HV127 - Nguyễn Mỹ - nhà thơ của những sắc màu

Tôi với anh Nguyễn Mỹ ở cùng quê: huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tôi ở một xã phía nam còn anh ở xã phía tây bắc huyện. Xã An Nghiệp của anh là một xã giáp núi. Ở đó có những ngọn đồi đất đỏ chập chùng, đất để trồng lúa ít hơn đất trồng khoai trồng sắn. Trong nhiều năm, tôi suy nghĩ mãi mà vẫn không cắt nghĩa nổi vì sao những vùng đất nghèo và hẻo lánh như quê anh lại sinh ra nhiều người có tài năng và những cô gái đẹp. Ngay trong bà con họ hàng anh có người đã làm chủ tịch tỉnh, có người là thầy thuốc giỏi. Anh ruột anh là nhạc sĩ Nhật Lai nổi tiếng với ca khúc Hà Tây quê lụa và nhạc kịch Bên bờ Krông Pa. Tuy cùng quê, nhưng Nguyễn Mỹ lớn tuổi hơn tôi, anh tham gia cách mạng sớm còn tôi chỉ là cậu bé bám theo áo ba ra Bắc học. Bởi vậy, ngày anh còn làm biên tập ở nhà xuất bản Phổ thông, Vũ Xuân Mai (sau này là nhà thơ Trần Vũ Mai) bạn tôi hay dẫn tôi đến chơi, thấy anh đó nhưng tôi không dám làm quen. Một phần vì nghĩ anh lớn tuổi hơn, phần vì nghĩ anh là người nổi tiếng. Lúc này, anh đã có nhiều thơ đăng trên báo, trong đó có bài Cuộc chia ly màu đỏ nên tôi chỉ dám kính nhi viễn chi mà thôi.

Dạo ấy, có một nhà thơ biên tập ở báo Văn nghệ kể với tôi rằng: Khi Nguyễn Mỹ đưa bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ cho nhà thơ Xuân Diệu xem, ông khen hết lời. Một thời gian sau, tòa soạn báo Văn nghệ có nhờ ông chọn cho một chùm thơ các nhà thơ trẻ, Xuân Diệu đã hoan hỉ đặt bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ lên đầu trang. Sau này, trong tập Sức mới, tuyển thơ bạn trẻ 1965, nhà thơ Chế Lan Viên đề tựa, ông khen bài thơ hết lòng, cả về cấu tứ, về giọng điệu. Trong tình hình thơ lúc đó, bài thơ ấy lạ hẳn, khác hẳn, vụt sáng lên như một tia chớp. Bạn bè làm thơ trầm trồ chuyền tay nhau đọc. Rồi bài thơ được trân trọng đưa vào các tuyển tập và đến nay, càng đọc càng thấy hay mãi.

Cuối năm 1968, Nguyễn Mỹ xung phong về Nam. Chúng tôi tiễn anh bằng cách rủ nhau uống bia hơi tại một nơi gần một vườn hoa và thay thế cho nét mặt đăm chiêu, những lời nói cảm động lúc chia tay, chúng tôi đã chỉ trỏ những cô gái mặc áo đỏ để trêu đùa anh.

Mùa đông năm 1969, tôi cũng đi về Nam. Trước khi đi, nhà thơ Văn Thảo Nguyên có gửi cho tôi hai tập thơ Con sẻ đồng mà anh mới in chung với một bạn thơ khác để tặng Nguyễn Mỹ và Cao Duy Thảo. Trần Vũ Mai gửi cho anh một lá thư. Tại Ban tuyên huấn Khu ủy 5, tôi hỏi thăm Nguyễn Mỹ. Anh em nói anh đang sản xuất ở Trà My. Ngay ngày hôm sau, tôi được cử đi với anh Nhung, phó văn phòng xuống Trà My cõng sắn...

