Hồi ấy Sa Đéc là một tỉnh thuộc Khu 8 Nam Bộ. Là một tỉnh có tổ chức Tình báo Quân sự (tên gọi đầu tiên của ngành Quân báo) khóa sớm, khoảng cuối năm 1945 sau Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945), và cũng là một trong vài tỉnh thành lập đội Biệt động võ trang Quân báo đầu tiên ở Nam Bộ do đồng chí Phan Thanh Khiết chỉ huy Quân báo tỉnh kiêm Chỉ huy đội Biệt động này, năm ấy đồng chí mới 23 tuổi. Chánh trị viên là Nguyễn Văn Ngà, năm ấy cũng chỉ mới 18 tuổi. Có lẽ cũng nên nói đôi chút về tính cách của Ngà, một chiến sĩ gan dạ, dũng cảm, chiến đấu bình tĩnh đến ngạc nhiên hiếm thấy trong lứa tuổi tham gia Biệt động lúc bấy giờ.
Hồi ấy ở Sa Đéc có tổ chức Quốc Dân Đảng do tên Năm Thông cầm đầu. Bọn này làm chỉ điểm cho quân Pháp đánh phá cơ sở Cách mạng Việt Minh ở nội thị Sa Đéc, gây cho ta khá nhiều thiệt hại. Theo đề nghị của Quân báo, lãnh đạo Đảng và chánh quyền tỉnh Sa Đéc chấp nhận cho Quân báo thi hành bản án tử hình của Tòa án tỉnh xử tội khiếm diện tên Thông, và người thi hành nhiệm vụ này là chánh trị viên Biệt động Ngà.
…Một buổi sáng, Ngà đội nón cát trắng của học trò, mặc quần tây đen dài, áo sơ mi ngắn tay bỏ ngoài để che khẩu súng ngắn Mauser giắt trước bụng, trông Ngà như cậu học trò mới lớn.
Nhà tên Thông ở ngoại ô thị xã Sa Đéc có vườn cây ăn trái và vòng rào dây thép gai bao bọc chung quanh. Ngà đi xe đạp dựng trước cổng, bấm chuông. Một cô gái trẻ cũng trạc tuổi Ngà ra mở cổng. Ngà hỏi, cô gái cho biết ông Thông đi làm sắp về, mời Ngà ngồi đợi ở ghế salon gỗ rất đẹp. Cô gái trở lại bàn máy may gần đó, may tiếp.
Độ hơn nửa giờ sau, nghe tiếng chó sủa và tiếng xe máy Mobylette ngoài cổng và tên Thông xuất hiện ở cửa. Ngà đứng dậy chắp tay xá: “Thưa chú Năm!”. “Mày là con ai mà tao chưa biết?”. “Dạ, ba con biểu đưa chú Năm bức thơ và một trăm đồng”. Ngà vừa nói vừa đưa bì thư với tờ giấy bạc 100 đồng Đông Dương. Tên Thông nhét tờ giấy bạc vào túi trên áo vét - đối với hắn đây là việc bình thường vì ai có nhờ vả điều gì đều phải có “lễ” cho hắn - rồi xé bì thư lấy tờ giấy ra coi ai nhờ việc gì. Hắn giật mình khi thấy dấu mộc đỏ chói của bản án tử hình, toan kêu lên thì Ngà đã rút khẩu Mauser bắn luôn một phát vào giữa trán khiến tên Thông ngã vật ra giãy đành đạch không kêu được tiếng nào. Ngàcúi xuống lấy lại tờ giấy bạc 100 đồng cho vào túi - 100 đồng Đông Dương lớn lắm, làm sao bỏ phí được - sau này Ngà vui kể lại. Nghe tiếng súng, thấy cha giãy chết, cô gái kêu lên một tiếng rồi ngất xỉu bên bàn máy may. Thằng con trai ở sau nhà, nghe tiếng súng xách cây song hồng gài cửa, chạy lên: “Bỏ cây xuống! Đứng im! Nhúc nhích tao bắn vỡ sọ!”. Ngà nhìn nó quát lớn: “Ba mày có tội, tao được lịnh thi hành án. Còn mày vô tội, đi chỗ khác!”. Thằng con trai sợ quá quăng cây rồi dựa cửa buồng, chân run lẩy bẩy, mặt tái mét không còn hột máu!
