HV127 - Cuốn sách từ Hà Nội được Choice Reviews (Mỹ) xếp 4 sao

“Sau khi đọc cuốn sách này, người nước ngoài sẽ nhìn Việt Nam với con mắt khác” (GS Elizabeth Collins)

Cuốn sách đó là Viet Nam: Tradition and Change (Việt Nam: Truyền thống và Đổi thay) của tác giả Hữu Ngọc do trường Đại học Ohio University (Mỹ) xuất bản để phát hành ở Mỹ và thế giới. Còn NXB Thế giới (Hà Nội) cũng đồng xuất bản ở Hà Nội để phát hành ở Việt Nam.

Sau đây là ý kiến về tác phẩm này của tạp chí là cơ quan của tổ chức Choice(*), hằng tháng giới thiệu cho hàng trăm thư viện những tác phẩm xuất sắc trên thế giới:

“Tác phẩm này tuyển một số bài trong cuốn Wandering through Vietnamese Culture của Hữu Ngọc, là một công trình khái quát giới thiệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, gần như một cuốn từ điển. Những bài nguyên gốc viết cho chuyên mục cho độc giả nước ngoài. Sinh ở Hà Nội năm 1918, Hữu Ngọc đã sống trong thời kỳ Việt Nam là thuộc địa Pháp, đã tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập dân tộc. Ông từng là Phó giám đốc, rồi Giám đốc nhà xuất bản Ngoại văn, Hà Nội (nay là nhà xuất bản Thế giới) đến hết chiến tranh (1975) và sau đó tiếp tục đến 1989. Bộ tuyển tập những bài luận văn này được xếp thành 19 mục, thể hiện tinh thần yêu nước và sự ham đọc của ông. Qua sự sắp xếp những bài ngắn theo chủ đề, mỗi mục đưa ra một cái nhìn khái quát điển hình về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Sự hiểu biết đa dạng của ông về Việt Nam đã đem lại một tri thức có quy củ về đất nước đi từ thời cổ đại, qua thời thực dân đến thời hiện đại, bao gồm từ múa rối làng quê đến tuồng và những chi tiết về lịch sử văn hóa, ngôn ngữ, địa phương và tiểu sử nhân vật. Điều đó vừa khuyến khích, vừa tạo nên ý thức văn hóa dân tộc mà Hữu Ngọc coi là cốt yếu cho Việt Nam trong dĩ vãng và tương lai” (Choice Reviews, tháng 3-2017).

Còn tạp chí Mỹ International Examiner, thành lập năm 1974, xuất bản một tuần hai lần nhằm phục vụ cộng đồng người Mỹ ở châu Á, chuyên giới thiệu các tác phẩm quan trọng trên thế giới của châu Á. Sau đây là lược dịch một số đoạn trong bài “100 bài tiểu luận về số phận thăng trầm khiến cho đất nước Việt Nam có bộ mặt như ngày nay” do một Việt kiều viết cho International Examiner ngày 25-2-2018:

“Tôi viết bài này trước một chuyến chuẩn bị từ lâu đi Việt Nam. Rất may là vài tuần trước đó, một người bạn đưa cho tôi quyển sách của Hữu Ngọc: Viet Nam: Tradition and Change và từ đó, quyển sách đã giúp đỡ tôi đắm mình vào văn hóa Việt Nam. Việt Nam là văn hóa của xứ sở sinh ra tôi và là văn hóa mà tôi muốn giữ lại về phía trước của bản sắc dân tộc tôi, mặc dầu tôi đã qua những năm tháng lớn lên ở nước Mỹ, phía bên kia đại dương.

Khi máy bay sớm hôm hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, tôi muốn nhớ lại nền văn hóa ấy. Tác giả cuốn sách trên sống ở Hà Nội và đã từng là Giám đốc nhà xuất bản Ngoại văn, từng là Tổng biên tập tạp chí nghiên cứu Vietnamese Studies ra hằng quý và là tác giả rất nhiều sách. Ông đã gần 100 tuổi, nói và xuất bản sách báo trên 3 thứ tiếng: tiếng Việt Nam, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Nếu bạn có thể tưởng tượng ra một người thầy hiểu biết rộng và có tấm lòng ưu ái, thì đó là hình ảnh hiện ra khi bạn đọc khoảng gần 100 tiểu luận của Hữu Ngọc về văn hóa và bản sắc dân tộc Việt Nam. Đề cập đến tất cả vấn đề này, ông viết một cách sâu sắc, đơn giản, có tính thuyết phục và cảm thông. Ông nói về số phận thăng trầm khiến đất nước Việt Nam như ngày nay.

Ông Hữu Ngọc cho biết, từ Việt Nam phải viết thành hai từ riêng (Việt + Nam) vì tiếng Việt Nam là tiếng đơn âm, ý là từ kép. Thí dụ: trong từ Việt Nam, Việt chỉ dân tộc Việt, Nam chỉ vị trí phía nam. Nghĩa là đất nước của người Việt ở phía Nam. Người Việt bảo tồn gốc Đông Nam Á mà họ làm cho phong phú thêm bằng cách ghép với những yếu tố ngoại lai - chủ yếu là Trung Quốc (thời trung đại) và Pháp, Tây Âu (thời hiện đại)...

Ông Hữu Ngọc cho biết thêm, Việt Nam lấy lại bản thể vào tháng Tám năm 1945 khi Hồ Chí Minh tổ chức tổng khởi nghĩa, tuyên bố nguyện vọng quốc tế hóa, và thoát khỏi ách thống trị thực dân. Nguyện vọng tự lực ấy tiếp diễn đến cuối 1986 bằng nỗ lực Đổi mới, với mục đích thực hiện kinh tế thị trường và mở cửa... đối với tất cả các nước, không kể đến chính thể.

