HV127 - Một tài danh bị quên lãng

Năm 1910, tại cuộc triển lãm tác phẩm của các họa sĩ thuộc nhóm “Thế giới nghệ thuật” ở Peterburg, bức tranh Trước bàn trang điểm của một tác giả xa lạ mang tên Zinaida Serebryakova có sức cuốn hút kỳ lạ đối với người xem. Họa sĩ bậc thầy Valentin Serov bèn lập tức đề nghị “vĩnh cửu hóa” tác giả bí ẩn ấy. Bức tranh được chuyển đến Viện bảo tàng nghệ thuật Tretyakov và cho đến nay vẫn là niềm tự hào của bảo tàng này. 90 năm sau, tại nhà đấu giá Sotheby’s, họa phẩm Người đàn bà khỏa thân của Serebryakova đã được mua với giá 100.000 USD. Trong suốt lịch sử của ngôi nhà nổi tiếng này, giữa hàng nghìn bức tranh được bán ra, chỉ có dăm bức là được vẽ bởi “cây cọ nữ”, và không một tác phẩm nào lại có giá đắt như vậy.

Zinaida Yevgenyevna Serebryakova xuất thân trong một gia đình trí thức nổi tiếng gồm các họa sĩ, nhà điêu khắc và các kiến trúc sư thuộc dòng họ Benois - Lanser - Cavos. Như thiên hạ thường nói, “tất cả những người trong gia đình đã sinh ra với cây bút chì trong tay”. Người đứng đầu dòng họ này vốn là một người thợ làm bánh mứt kẹo Louis Jules César Auguste Benois, năm 1794 đã chạy sang Nga khỏi cuộc cách mạng Pháp và bằng nghệ thuật nấu ăn của mình đã chinh phục được triều đình của nữ hoàng Ekaterina. Ông tự nguyện xin theo đạo chính thống, đổi tên thành Leonti Nikolaevich; ông sinh được 18 người con, 7 người trong số đó chết yểu ở tuổi hài nhi, 1 người sống độc thân, 10 người còn lại có con đàn cháu đống và rất có tài. Một ông tổ khác - Albert Cavos, dòng dõi người Venise ở Ý, đã lưu lại dấu ấn sâu đậm ở Nga bằng việc xây dựng nhà hát Bolshoi ở Moskva và nhà hát Marlinsky ở Peterburg. Ông ngoại của Serebryakova - Nikolai Leont Evich - là viện sĩ, chủ tịch Hội kiến trúc sư ở Peterburg, có con trai là Alexander Nikolaevich, một họa sĩ nổi tiếng, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, một trong những người sáng lập ra tờ tạp chí và nhóm “Thế giới nghệ thuật”. Thân phụ của bà là Evgeny Alexandrovich Lancer, một nhà điêu khắc trứ danh, có những tác phẩm được lưu giữ trong Viện bảo tàng Tretyakov và Viện bảo tàng Nga. Thân mẫu của Zinaida cũng vẽ rất giỏi. Bố mất khi bà mới 2 tuổi. Mẹ bà đưa bà và 5 anh chị em khác từ trang trại Neskuchnoe của dòng tộc ở gần Belgorod đến chỗ ông ngoại sống tại Peterburg, nơi mấy anh chị em bà được đắm mình trong bầu không khí nghệ thuật tinh tế của nền văn hóa thanh lịch ở thủ đô đế chế Nga cuối thế kỷ 19.

Trước năm 16 tuổi, khi học ở trường trung học, Zinaida vẽ một cách hoàn toàn tự phát. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1900, bà vào trường nghệ thuật do nữ công tước Tenisheva bảo trợ, cùng với mẹ đi du lịch sang Ý. Trở về tổ quốc, bà hầu như suốt ngày lang thang trong các phòng tranh của cung điện Hermitage để sao chép tranh của các họa sĩ bậc thầy thời Phục hưng.

“Tôi không thể nào bứt ra khỏi những bức tranh ấy vốn thấm đẫm hương vị của cuộc sống, của thiên nhiên, của tình yêu, toát lên vẻ hào hứng của những khuôn mặt, niềm tin vào con người. - Sau này nữ họa sĩ hồi tưởng lại - Sau khi rời khỏi những phòng tranh đó, tôi chăm chú nhìn vào khuôn mặt của những người thân quen, vào những người mẫu đầu tiên của mình mà trong đó bao giờ tôi cũng tìm thấy những nét mong muốn: vẻ đẹp, trí thông minh, lòng cao thượng”.