Tôi lóc cóc theo anh, đi một ngày căng thẳng, đến tối mịt mới tới chỗ sản xuất. Cùng lúc ấy anh em đi sản xuất cũng vừa về. Chúng tôi cầm tay nhau. Nguyễn Mỹ đen đúa, chắc chắn. Anh nói:

- Quế mới vào, để tao đi kiếm cái gì ăn mới được.

Anh cầm súng ra đi. Nửa giờ sau, anh mang về một con cheo.

Đêm ấy, mắc võng bên nhau, anh hỏi chuyện tôi về miền Bắc, về bạn bè làm thơ, về Trần Vũ Mai và Văn Thảo Nguyên.

- Cậu được phân về đâu? - anh hỏi.

- Hiện giờ ở báo Cờ giải phóng, mà nghe nói sắp tới sẽ về bên văn nghệ.

Anh nói có vẻ buồn:

- Còn mình vô đây chỉ chuyên làm ca dao sản xuất và binh vận. Mình đâu có được đi đâu.

Anh giở gùi lấy ra cho tôi xem hai tập ca dao về sản xuất và binh vận nho nhỏ như hai bàn tay. Rồi anh cười:

- Sự nghiệp của mình đấy.

Một lúc sau anh nói:

- Mai cậu đừng về với thằng Nhung, cậu ở lại đây, mốt về với thằng Đinh Thành Lê, ở báo Cờ giải phóng Khu 5. Tao sẽ kiếm ít gì bồi dưỡng chứ cậu đã nhỏ lùn, đi đường vất vả, gầy quá gái nó chê.

Nguyễn Mỹ như sau này tôi biết, có tài săn bắn và đánh cá. Dù ở nơi sản xuất hay ở cơ quan, anh vẫn là “cây cải thiện”. Nguyễn Mỹ đi phục kích thú rừng với đức tính kiên trì của một người thợ săn chính cống. Anh một mình vác súng lặng lẽ rúc rừng cả ngày, có khi ngồi một chỗ cả tiếng đồng hồ để rình mồi. Nguyễn Mỹ đã nổ súng là chắc chắn có thịt đem về, khi là con dộc, khi gà gô, khi sóc khi cheo. Tại nơi sản xuất Trà My này, có lần anh bắn được hai con nai, anh em ở đây ăn không hết, anh sấy thịt gửi về cho cơ quan... Nhà báo, nhà thơ trào phúng Đặng Minh Phương đã có câu thơ tặng anh: “Đường anh đi, đường thú rừng phơi xác”.

Ngày hôm sau, tôi cùng nhà báo Đinh Thành Lê cõng sắn về Ban tuyên huấn. Dọc đường anh tâm sự:

- Thằng Mỹ viết khá nhưng người ta thành kiến với nó bởi vài việc chưa rõ ràng nên không đưa nó về Hội Văn nghệ hay báo Cờ giải phóng mà để bên Tiểu ban tuyên truyền, không cho đi đâu, chỉ ở căn cứ chuyên làm ca dao hò vè. Nó làm mãi như vậy ngòi bút sẽ cùn mất.

- Vì sao vậy anh?

- Họ không tin nó, đưa nó về Hội Văn nghệ hoặc báo là những nơi anh em hay đi công tác xuống đồng bằng. Đồng bằng là nơi gần địch, ác liệt. Họ sợ nó lập trường tư tưởng này nọ, nên dễ dao động…

- Anh Mỹ lập trường tư tưởng vững vàng thế mà còn sợ gì? Không vững vàng mà viết được bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ à?

Anh Lê đặt gùi xuống một gốc cây, bảo tôi cũng đặt gùi nghỉ rồi nói:

- Tao nói mày nghe chứ đừng nói lại với ai nhé. Thằng Mỹ ấy mà, nó có tính chăm sóc giúp đỡ mọi người, nhất là phụ nữ. Khi đi trên đường từ Bắc vào Nam nó thấy cô Lan yếu quá nên giúp đỡ. Rồi hai người yêu nhau. Cô Lan có người yêu là bác sĩ, về Nam trước, công tác ở Kon Tum. Vậy là cậu Mỹ bị chụp cho cái mũ là “cướp vợ người ta”. Mà ở Khu 5 mình cái chuyện này là ghê gớm lắm.