Ngà lấy nón đội rồi đi nhanh ra cổng, lấy xe đạp vọt luôn, biến mất trước khi bọn bảo an dân vệ gần đó nghe tiếng súng chạy tới.
Đại khái đôi nét về tính cách của con người được cử làm Chánh trị viên đội biệt động Quân báo Sa Đéc hồi đó.
…Mục tiêu chính của Quân báo lúc này là phải tiêu diệt đồn Nha Mân thuộc huyện Châu Thành, có hơn một trung đội địch đóng ngay sát vàm rạch Nha Mân thông ra sông lớn. Chỉ huy đồn này là tên Michel, thiếu úy Pháp, nó có bộ mặt dài với râu quai nón, nên dân quanh đồn gọi nó là “thằng Tây mặt ngựa” chớ ai cần biết tên nó là gì. Nó rất ác, thường dẫn lính đi khủng bố, phục kích và đã từng tự tay bắn chết hai du kích của ta. Nhưng tiêu diệt đồn Nha Mân này bằng cách nào trong khi lực lượng Biệt động hồi ấy trang bị quá kém, cả đội chỉ có vài cây súng trường cổ lỗ, một khẩu tiểu liên, hai cây súng ngắn dành cho chỉ huy trưởng và chánh trị viên. Còn lại là dao găm, mã tấu và kiếm Nhật. Còn đồn địch thì trang bị đầy đủ vũ khí, ngoài súng trường kiểu mới còn có các cỡsúng máy và cả súng cối 60 ly. Tương quan lực lượng như vậy nên đồng chí Phan Thanh Khiết quyết định đánh đồn này bằng cách nội công ngoại kích. Đồng chí đưa cô Dịu, một cô gái trẻ làm cấp dưỡng ở văn phòng Quân báo tỉnh, vào đồn trong vai vợ người lính tên Mẫn, ta đã cài vào từ trước lúc địch tuyển lính ngụy và Dịu cũng sẽ là người nấu bếp cho lính trong đồn. Khi vào làm trong đội Biệt động Quân báo, Dịu rất yêu Ngà và họ hẹn nhau sau ngày chiến thắng họ sẽ làm lễ cưới vì lúc này họ còn quá trẻ, phải lo hoàn thành nhiệm vụ được ngành giao. Mẫn cũng biết Dịu là người yêu của Ngà nên cố gắng giữ tròn vai “vợ chồng” để che mắt địch.
Đồn đóng trên bờ rạch Nha Mân, cách vàm ra sông lớn chừng vài trăm mét. Nhà bếp đồn nhô ra khỏi mé rạch, có tấm ván rộng làm chỗ rửa rau củ, chén bát cho cấp dưỡng. Từ ngày địch đóng đồn chúng cấm ghe xuồng dân chúng không được vào ra vàm rạch từ 6 giờ chiều tới 6 giờ sáng. Để giữ an ninh cho đồn, chúng làm một hàng rào dây thép gai căng ngang mặt vàm rạch từ lúc mặt trời lặn và chỉ mở lúc trời sáng rõ.
Từ ngày Dịu vào đồn, cứ cách một đêm Ngà phải chèo xuồng trên sông lớn, khi còn cách vàm rạch Nha Mân vài trăm mét Ngà buộc xuồng vào cây bần ven sông rồi trầm mình xuống nước, bơi đến vàm rạch, lặn qua hàng rào dây thép gai, rồi đội dề lục bình bơi nhẹ đến chân cầu ván rửa chén bát để gặp Dịu nắm tình hình và động viên người yêu, rồi lại lặng lẽ bơi trở ra vàm rạch về xuồng của mình. Có lẽ chưa có đôi người yêu nào như Ngà và Dịu, kẻ trên cầu người dưới nước hôn nhau thắm thiết đến vậy.
Và đã đến lúc đêm cuối tháng 4 của mùa xuân năm 1948, đội Biệt động Quân báo quyết định tấn công đồn.
