Chủ nghĩa nhân đạo thời Phục hưng và chủ nghĩa nhân đạo mác xít
Chủ nghĩa nhân đạo của thời Phục hưng là biểu hiện tinh thần của cuộc chiến đấu lâu dài mà giai cấp tư sản mới ra đời và những nhà tư tưởng của nó đã tiến hành để chống lại trật tự kinh tế, trật tự xã hội và chính trị của chế độ phong kiến và chống cái thế giới quan liên quan với chế độ ấy. Chủ nghĩa nhân đạo Phục hưng là sự khẳng định con người. Nó đứng trên danh nghĩa chủ nghĩa cá nhân chống sự nô dịch phong kiến, nó đứng trên danh nghĩa tự do tư tưởng chống uy tín của Giáo hội, nó đứng trên danh nghĩa ý chí của con người muốn trở thành “người chủ và chiếm cứ tự nhiên” mà chống những lực lượng tự nhiên.
Chủ nghĩa nhân đạo tư sản đã có công giải phóng con người ra khỏi những nô dịch phong kiến, nhưng rồi nó đã thiết lập những sự nô dịch khác, dựa trên quyền chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất, dựa trên sự thống trị của tư bản, dựa trên sự tước đoạt và áp bức các dân tộc thuộc địa. Định nghĩa con người, những pháp quyền và quyền tự do của nó bằng quyền chiếm hữu, đấy là giới hạn cơ bản của chủ nghĩa nhân đạo tư sản.
Quan điểm mác xít về chủ nghĩa nhân đạo là dựa trên hai nguyên lý cơ bản:
1. Đời sống tinh thần của con người không thể nào phát triển, nếu không có một sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất vật chất trên cơ sở quyền sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất.
2. Hạnh phúc của mỗi cá nhân, sự phát triển tinh thần và thể chất của mỗi người có thể được thực hiện nhờ nâng cao trình độ vật chất và tinh thần của tất cả mọi người. “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người” (Tuyên ngôn Đảng Cộng sản); Engels đã chọn câu trên để diễn đạt “Kỷ nguyên mới”, tương xứng với câu của Dante diễn đạt “Kỷ nguyên cũ”: “một số người trị vì còn những người khác thì đau khổ”.
Tham vọng của chủ nghĩa nhân đạo mác xít là cung cấp cho con người, tức là cho mỗi người, những phương tiện làm phát triển tất cả những sự phong phú mà con người có được. Để có được điều đó, chủ nghĩa nhân đạo cần nền tảng Kinh tế hùng mạnh, kèm theo đó là quyền sở hữu chung và sự phân phối, từ đó dẫn đến một mối quan hệ xã hội “đơn giản và trong suốt” (K. Marx, Tư bản, quyển I, tr.90). Cơ sở vật chất của chủ nghĩa nhân đạo ấy, Marx đã nhìn thấy trong sự phát triển vượt bậc của sức sản xuất dựa trên nhiều nhân tố trong đó có Khoa học Kỹ thuật. Không có cơ sở vật chất ấy, chủ nghĩa nhân đạo mới chỉ là một “ảo tưởng tốt lành”, thậm chí “mục tiêu phù du”. Đáp lại luận điểm cho rằng như thế là thô lỗ, có người nhắc lại câu nói của Phúc âm: “Con người không chỉ sống bằng bánh mì”, một nhà thần học đã trả lời xác đáng: “Trong sách Phúc âm, Đấng đã nói rằng con người không phải chỉ sống bằng bánh mì, cũng là Đấng làm cho bánh mì tăng bội lên trong sa mạc. Đặng phát cho đám đông người”. Nói như thế là để tỏ rằng chủ nghĩa nhân đạo mác xít không phải là một cái gì viển vông, nó sẽ đến, nó sẽ được thực hiện cùng với đà tiến của sức sản xuất phát triển ấy và quan hệ sản xuất cản trở nó sẽ nổ bùng một khi mâu thuẫn chín muồi, dù có sự điều chỉnh khôn ngoan. Còn ta đang ở bước đầu xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, thông qua con đường kinh tế thị trường XHCN, với chính quyền của nhân dân lao động trong tay, chúng ta từng bước thực hiện những mục tiêu của chủ nghĩa nhân đạo. Không thể một bước từ nền kinh tế nhỏ, manh mún, qua 40 năm chiến tranh nhảy vọt vào một xã hội nhân đạo như mong muốn. Con đường là dài lâu, gian khổ nhưng không phải mất hướng.