Anh dừng lại rút từ túi áo ra một bọc ni lông nhỏ đựng thuốc rê quấn hút rồi tiếp:

- Cậu ta còn có cái chuyện khổ này nữa chứ: Từ Phú Yên có tin đồn ra mẹ cậu ấy không tốt nên bị du kích... Hai cô em đang công tác ở căn cứ lại bỏ về làng, nghi là chiêu hồi… Thành ra...

- Vậy ư? - tôi nói - Tội cho anh Mỹ quá...

Vào cuối năm 1971, tôi cùng Trần Vũ Mai đi công tác ở Phú Yên. Chúng tôi tìm hiểu thì biết chuyện ấy như sau: Nhà Nguyễn Mỹ ở gần núi. Một lần, anh em du kích đi công tác qua đám khoai của mẹ anh. Anh em nhổ khoai non lên ăn. Sáng hôm sau, mẹ anh thấy khoai non đã bị đào trộm thì xót quá chửi đổng:

- Tổ cha tụi đào trộm. Có muốn ăn thì để khoai già đã chứ sao lại nhổ khoai non.

Bọn địch trong làng nghi là có du kích đi qua. Thế là chúng phục kích bên đám khoai. Một du kích bị hy sinh. Du kích ta nghi oan cho bà là báo cho địch, nên đã xử oan… Hai người em gái của anh đang làm việc cho cách mạng ở căn cứ hay tin, ngạc nhiên vì sao mẹ mình mà bị tình nghi, nên bỏ về nhà... Chuyện như vậy mà Nguyễn Mỹ không được tin dùng. Sau này, anh em du kích cũng thấy ra cái sai lầm kinh khủng của mình nhưng làm sao sửa chữa được nỗi oan ấy...

Vào một ngày mưa cuối năm 1970, Nguyễn Mỹ ào đến Hội Văn nghệ Giải phóng Khu 5. Anh nói anh đang trên đường đi gùi cõng ghé thăm anh em cho vui. Hội Văn nghệ lúc này rất nghèo chỉ ăn dớn, không có gì để đãi anh. Chu Cẩm Phong nháy mắt. Tức thì tôi và Bùi Minh Quốc xin phép đi công việc một chút. Hai chúng tôi vượt qua Nước Nghêu mùa lũ, nước ngầu đục, chảy ầm ầm như thác để ra rẫy sắn của nhà in mà nhổ trộm. Không ngờ lúc này, bên nhà in cũng có người đi nhổ sắn. Chẳng thể về tay trắng. Bùi Minh Quốc bàn:

- Tao với mày “đánh” theo kiểu tập kích, vào giữa đám nhổ. Nhổ được cây nào mày đem ra bờ suối quẳng ở đó. Nhổ được chục cây mình mới lặt củ...

Nửa tiếng sau, tôi và Bùi Minh Quốc gùi sắn về nhà. Chúng tôi, kể cả Nguyễn Mỹ xăng xái lột sắn, mài bột để làm bánh. Trưa ấy, chúng tôi được bữa ăn ngon. Trong bữa ăn, chúng tôi toàn bàn chuyện văn chương. Nguyễn Mỹ rút từ trong gùi ra một bọc ni lông, rồi rút từ bọc đó ra một xấp giấy:

- Mình viết một chùm thơ 9 bài toàn là có màu cả nhé: Cánh đồng vàng nè, Hoa tím nè... để nó kết với Cuộc chia ly màu đỏ thành một bộ tranh...

- Thế thì ông là nhà thơ của những sắc màu rồi. - Chu Cẩm Phong cười, nói.

