* HV: Được biết ông đã giảng dạy tại Đại học Khoa học Huế trước 1975 và sau này có nhiều thời gian cư trú tại Mỹ, có con trai là giáo sư đại học ở Mỹ, ông có nhiều điều kiện để quan sát nền giáo dục của họ; chúng tôi xin được thỉnh ý ông về giáo dục miền Nam trước 1975 và giáo dục Mỹ. So với giáo dục ở nước ta hiện giờ, cái gì ta cần học của quá khứ, dù quá khứ ấy có dính đến chiến tranh, chia cắt…, bình tâm mà nhìn để rút ra bài học có ích? Cần nhấn mạnh rằng, giáo dục miền Bắc XHCN lúc đó đã góp phần đào tạo hàng vạn nhà khoa học, kỹ sư (kể cả số người được gởi đi đào tạo ở các nước XHCN) và đã góp phần nung nấu tinh thần yêu nước cho hàng triệu thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…
- Học giả LÊ TỰ HỶ: Việc so sánh hai nền giáo dục ở hai thời điểm khác nhau, trong hai hoàn cảnh kinh tế - xã hội khác nhau thì khó tránh khỏi những nhận xét thiếu công bằng. Nhưng phần dẫn nhập khá chi tiết của nhà báo đã nêu ra một phần đại ý câu trả lời. Xin nói một số ý về giáo dục miền Nam từ sau Hiệp định Genève (1954) tới ngày đất nước thống nhất (1975):
1. Về chương trình tiểu học và trung học:
a) Ảnh hưởng của Pháp và Mỹ:
Từ 1954 tới 1964, ta theo chương trình Hoàng Xuân Hãn, là chương trình mà cụ Hoàng Xuân Hãn và vài ba đồng sự đã Việt hóa chương trình của Pháp năm 1945.
Giai đoạn 1964-1975, chương trình giáo dục miền Nam có ảnh hưởng của giáo dục Mỹ: mở trường Trung học tổng hợp và trường Tiểu học cộng đồng theo tư vấn của chuyên gia giáo dục Mỹ từ Đại học Ohio cử tới.
Bước đầu là mở hai trường Trung học kiểu mẫu - thực chất là hai trường Trung học thí điểm - ở Huế (năm 1964) và Thủ Đức (năm 1965), trực thuộc Đại học Sư phạm Huế và Đại học Sư phạm Sài Gòn. Người Mỹ chê chương trình trung học miền Nam lúc bấy giờ rập khuôn theo Pháp, chỉ thuần lý thuyết, thiếu hoàn toàn hướng nghiệp, học sinh tốt nghiệp trung học, nếu không vào được đại học, sẽ không biết làm gì để sinh sống. Vì vậy họ khuyến cáo đưa thêm các môn hướng nghiệp như may thêu, làm bánh, đánh máy, viết văn thư, kinh doanh, mộc, nề, cơ khí, âm nhạc, họa… vào chương trình ngay từ lớp 6 trở lên. Người Mỹ gọi tên trường là Comprehensive High School. Mỗi học sinh, ngoài các môn truyền thống Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ… thì phải chọn ít nhất 1 (khuyến cáo chọn 2 tới 3) môn hướng nghiệp nói trên. Các cố vấn Mỹ cũng đề nghị dùng hình thức trắc nghiệm thay cho đề thi tự luận trong thi tuyển học sinh.
Bước tiếp theo là mở một số trường Trung học tổng hợp ở một vài nơi.
Bước cuối cùng - “tổng hợp hóa” toàn bộ các trường trung học trên toàn miền Nam - chưa thực hiện được.
b) Phân ban: Học sinh vào lớp 10 phải chọn theo 1 trong 4 ban A, B, C, D để theo học 3 năm cấp III.
Ban A: ban Khoa học thực nghiệm. Chương trình học nặng về môn Sinh học.
Ban B: ban Khoa học toán. Nặng về môn Toán.
Ban C: ban Văn chương sinh ngữ. Nặng về môn Việt văn và Sinh ngữ (gồm Sinh ngữ chính và Sinh ngữ phụ - chọn giữa tiếng Anh và tiếng Pháp).
Ban D: ban Văn chương cổ ngữ. Nặng về môn chữ Hán và Sinh ngữ phụ (Anh hoặc Pháp).