Quan niệm của chủ nghĩa Marx về con người
1. Marx định nghĩa chủ nghĩa cộng sản như là “sự chiếm lĩnh thực sự bản chất con người bởi con người và vì con người”, như là “sự trả lại con người cho bản thân nó với tư cách là con người xã hội, tức là con người tính người, sự trả lại này có tính chất đầy đủ, diễn ra một cách tự giác, có sự giữ lại toàn bộ sự phong phú của sự phát triển trước đây” (M. và E., Toàn tập, t.42, tr.116). “Giữ lại toàn bộ sự phong phú [của con người] của sự phát triển trước đây”, chuyển nó lên một trình độ phát triển khác về chất, chủ nghĩa cộng sản “giải quyết điều bí ẩn của lịch sử”. “Trả lại con người cho bản thân nó”, khiến con người trở thành chủ thể đích thực của lịch sử, hiện thân trong hoạt động của nó sự phong phú và đa dạng của những quan hệ xã hội, chủ nghĩa cộng sản thực hiện nhiệm vụ lịch sử cực kỳ vĩ đại này không phải bằng cách “phủ định trừu tượng toàn bộ thế giới văn hóa và văn minh”, không phải bằng cách gạt bỏ một cách thô bạo tài năng, không phải bằng cách “trả con người nghèo nàn, thô lỗ và không có nhu cầu trở về với sự giản đơn không tự nhiên” (M. và E., Toàn tập, t.42, tr.115), mà bằng cách con người chiếm lĩnh những điều kiện vật chất và tinh thần cho sự tồn tại của nó đã được đề ra trong lịch sử và biến những điều kiện này thành của chung của nhân loại.
2. Chủ nghĩa Marx nêu lên học thuyết triết học và khoa học duy nhất đúng về con người.
Trái với sự xuyên tạc rằng chủ nghĩa Marx “bỏ quên con người”, “xem con người đồng nghĩa với công cụ sản xuất”, trong các tác phẩm đầu tay, Ý thức hệ Đức và Luận cương về Feuerbach - nơi chứa đựng mầm mống thiên tài của một thế giới quan mới, theo lời Engels - Marx đã đề ra những luận điểm nổi tiếng về con người là “tổng hòa của những khả năng thể chất và tinh thần mà cơ thể và nhân cách sống của con người có được” và “trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa của tất cả các mối quan hệ xã hội”; “Cá nhân (ở đây có nghĩa là con người cá thể hay nhân cách - M.Q.L) trên thực tế là thuộc về một hình thái xã hội nhất định”; “Đời sống xã hội về bản chất có tính thực tiễn”; “Sự phù hợp giữa sự biến đổi của hoàn cảnh và hoạt động của con người chỉ có thể xét và hiểu một cách hợp lý như là thực tiễn cách mạng”; “Chỗ đứng nhìn của chủ nghĩa duy vật cũ là xã hội công dân(*), chỗ đứng nhìn của chủ nghĩa duy vật mới là xã hội loài người hay nhân loại xã hội hóa”. Khi quan niệm duy vật về lịch sử đã thực chín muồi trong tư tưởng các nhà sáng lập chủ nghĩa Marx thì có thể xem luận văn Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người của Engels là sự phát triển rực rỡ, sâu sắc, học thuyết của hai ông không những về sự phát sinh của xã hội và con người mà là cả về bản chất của xã hội loài người và con người xã hội hóa như Marx đã dự kiến trong Luận cương về Feuerbach. Vấn đề con người, vấn đề chủ nghĩa nhân đạo đã xuyên suốt từ đầu chí cuối chủ nghĩa Marx.
