Lần IV từ tháng 1-1925 đến tháng 5-1925: Sang Pháp để đưa cụ Phan Châu Trinh về nước.
Ý định mời luật sư Phan Văn Trường về làm báo vì ông có quốc tịch Pháp sẽ dễ dàng đứng tên xin phép ra tờ báo, hơn nữa ông là luật sư có uy tín sẽ thuận lợi cho việc giao dịch với nhà cầm quyền. Nhưng kế hoạch không thực hiện được vì ông Trường về miền Bắc, hơn một năm sau mới vào Sài Gòn.
Về nước, chưa kịp bàn công việc với ông nội thì Hội Khuyến học Nam Kỳ đã đến mời ba tôi thuyết trình lần thứ hai cho đối tượng thanh niên. Đúng là dịp may, ba tôi nhận lời đăng đàn vào tối 15-10-1923. Buổi diễn thuyết với chủ đề “Lý tưởng của thanh niên Annam” kêu gọi thanh niên sống phải có lý tưởng, có ước mơ, mà ước mơ cao đẹp nhất là phụng sự cho Tổ quốc, phải dám đấu tranh để đạt ước mơ đó. Khán phòng hôm đó đông nghẹt, thính giả cổ vũ cuồng nhiệt, lần đầu tiên ở xứ thuộc địa này có người dám kêu gọi thanh niên phải sống có lý tưởng, mà người kêu gọi đó chỉ là một thanh niên mới 23 tuổi.
Tối đó bác Khánh Ký cũng đến dự và chụp cho Nguyễn An Ninh một bức ảnh, sau đó bác rửa cả ngàn tấm bán ở Sài Gòn, đồng bào các tỉnh kéo lên tìm mua, bác phải in cả vạn tấm cũng bán sạch, bức ảnh trở thành thần tượng treo trong nhà của đồng bào Nam Bộ.
Không bỏ lỡ cơ hội, ông nội tôi vội bán ruộng để ba tôi ra tiếp tờ báo và tờ La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè) số đầu tiên ra ngày 10-12-1923. Từ đây diễn thuyết và làm báo là hai phương tiện hữu hiệu để ba tôi mở đường khai dân trí và cũng từ đây trong hồ sơ của mật thám Nam Kỳ có tên Nguyễn An Ninh.
Cuối năm 1924, bác Truyền gửi thư cho ba tôi báo tin đang lo thủ tục xin cho cụ Phan Châu Trinh về nước, vì bệnh của cụ trở nặng, cụ bị ho lao giai đoạn cuối, thường ho ra máu, không ăn gì được, chỉ uống nước súp và sữa, cụ muốn được nhắm mắt tại quê nhà. Cụ Phan cũng viết thư cho ông nội tôi nhờ cho Nguyễn An Ninh sang đón cụ về. Ông nội tôi lo lắm, vội chuẩn bị cho ba tôi sang Pháp gấp. Cái khó không phải là tiền bạc, mà khó là làm sao đưa cụ về an toàn, suốt một tháng phải lênh đênh trên biển, sức cụ có chịu nổi không? Thời đó nếu có rủi ro xảy ra thì chỉ có vứt xác xuống biển.
Ba tôi liền mời hai vị mạnh thường quân lên Hóc Môn cùng ông nội tôi bàn bạc. Đó là ông Khánh Ký chủ hiệu ảnh, là bạn của cụ Phan từ những năm bên Pháp và ông Huỳnh Đình Điển chủ khách sạn Bá Huê Lầu, là một nhà tư sản yêu nước, là người của Tổ chức Thanh niên Cao vọng do Nguyễn An Ninh sáng lập, ông thương Ninh như em. Cả hai ông khi cụ Phan qua đời ở Sài Gòn đều là thành viên trong Ban tổ chức tang lễ cùng với Trần Huy Liệu, chính ba vị này là những người đã đóng góp công sức, tiền bạc, lo chu đáo đám tang cho cụ Phan, không phải như báo chí thời đó đưa tin là do nhóm Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu lo liệu.
Sau khi bàn bạc đã nhất trí như sau:
- Ông Khánh Ký và ông Huỳnh Đình Điển lo mọi chi phí đi lại đưa cụ Phan về nước và chi phí đi lại của cụ sau khi về Sài Gòn.
- Gia đình Nguyễn An Ninh lo chi phí thuốc men, ăn uống, chăm sóc cho cụ trong chuyến sang đón và sau khi về Sài Gòn.