Khoảng 90% học sinh đã chọn ban A và ban B vì hai ban này dẫn tới nhiều nghề hái ra tiền: bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư... Học sinh học ban C (gồm những học sinh có năng khiếu Văn chương và một số không có thiên hướng Văn chương nhưng cũng không giỏi Toán, Lý, Hóa) ra trường chỉ có thể đi dạy, làm báo, phiên dịch... Về cuối thập niên 1950 thì ban D không còn nữa do không có người học và cũng không có người dạy chữ Hán nữa.
Việc phân ban từ lớp 10 là rất hợp lý bởi hai lý do: Thứ nhất, mỗi học sinh có khả năng riêng, có học sinh học thích và dễ dàng các môn khoa học cơ bản (Toán, Lý, Hóa) mà không dễ học các môn khoa học xã hội (Văn, Ngoại ngữ…) và ngược lại. Thứ hai, việc phân ban giúp phân luồng học sinh hướng về các ngành nghề thích hợp với khả năng của các em hơn.
c) Trường kỹ thuật: Ngoài chương trình trung học phổ thông trên đây, ở miền Nam còn có chương trình trung học kỹ thuật. Học sinh vừa học các nghề như cơ khí, điện máy, nông lâm súc… vừa học văn hóa. Trong trường trung học kỹ thuật, có ban Toán kỹ thuật, ở đó học sinh có trình độ Toán, Lý, Hóa không thua ban B trường phổ thông. Những học sinh ban Toán kỹ thuật giỏi đã trở thành những sinh viên giỏi khoa Kỹ sư công nghệ trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ (Đại học Bách khoa TP.HCM ngày nay).
2. Chương trình đại học:
Từ 1954 đến khoảng 1968: Chương trình đại học ở miền Nam hoàn toàn theo chương trình của Pháp. Thầy Việt dạy bằng tiếng Việt, thầy Pháp dạy bằng tiếng Pháp. Ảnh hưởng của giáo dục Mỹ bắt đầu từ 1969 (sau khi phía Mỹ cho một đoàn các Trưởng khoa các đại học miền Nam đi tham quan các đại học Mỹ năm 1968). Cụ thể ở Đại học Khoa học Huế năm 1969 mở ra các ngành ứng dụng: Tạo tác thủy lợi, Thống kê nhân khẩu, Sinh hóa ứng dụng.
Đại học thuộc hai loại:
a) Chuyên nghiệp (professional): Tốt nghiệp ra để làm một nghề cụ thể. Đó là các ngành Sư phạm, Y khoa, Dược khoa; các ngành Kỹ sư, Hành chánh, Bưu điện… Phải trúng tuyển qua kỳ thi tuyển mới được vào học. Chỉ tiêu tuyển sinh vào mỗi ngành nói chung là rất ít. Tốt nghiệp được bổ dụng ngay chứ không phải lo chạy chọt để xin việc như hiện nay.
Riêng ngành Sư phạm, việc chọn nhiệm sở từ những năm sau 1965 được thực hiện công khai và nhanh chóng: Các cơ sở cần người trên toàn miền Nam được Bộ QGGD tổng hợp thành danh sách. Căn cứ vào đó, người tốt nghiệp thủ khoa được quyền chọn trước tiên, tiếp theo người tốt nghiệp thứ nhì v.v… Ai chọn xong được Bộ ký sự vụ lệnh ngay. Sinh viên ngành Sư phạm được cấp học bổng, nếu ai không đến nhận nhiệm sở phải trả lại tiền học bổng cho nhà nước.
b) Không chuyên nghiệp (liberal arts): Ghi danh theo học, không qua thi tuyển; tốt nghiệp ra, muốn làm gì thì tự lo, chính phủ không có nghĩa vụ bổ dụng. Đó là các ngành khoa học cơ bản: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Địa chất…; các ngành khoa học xã hội: Văn, Sử, Địa, Luật… Việc có mặt tại lớp học lý thuyết là không bắt buộc, nhưng việc thực hành trong phòng thí nghiệm (nếu có) thì phải đủ một số giờ quy định mới được dự thi kỳ thi cuối môn học.
3. Về sách giáo khoa:
a) Tiểu học - trung học: Bộ QGGD chỉ soạn ra chương trình từng môn, từng lớp, chứ Bộ không lo việc biên soạn và in SGK để bắt buộc mọi giáo viên phải dùng mà dạy. Các nhà giáo dạy lâu năm, có kinh nghiệm tự viết sách và cho các nhà xuất bản in ra. Các giáo viên tốt nghiệp Sư phạm ra dù là giáo viên cấp I, cấp II hay cấp III đều đủ khả năng soạn bài dạy khi trong tay có vài ba quyển SGK (kể cả SGK của Pháp, Mỹ). Việc soạn bài này đem lại niềm vui và tự hào của nhà giáo và chính nó nuôi dưỡng nhiệt tình của nhà giáo bởi dạy học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật.
b) Đại học: Mỗi khoa của các đại học đều có nội dung tổng quát cho từng môn học. Các thầy dạy tự soạn bài giảng dạy, tất nhiên họ phải tham khảo nhiều SGK hay giáo trình từ các đại học Pháp, Mỹ để mức độ tri thức môn học không thua kém người ta.
4. Lương và vị thế của nhà giáo trong xã hội:
Ở miền Nam có hai hệ thống: trường công và trường tư. Không có nhiều trường công để cho mọi học sinh theo học (mỗi tỉnh chỉ có 1 - 2 trường công). Học sinh vào lớp 6 trường công phải qua thi tuyển. Có thể nói trường trung học công chỉ dành cho những học sinh giỏi và khá. Ở trường công học sinh không phải đóng học phí.
Bộ QGGD chỉ lo lương cho giáo viên tại trường công. Lương khởi điểm của giáo viên vừa tốt nghiệp Sư phạm (dạy tại các trường công lập) cao hơn các ngành khác (thí dụ: Đại học Sư phạm có chỉ số lương 470 trong khi các ngành như Hành chánh, Kỹ sư khác có chỉ số 430). Sinh viên Sư phạm đều được học bổng và được tạm hoãn đi quân dịch trong khi theo học. Lương nhà giáo không khiến cho nhà giáo giàu hơn các ngành nghề khác nhưng cũng đủ nuôi được gia đình một cách tương đối, để họ toàn tâm ý vào việc giảng dạy mà thôi. Nhà giáo luôn được mọi người trong xã hội tôn trọng bởi vì nghề và nhân cách của họ chứ không phải vì có tiền hay có chức có quyền.
5. Việc quản lý giáo viên trong công tác giảng dạy:
Người giáo viên phải luôn luôn có nhiệt tình với việc giảng dạy. Muốn thế họ phải: có lương đủ nuôi ít nhất vợ và 2 con theo mức sống trung bình trong xã hội; có đủ thì giờ để soạn bài: giảm tối đa việc họp hành, bỏ bớt sổ sách chỉ cốt trang trí cho thanh tra xem mà thực chất không có chút ích gì cho nghề nghiệp! Không bị áp lực phải đạt các thành tích: chỉ tiêu “trên trời” về số học sinh giỏi, về tỷ số lên lớp, tỷ số thi đỗ của học sinh; giáo viên có thể cho bất kỳ điểm số nào từ 0 đến 10 tùy theo bài làm của học sinh kém, trung bình, khá, giỏi hay xuất sắc mà không bị một áp lực nào từ đâu.
Cũng phải nói thêm: Trước 1975 ở miền Nam, số trường công rất ít so với trường tư, do đó Bộ QGGD chỉ phải lo cho vài trăm trường công, chỉ phải quản lý về mặt hành chánh các trường tư thông qua các Ban giám hiệu. Điều này khác với ngành giáo dục hiện nay, hầu hết các trường là trường công, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) có trách nhiệm nặng hơn nhiều.
* Cải cách giáo dục hiện nay nhấn mạnh chương trình in sách giáo khoa. Vấn đề này ở miền Nam ngày trước và ở Mỹ hiện thời như thế nào? Chương trình - SGK có khó đến thế, phải chi bằng trăm triệu đôla để làm không? Chương trình khoa học tự nhiên có tính quốc tế rõ ràng, ta nghiên cứu các nước có nền giáo dục tiên tiến, kể cả những nước nhỏ như Bắc Âu…, cái gì khả thi thì học. Còn soạn SGK thì thiết nghĩ giáo viên giỏi cũng làm được khi có chương trình. Có phải thế không thưa ông?
- Câu hỏi này cũng hàm chứa câu trả lời. Cải cách giáo dục nếu có thì nhiệm vụ chính của Bộ GD-ĐT là đưa ra một bộ chương trình mới rồi mới nói đến sách giáo khoa. Chưa có chương trình mà nhấn mạnh đến việc in SGK thì đó là việc “cái cày kéo con trâu”!
Về chương trình học: gồm 2 phần: phần chung của nhân loại và phần riêng của Việt Nam. Phần chung về khoa học tự nhiên của nhân loại thì gần giống nhau ở mọi nước. Phần riêng thuộc về khoa học xã hội liên quan đến lịch sử, địa lý, văn hóa… của mỗi nước.
Như vậy để có được một bộ chương trình tốt, phù hợp với trình độ học thuật chung của thế giới thì nên tham khảo vài chương trình của các nước như Mỹ, Đức, Phần Lan, Thụy Điển… và cải tiến chương trình hiện có của ta, loại đi những cái đã bị lỗi thời, thêm vào những cái tiên tiến phù hợp với hoàn cảnh của nước ta. Tất nhiên là chuyện không dễ, nhưng Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ phải làm được chương trình trong thời gian ngắn, chi phí là lương cao cho vài chục chuyên viên từ 3 đến 6 tháng. Việc mong tạo ra một chương trình tốt nhất với khẩu hiệu “đổi mới toàn diện” với chi phí “khủng” là không khả thi, một ảo tưởng, vì chương trình luôn luôn phải được duyệt xét lại trong vòng từ 3 tới 5 năm, nếu không sẽ bị lỗi thời với những tiến bộ trong các ngành học.
Khi đã có một bộ chương trình được Bộ GD-ĐT công bố, rồi căn cứ vào đó mới viết được SGK. Nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT là soạn và công bố chương trình. SGK, nếu Bộ có đủ khả năng soạn một bộ SGK thì Bộ cứ làm, nhưng không được đòi độc quyền soạn với một chi phí vô cùng “khủng”, mà cứ để cho mọi cá nhân hay tổ chức có khả năng tự soạn thì nhà nước không phải tốn số tiền khủng mà lại có nhiều bộ SGK. Những sách nào soạn tốt, hay, đúng theo chương trình của Bộ sẽ được các thầy dùng và khuyên học sinh mua. Mỗi thầy giáo có từ 3 tới 5 SGK của một môn mới soạn được bài giảng tốt và mới dạy tốt được.
* Thầy giỏi, trò mới có điều kiện giỏi. Các trường Sư phạm ở Mỹ đào tạo thế nào? Cách họ dạy trung học thế nào? Cái gì ta có thể tham khảo?
- Đúng là thầy giỏi thì mới có thể dạy tốt được. Nhưng người thầy dạy tốt không chỉ là giỏi môn học mà còn biết cách tổ chức việc học tập của học sinh, sao cho học sinh ham học ngay tại lớp và cũng tự học ở nhà mà không cảm thấy bị nhiều áp lực. Việc này liên quan tới kỹ năng mà ngày nay gọi là kỹ năng mềm (soft skills) của người thầy. Ở Mỹ, muốn trở thành giáo viên từ mầm non lên tới cuối cấp III thì văn bằng tối thiểu là Cử nhân giáo dục (Bachelor of Education) và sau đó phải có chứng chỉ hành nghề (license) của bang muốn xin dạy. Chứng chỉ này được cấp sau khi vượt qua một kỳ thi về kỹ năng cơ bản trong giảng dạy (basic skills exam). Một số bang tổ chức bài thi kỹ năng riêng nhưng nhiều bang dùng bài thi PRAXIS của ETS (Educational Testing Service). Nhưng không phải vì thế mà giáo viên tiểu học và trung học của Mỹ đều giỏi và thích thú hành nghề suốt đời đâu, bởi nói chung lương của giáo viên không cao so với các ngành khác (trung bình khoảng 40.000 USD/năm) và họ phải làm việc ở trường nhiều giờ nhất thế giới, vượt xa các nước khác (1.131 giờ so với trung bình 782 giờ và vượt xa các nước như Phần Lan (700 giờ) mà giáo dục Phần Lan hiện được đánh giá tốt hơn giáo dục Mỹ).
Điều nên học là mỗi thầy giáo dạy ở một phòng cố định, học sinh di chuyển tới phòng ấy để học. Điều này có hai cái lợi: giúp môn học được dạy tốt hơn vì với những trợ cụ được trang bị đầy đủ hơn tại một phòng cố định; và học sinh được học theo trình độ cá nhân, được phát triển theo khả năng riêng, không theo lớp. Chẳng hạn, học sinh lớp 6 nhưng môn Toán vào học chương trình lớp 8; thầy giáo môn Ngoại ngữ luôn dạy trong phòng có đầy đủ trang thiết bị để học ngoại ngữ. Như thế thì không còn lớp “cứng”, tức là số cố định học sinh cùng ngồi một phòng, học mọi môn như nhau; mà học sinh học môn nào với thầy nào thì tới giờ nào đó, di chuyển tới phòng ấy mà học. Việc tổ chức này tất nhiên đòi hỏi phải công phu, tỉ mỉ hơn.
* Muốn có giáo dục chất lượng tốt phải chăm sóc thầy. Ông thấy ở Mỹ họ sử dụng thầy thế nào? Ta có thể học gì, khi nói về lương bổng, đãi ngộ?
- Ở Mỹ, nghề giáo từ mầm non tới cuối cấp III không phải là tệ, nhưng không phải là nghề được giới trẻ ưa thích, và không phải là những người giỏi muốn chọn vào. Ngân sách giáo dục ở Mỹ gồm ngân sách địa phương và ngân sách từ liên bang. Một tỷ lệ khá lớn trong thuế nhà nước được dành cho ngân sách giáo dục địa phương.
* Ví như ông được cử làm Bộ trưởng Giáo dục, thì ông sẽ làm gì, sau khi ông đã có kinh nghiệm giáo dục miền Nam, kinh nghiệm Mỹ?
- Với tư cách là một công dân, tôi xin nêu lên một số đề nghị và mong sao nền giáo dục của ta càng ngày càng tốt hơn:
1. Về lâu dài: Mặc dầu giáo dục Mỹ hiện nay hay giáo dục miền Nam trước đây có những điểm tốt nhưng vẫn là nền giáo dục mà con em người giàu được hưởng cái tốt hơn con nhà nghèo (như hiện nay đang xảy ra ở nước ta, dù ta mang danh là xã hội chủ nghĩa), cho nên tôi đề nghị với ông Bộ trưởng: Về chương trình từ mầm non đến hết cấp III: hãy nghiên cứu triết lý và phương thức thực hiện của giáo dục Phần Lan để tìm ra những cái hay và từng bước áp dụng vào hoàn cảnh nước ta. Phải dần dần tiến tới việc xem giáo dục và y tế là quyền lợi mà mọi công dân được hưởng cái tốt nhất và như nhau từ nhà nước, chứ không phải là dịch vụ phải trả tiền để mua, khiến người nhà giàu được hưởng cái tốt, còn người nghèo thì chịu thiệt. Đó mới chính là thành quả của xã hội chủ nghĩa.
Nhưng như thế không hàm nghĩa chúng ta rập khuôn cái mà Phần Lam đang làm thì sự việc sẽ tốt. Tất cả những vấn đề về giáo dục và cải cách phải được thực hiện riêng ứng với văn hóa và thực tế của từng địa phương.
2. Về cụ thể trước mắt, nếu ông Bộ trưởng có đủ quyền lực thì xin làm ngay các việc sau đây:
a) Tinh giản tối đa bộ máy quản lý: Ngày nay nhờ công nghệ thông tin nên không cần nhiều người trong bộ máy quản lý. Do đó:
- Nhân sự của Bộ GD-ĐT: Tinh giản biên chế tới mức có ít nhân viên nhất, nhưng gồm toàn những người có khả năng làm được việc. Cụ thể: Một Bộ trưởng và 3 Thứ trưởng: một đặc trách giáo dục mầm non và tiểu học; một đặc trách trung học, một đặc trách đại học. Dưới mỗi Thứ trưởng có một số tối thiểu chuyên viên nhưng đủ khả năng tạo ra một bộ chương trình cấp học tương ứng trong vòng 3 hay 6 hay nhiều lắm là 9 tháng, và chương trình này sẽ được bổ sung, cập nhật hằng năm hay vài ba năm.