3. Về sự phát triển phổ quát của con người
a) Triết học duy vật trước Marx hoặc phi Marx thường sa vào hai thiên hướng phiến diện: quan niệm sinh vật học tầm thường hoặc quan niệm xã hội học tầm thường.
Với Marx, con người là sản phẩm tối cao của tự nhiên đã đạt đến trình độ có tính xã hội: “chỗ đứng nhìn của chủ nghĩa duy vật mới là xã hội loài người hay nhân loại xã hội hóa” và như vậy xã hội là xã hội loài người, con người là con người xã hội. Sản xuất và kinh tế quyết định đời sống của con người, nhưng chính con người là lực lượng sản xuất hàng đầu. Lực lượng sản xuất hay quan hệ sản xuất đều bắt đầu từ con người và quy tụ về con người. Chính vì phát hiện ra vai trò của sản xuất, của kinh tế gắn liền với nhu cầu và lợi ích sinh tồn và phát triển của con người và của xã hội mà Marx đã sáng lập được quan niệm duy vật về lịch sử và xã hội, để có thể xem quá trình phát triển xã hội như một quá trình lịch sử tự nhiên. Đồng thời cũng chính vì có vai trò của con người trong xã hội và trong lịch sử cho nên Marx không hề đánh đồng quy luật xã hội với quy luật tự nhiên, đánh đồng khoa học tự nhiên với khoa học xã hội là khoa học bao giờ cũng tính đến tính năng động, tự giác, sáng tạo của con người trong phạm vi những tiền đề khách quan, nghiêm ngặt, bướng bỉnh của lịch sử. Phép biện chứng giữa nhân tố tự nhiên và nhân tố xã hội của con người, giữa con người xã hội và xã hội loài người là chìa khóa để hiểu bản chất của con người theo chủ nghĩa Marx. Con người là sản phẩm tối cao của tự nhiên đồng thời là chủ thể cải tạo thế giới. Con người là sản phẩm của xã hội đồng thời là chủ thể sáng tạo lịch sử. Trong cả hai quá trình đó, con người cũng cải tạo và phát triển, sáng tạo ra chính bản thân mình.
b) Quan điểm duy vật lịch sử, quan điểm lịch sử cụ thể về con người.
“Trong tính hiện thực, bản chất con người là tổng hòa của những quan hệ xã hội”, và dưới một dạng khác: “Con người trên thực tế là thuộc một hình thái xã hội nhất định”, không có con người trừu tượng, con người phổ biến, con người vĩnh cửu mà là “con người hiện thực”, “con người lịch sử”, con người của một hình thái xã hội nhất định. Cơ sở của một hình thái xã hội cụ thể là quan hệ sản xuất cụ thể tương ứng với một trình độ và tính chất nhất định của lực lượng sản xuất, mà sự biến đổi của nó sẽ kéo theo sự biến đổi của toàn bộ hình thái kinh tế - xã hội, đồng thời kéo theo sự biến đổi của tổng hòa các quan hệ xã hội, nghĩa là sự biến đổi của con người.
c) Thực tiễn là quan điểm hàng đầu của học thuyết Marx về con người.
“Đời sống xã hội về bản chất là có tính thực tiễn” (Marx). “Trên một ý nghĩa nào đó, có thể nói rằng lao động đã sáng tạo ra chính bản thân con người” (Engels). Trong Luận cương về Feuerbach (luận cương III); Marx làm rõ logic luận điểm trên đây: “Thứ học thuyết duy vật chủ nghĩa cho rằng con người là sản phẩm của hoàn cảnh và của giáo dục, do đó, con người được biến đổi là do hoàn cảnh biến đổi và giáo dục biến đổi, thứ học thuyết đó quên rằng hoàn cảnh được biến đổi bởi chính con người và bản thân nhà giáo dục cũng phải được giáo dục. Sự phù hợp giữa sự biến đổi của hoàn cảnh và hoạt động của con người chỉ có thể xét và hiểu một cách hợp lý như là thực tiễn cách mạng”.