Chiều tối hôm ấy, một tiểu đội theo sự chỉ huy của Ngà đã lên chiếc tam bản chèo dọc sông lớn rồi ghé buộc vào gốc cây bần. Cả đội cởi hết quần áo để lại, chỉ mặc xì líp và mang theo kiếm, mã tấu bơi theo Ngà vào đến chân cầu ván rửa chén chờ Dịu ra. Phía bên ngoài có hơn một tiểu đội Biệt động với du kích xã do đồng chí Khiết chỉ huy, phục kích gần sát cổng vào đồn.
Đúng giờ N quy định trước, Dịu ra cầu ván đón Ngà và anh em Biệt động rồi chờ Mẫn ném lựu đạn vào phòng bọn sĩ quan chỉ huy đồn. Tiếng nổ lựu đạn của Mẫn là tín hiệu tấn công. Lập tức cả đội theo sự dẫn đường của Dịu xông vào gian nhà bọn lính Âu Phi vung mã tấu chém chết liền mấy tên trước khi chúng kịp lấy súng chống trả. Bên ngoài đồn khi nghe tiếng lựu đạn nổ, đồng chí Khiết ra lịnh xung phong sau khi bắn chết tên lính gác ở cổng. Ngà cầm loa kêu gọi bọn lính ngụy đầu hàng vì bọn chỉ huy đồn đã bị tiêu diệt rồi. Tất cả lính ngụy đều buông súng đầu hàng theo lời kêu gọi của Ngà.
Trận đánh đồn kết thúc không quá ba mươi phút. Bọn chỉ huy và số lính Âu Phi bị diệt. Ta thu hết súng đạn trong đồn cho xuống mấy chiếc xuồng đã chuẩn bị sẵn chở về vùng giải phòng huyện Châu Thành. Bên ta chỉ có Mẫn bị hy sinh vì trúng đạn địch bắn trả. Thật ra Mẫn cũng rất yêu Dịu, nhưng vì biết rõ Dịu là người yêu của Ngà nên anh gắng làm tròn vai người chồng để che mắt địch. Những đêm Ngà bơi vào cầu ván sau nhà bếp đồn gặp Dịu đều có Mẫn, bề ngoài làm như người trông coi vợ rửa chén bát, nhưng thật ra là anh canh gác cho cuộc gặp của hai người.
Đám lính ngụy được tập trung trong sân đồn nghe đồng chí Khiết giải thích chính sách của Nhà nước Việt Minh đối với những người lầm lỡ bị bắt cầm súng theo địch, và yêu cầu họ đừng bao giờ để cho địch bắt lính lần nữa rồi tuyên bố thả họ về với gia đình. Sau đó đồng chí ra lịnh đốt đồn trước khi rút hết anh em Biệt động về căn cứ.
Sau này nghe dân kể lại, họ đã mừng reo khi nghe tiếng súng và thấy đồn bị đốt cháy, lửa đỏ rực trời. Sáng sớm hôm sau, một bác nông dân già gặp thằng Tây “mặt ngựa” nằm trong bụi cây nhỏ gần đó, chân nó bị thương không đi được, có lẽ nó trốn khỏi đồn trước khi bị đốt. Nó kêu ông già cõng nó đi bệnh viện. Ông đã trừ khử nó, trả thù cho đứa cháu du kích của ông bị nó bắn chết. Âu cũng là sự vay trả sòng phẳng của cuộc đời.
…Dịu và Ngà chưa kịp tổ chức lễ cưới vì hai tháng sau Ngà hy sinh khi lọt vào ổ phục kích của địch. Còn Dịu được rút về văn phòng Quân báo Khu. Các chiến sĩ đội Biệt động tham gia đánh đồn Nha Mân năm 1948, đến nay hầu như không còn ai. Chỉ còn có con cháu họ như trường hợp con trai đồng chí Phan Thanh Khiết là Phan Nguyễn Như Khuê, từng làThành ủy viên, Bí thư quận 9, Giám đốc Sở Văn hóa - Thểthao và hiện nay là Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh.