HV127 - Sự thật ở Phan Rí

LTS: Đây là ý kiến của 2 nhà báo mà có lẽ độc giả cả nước đều quen tên: anh Hoàng Hải Vân và chị Thu Uyên. Đó là những người đã đến tận nơi xảy ra bạo động ở Phan Rí và nói lên sự thật. Sự thật này đã trả lại công bằng cho người dân lương thiện nơi đây, và cũng là câu trả lời rõ ràng nhất cho những luận điệu nhan nhản trên mạng rằng người dân nơi đây vì bị áp bức mà “tức nước vỡ bờ”…

Phan Rí Cửa thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, là thị trấn đông dân nhất nước với trên 45 ngàn nhân khẩu. Nơi đây có Quốc lộ 1 đi qua, có cảng cá tương đối lớn, giao thương nhộn nhịp. Cơ sở hạ tầng của thị trấn tương đối khang trang. Khoảng hơn một nửa lao động nơi đây làm nghề cá, số còn lại làm buôn bán, dịch vụ, lao động nông nghiệp không đáng kể, một số kha khá thanh niên ăn chơi hút xách không nghề ngỗng hoặc làm nghề “đạo chích”. Dân ở đây không nghèo, nhiều gia đình khá giả từ nghề cá và buôn bán. Cũng cần biết thêm là lượng kiều hối gửi về thị trấn này thuộc loại nhiều nhất tỉnh Bình Thuận. Theo quy hoạch đến năm 2020, Phan Rí Cửa sẽ hợp với một số xã lân cận thành thị xã Phan Rí thuộc tỉnh.

Người dân ở đây có bất mãn với chính quyền không? Chắc chắn là có. Nhưng không phải vấn đề thu hồi đất, không phải vấn đề môi trường, cũng không phải tệ quan liêu cản trở việc làm ăn sinh sống. Họ bất mãn vì chính quyền bất lực trước sự lộng hành của trộm cắp và tệ nạn hút xách. Ở đây ngày nào người dân cũng bị mất trộm, trộm cắp lại không sợ chính quyền, cho nên người ngay luôn luôn sợ kẻ gian. Án ngữ trên trục giao thông huyết mạch của quốc gia, nhưng chính quyền lại yếu kém không đủ khả năng bảo vệ sự an lành cho dân. Có thể nói nơi người dân tin cậy nhất là trụ sở Đội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Trụ sở này nằm ở ranh giới giữa thị trấn Phan Rí Cửa và xã Phan Rí Thành của huyện Bắc Bình, đảm nhiệm việc cứu nạn cứu hộ và phòng cháy chữa cháy cho một khu vực rộng lớn. Chính nơi này đã bị những người tổ chức biểu tình cho côn đồ tấn công chiếm lĩnh, phá hủy các phương tiện của lực lượng công an và cảnh sát cơ động cùng toàn bộ các phương tiện cứu nạn cứu hộ và phòng cháy chữa cháy.

Lực lượng biểu tình ở Phan Rí Cửa trong các ngày 10 và 11-6 vừa qua không phải là dân oan, không phải là những người yêu nước bày tỏ kiến nghị ôn hòa, mà là đám thanh niên côn đồ. Đám này không hề biết Luật đặc khu là gì, Luật an ninh mạng là gì. Đừng nói “hàng ngàn người dân” biểu tình ở đây. Bọn chúng chỉ có mấy trăm người cùng một số người mang biểu ngữ hậu thuẫn, một số tiếp gạch đá và nước uống, quay phim chụp ảnh đưa lên mạng xã hội. Nhiệm vụ của bọn chúng là ném đá, tấn công người thi hành công vụ bất động không tự vệ, đốt xe, phá trụ sở, phá hủy mọi phương tiện. “Hàng ngàn người” là những người bị ách tắc giao thông hoặc hiếu kỳ đến xem. Tôi không có chứng cứ bọn này có được thuê hay không và được thuê bao nhiêu tiền, nhưng tìm ra chứng cứ hoàn toàn không khó.

