Kinh tế nước ta đang phát triển tốt, cũng có thể nói là tăng trưởng ngoạn mục. Đó là vì kinh tế vĩ mô đi đúng hướng, các chính sách đang được cải thiện, thu hút được đầu tư nước ngoài, đồng thời kinh tế nội địa cũng được tạo đà phát triển. Chẳng hạn, xuất khẩu tất cả các mặt đều tăng, đặc biệt du lịch tăng trưởng mạnh, gần 30%. 6 tháng đầu năm nay, GDP tăng 7,08%, là mức tăng trưởng rất cao, tất nhiên là ở một nền kinh tế đang phát triển. Các định chế tài chính thế giới như Tổ chức Thương mại thế giới đều đánh giá cao sự tăng trưởng đó, và dự đoán cả năm kinh tế sẽ tăng độ 6,6% đến 7%.
Kinh tế tăng trưởng là quan trọng, nhưng dù sao đó chưa phải là tất cả. Các mặt xã hội, văn hóa, giáo dục còn nhiều khó khăn, chưa gỡ ra được và chưa thấy lối ra, lối phát triển rõ ràng. Giáo dục vẫn là vấn đề lớn nhất và đáng lo nhất. Người ta nói đến phát triển giáo dục, cải cách giáo dục một cách toàn diện căn bản. Và người ta bắt đầu bằng thay đổi chương trình và sách giáo khoa. Tưởng chừng như đó là khâu trọng yếu nhất. Và nhà nước đổ tiền vào đấy. Có giáo sư - tiến sĩ khoa học cho rằng “Thực ra chỉ cần 100 tỉ thì làm được điều đó”. Vì chương trình của Khoa học tự nhiên là của toàn thế giới, nhất là những nước tiên tiến. Còn sách giáo khoa thì nếu giáo viên giỏi, như ngày xưa, nhiều người có thể tự soạn theo chương trình. Vậy làm gì phải tiêu tốn mấy nghìn tỉ đồng? Còn Khoa học xã hội và nhân văn trong giáo dục thì rắc rối hơn. Chúng ta phải nắm chắc quan điểm, thực tiễn, mục tiêu đào tạo và giáo dục con người trong một tình hình phức tạp, đa dạng, và phải rất tâm huyết thì mới làm được. Nếu chệnh choạng, thay màu đổi sắc, đi đến phủ định những chân lý cơ bản của đất nước thì sẽ rất nguy hiểm. Hiện thời, tình hình tư tưởng chính trị trong sinh viên học sinh đã là rất phức tạp theo chiều hướng phức tạp của xã hội, của toàn cầu. Đây sẽ là một lĩnh vực then chốt, mà giáo dục phải gánh lấy trách nhiệm. Lâu nay, chúng ta nói trong giáo dục thì dạy làm người là căn bản. Điều đó bắt buộc phải có một sự lãnh đạo đầy tính nguyên tắc, hiểu biết và tâm huyết. Buông lơi cái này chúng ta sẽ dễ làm mất, làm chuyển biến cả một thế hệ (theo hướng xấu). Vậy nhưng xem ra, trong bộ máy chóp bu của giáo dục, không có những nhà tư tưởng văn hóa ngang tầm với nhiệm vụ đó. Và đã như thế, thì những tư tưởng cơ hội, nhiều phần tử cơ hội rất dễ nhảy vào đoạt quyền, soán vị và triển khai những ý đồ không lành mạnh. Trong chính trị, phải luôn luôn tỉnh táo, suy xét, bởi vì sai một li đi một dặm. Chỉ một việc tưởng nhỏ như ra đề cho một kỳ thi vừa rồi, từ Văn đến Toán, đều có vấn đề. Lĩnh vực quản lý của Bộ Giáo dục - Đào tạo là mênh mông.