Và Zinaida suốt đời trung thành với điều tâm nguyện đó. Vào đầu thế kỷ 20, khi mọi thứ chủ nghĩa tràn vào nước Nga (chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa lập thể…), khi những quý bà kiều diễm trong những bộ xiêm y lộng lẫy, đầu đội mũ rộng vành giắt mấy chiếc lông chim, còn những người bạn tình của họ thì hít cocain, thưởng thức rượu sâm banh và đàm đạo về những số phận bi đát của nước Nga, Zinaida Serebryakova lặng lẽ khiêm nhường vẽ tất cả những cái quây chung quanh bà trong cuộc sống đời thường: phong cảnh, những cánh đồng, mùa gặt, trẻ em chơi đùa và ngủ, những người phụ nữ nông dân khỏe mạnh. Bà rất yêu thích cuộc sống giản dị, vẻ đẹp tự nhiên, sự hài hòa trong mọi vật. Thật bất ngờ và kỳ lạ: một tài năng tinh khiết, hân hoan yêu đời và không giống ai như vậy lại xuất hiện trong thời kỳ đầy bão tố, nhiễu nhương của đầu thế kỷ 20…

Bà trở về trang trại Neskuchnoe thân yêu của mình là nơi bà tìm thấy rất nhiều đề tài để vẽ và mối tình đầu, duy nhất của mình. Chàng sinh viên cầu đường Boris Serebyakov mang giá vẽ và màu đi theo nàng họa sĩ xinh đẹp và nhìn nàng bằng cặp mắt âu yếm hạnh phúc. Chàng là anh họ Zinaida, song giáo hội Chính thống ngăn cấm những cuộc hôn nhân có quan hệ họ hàng. Họ đành phải tìm một “linh mục tốt bụng” ở một vùng quê xa xôi đồng ý làm lễ thành hôn cho họ với số tiền 300 rúp, một món tiền không nhỏ vào thời điểm ấy. Cặp uyên ương hưởng tuần trăng mật ở Paris. Năm 1906, họ sinh được một bé trai đầu lòng đặt tên là Evgeni. Song cách mạng và nội chiến đã làm tan nát tổ ấm của họ. Năm 1919, người chồng đã chết trên tay bà vì mắc bệnh thương hàn.

Ở tuổi 35, Serebryakova trở thành bà vợ góa với bốn đứa con và một bà mẹ ốm yếu. Bà được nhận vào làm việc tại Viện bảo tàng khảo cổ học ở Kharkov, chuyên phác họa các hiện vật bằng bút chì, và công việc đó cũng giúp bà kiếm sống qua ngày. Sau đó, cả gia đình trở về Peterburg sống ở nhà ông ngoại Benois. Căn nhà của ông không bị tịch thu nhưng phải nhận thêm một số cư dân mới - các nhân viên của nhà hát Mariinsky. Chính những người trí thức này đã thông cảm với hoàn cảnh gia đình của Serebryjakova và giúp bà tìm kiếm những đơn đặt hàng của nhà hát.

Năm 1924, Alexander Benois đề nghị bà tổ chức một phòng triển lãm của mình ở Paris. Và thế là bà lại có dịp sang Pháp, tại đây bà đón thêm được cậu con trai Alexander và cô con gái út Katya. Còn Evgeni và Tanya thì vẫn ở lại với bà ngoại ở Leningrad. Cảnh tan đàn xẻ nghé của gia đình đã khiến cho Serebryakova khổ tâm suốt đời.

Ở Paris, họ sống rất chật chội và khó khăn. “Mẹ đi vẽ chân dung cho những người quý phái và phải chạy theo các đơn đặt hàng” - cô con gái Katya nhớ lại. Cậu con trai Alexander cũng kiếm thêm bằng cách giúp bác Nikolai Benois làm trang trí cho nhà hát Opera ở Paris. Sau đó, bác Nikolai sang Ý và trở thành họa sĩ chính của nhà hát Scala ở Milan, còn Alexander thì làm trong ngành điện ảnh, trong các cửa hàng thời trang, minh họa sách và đi vẽ thành phố Paris cổ kính, sau đó trở thành chủ tịch Hội bảo vệ các giá trị văn hóa Nga ở nước ngoài.