Không một người dân lương thiện nào lại đi phá hủy toàn bộ các phương tiện của cơ quan cứu nạn cứu hộ và phòng cháy chữa cháy, là nơi chỉ có nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ an toàn cho người dân và ứng cứu khẩn cấp khi người dân gặp bất trắc.

Mọi người hãy hình dung: Trong những ngày này, khi toàn bộ các phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ bị phá hủy, nếu xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn trong khu vực, có phải là một thảm họa không?

Các anh cảnh sát cơ động trẻ măng không có kinh nghiệm, cứ nghĩ người biểu tình là dân. Hậu quả là các anh bị đám côn đồ tấn công tước vũ khí cũng không dám phản kháng vì sợ động đến dân. Ít nhất 30 anh bị bọn chúng đánh bị thương. Nhiều người dân thương các anh đơn độc nên đã giúp các anh thoát thân. Chỉ huy của các anh ở đâu, cho đến giờ tôi vẫn không làm sao biết được. Vì sao hệ thống bảo vệ trật tự trị an từ tỉnh đến huyện lại thúc thủ, thậm chí vẫn không có dấu hiệu gì là tự vệ, tôi cũng không thể nào biết nguyên nhân. Hoàn toàn không có một sự phối hợp nào hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát cơ động. Cảnh sát cơ động đơn độc phải hạ vũ khí, toàn bộ các phương tiện của công an và phương tiện cứu nạn cứu hộ và phòng cháy chữa cháy đã bị đám côn đồ phá hủy hoàn toàn, ai phải chịu trách nhiệm?

Lần đầu tiên kể từ sau năm 1975, một vị trí chiến lược đã bị đám côn đồ khoác áo “dân chủ”, “yêu nước” đốt phá và chiếm giữ. Nếu như cuộc bạo loạn diễn ra trên quy mô lớn, đây sẽ là nơi cắt đứt giao thông huyết mạch giữa Sài Gòn và Nam Bộ với phần còn lại của đất nước. Chọn vị trí chiến lược này với “khâu yếu nhất” là sự kém cỏi của chính quyền địa phương, những người tổ chức biểu tình có ý đồ gì không? Phải chăng đây là cuộc “tập dượt” cho những cuộc bạo động tiếp theo? Tôi không thể trả lời các câu hỏi đó, vì tôi không có thông tin về ý đồ của họ.

Tôi tôn trọng những người bất đồng chính kiến bày tỏ sự bất bình đối với Nhà nước với thái độ ôn hòa. Tôi ủng hộ những tiếng nói đấu tranh bảo vệ tự do, dân chủ và pháp quyền. Tôi ủng hộ nông dân đấu tranh ôn hòa phản đối chính quyền thu hồi đất trái đạo lý, tôi ủng hộ việc kêu gọi Nhà nước sớm sửa đổi Luật đất đai để bảo vệ quyền tài sản của người dân theo Hiến pháp. Tôi phản đối bất cứ sự mất cảnh giác nào của chính quyền trong phòng thủ đất nước, nhất là phòng thủ bờ biển và hải đảo, vì âm mưu của Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền nước ta là có thật. Nhưng tôi kiên quyết chống mọi âm mưu bạo loạn nhân danh dân chủ và yêu nước. Bất cứ sự bạo loạn nào cũng tạo ra sự bất ổn, ngăn cản tự do thương mại, ngăn cản đầu tư, chặn đứng phát triển, làm suy yếu sức mạnh quốc phòng, hậu quả đó chính người dân phải gánh chịu.

(Theo Facebook HOÀNG HẢI VÂN)

*****

 

Nhà báo Thu Uyên: “Đừng đẩy người dân khỏi cuộc sống yên bình!”