Chúng tôi xin được in ở tạp chí Văn nghệ Giải phóng. Anh nói để anh sửa đã. Không ngờ, những bài thơ ấy vĩnh viễn chẳng bao giờ ra mắt độc giả. Nguyễn Mỹ mất trong trận càn lớn vào mùa hè năm 1971 tại Nước Ta, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Hôm ấy, ở trại sản xuất Nước Ta do không được thông báo kịp việc giặc sẽ càn, nên khi địch đổ quân, anh chị em phân tán chạy vào rừng. Lúc này, địch chia từng tốp nhỏ nằm phục kích. Thấy chung quanh im ắng, Nguyễn Mỹ vốn gan dạ bình tĩnh, một mình lặng lẽ đi xem xét tình hình. Anh thấy một người quen quen ăn mặc như những cán bộ nhân viên ở căn cứ. Mừng quá, anh hỏi: “Phía trước có địch không?”. Lập tức một phát súng từ trong rừng bắn về phía anh. Người quen ấy là kẻ bị địch bắt đã dẫn đường cho chúng. Địch lục soát thấy anh có một chứng minh thư cũ ghi tên là Nguyễn Mỹ và trong gùi có một tờ báo Cờ giải phóng Khu 5 đăng một bài ca dao chống chiến tranh tâm lý, ký tên anh nên chúng rêu rao là đã giết được một nhà báo. Đó là lúc 9 giờ ngày 16-5-1971. Giết anh xong, chúng nghĩ là anh em ta sẽ đến cướp xác anh về chôn nên chúng canh giữ rất cẩn thận. Ba ngày sau, chúng rút đi, anh em mới đến được bên anh. Vì nghi địch đặt mìn dưới người anh nên anh em cứ để nguyên chỗ anh nằm mà xúc đất đá đắp lên thành mộ, chứ không bọc anh vào ni lông đào hố chôn như những trường hợp khác. Mọi người vừa làm vừa khóc, thương cho số phận long đong cho tới lúc chết của anh.

Nhưng nỗi gian truân của Nguyễn Mỹ vẫn chưa dứt.

Vào năm 1990, cách ngày Nguyễn Mỹ hy sinh 19 năm, một hôm tôi vô tình đọc một tin nhỏ đăng trên tờ Báo Phú Yên do mẹ tôi gói quà gửi cho tôi. Tin ấy có đầu đề là: “Nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ chưa được công nhận là liệt sĩ”. Tác giả bài báo phàn nàn cho Nguyễn Mỹ không được cơ quan và bạn bè cũ lưu ý để đến nay vẫn chưa có tấm bằng “Tổ quốc ghi công”. Tôi cầm tờ báo đến gặp nhà báo Đặng Minh Phương. Ông cũng ngạc nhiên không kém. Thì ra, khi giải tán cấp Khu, do sơ suất, bộ phận tuyên truyền đã không đưa Nguyễn Mỹ vào danh sách liệt sĩ để gửi về tỉnh Phú Khánh. Ai cũng nghĩ Nguyễn Mỹ là nhà thơ tên tuổi, dĩ nhiên là khi hy sinh ắt phải có bằng “Tổ quốc ghi công” rồi, thành ra chẳng ai làm gì cả. Tôi và Đặng Minh Phương lật đật làm giấy chứng nhận rồi cấp tốc ấn giấy tờ ấy vào tay đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Mãi hàng năm sau Nguyễn Mỹ mới có bằng “Tổ quốc ghi công”.

Còn mộ anh đặt trên một triền núi thấp bên bờ Nước Ta. Sau bao nhiêu năm không ai đặt chân đến nơi này, cây rừng mọc lên che khuất, mưa lũ bao lần ào qua. Sau chiến tranh, một số anh em ở cơ quan cũ đi tìm hài cốt của anh nhưng không tìm được. Năm 1994, anh em ở Trà My cùng gia đình lại tổ chức đi tìm hài cốt của anh, chỉ còn thấy một lọ dầu Vạn Linh, một bàn chải đánh răng và ba tút đạn. Mọi người đem về an táng ở nghĩa trang Trà My. Nhưng cũng không ai dám tin đó có phải là di vật của Nguyễn Mỹ hay không.

THANH QUẾ