Thực tiễn không những là quan điểm ban đầu trong lý luận về nhận thức của Marx như lời Lenin mà còn là quan điểm hàng đầu trong học thuyết về con người, về sự hình thành và giáo dục con người. Quan điểm lao động là hạt nhân của quan điểm thực tiễn.
4. Cá nhân và cộng đồng
Cá nhân trong xã hội tư sản gia nhập vào xã hội với tư cách là “những thành viên của giai cấp”, trong “điều kiện tồn tại của giai cấp họ”. Họ bị phụ thuộc vào sự phân công lao động, họ là nô lệ của những hoạt động của họ. “Người tư sản trống rỗng về tinh thần bị nô dịch bởi tư bản của chính nó, bởi ham mê lợi nhuận của chính nó: nhà luật học bị nô dịch bởi những quan điểm pháp lý cứng nhắc của nó, những quan điểm này chi phối nó giống như một lực lượng độc lập nào đó”. Những giai cấp có học thức “nói chung bị nô dịch bởi các hình thức hạn chế và phiến diện địa phương hết sức đa dạng, bởi sự cận thị về tinh thần và cơ thể của họ, bởi một nền giáo dục quặt quẹo được cắt xén theo kích thước một ngành chuyên môn nhất định, bởi tình trạng họ suốt đời bị cột chặt vào ngành chuyên môn này - ngay cả trong trường hợp ngành chuyên môn đó là ăn không ngồi rồi” (Engels. M. và E., Toàn tập, t.20, tr.303-304).
“Cá thể giai cấp” bị phụ thuộc vào những điều kiện sống có tính chất ngẫu nhiên, xa lạ, nói cách khác, tồn tại xã hội của cá thể bị quy định bởi tập hợp các hoàn cảnh sống có tính chất ngẫu nhiên đối với nó và không liên quan trực tiếp đến những nhu cầu thực sự của nó với tư cách là nhân cách.
Nếu như trong xã hội tư sản, “cá nhân bị đàn áp bởi sự ngẫu nhiên”, tồn tại của mỗi người là sự diễn đạt ít nhiều điển hình hóa đời sống của một giai cấp mà nó là thành viên (do đó có thể nói đến lối sống của “công nhân”, “tư sản”, “trí thức” v.v…) thì trong điều kiện của sự giao tế tập thể cộng sản chủ nghĩa tồn tại xã hội không tách khỏi tồn tại cá nhân, tức là nó tìm được ở tồn tại cá nhân sự diễn đạt trực tiếp của nó.
Tính chất nhân đạo của chủ nghĩa tập thể XHCN là ở chỗ nó không đàn áp cá tính, nó là cơ sở cho sự phát triển cá tính. Bản thân cá tính ở đây cũng thuộc vào một bình diện khác về chất. Đây không còn là cá thể ích kỷ bị tha hóa, đây là cá thể ý thức mình như một bộ phận không tách rời ra được cộng đồng.
Về vấn đề cá tính và tự do cá nhân, Marx nhấn mạnh cá tính là ngọn nguồn, là sự bảo đảm cho tự do cá nhân. Con người “được tự do không phải là do lực lượng tiêu cực tránh điều này điều nọ mà do lực lượng tích cực biểu lộ cá tính chân chính của nó” (M. và E., sđd, t.2, tr.145).
5. Về sự phát triển toàn diện của con người, về con người phong phú
Marx cho rằng sự phát triển toàn diện của con người sở dĩ có thể thực hiện được là do những tiền đề của sự phát triển những tiềm lực sản xuất xã hội “lần đầu tiên tạo ra tính phổ quát và tính toàn diện của những quan hệ và năng lực của họ” (M. và E, Toàn tập, t.46, phần I, tr.101).
Những điều kiện bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của con người, đó là:
a) Biến lao động mà trong đó người công nhân “cảm thấy mình bị dứt ra khỏi bản thân mình” (Toàn tập, t.42, tr.90) trong xã hội tư bản, thành nhu cầu của mỗi cá thể; lao động còn có những ý nghĩa khác “ngoài giới hạn của cái tuyệt đối cần thiết cho đời sống”.