“Ai đó muốn kích động hãy dừng lại, đừng đẩy người dân lên phía trước để thỏa mãn điều đó. Và đừng đánh đồng những kẻ gây rối với những người dân hiền lành - nhà báo Thu Uyên chia sẻ với Tuổi trẻ Online sau chuyến đi đến thị trấn Phan Rí Cửa (tỉnh Bình Thuận), nơi xảy ra những cuộc tụ tập đập phá trụ sở công quyền của nhóm người quá khích - Nhiều tài khoản mạng xã hội cứ nói rằng người dân Phan Rí Cửa đã thực hiện cuộc gây rối này. Nhưng tôi thì chứng kiến một cuộc sống hoàn toàn bình yên tại thị trấn này ngay sau khi xảy ra cuộc đốt phá tại trụ sở Đội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Phan Rí. Nghĩa là sau khi nhóm thanh niên quá khích rời hiện trường, thì Phan Rí trở lại bình thường.

Dù có là người nào đưa tin về Phan Rí, cũng thừa nhận người dân tham gia cuộc bạo loạn vì nghe tiếng la “Có người bị giết”.

Không có ai bị giết cả!

Và thực tế người dân Phan Rí đều thừa nhận khi bạo lực bùng phát, lực lượng Cảnh sát cơ động hơn 100 người cũng chỉ lấy khiên tự vệ trước sự tấn công bằng gạch đá, ống sắt và bom xăng từ khoảng 70-100 thanh niên. Đến mức, bà con đến chứng kiến thấy thương Cảnh sát cơ động, đưa nước cho uống, và che chở. Riêng chi tiết này, đã đủ nói rằng hầu hết người dân Phan Rí không tham gia bạo động hay chưa? Mâu thuẫn với chính quyền chưa thể đến mức họ mong những người đại diện cho chính quyền bị hại.

Vậy, những thanh niên quá khích chọi đá tàn bạo, đốt xe, đốt trụ sở công quyền không thể nhân danh cho những người dân đến xem được, càng không thể là đại diện cho cả 45.000 người dân Phan Rí Cửa.

Nói chuyện với một số người dân Phan Rí Cửa, họ cho biết những bức xúc của họ đối với chính quyền địa phương là có, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm soát tệ nạn và an ninh trật tự, thiếu không gian sinh hoạt văn hóa, rồi vấn đề môi trường, mặt biển là có. Nhưng, đúng như đã nghe, người Phan Rí mực thước và hiền lành, họ hoàn toàn không phải là những người gây rối. Còn những thanh niên gây rối là ai, thì chính quyền và lực lượng công an huyện Tuy Phong hẳn sẽ làm rõ, không khó khăn gì.

Điều làm tôi nghĩ ngợi là về độ kích động của họ. Từ chọi đá đến dùng bom xăng, đốt xe công vụ là hai mức độ tội ác khác nhau rồi. Một khi họ cũng không hiểu chủ đề cuộc phản kháng được giăng lên là gì, mà họ dần trở nên manh động đến mức không kiểm soát nổi, thì đó là vì sao? Không thể bảo nhóm thanh niên quá khích này đang phản kháng.

Đến giờ, Phan Rí Cửa, Phan Rí Thành, Cầu Nam đã trở lại hoàn toàn yên bình, người dân làm ăn sinh hoạt như chưa xảy ra chuyện gì. Đó chính là cái cần phải giữ lấy. Ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, người dân cũng cần yên ổn để sống.

Đối thoại yêu cầu chính quyền thực hiện tốt những nhiệm vụ của mình là điều cần làm triệt để cho từng vấn đề một, cho từng số phận người dân một. Nhưng ngay lúc này, sau những sự việc vừa diễn ra, thì kêu gọi đối đầu vào lúc này là không thành tâm với người dân. Tôi không hiểu những người đang kích động dân chúng ấy muốn gì.

Đừng đẩy người dân lên phía trước để thỏa mãn sự kích động và phá tan cuộc sống yên lành của tuyệt đại đa số họ”.

(Theo Tuổi trẻ Online, 15-6-2018)