Đất Nam Bộ là cái nôi của cải lương, người dân miền Nam vẫn giữ niềm đam mê mãnh liệt đối với cải lương, đó là điều không thể phủ nhận. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, gần như tỉnh nào, huyện nào cũng có ban nhạc đờn ca tài tử và ca cổ vẫn luôn là sinh hoạt văn nghệ truyền thống của nhân dân. Vậy vì lý do gì mà cải lương trong nhiều năm nay đã trở nên vắng lặng và không còn sáng đèn hằng đêm ở Thành phố Hồ Chí Minh nữa? Rạp cải lương chỉ còn thu lại một nơi là Hưng Đạo, và lượng khán giả cũng ngày càng teo tóp dần đi. Đó là câu hỏi luôn được đặt ra trong những cuộc hội thảo sân khấu, dù lời đáp không phải là khó, song tình trạng le lói ánh đèn này nhiều năm nay vẫn là nỗi đau của người trong cuộc. Và những hoạt động vực lại niềm tin trong công chúng cải lương như chương trình “Những dấu ấn không phai” của các nghệ sĩ ở tuổi trên 60 buộc chúng ta phải suy nghĩ… Bởi khi một thế hệ nghệ sĩ như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Út Trà Ôn, Thanh Sang, Thành Được, Hùng Cường, Diệp Lang, Minh Vương, Lệ Thủy, Phượng Liên… vẫn sống trong lòng công chúng có nghĩa là ánh hào quang của cải lương ở thập niên 60-70 vẫn luôn khắc đậm một dấu ấn khó quên, vẫn giữ một niềm tin yêu không dứt trong trái tim khán giả… Khán giả vẫn vô cùng hào hứng đến với những chương trình “Cánh chim không mỏi” để được sống lại ánh hào quang của sân khấu cải lương ngày nào với những tràng pháo tay tưởng chừng không dứt trong tiếng ca ngọt ngào của những nghệ sĩ đã đứng tuổi… Hiện tượng này cho thấy cải lương của những thập niên sau này đã có một bước lùi và đi ngược với quy luật “Thầy già, con hát trẻ”. Chúng ta có thể dễ nhận ra một điều là ngày trước những nghệ sĩ nhận Giải vàng Thanh Tâm, mỗi người đều có một giọng ca, cách diễn riêng biệt, không ai lẫn với ai. Họ hội tụ trong khu vườn cải lương như những bông hoa khoe mình trước gió xuân với hương sắc đặc biệt của riêng từng người. Và vì vậy sân khấu cải lương ngày ấy giống như một khu vườn đầy những kỳ hoa dị thảo, và khán giả gần như yêu mến tất cả những giọng ca đặc trưng của từng người với niềm đam mê mãnh liệt. Ngày trước, từ giáo sư, bác sĩ đến chị tiểu thương, ai cũng coi cải lương và ai cũng mê tiếng hát quý phái, sang trọng của Thanh Nga, giọng ca buồn tha thiết của Ngọc Giàu, giọng thổ đầy quyến rũ của Phượng Liên, giọng ngọt ngào, ấm áp của Bạch Tuyết, giọng vút cao của Lệ Thủy…
Bây giờ, hơn 40 năm qua, nghĩa là có hai lần thế hệ cải lương đã qua, nhưng thực tình những Giải Trần Hữu Trang hằng năm dường như ít để dấu ấn gì trong lòng công chúng hiện nay. Tên nghệ sĩ trẻ nhận giải nhiều đến nỗi công chúng mộ điệu cải lương cũng khó lòng mà nhớ hết, và cũng không ai biết họ sẽ đi về đâu, diễn ở đâu sau khi đã bước lên bục vinh quang? Những hương sắc ấy đã gần như trộn lẫn vào nhau, những giọng ca, cách diễn gần như cùng một khuôn giống nhau, khó lòng nhận ra điểm đặc sắc của từng người. Đó phải chăng chính là chỗ hổng rất rõ của sân khấu cải lương hiện nay. Và cũng buồn thay, khi diễn lại những vở cũ, hầu hết các diễn viên trẻ chỉ cốt làm sao ca diễn cho giống thế hệ diễn viên của mấy mươi năm trước, mà không hề có ý thức sáng tạo riêng cho nhân vật của mình. Như vậy, vai trò thực sự của trường đào tạo chính quy diễn viên cải lương hiện nay có thực sự hiệu quả? Bởi hầu hết những diễn viên thành danh hiện nay như Thoại Mỹ, Thanh Ngân, Kim Tử Long, Vũ Luân, Tú Sương, Quế Trân… đều không xuất thân từ môi trường đào tạo này. Và như vậy, lời đáp gần như đã rõ. Bởi ngày trước các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng đều không xuất thân từ trường lớp chính quy mà chỉ qua lò đào tạo của những nghệ sĩ lão thành như Năm Châu, Phùng Há, Út Trà Ôn…, nhưng họ đã lưu lại trong trái tim người hâm mộ như những ngôi sao không hề tắt.