- Nhân sự quản lý giáo dục tại các tỉnh thành: Mỗi tỉnh, thành phố lớn chỉ có Sở Giáo dục, bãi bỏ tất cả Phòng Giáo dục các quận huyện. Mỗi sở có Giám đốc sở và 3 Phó giám đốc: một đặc trách giáo dục mầm non, một tiểu học và một trung học. Dưới mỗi vị phó, có một số tối thiểu chuyên viên.
b) Về các trường Sư phạm: Quy hoạch lại hệ thống các trường Sư phạm trên cả nước:
- Chỉ giữ lại một số trường Đại học Sư phạm lớn. Đóng cửa các Đại học Sư phạm nhỏ và tất cả các trường Cao đẳng Sư phạm.
- Trường Đại học Sư phạm chỉ chuyên lo đào tạo giáo viên từ mầm non tới cấp III và nghiên cứu về giáo dục, không đào tạo các ngành nghề khác ngoài Sư phạm như hiện nay.
- Tuyển sinh Sư phạm theo sát nhu cầu sử dụng dựa trên dự báo: mọi sinh viên Sư phạm ra trường đều được bổ dụng, chứ không tuyển sinh tràn lan, quá dư thừa, tốt nghiệp ra phải chạy chọt xin việc làm, mạnh ai nấy lo, thủ khoa mà “không biết đường” cũng thất nghiệp. Chỉ tuyển những người giỏi, khá và ham thích nghề dạy học.
3. Lương giáo viên từ mầm non tới cấp III: phải nuôi được vợ/chồng và 2 con theo mức sống trung bình. Lấy tiền từ đâu? Bộ cần cắt giảm những chi phí dành cho những cuộc hội họp từ trung ương đến địa phương, loại bỏ các dự án khủng với kinh phí vài chục nghìn tỉ. Đề xuất chuyển một phần thuế nhà đất vào ngân sách giáo dục.
4. Cởi trói giáo viên: Nhiệm vụ chính của giáo viên là soạn bài và giảng dạy, cho nên cần phải giảm tối đa những việc hội họp, sổ sách mà thực chất là cốt để cho thanh tra xem chứ không giúp ích gì cho việc dạy; không áp đặt chỉ tiêu số học sinh giỏi khiến giáo viên phải cho điểm “ảo”; giảm tối đa hoặc tốt nhất là bãi bỏ việc thi đua dạy thao giảng mà trong đó giáo viên thực hiện một kịch bản dạy một bài nhiều lần cho đồng nghiệp, thanh tra xem (có khi dạy vài ba lần cùng một bài cho cùng một lớp học để rút kinh nghiệm). Việc này thực chất khiến giáo viên mỏi mệt, giảm hưng phấn trong giảng dạy, học sinh cũng không hứng thú học tập khi phải bị nghe giảng vài lần cùng một bài bởi cùng một thầy.
5. Về trường chuyên lớp chọn: Không nên mở trường chuyên lớp chọn tràn lan như hiện nay, khiến nhiều học sinh tuy không có năng khiếu nhưng do áp lực từ phụ huynh và xã hội mà phải đi học thêm quá nhiều giờ để cốt vào cho được. Đó là cái nguy hại cho sự phát triển lâu dài của học sinh. Chỉ những học sinh thật sự có năng khiếu mới nên vào học. Do đó, chỉ nên giữ lại một số trường chuyên do đại học quản lý và một lớp tại các trường có truyền thống như Quốc Học, Lê Hồng Phong… Học sinh được tuyển vào những lớp chuyên này đều là những học sinh tài năng, là vốn quý của quốc gia, cho nên cần phải có chính sách và kinh phí đào tạo các em đến nơi đến chốn, thành những nhà khoa học, những chuyên gia cao cấp; và đặc biệt là có chính sách sử dụng nhân tài để các em phục vụ đất nước, chứ không phải chỉ dạy cho các em đi thi lấy giải thưởng ở trung học như hiện nay, rồi lên đại học các em đi đâu, về đâu không biết là một thất bại lớn của giáo dục Việt Nam.