- Mọi hoạt động của cụ đều do Nguyễn An Ninh sắp đặt. Khi cụ khỏe đưa xuống khách sạn Bá Huê Lầu, khi mệt sẽ đưa về Hóc Môn. Bá Huê Lầu sẽ là nơi lo hậu sự cho cụ.
Bệnh ho lao ngày đó là bệnh nan y không có thuốc chữa, chỉ có bồi bổ sức khỏe để kéo dài sự sống. Ông nội tôi và ông chú Nguyễn An Cư là lương y nổi tiếng đất Sài Gòn lo làm thuốc bổ thành viên thuốc tễ mềm để cụ có thể nhai được, ba tôi thì lo mua dụng cụ y tế, thuốc trợ tim, thuốc cầm máu để tiêm cho cụ, má tôi chuẩn bị tiền để khi sang Pháp ba tôi cùng bạn bè mua sắm mọi thứ cần thiết cho cụ.
Mọi việc chuẩn bị xong, tháng 1-1925 ba tôi xuống tàu với trọng trách nhiều âu lo. Từ sau khi ông Trường về, ngôi nhà số 6 Villa des Gobelins không còn, cụ Phan thuê nhà trọ sống một mình. Thấy ba tôi sang cụ Phan mừng lắm, cụ mong Ninh từng ngày, cụ chỉ còn da bọc xương xanh xao. Để giữ sức khỏe cho cụ, ba tôi phải bỏ một chương trình dài lê thê của cụ từ giã bạn bè, cùng bác Truyền bàn việc bồi bổ cho cụ trong ba tháng để cụ có sức chịu đựng suốt một tháng trên tàu. Trong ba tháng đó bạn bè tranh thủ đến thăm hỏi cụ, còn ba tôi thì lo làm một số việc cùng bác Truyền. Giai đoạn này bác Truyền đang gặp khó khăn vì bị gia đình cắt trợ cấp, thân phụ bác là quan to nên không đồng tình việc làm của bác tại Paris khi bác tổ chức mít tinh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu.
Sang Pháp lần này, ba tôi còn có ý định in quyển Nước Pháp ở Đông Dương ba tôi đã viết xong nhưng không thể in tại Sài Gòn. Quyển sách phát hành, được bạn bè Pháp và Việt Nam hoan nghênh, sẵn tiền ba tôi bàn với bác Truyền sẽ tiếp tục tập hợp bài của Nguyễn Ái Quốc in thành sách nhằm lên án chế độ cai trị của thực dân Pháp để bạn bè các nước biết. Tình hình Ban chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa mất đoàn kết, nên hội không có tiền để ra báo hằng tháng, bài vở cũng không ai viết; thiếu tiền thiếu bài, tờ Le Paria (Người cùng khổ) khó duy trì. Ba tôi hứa về nước sẽ gửi tiền sang cho bác Truyền, cố gắng được đến đâu hay đến đó, khi nào quá sức thì mới buông, rồi tìm cách ra tờ báo tiếng Việt, đó là nguyện vọng của đồng bào mình, đồng bào sẽ ủng hộ.
Trước khi về ba tôi đến từ giã các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp nhờ giúp đỡ duy trì liên lạc với Nguyễn Ái Quốc, từ giã bạn bè Pháp nhờ ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Cuối tháng 5-1925 ba tôi cùng cụ Phan xuống tàu về nước. Khác với những lần trước, lần trở về này của ba tôi với bao nỗi âu lo cho sức khỏe của cụ Phan, lo cho bác Truyền nặng gánh công việc và gia đình.
Lần V từ tháng 8-1927 đến tháng 12-1927: Sang Pháp để đưa gia đình Nguyễn Thế Truyền về nước và nhờ Đảng Cộng sản Pháp liên lạc với Nguyễn Ái Quốc.
Đầu năm 1927 ba tôi vừa ra tù, đang lo tổ chức giỗ đầu cho cụ Phan Châu Trinh bằng một cuộc mít tinh có cả trăm ngàn người tham dự tại nghĩa địa Gò Công ở Tân Sơn Nhất thì nhận được thư của bác Truyền, rất mong ba tôi sang để bàn công việc.