Nói một cách khác, giải quyết vấn đề “tha hóa” của con người trong xã hội tư bản. Sự phát triển của lao động sáng tạo, sự “nhân đạo hóa” quá trình lao động là tiền đề thiết yếu cho sự nhân đạo hóa đời sống tự do trong cuộc sống của con người. Con người là nô lệ trong nửa ngày thứ nhất của ngày lao động thì không thể nào thực sự tự do và sáng tạo trong thời gian tự do, nó chỉ có thể bộc lộ xu hướng xâm kích.
“Động vật chỉ sản xuất… dưới áp lực của nhu cầu vật chất trực tiếp, trong khi đó con người ngay khi không phụ thuộc vào nhu cầu vật chất cũng vẫn sản xuất khi nào thoát khỏi sự chi phối của nhu cầu vật chất” (M. và E., Tác phẩm, t.3, tr.282).
b) Chấm dứt kiểu lao động “trong đó bản thân con người làm cái mà nó có thể bắt sự vật làm cho nó”, kết quả của tình trạng này là để bảo đảm sự giàu có chung của xã hội chỉ cần “một số lượng thời gian lao động tương đối không đáng kể”.
c) Tổ chức trên cơ sở khoa học chặt chẽ toàn bộ quá trình tái sản xuất xã hội “trong tình trạng phong phú ngày càng tăng lên” (M. và E., Toàn tập, t.46; ph.tr.280).
Về con người phong phú: Tư tưởng của Marx về con người phong phú được định nghĩa như là con người cần được biểu hiện thật đầy đủ sự sống là một nguyên tắc cơ bản để xác định và đo sự phong phú của cuộc sống và nhân cách trong xã hội cộng sản (M. và E., Toàn tập, t.46, tr.476).
Marx nhấn mạnh vai trò đặc biệt của lao động trong toàn bộ thực tiễn của con người, là “bản chất đặc chủng (générique) của con người”. Tuy nhiên còn phải kể đến những yếu tố cốt yếu khác trong hoạt động của con người (hoạt động tư duy, văn hóa nghệ thuật…). Những hoạt động này không phải bị chi phối bởi “bản chất sinh vật” của con người, mà bị chi phối bởi sự phát triển của sản xuất và văn hóa tinh thần, sau đó mới tác động trở lại sản xuất. Con người, như Marx quan niệm “không là một sinh thể tự nhiên, nó còn là một sinh thể tự nhiên tính người, tức là tồn tại cho chính nó”. Mục đích tối cao của con người là chính con người. “Con người là thực thể cao nhất”, “con người là thượng đế của bản thân con người”. Do đó, con người “phải biểu lộ và tự khẳng định như là một sinh thể đặc chủng trong tồn tại của nó và trong trí thức của nó”. Giống như hoạt động của con người thể hiện xu hướng “tự thực hiện” của con người bằng sản phẩm do nó tạo ra, “sự tự ý thức của con người”, hướng về sự tự thực hiện đầy đủ nhất, thông qua sự nhận thức “bản tính tự nhiên đồng thời mang tính chất lý trí và tự do” của nó (M. và E., Trích tác phẩm thời kỳ đầu, tr.550-598)(1).
Trong việc “tự khẳng định”, “tự biểu hiện” mình của con người, văn học nghệ thuật có một vai trò quan trọng. Chủ nghĩa cộng sản sẽ bảo đảm những điều kiện cho những tài năng nghệ thuật. Trong xã hội đó, theo K. Marx “những ai mang trong mình một Rafael, người đó được tự do phát triển”.
1993-2018
(Kỳ tới: Thử đối chiếu quan niệm con người của chủ nghĩa Marx và quan niệm con người của các trào lưu triết học khác)
_____
(*) Danh từ này tiếng Nga: grajdanxkoe obsectvo, tiếng Pháp: société civile, cần dịch thành Xã hội dân sự.
(1) Từ đây trở lên, chuyển dẫn từ các bài nghiên cứu tiếng Nga.