Chúng ta đang đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Quyết tâm của chính phủ, của Thủ tướng chính phủ là không để nhỡ “chuyến tàu 4.0” và hơn thế là đi kịp tàu rồi thì phải huy động toàn thể sức mạnh của đất nước để có thể đảo chiều (thoạt nghe đã sướng!). Nghĩa là nhân cơ hội này, đưa đất nước từ tụt hậu trước hết là về khoa học công nghệ sang giai đoạn mới. Trong cuộc cách mạng đó, giáo dục, khoa học công nghệ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, vai trò đào tạo ra những chuyên gia để làm cuộc cách mạng đó. Chúng ta đang bị chảy máu chất xám, 125.000 sinh viên đi học ở nước ngoài, “di tản giáo dục”, thường ở lại kiếm việc ở nước ngoài. Những học sinh giỏi đi thi Đường lên đỉnh Olympia thì trong 10 cháu đi học ở nước ngoài chỉ có 1 người về. Nước ngoài chỉ cần bỏ ra độ 30 nghìn đôla là mua được 1 nhân tài của ta rồi. Để phục vụ cho Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc cách mạng chuyển từ lao động giản đơn sang tự động hóa, điện toán hóa, số hóa, giáo dục cần phát hiện, đào tạo nhân tài và Nhà nước cần tìm cách giữ chân nhân tài, nhất là những nhân tài xuất sắc. Ta phải mở những trường chuyên Toán, chuyên Lý với thầy giỏi, trò giỏi ngang với thế giới và đó là điều chúng ta có thể làm được từ lâu. Ở nước Nga thời Putin, người ta nói rằng, khoảng 20 nhà khoa học xuất sắc, lỗi lạc đã tạo nên những vũ khí mới mà nước Mỹ có khi 20 năm mới đuổi kịp. Vậy là sao? Vậy là không phải đào tạo ra hàng vạn tiến sĩ đại trà. Tiến sĩ đại trà chắc cũng có ý nghĩa chừng mực nào đó trong giảng dạy. Nhưng vấn đề là phải tập trung quyết liệt, tạo ra những nhân tài cấp cao, lỗi lạc, làm xoay chuyển được đại cục. Cách làm cào bằng của chúng ta làm cho nhân tài chán nản, và không phát huy được tài năng. Môi trường hoạt động phải là một môi trường thoáng rộng, cởi mở, tự do cho những tìm tòi, làm cho “những ai mang trong mình một Rafael thì người ấy được tự do phát triển” (K. Marx). Chứ không phải là một môi trường kèn cựa, níu chân nhau để cho sàn sàn như nhau “xấu đều hơn tốt lõi”. Tiền lương phải xứng với hiệu quả. Nước ta còn nghèo, nhưng tiêu xài hết sức lãng phí, ngay cả trong khoa học, trong giáo dục. Phải lấy sản phẩm, lấy hiệu quả làm thước đo, chứ không phải là lấy một đống giấy dán nhãn mác rất sang của Hàn lâm viện hay Đại học mà không đem lại chút lợi ích nào. Nghĩa là không thể bỏ tiền cho những công việc phù du, vu vơ, mà nói như một ông vụ trưởng “Chúng tôi phải tốn thêm tiền để đóng hòm tồn trữ những công trình này”. Phải có thầy giỏi đầy trách nhiệm và tâm huyết với đất nước, với con người thì mới làm nên việc. Và tất nhiên những người đứng đầu phải là những bậc thầy về đức hạnh và nhân cách cũng như tài năng. Lâu nay nền văn hóa của chúng ta dường như ít sản sinh ra được những con người như thế? Đó là một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp thuyết phục, thỏa đáng.
Trở lại vấn đề đặc khu mà Quốc hội trong kỳ họp tới sẽ xem xét và nhân dân thì đang chờ đợi. Chúng tôi nghĩ rằng, thành lập các đặc khu thì mục tiêu phải rõ ràng. Mục tiêu bây giờ là thu hút các dự án công nghệ cao thời đại 4.0 chứ không phải là cho thuê đất để làm casino (sòng bạc), thậm chí phố đèn đỏ. Rồi quốc phòng, an ninh là điều quan tâm gan ruột của toàn dân. Có lẽ nên có một luật về đặc khu nói chung, không cứ là 3 đặc khu. Một luật chung, một luật khung và sẽ được vận dụng vào từng đặc khu. Nơi nào đủ điều kiện thì làm. Cũng xin lưu ý rằng dư luận người ta lo lắng vì đất - nguồn vốn chủ chốt ở các đặc khu đó hình như đã được tư nhân đại gia mua sẵn để chờ luật, và chúng ta biết rằng, người ta đang có chủ trương bỏ tiền mua lãnh thổ, không phải chỉ ở ta mà ở Lào, ở Campuchia, Sri Lanka, thậm chí ở cả châu Âu (xin xem bài báo về vấn đề này trong số này). Một khi người ta đã thuê đất mà không thể không cho người ta thuê, thì với chủ trương chiến lược, với sức mạnh của họ, họ sẽ lấn và ta rất dễ chịu lép. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta phải hết sức hết thận trọng, “nên cẩn thận như nơi củi lửa, nên giữ gìn như kẻ húp canh…” (Trần Hưng Đạo, Hịch tướng sĩ).
Trong số báo này, chúng tôi tóm lược một cuốn sách viết về vấn đề tham nhũng ở Trung Quốc. Thể chế chính trị, cơ chế vận hành bộ máy, văn hóa và con người giữa ta và họ đều có chỗ giống nhau. Vậy thì, đó sẽ là một bài học rất sâu sắc cho ta. Như Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói: “Nếu chúng ta không thể quản lý Đảng của chúng ta một cách chặt chẽ và hiệu quả… chẳng bao lâu nữa Đảng sẽ đánh mất quyền lãnh đạo đất nước và sẽ bị lịch sử loại bỏ”; “Tham nhũng trong công tác nhân sự là một vấn đề nghiêm trọng; vi phạm nguyên tắc trong bổ nhiệm cán bộ rất phổ biến. Hệ thống quản lý cán bộ chỉ để phô trương. Trong một số lĩnh vực, vấn đề hối lộ lấy phiếu bầu, chạy chức chạy quyền và mua quan bán chức rất trầm trọng”.