Từ tháng 6-1923 khi Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh chia tay nhau, họ chưa gặp lại, chỉ biết tin nhau qua Đảng Cộng sản Pháp, nhưng tin tức cũng thưa dần. Khi lãnh tụ cuộc cách mạng dân chủ Tân Hợi là ông Tôn Dật Tiên qua đời, Tưởng Giới Thạch trở mặt đã biến tổ chức Quốc dân Đảng là đảng lớn mạnh được lòng dân nhất ở Trung Quốc thành đảng phản động, tàn sát những người cách mạng thì tin tức về Nguyễn Ái Quốc cũng bặt tăm.
Ba tôi xin hộ chiếu sang Pháp, tháng 8-1927 ba tôi xuống tàu.
Trong hồ sơ mật thám Nam Kỳ những lần ba tôi sang Pháp trước không có sự theo dõi của mật thám. Nhưng lần này ba tôi chưa sang đến Paris đã có hồ sơ theo dõi và còn phỏng đoán cả việc chưa làm của Nguyễn An Ninh. Trong thông tri mật số 523-S ngày 22-8-1927 có đoạn viết: “…Nguyễn An Ninh nhân dịp sang Pháp lần này sẽ bắt liên lạc với những người cực đoan Pháp trong đó có các nghị sĩ Cachin và Doriot có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ý đồ của Nguyễn An Ninh trước sau là đưa Nguyễn Ái Quốc về thôn tính Đông Dương…”.
Sang Pháp lần này ba tôi đến ở tại trụ sở báo Việt Nam hồn.
Bác Truyền rất buồn vì đã buông tờ Le Paria để lo tờ Việt Nam hồn. Ba tôi đã an ủi bác vì tờ Le Paria là của chung các dân tộc thuộc địa, đâu phải của riêng Đông Dương, trách nhiệm đóng góp là của cả Ban chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa, họ không đóng góp tiền bạc và bài vở thì làm sao một mình Nguyễn Thế Truyền gánh nổi. Ra tờ Việt Nam hồn là đúng, là nguyện vọng của đồng bào mình, có sự đóng góp của đồng bào, nhưng tờ Việt Nam hồn cũng đã bị nhà chức trách tìm cách đóng cửa rồi, sẽ tìm cách khác. Còn việc bác Truyền xin ra khỏi Đảng Cộng sản Pháp để thành lập Đảng Annam độc lập (PAI) rất phù hợp với tình hình phong trào lúc bấy giờ, phải tập hợp thanh niên Việt Nam yêu nước để giới thiệu sang Nga đào tạo, chính Đảng Cộng sản Pháp biết rõ điều đó nên đã giúp tổ chức đưa hàng chục thanh niên của Đảng PAI sang Nga.
Vấn đề khó khăn lớn nhất của bác Truyền là bác gái không thể đi làm vì 3 con còn quá nhỏ, và gia đình đã cắt trợ cấp vì không muốn bác hoạt động cách mạng. Ba tôi đề nghị bác về Sài Gòn cùng làm báo và viết sách, vì phong trào đang lên, rất nhiều việc; về Sài Gòn gia đình bác sẽ sống cùng gia đình ba tôi, có sự hỗ trợ của ba tôi và ông Khánh Ký, khi nào không được thì mới tính chuyện về quê ở Nam Định.
Còn một vấn đề rất quan trọng là phong trào ở Pháp và Đảng PAI bằng mọi cách phải duy trì để thanh niên yêu nước không ngả về Đảng Lập hiến do Dương Văn Giáo, là cháu gọi cụ Bùi Quang Chiêu bằng cậu, đang ra sức lôi kéo thanh niên vào đảng này. Cuối cùng hai người nhất trí giao PAI cho Hoàng Quang Giụ là người cũ và Tạ Thu Thâu là người mới để lãnh đạo. Không ngờ giai đoạn sau Giụ và Thâu có nhiều bất đồng với Đảng Cộng sản Pháp, nội bộ PAI mất đoàn kết xảy ra đánh nhau, bị Tòa án Pháp giải thể.
