tả, người rất mệt, nên khi vào thi trường đệ tứ, ông cố làm qua loa cho xong quyển. Khi chấm, khảo quan bảo: “Quyển này, kim văn thì luyện đạt lắm, đáng là văn hội nguyên nhưng văn khí hơi yếu [chắc là vì đi tả nhiều!], không phải giọng văn Ngô Thì Sĩ”. Chấm đến quyển ông Nguyễn Bá Dương lại bảo nhau: “Quyển này văn khí mạnh mẽ khác thường, giống giọng văn Ngô Thì Sĩ, nhưng kim văn lại kém, Thì Sĩ tất không làm như thế”.

Vì họ hồ đồ, không biết quyển nào là của Ngô Thì Sĩ mà đánh hỏng nên Thì Sĩ mới chiếm Hội nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hội)(3).

Trường hợp Nguyễn Huyên, người Hải Dương, mới thật là oan. Khoa Quý Sửu (1493), ông đã đỗ đệ nhị giáp cùng với anh là Nguyễn Hoãn, nhưng đến khi vua ban yến, do không ăn được món tôm đất (thổ hà) nên ông không nhúng đũa vào. Vua Lê Thánh Tông cho là bất kính nên truất, không cho đỗ, chỉ được bổ làm Huấn đạo phủ Thao Giang (Đăng khoa bị khảo). Thế là chỉ vì mấy con tôm đất mà mất cái tiến sĩ(4), oan ơi là oan!

Anh ông là Nguyễn Hoãn, văn chương kém cỏi, thế mà thi Hương, thi Hội đều đỗ cả. Có người bảo rằng văn ông trong hai kỳ thi ấy đều không phải tự ông làm mà do sáu người làm giúp. Thì ra đâu phải chỉ ngày nay mới có chuyện thi hộ, gà bài! Phải chăng vì thế mà lúc bình văn ở Quốc tử giám, ông chỉ cười hi hí chứ không chịu phát biểu gì cả.

Đời Lê trung hưng, phép thi rất nghiêm. Theo lệ, con nhà hát xướng không được đi thi vì quan niệm thời ấy cho rằng “xướng ca vô loại” (người hát xướng hèn hạ, không ra gì). Vì thế mà đã để mất biết bao nhân tài. Lộc Khê hầu Đào Duy Từ rất tài giỏi, văn chương siêu việt, thường được ví với Khổng Minh, nhưng chỉ vì con nhà hát xướng nên không được đi thi. Ông phẫn chí, trốn vào Nam, giúp chúa Nguyễn xây lũy Trường Dục và lũy Thầy ở Quảng Bình(5), ngang nhiên đương đầu với họ Trịnh ngót hai thế kỷ.

Cụ Phan Bội Châu (1867-1940) thuở nhỏ tên là Phan San, hiệu Sào Nam, học hành giỏi, chí khí lớn, nổi tiếng hay chữ khắp một vùng ai ai cũng biết. Năm 1897 cụ đi thi khoa Đinh Dậu, có người bạn vì quá yêu cụ nên lén bỏ vào tráp mấy quyển sách để cụ tra cứu. Cụ hoàn toàn không hay biết. Khi vào trường thi, lều chõng và tráp của cụ bị kiểm soát mới phát hiện ra. Vì thế, cụ bị khép tội “Hoài hiệp văn tự, chung thân bất đắc ứng thí” (Mang theo sách vở, suốt đời không được đi thi). Vì mến tài cụ, các quan lại và các bậc khoa bảng ở Huế tìm cách minh oan nên vua Thành Thái xóa án cho cụ. Năm 1900, cụ thi Hương đỗ thủ khoa trường Nghệ (Nghệ An), văn chương bốn kỳ đều được phê “ưu”, tiếng tăm giải San(6) vang dội khắp nước.

Ngày xưa, con đường tiến thân duy nhất của kẻ sĩ là thi đỗ để ra làm quan. Nếu thi hỏng, cuộc đời kể như đi vào ngõ cụt. Cho nên không có nỗi buồn nào thấm thía bằng nỗi buồn hỏng thi như Tú Xương đã viết:

Bụng buồn còn muốn nói năng chi,

Đệ nhất buồn là cái hỏng thi.

Một việc văn chương thôi cũng nhảm,

Trăm năm thân thế có ra gì!

Người thi hỏng trở về, chẳng những không được an ủi mà còn bị lạnh nhạt rẻ khinh như bài thơ Lạc đệ (Thi hỏng) của Trung Hoa ngày xưa:

Lạc đệ viễn quy lai,

Thê tử sắc bất hỉ.

Hoàng khuyển độc hữu tình,

Đương môn ngọa dao vĩ.

Dịch thơ:

Thi hỏng về đến nơi,

Vợ con mặt chẳng vui.

Chó vàng riêng có tình,

Giữa cửa nằm vẫy đuôi.

Nhưng, vì là đấng nam nhi, anh khóa thi hỏng không được phép khóc, mà buộc phải cười dù chỉ là cười gượng:

Khấp như thiếu nữ vu quy nhật,

Tiếu tự nam nhi lạc đệ thì.

(Khóc như thiếu nữ vu quy,

Cười như nho sĩ hỏng thi trở về)

Rõ thật là: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười” (Nguyễn Công Trứ).

 

_____

(1) Ngô Tất Tố, Lều chõng.

(2), (3) Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút.

(4) Đời Lê, những người đỗ đệ nhị giáp vẫn gọi là tiến sĩ xuất thân (Đại Việt sử ký toàn thư).

(5) Theo Đại Nam liệt truyện tiền biên tập I, lũy Thầy (còn có tên là Định Bắc trường thành) hiểm trở hơn lũy Trường Dục gấp mười lần.

(6) “Giải” là giải nguyên, người đỗ đầu kỳ thi Hương.

HUYỀN VIÊM