HV127 - Tiếp xúc cử tri còn nặng về hình thức

Theo thông lệ, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, các đoàn đại biểu của từng địa phương có sinh hoạt tiếp xúc cử tri, và sau khi kết thúc kỳ họp Quốc hội thì các đoàn lại tiếp xúc để báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp đó. Những cuộc tiếp xúc như thế đều được tổ chức long trọng, có khẩu hiệu chào mừng, có loa đài cổ vũ… Tuy vậy, đâu phải cử tri nào cũng được mời đến hội trường mà chỉ có những người do địa phương, đơn vị xem xét, chọn lọc mới có cơ may được gặp gỡ các đại biểu do mình bầu ra.

Theo dõi những cuộc tiếp xúc qua báo chí, phát thanh - truyền hình, chúng ta dễ dàng nhận thấy là những “đại cử tri” được tuyển chọn để tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội đó có cuộc sống ổn định hoặc không phải lo toan bươn chải vì cơm áo gạo tiền. Trong khi tuyệt đại đa số cử tri là những người trực tiếp làm ra của cải vật chất và phục vụ đời sống rất mong có dịp gặp đại biểu Quốc hội để bày tỏ nguyện vọng chính đáng và kiến nghị giải pháp thì lại chẳng ai quan tâm. Cho nên mới có tình trạng hàng chục triệu cử tri từng tham gia bầu cử Quốc hội nhiều khóa nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy một nghị sĩ bằng xương bằng thịt - dù chỉ ở trên sân khấu của hội trường. Trái lại, chính cách tuyển chọn như lâu nay đã vô tình tạo ra một đội ngũ “cử tri chuyên trách”, thường quen nói “thuận tai” với người nghe.

Dĩ nhiên, không nên chê trách các “đại cử tri” song phải nói thật rằng, những điều mà họ phát biểu tại các buổi tiếp xúc đều đã từng được đề cập trên các phương tiện truyền thông - trong đó có nêu nhiều vụ việc tồn đọng nhiều năm mà không ai giải quyết dứt điểm. Mặt khác, trong không khí công khai, dân chủ, diễn biến của các kỳ họp Quốc hội đã được truyền thông cập nhật từng giờ từng ngày, chưa kể những phiên họp được truyền thanh truyền hình trực tiếp. Thực tế cho thấy chỉ những người phải rời bỏ quê hương kiếm sống lam lũ nơi đô thị cùng đông đảo anh chị em công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất... vừa tất bật mưu sinh vừa không có phương tiện để nắm bắt thông tin đầy đủ mới đúng là đối tượng cần được nghe những báo cáo đó.

Một điều rất đáng suy nghĩ là, tại sao phần lớn các cử tri được tuyển chọn đều là người nghỉ hưu hoặc đã có tuổi, trong khi chính lớp trẻ mới là động lực của từng địa phương cũng như của cả nước thì lại có mặt quá ít. “Phong cách” này cũng được thể hiện khi những cử tri phát biểu ý kiến về các cuộc chất vấn tại Quốc hội trên truyền hình luôn là không thuộc lớp trẻ.

Không ai phản đối việc ưu ái, tôn trọng người già. Tuy nhiên, nếu cứ duy trì tình trạng tuyển chọn cử tri thì những cuộc tiếp xúc như thế dù diễn ra an toàn và đã “thành công tốt đẹp” thì vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng của tuyệt đại đa số cử tri.

VƯƠNG THỪA CẢNH