Gần ba tháng ở Pháp cùng bác Truyền thu xếp công việc, ba tôi vẫn thường đến văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Pháp nhờ tìm mọi cách để liên lạc với Nguyễn Ái Quốc. Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản đang chuẩn bị cho chú Nguyễn Văn Trân sang Nga vào Đại học Phương Đông nhưng còn thiếu tiền. Tính toán đủ chi phí cho chuyến về, còn tiền ba tôi đã ủng hộ Đảng Cộng sản Pháp làm lộ phí cho chú Trân. Không ngờ sắp đến ngày xuống tàu, văn phòng Trung ương Đảng báo tin Nguyễn Ái Quốc sẽ ghé Paris, đáng lý từ nước Đức Nguyễn Ái Quốc đi thẳng sang Bỉ dự Hội nghị chống chiến tranh và chống chủ nghĩa đế quốc, thì giáo sư Cachin và văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đã lo vé tàu cho Nguyễn Ái Quốc ghé Paris để gặp hai người bạn thân thiết đang mong đợi từng ngày. Sau này má tôi thường bảo đây là chuyến đi Pháp nhớ đời của ba tôi, nhờ giáo sư Cachin, nhờ sự giúp đỡ chí tình của Đảng Cộng sản Pháp. Trong lần gặp này họ đã hứa hẹn cùng nhau: Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh về nước chuẩn bị cơ sở để đón Nguyễn Ái Quốc trở về. Còn Nguyễn Ái Quốc cũng hứa sẽ tìm mọi cách trở về, hẹn gặp nhau trên Tổ quốc mình.
Tháng 12-1927, ba tôi và bác Truyền xuống tàu về nước, bác Quốc ở lại đi sau.
Má tôi kể: Cuộc chia tay cuối năm 1927 đầy hứa hẹn, họ tin tưởng và chờ đợi thời cơ, nhưng rồi… đó lại là lần gặp cuối cùng của Nguyễn An Ninh với Nguyễn Ái Quốc.
Còn một lần dự định sang Pháp giữa năm 1935 nhưng không thành.
Má tôi kể: Đầu năm 1928, ở Pháp về ba tôi lao vào vận động quần chúng để xây dựng cơ sở cách mạng, chờ đợi thời cơ. Nhưng cuối năm 1928 ba tôi lại vào tù vì tội lập Hội kín, đến cuối năm 1931 mới ra tù. Còn gia đình bác Truyền về Hóc Môn sống cùng với gia đình ba tôi chưa đầy 2 tháng, bác gái bị rắn cắn suýt chết, được dân làng cứu sống, nhưng sợ quá, hai bác đưa các con về thành phố Nam Định sống nhờ bên nội.
Thời gian ba tôi đang ở tù thì xảy ra vụ án mạng đường Barbier, những người lãnh đạo tổ chức Thanh niên cách mạng ở Nam Kỳ có liên quan bị tống giam gần hết. Tiếp đến là vụ khủng bố bắt hàng trăm cán bộ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, cơ sở gần như mất trắng.
Sau khi ra tù, ba tôi tìm gặp chú Nguyễn Văn Trân đề nghị chú cùng ba tôi đi bán dầu cù là, để có cớ đi khắp Nam Kỳ, móc nối các cơ sở, gây dựng lại phong trào. Ba tôi và chú Trân đi bán dầu cù là từng đợt, suốt 3 năm liền từ 1932 đến 1935 thì thời cơ ngàn năm có một đã đến, đó là sự ra đời của Mặt trận Bình dân Pháp.
Giữa năm 1932, báo Sài Gòn đưa tin Nguyễn Ái Quốc qua đời trong nhà tù Hồng Kông, những người bạn cộng sản của ba tôi cũng xác nhận có thông báo trong nội bộ như vậy. Ba tôi mất ăn mất ngủ nhưng vẫn chưa tin, ba tôi tìm mọi cách ra miền Bắc, bảo má tôi chuẩn bị tiền và xe hơi sẵn, nhưng đi không thoát, hàng chục công điện của chỉ huy trưởng cảnh sát và thông tri mật của chánh mật thám Nam Kỳ gửi khắp nơi yêu cầu ngăn chặn chuyến đi của Nguyễn An Ninh. Phải sang năm 1933 khi phái đoàn dự Hội nghị chống chiến tranh thế giới ghé thăm Sài Gòn, ông Paul Vaillant-Couturier gặp ba tôi và báo cho biết Nguyễn Ái Quốc còn sống, ông đã gặp bác Quốc tại nhà bà Tống Khánh Linh và đã thu xếp cho Nguyễn Ái Quốc trở sang Nga.