Tổng thống Mỹ D. Trump vừa có cuộc thăm và làm việc với khối NATO và với cả Vương quốc Anh. Với tính cách quyết đoán, mạnh mẽ của mình, Tổng thống Mỹ đã ép được các nước trong khối NATO tăng chi phí quốc phòng lên 2% GDP (trước nay, họ nhờ vào Mỹ nhiều). Ở Anh tuy bị người dân Anh phản đối, và tuy nói phản đối Brexit mềm của Anh, ông ta có thể đạt được tiếng nói chung với bà Theresa May. Cuộc gặp ở Helsinki (Phần Lan) ngày 16-7-2018 trong dinh Tổng thống Phần Lan trông ra biển Baltic của hai nhà lãnh đạo Putin và Trump là điểm khởi đầu tốt đẹp cho hy vọng có những bước tiến trong quan hệ giữa hai quốc gia. Cuộc gặp riêng diễn ra trong hơn 2 giờ, và theo thông lệ ngoại giao, hai người đã nói với nhau những lời “có cánh”. Ông Putin khen ông Trump là “lỗi lạc”, còn ông Trump đã chúc mừng Nga tổ chức World Cup thành công…(*). Đáng chú ý là trước đó, ông Trump đã viết trên mạng cá nhân: mối quan hệ Mỹ - Nga tồi tệ nhất do sự ngu ngốc của Mỹ. Chắc ông muốn ám chỉ chính quyền tiền nhiệm Obama. Lần này liệu ông sẽ có một bước ngoặt cải thiện vì quan hệ giữa hai siêu cường có ảnh hưởng đến toàn thế giới, trước hết là với hai nước? Sức ép từ trong nước muốn ông chất vấn Putin về việc tình báo Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua nhưng chắc Trump sẽ không dại gì làm việc đó, vì nó rõ ràng là ảnh hưởng đến uy tín cá nhân ông, còn Putin thì có đủ lý lẽ để phủ nhận. Quan hệ trả đũa, ăn miếng trả miếng vừa qua giữa hai nước sẽ chấm dứt chăng? Vấn đề Ukraina là vấn đề châu Âu, NATO quan tâm. Nhưng cái hay là trước đó, ông Trump thừa nhận là Crimea nên thuộc về Nga vì ở đó người ta nói tiếng Nga. Đó là một động thái rất quan trọng. Còn trong vấn đề Syria, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ có tiếng nói chung không, trong khi Mỹ muốn gạt Iran ra khỏi vấn đề Syria? Vấn đề Triều Tiên, Mỹ muốn tranh thủ Nga ủng hộ Mỹ, vì Nga là nước láng giềng lớn, có quan hệ kinh tế - chính trị với Triều Tiên (Nga muốn nới lỏng quan hệ trừng phạt Triều Tiên để nước này phát triển kinh tế)… Vấn đề vũ khí, Mỹ muốn kéo dài hiệp ước STAR sau khi hết hạn 2021, chắc cũng sẽ được đồng thuận (Nga và Mỹ nắm 90% vũ khí hạt nhân). Các vấn đề này được giải quyết êm xuôi, thì vấn đề cấm vận Nga mới có thể dỡ bỏ.
Các nước NATO lo ngại Mỹ - Nga xích lại gần nhau sẽ ảnh hưởng đến an ninh của họ (vì họ sợ sức mạnh Nga, sự can dự của Nga về phía các nước thành viên vốn trước đây thuộc khối Liên Xô).
Tóm lại, tuy mới là bước đầu, vì quan hệ giữa Nga - Mỹ tồn đọng nhiều vấn đề không thể gỡ bỏ trong một sớm một chiều, nhất là có sức ép với ông Trump từ trong lẫn ngoài. Nhưng nếu có thiện chí và nhìn về toàn cục, thì sự cải thiện quan hệ là có lợi cho cả hai bên. Ông Trump đã lập kỳ tích phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên, cải thiện quan hệ, làm “tan băng” với Nga cũng sẽ là một kỳ tích nữa, nâng cao vị thế của Mỹ và của ông trước thềm bầu cử giữa kỳ và bầu cử Tổng thống sắp tới.
19-7-2018
_____
(*) Bà Hillary liền mỉa mai: “Ông [Trump] có biết ông đang đá cho đội nào không?”. Các nghị sĩ Mỹ Cộng hòa cũng như Dân chủ như John McCain, Pat Toomey, Paul Ryan… lập tức phản ứng về cuộc gặp này. Họ cho rằng đó là một sai lầm bi đát, một điều đáng xấu hổ… của Trump.