Sự nối tiếp từng thế hệ nghệ sĩ theo thời gian là quy luật của muôn đời. Nhưng v́ sao trên sân khấu cải lương, những nghệ sĩ tuổi 20 không đủ sức hút như những nghệ sĩ của 40 năm xưa đă từng cuốn hút công chúng? Tôi cho rằng chính các băng video cải lương kém chất lượng với những kiểu làm ăn chụp giật đă góp phần làm bào ṃn t́nh yêu của công chúng đối với cải lương.
Băng video cải lương và những hệ lụy…
Những năm 1990-1991 là thời kỳ cực thịnh của băng video cải lương. Nhiều cơ sở mở ra tham gia sản xuất video cải lương như: Saigon Video, Saigon Audio, Tedeo, Đài truyền hình Cần Thơ, Đài truyền hình TP.Hồ Chí Minh, Đài phát thanh - truyền hình Đồng Nai... Nhu cầu xem cải lương của Việt kiều các nước càng tăng sau khi được tiếp xúc với những vở cải lương đầu tiên sản xuất trong nước.
Thời ấy, có khá nhiều Việt kiều về nước bỏ vốn để làm cái “thương vụ” này. Với số tiền 3.000- 4.000 đôla đặt hàng, các cơ sở sản xuất phải lo tất từ A đến Z, từ khâu giấy phép, công thực hiện đến lo duyệt mang ra được nước ngoài. Tiền quảng cáo và phát hành ở nước ngoài mới là tổn phí chính; thường chỉ chi phí cho quảng cáo thôi, các “ông trùm” cũng đã tốn gấp 10 lần số tiền làm ra sản phẩm. Nhưng bù lại, đợt băng mới nào tung ra cũng bán đắt như tôm tươi. Số lãi tăng cao càng thúc giục người làm tăng tốc độ. Và cứ thế, các cơ sở cứ chọn kịch bản, mời diễn viên và thực hiện. Theo yêu cầu ấy, những tuồng tích trước giải phóng tất nhiên là đắc dụng. Tất cả các tuồng từ tuồng cổ đến tuồng xã hội, nhất thiết phải là tuồng trước giải phóng và không được dính dấp gì tới hai chữ Cách mạng. Các soạn giả Viễn Châu, Quy Sắc, Mộc Linh, Thạch Tuyền... trở lại thành những soạn giả ăn khách sau mười mấy năm dài im tiếng. Có một trường hợp khá cụ thể đã làm Đài truyền hình Cần Thơ “ngậm đắng, nuốt cay”. Nguyên vở cải lương Con thuyền không bến là vở tuồng trước giải phóng, sau đó được cho diễn lại nên soạn giả chuyển nhân vật mình từ đi lính Cộng hòa sang đi bộ đội. Vì thế khi làm vở, Đài truyền hình Cần Thơ cứ làm y như vở đã chuyển sau này. Băng gởi đi thì lập tức bị trả về ngay, đề nghị cắt đi cái phần có dính líu tới bộ đội. Yêu cầu của chủ hàng là Thượng đế. Không làm không được. Mà làm thì thấy cay đắng quá!...
Hết vở xưa thì phải dùng đến vở nay, hết tuồng cổ, tuồng xã hội thì chuyển sang thể hài, nhưng chỉ rặt chuyện dã sử, tình yêu hoặc “cù lét”. Mà đề tài hài thì có moi óc mấy cũng chỉ quanh đi quẩn lại mấy anh Tư Ếch, Tám Tàng..., rồi dựa vào khả năng của các danh hài mà khai thác. Có lẽ chưa có lúc nào người nông dân bị đưa lên màn bạc và sân khấu làm đủ mọi trò cười như mùa video cải lương những năm ấy.