Ông Ngọc nói đến hai lực lượng năng động trong tâm khảm người Việt: vai trò của Khổng học và đạo Phật. Lực lượng thứ nhất gốc từ di sản 1.000 năm thống trị của Trung Quốc; người Việt từ đó đã cảm nhận sâu sắc chữ hiếu và chữ trung. Triết lý ấy dẫn đến sự ngăn cản giải phóng phụ nữ. Về mặt khác, đạo Phật là một tôn giáo năng động được rất nhiều người thấm nhuần vào cuộc sống hằng ngày. Đáng chú ý là nó chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc hơn là Phật giáo Ấn Độ. Tác giả nhận định là người Việt bao giờ cũng bảo toàn truyền thống của mình, trong khi ghét những yếu tố văn hóa ngoại lai để tạo ra những giá trị mới. Thí dụ như đạo Phật có thể tồn tại với một tín ngưỡng bản địa.

Ông Ngọc có thể nói về văn hóa thượng tầng, cũng như về rối nước và văn hóa thường ngày. Ông ấy nhắc nhở tôi là có những điều thực sự có tính chất Việt mà tôi quên mất. Thí dụ về cách tính tuổi, sinh ra đã là một tuổi và tính cả thời gian trong bụng mẹ.

Trong một chương khác, tác giả đã đề cập đến tâm linh người Việt. Trong các chương tên là “Cảnh sắc Việt Nam và Tâm linh người Việt” “Phụ nữ Việt Nam và những đổi thay”, bạn có thể nghe thấy tiếng nói cảm thương của ông. Trong chương về phụ nữ, ông nói về tập quán phụ nữ nhuộm răng đen để cho thấy rõ những điểm khác nhau về tình trạng phân biệt nam nữ và vị trí xã hội và có thể đó là điều đã thuộc về dĩ vãng, vì phụ nữ đang tiến về những thành tựu mới, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học...

Hữu Ngọc nói về cả cái mới và cái cũ, về cái tươi đẹp và cái ảm đạm của văn hóa Việt Nam. Ông bảo là truyền thống và đổi thay có thể song song tồn tại. Việt Nam có thể có cả hai. VietNamNet Bridge gọi ông là nhà văn hóa và bậc thầy về văn hóa. Quyển sách này minh chứng cho điều ấy”.

GS Elizabeth Collins (Đại học Ohio University - Mỹ) đề tựa cuốn Viet Nam: Tradition and Change như sau (trích):

“Được viết vào thời Đổi mới, những bài tiểu luận phản ánh thời kỳ hiện đại, nhưng cũng gắn bó với quá khứ phong phú của ký ức và sự uyên bác của Hữu Ngọc. Những bài ấy cũng khiến cho thanh niên Việt Nam và tất cả chúng ta nhớ lại một di sản văn hóa sống động, tạo nên tính cách độc đáo của Việt Nam.

Người đọc có thể lựa chọn đọc các tiểu luận theo bất kỳ trình tự nào, tùy theo ngẫu hứng và sự quan tâm của mình. Nếu các bài được đọc liên tục từ đầu đến cuối để có một cái nhìn tổng thể thì những bài viết sẽ biến cải hiểu biết của độc giả về Việt Nam, văn hóa và con người”.

Nhà văn Mỹ Lady Borton, một nhà nghiên cứu về Việt Nam, nhận xét như sau về tác phẩm của Hữu Ngọc:

“Quyển sách này không nhằm nghiên cứu một cách có hệ thống văn hóa Việt Nam và về những truyền thống và sự đổi thay của Việt Nam. Sách vốn là sự lựa chọn một số bài tiểu luận trong cuốn Lãng du trong văn hóa Việt Nam phản ánh chủ đề này. Kết quả là, và rất có thể là có những sự kiện, nhân vật và vấn đề quan trọng không được đề cập ở đây.

...Tuy vậy, nếu tôi phải chọn một người để đi cùng một ai đó lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi sẽ chọn Hữu Ngọc. Nếu tôi phải chọn một quyển sách cho những ai sắp đến thăm Việt Nam hay những ai không có dịp thăm Việt Nam, tôi sẽ chọn cuốn Viet Nam: Tradition and Change của Hữu Ngọc”.

 

_____

(*) Choice là một tổ chức về xuất bản của ACRL (Mỹ), mục đích là cung cấp tư liệu cho các thư viện với những công cụ và dịch vụ cần thiết, bằng những tạp chí và bản tin Choice. Thành lập năm 1964, hiện nay Choice đã có tới 18.000 người phụ trách và làm công tác thư viện.

Choice Reviews giúp những người phụ trách thư viện làm việc hiệu quả hơn. Choice cung cấp những nguồn thư tịch cho tất cả những người cần nghiên cứu. Cho đến nay, Choice đã giới thiệu nội dung khoảng 200.000 bài bình luận và đã giới thiệu trong khoảng ¼ thế kỷ.

Choice Magazine hằng tháng giới thiệu khoảng 500 sản phẩm mới.

Mỗi quyển sách giới thiệu trong Choice Reviews được đánh theo số sao. Thí dụ: số ra tháng 3 năm 2017, trong một sách của châu Á - Thái Bình Dương giới thiệu cuốn Viet Nam: A new history (NXB Basic Books, 2016) của Goscha và Christopher được đánh giá 2 sao. Còn cuốn Viet Nam: Tradition and Change (NXB Ohio University, 2016 và NXB Thế giới, 2016) của tác giả Hữu Ngọc, do Lady Borton và Elizabeth Collins biên tập, được đánh giá 4 sao.

ĐÍCH VÂN