Ba tôi tìm mọi cách liên lạc với Nguyễn Thế Truyền, đề nghị bác Truyền thu xếp gia đình rồi trở sang Paris nối lại liên lạc với Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1934 bác Truyền sang Pháp, xin phép lập tổ chức “Liên đoàn toàn dân các thuộc địa”, tập hợp các nhà cách mạng đang hoạt động tại Pháp và chờ đợi thời cơ như đã hẹn với ba tôi.
Ông Khánh Ký sau khi luật sư Phan Văn Trường mất, ông rất buồn, nghe tin Nguyễn Thế Truyền sang Paris, ông thu xếp bán tài sản sang Pháp sinh sống làm bạn với Nguyễn Thế Truyền.
Giữa năm 1935 khi Đảng Cộng sản Pháp chủ trương liên minh với Đảng Xã hội và Đảng Xã hội cấp tiến để lập Mặt trận Bình dân giành ưu thế trong tổng tuyển cử. Ba tôi báo cho bác Truyền là thời cơ đã đến, hãy nhờ Đảng Cộng sản Pháp giúp đưa Nguyễn Ái Quốc trở lại Paris, ba tôi sẽ sang Paris cùng Nguyễn Thế Truyền đưa Nguyễn Ái Quốc về Sài Gòn. Ba tôi còn bảo má tôi chuẩn bị cho một số tiền lớn để ba tôi sang Pháp gấp, ba tôi bảo: Đây là cơ hội ngàn năm có một, lịch sử không lặp lại lần thứ hai, chỉ cần Mặt trận Bình dân thắng tổng tuyển cử và chỉ cần Đảng Cộng sản Pháp giành một ghế Phó thủ tướng, một ghế Bộ trưởng Bộ Thuộc địa thì cơ hội giải phóng cho các dân tộc thuộc địa rất lớn.
Mặt trận Bình dân Pháp thắng to trong tổng tuyển cử và đứng ra lập chính phủ, nhưng điều bất ngờ là Đảng Cộng sản Pháp lại từ chối tham gia lập chính phủ, cũng có nghĩa không có việc đưa Nguyễn Ái Quốc trở lại Paris. Ba tôi giải thích cho má tôi: Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp giai đoạn này có quan điểm khác với một số lãnh đạo trước đây, ông ta không tán thành quyền tự quyết cho các dân tộc mà đặt quyền lợi nước Pháp lên trên hết. Thời cơ đã vuột khỏi tầm tay, ba tôi buồn lắm và nói với má tôi: Lịch sử sẽ không có lần thứ hai, nhiệm vụ của tôi trên chính trường đến đây cũng chấm dứt.
Cũng từ đây ba tôi không bao giờ nhắc đến chuyện sang Pháp cho đến ngày ba tôi hy sinh trong nhà tù Côn Đảo năm 1943.
Tháng 8-2018
--------------------------------------------------------------------------------------------
Sự đê tiện thực dân
Chúng tôi nhớ là những đứa trẻ đi bán tờ L’Indochine(*) và tờ La Cloche Fêlée từng nhiều lần bị những người Âu Tây ngược đãi một cách xấu xa.
Những ông ấy - các nhà giáo dục - thích đùa cợt theo một kiểu kỳ cục.
Khi thấy những đứa nhóc ấy, họ kêu chúng lại.
Những đứa trẻ tội nghiệp chạy lại, không hề ngờ vực gì, giơ báo ra, vui mừng cứ ngỡ sẽ được vài xu tiền lời.
Nhưng ngay khi chúng vừa bước đến gần những kẻ chinh phục, những người này liền giáng cho chúng một cú ba-toong hoặc một cú đá, chắc là để dạy chúng vài nguyên tắc của nền văn minh Tây phương.
Chúng tôi xin đưa ra hình mẫu về sự đê tiện thực dân này để những người lương thiện nhìn thấy và khinh bỉ chúng.
Phải nói là những kẻ thô bỉ da trắng đó chắc không dám cư xử như vậy ở Paris hay ở Marseille.
OCTAVE FÊLÉ
T.H.Q. dịch
(La Cloche Fêlée, số 32, 7-1-1926)
_____
(*) Tờ L’Indochine là tờ báo do nhà văn cánh tả Pháp André Malraux chủ trương, ra từ ngày 17-6-1925 cho tới số cuối cùng ra ngày 24-12-1925, lúc đầu mang tên là L’Indochine, về sau đổi tên thành L’Indochine enchaînée (chú thích của người dịch).
--------------------------------------------------------------------------------