Ở Paris có nhiều địa danh gắn bó với tên tuổi của Serebryakova. Nữ họa sĩ Nga đã thuê một căn phòng nhỏ bé trong khách sạn ở khu phố Latinh. Sau đó là cảng Versailles, ngoại ô Paris, xưởng vẽ ở Montmartre…

Trong những năm ở Pháp, Serebryakova đã hai lần đến Ma Rốc. Lần thứ nhất vào năm 1928. Bốn năm sau bà lại đến xứ sở ấy một lần nữa để thực hiện một đơn đặt hàng của nam tước Bỉ vốn là một nhà sưu tầm tranh rất hâm mộ phong cách của bà. Ở Ma Rốc, tuy kiếm không được nhiều tiền vì giá thuê người mẫu rất đắt, thế nhưng bà đã mang về Paris những bức tranh, những ký họa và phác thảo vô giá. Những tác phẩm này được trưng bày tại phòng tranh nổi tiếng của Girshman và đối với công chúng Paris đã trở thành một phát hiện thực sự về “vương quốc hoàng hôn”, như ở phương Tây người ta thường gọi quốc gia thuộc vùng Tây Bắc châu Phi này.

“Loạt phác thảo về Ma Rốc có sức hấp dẫn kỳ lạ - Alexander Benois, người bác ruột của Serebryakova đồng thời cũng là một họa sĩ nổi tiếng, viết về những sáng tác của cô cháu gái - Chúng ta rất đỗi ngạc nhiên khi thấy trong những bức ký họa ấy, nữ họa sĩ lại có thể truyền đạt được chính cái hồn của phương Đông. Có biết bao nhiêu sự thật và hương vị độc đáo trong những con phố màu hồng ấy, trong những phiên chợ sầm uất, trong những khu Do Thái đa sắc, trong những đám đông gồm những người buôn thúng bán mẹt, trong tốp người vô công rồi nghề và đám người Anh dị giáo. Mọi người rất sinh động và dường như rõ ràng chúng ta đã quen biết họ…”.

Bà say sưa vẽ rất nhiều và chỉ lấy làm tiếc rằng đạo Hồi không cho phép bà vẽ người mẫu khỏa thân mà bà vốn có năng khiếu đặc biệt. Tuy vậy, trong chuyến đi thứ hai vào năm 1932, bà đã vẽ được bức chân dung bằng phấn màu một cô gái Ma Rốc đang nằm trong tư thế bán khỏa thân với nét mặt thánh thiện và bộ ngực tuyệt đẹp. Đây là một dịp may mắn lớn, một trường hợp hiếm hoi và cũng là một đặc ân của người phụ nữ Hồi giáo ban tặng nữ họa sĩ Nga duyên dáng và tài hoa.

Cho đến năm 1940, Zinaida Serebryakova vẫn là một nữ công dân Liên Xô, bà nuôi hy vọng sẽ có dịp trở về tổ quốc đoàn tụ với các con. Song trong những năm nước Pháp bị quân Đức chiếm đóng, bà đành phải làm một sự lựa chọn giữa tấm hộ chiếu Pháp và trại tập trung dành cho người Xô viết. Mối liên hệ với những người thân trong gia đình bị gián đoạn. Danh tính của Serebryakova bị gạt khỏi lịch sử của nền văn hóa Nga.

Mãi đến năm 1960, sau 36 năm xa cách, cô con gái Tanyana, cũng là một họa sĩ, làm việc tại Nhà hát nghệ thuật MKHAT, mới có dịp sang Paris thăm mẹ. Và năm 1965 cô đưa từ Paris về triển lãm tranh đầu tiên của mẹ mình ở quê nhà. Trước cổng vào phòng triển lãm tại trụ sở Hội họa sĩ Liên Xô có treo một bức chân dung tự họa cuối cùng của Serebryakova: một nụ cười có phần chua chát, một cái nhìn đượm vẻ u buồn toát ra từ đôi mắt hình trái hạnh đào mà trong đó chứa đựng cả một kiếp người…

Sự thành công của cuộc triển lãm thật vang dội. Tiếng vọng của nó đã bay tới Paris. Và người nữ họa sĩ ở tuổi bát tuần, tuy không còn đủ sức làm một chuyến hành hương về thăm tổ quốc, cuối cùng đã cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ.

Bà mất ngày 19-9-1967 và được mai táng tại khu nghĩa trang dành cho người Nga.

(Theo Echo Planet)

LÊ SƠN