Quy trình làm phim: gọn - nhẹ - nhanh - rẻ
Và thế là không ai bảo ai, thời gian làm một phim video cải lương đồng loạt gần giống như nhau, tất cả đều gom vào trong vòng 5-7 ngày. Quy trình làm rất gọn nhẹ. Sau khi đạo diễn nhận kịch bản và làm phân cảnh xong thì cho các diễn viên họp lại ráp tuồng (người ta gọi là ráp chứ không phải tập, nghĩa là diễn viên chỉ cần biết sẽ nói cái gì, ca cái gì và diễn với ai) trong 1 ngày. Xong đâu đấy cho thu tiếng 1 ngày, thu hình 3 ngày và dựng, làm générique 1 ngày. Vậy là xong. Như thế các diễn viên có kịp thuộc tuồng không? Không bao giờ. Vì có thánh mới thuộc nổi. Vả lại học cũng không có thì giờ đâu mà học và tập tuồng. Với những nghệ sĩ ăn khách như Vũ Linh, có khi một ngày thu hình hai vở, anh phải chạy như con cù cho kịp giờ, nhiều khi đến điểm quay của vở này anh còn nguyên mặt hóa trang của vở kia... Có nghệ sĩ đến thu hình, dù lúc nào cũng có người nhắc tuồng kè kè bên cạnh mà còn quên tên bạn diễn, gọi nhầm lẫn lung tung và nhép miệng sai vì không theo được thoại.
Trong hai năm 1990-1991, băng cải lương làm ào ạt, mỗi năm có cơ sở làm cả trăm vở, mà số ngôi sao bên cải lương thì đếm trên đầu ngón tay. Người ta yêu cầu tuồng cổ phải có mặt Vũ Linh - Tài Linh, hoặc Minh Vương - Lệ Thủy, hoặc Ngọc Huyền, Phương Hồng Thủy... thì nhất thiết phải có những khuôn mặt đó. Phương thức làm một phim cải lương hoàn toàn không giống như phim truyện. Ở đây, khi thu tiếng xong, nghĩa là coi như vở đã dựng xong. Mọi chi tiết khi thu hình phải hoàn toàn khớp với tiếng từ đầu đến cuối. Vì thế công việc của người đạo diễn khi ra hiện trường là cắt cảnh sao cho hợp lý và bố trí góc máy để tạo những khuôn hình nghệ thuật phong phú thể hiện được tình tiết và nội tâm nhân vật. Tất cả những việc đó chỉ được làm trong một thời gian được ấn định bất di bất dịch, tối đa là 3 ngày. Cho nên đạo diễn đã cho qua rất nhiều những cảnh bị sai raccord(*), những cảnh nghệ sĩ nhép miệng không sing, những khuôn hình bố cục xấu, mất vai, mất tay hoặc không gian quá trống trải...; có những cảnh ánh sáng không đạt, nhưng diễn viên đã khóc rồi, không khóc lại được lần nữa, nên phải bấm bụng cho qua! Và khi làm xong một phim, nhìn thấy những sai sót, tất cả cùng đều cười xòa với nhau rằng: “Về chuyên môn, mình thấy chứ khán giả làm sao thấy được. Người ta coi chỉ cần ngôi sao và tuồng tích. Quay thế nào lại không được”! Thường sau khi chủ hàng phát hành ngoài nước xong thì cơ sở được sang ra phát hành trong nước. Số lượng sang cũng tùy vở và tùy ngôi sao, nhưng nếu tính tối thiểu là 1.000 băng thôi thì số thu cũng khoảng 35 triệu đồng. Có nghĩa là không phải ngoài nước mà là trong nước công chúng cũng được “hưởng thụ” hàng ngàn video cải lương kém chất lượng như thế. Băng video bán đầy trên các sạp, cho thuê rẻ như bèo, muốn xem tuồng nào có tuồng ấy, muốn nghệ sĩ ngôi sao có nghệ sĩ ngôi sao… Và đương nhiên đó là lúc sân khấu cải lương tắt ngúm đèn, vì các ngôi sao bận lo chạy sô làm băng video. Cũng từ đó thói quen của công chúng xem cải lương ở rạp với cảnh trí hoành tráng, với những nghệ sĩ bằng xương bằng thịt dưới ánh đèn sân khấu bỗng trở nên xa xỉ… Thói quen đến rạp dần tàn lụi…Và cũng chính kiểu làm ăn chụp giật, chạy theo đồng tiền ấy đã làm mất dần niềm đam mê sân khấu cải lương của người xem. Năm 1993, thị trường băng video cải lương vắng lặng hẳn. Giải thích sự kiện này, các cơ sở đều trả lời: “Thì họ coi riết cũng chán chứ, mình cung cấp cho họ đến mức bão hòa rồi”.
Không ai tự nói ra cho đúng với sự thật vốn có của nó. Khán giả không bao giờ quay lưng lại với anh nếu anh biết tôn trọng họ. Nghệ thuật nếu đã đem lại sự nhàm chán và bão hòa cho người xem thì tự thân anh hãy xét lại xem thứ nghệ thuật anh đem đến cho công chúng là thứ nghệ thuật gì?
_____
(*) Không tương thích giữa các cảnh đứng liền nhau.