Tôi thuộc lòng cả quyển Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du từ năm 10 tuổi. Tác phẩm này đã ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến cả cuộc đời tôi, không chỉ về văn chương mà còn về phẩm chất sống, quan điểm thẩm mỹ và triết học. Những yếu tố đó đồng hành với tôi cho đến tận bây giờ, khi tôi đã 74 tuổi. Vài năm trước đây, tôi đã có bài viết Truyện Kiều - thánh kinh của tâm hồn tôi, đăng báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau này lớn lên, tôi mới biết bản tôi đã thuộc là bản Bùi Kỷ (do cụ Bùi Kỷ khảo cứu, chú thích). Tôi rất kính trọng và biết ơn cụ Bùi. Rồi sau nữa, tôi tìm mua (và xin) được nhiều bản Kiều của các học giả khác, trong đó sớm nhất là bản cụ Bùi Khánh Diễn. Các bản trước nữa tôi không tìm được.
Trong các bản đã có ấy, tôi thích nhất là bản Đào Duy Anh, do Hoàng Hữu vẽ bìa, NXB Văn học ấn hành 70.200 cuốn, tháng 4 năm 1979, hiện vẫn đang có trên bàn viết của tôi, với sự tham gia hiệu đính của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Tuấn Đô, với lời giới thiệu của Đào Duy Anh, Xuân Diệu và Hoài Thanh. Bài viết của Xuân Diệu đã chinh phục tôi hoàn toàn, đến nỗi có lúc tôi đã tưởng lầm bản Đào Duy Anh là bản Xuân Diệu.
Rất may là mới đây, tôi có được bản Kiều mới nhất do Mai Quốc Liên khảo chú. Người làm sau, có thuận lợi là kế thừa được tinh hoa của người đi trước, nhưng sẽ chịu một thử thách gay gắt đồng thời cũng là một áp lực rất nặng nề do thành tựu của người đi trước đã để lại. Tôi muốn tự trả lời một câu hỏi, đến lượt mình, GS-TS Mai Quốc Liên sẽ thao tác như thế nào? Có gì đóng góp thêm cho Kiều học? Và có thì có đến đâu? Vấn đề đó lớn lắm, tôi chỉ xin nêu một cảm nhận nhỏ:
Với bản mới này, Mai Quốc Liên đã giúp người đọc tổng lược được những bước đi của các tiền nhân, từ bản Kiều đầu tiên, trong việc tìm hiểu và thẩm định Truyện Kiều cả về văn bản (câu và chữ) của Nguyễn Du và các khảo cứu, chú thích. Điều đó rất cần thiết, rất quý, và cũng không hề dễ làm. Đòi hỏi soạn giả phải làm chủ được các tư liệu đã có trong hàng chục công trình trước đó, rồi suy xét chọn lọc và đưa ra sự chọn lựa của mình. Bản thân sự chọn lựa, lấy ra câu này, chữ kia, cũng là một cách kiến giải của soạn giả, chưa kể các chú thích, Mai Quốc Liên viết rất tâm huyết và công phu - bản thân nó đã là một công trình khoa học rất có giá trị, có thể nói là xuất sắc, rất đáng ghi nhận.
Bạn đọc có thể thấy điều tôi nói ấy, khi mở bất cứ trang nào của bản Kiều này. Bản thân tôi đã đọc hai lần. Lần đầu đọc suốt từ chữ đầu đến chữ cuối, không bỏ sót một chữ nào. Nghỉ ngơi vài ngày đọc lần thứ hai, lần này chỉ đọc phần khảo chú của Mai Quốc Liên. Và bây giờ lần thứ ba, mở vài trang bất kỳ, tự nhiên thôi, như ta bói Kiều vậy. Tôi đối chiếu với bản Đào Duy Anh mà tôi ưng ý nhất trong các bản Kiều chữ quốc ngữ mà tôi có, trước khi có bản Mai Quốc Liên. Bản Bùi Khánh Diễn, chỗ thì sơ lược, chỗ lại rườm rà. Bản Tản Đà thì rất thông thoáng, có vị hay riêng, nhưng cụ lại rất chủ quan, nhiều chỗ nói lấy được.
Trở về với bản Mai Quốc Liên. Nhiều ví dụ lắm. Có thể nói chỗ nào cũng dẫn ra được. Nhưng tôi chỉ nêu hai ví dụ, cũng ngắn gọn để các bạn dễ theo dõi:
* Câu 217-218 (bản Đào Duy Anh và bản Mai Quốc Liên đều chép như nhau):
“Một mình lưỡng lự canh chầy / Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh” (chữ in đậm do tôi nhấn mạnh). Đào Duy Anh chú: “Lưỡng lự: lo nghĩ phân vân, như lo nghĩ hai đường không biết chọn đường nào”. Mai Quốc Liên chú: “Lưỡng lự: ở đây có nghĩa là nghĩ ngợi, suy nghĩ (cần phân biệt với lưỡng lự, với nghĩa là phân vân không quyết)”. Vậy hai chữ lưỡng lự, hai soạn giả đã nghĩ khác hẳn nhau, người sau bác bỏ ý kiến của người trước. Nếu chỉ đọc riêng một câu (217), thì tôi thấy Đào Duy Anh chú thế là phải. Nếu đọc liền 2 câu thành một cặp (mà đúng ý Nguyễn Du là 2 câu ấy nối liền nhau. Theo tôi nghĩ: Nguyễn Du có một cách viết là “bộ tứ”, theo hệ thống mỹ học cổ điển Trung Hoa, nghĩa là một điều thường diễn giải ra trong 4 câu, trong đó 2 câu là một cặp đi liền nhau). Do đó tôi nghĩ cách chú của Mai Quốc Liên hợp lý hơn. Vì thế “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh” tức là “nghĩ ngợi”, “suy nghĩ”… để thấy đường đời sau này thật đáng kinh hãi. Vậy thì câu sau liền với câu trước, không phải là “phân vân”, “không biết chọn đường nào” như cụ Đào đã viết.
* Câu 239-232, bản Đào Duy Anh chép: “Ngoài hiên thỏ thẻ oanh vàng/ Nách tường bông liễu bay sang láng giềng/ Hiên tà gác bóng nghiêng nghiêng/ Nỗi riêng, riêng chạnh tấc riêng một mình”. Bản Mai Quốc Liên chép: “Ngoài hiên thỏ thẻ oanh vàng/ Nách tường bông liễu bay ngang trước mành/ Hiên tà gác bóng chênh chênh/ Nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình”. Rõ ràng là hai văn bản Truyện Kiều khác nhau. Từ đó suy ra thơ Kiều của cụ Nguyễn, nhiều chữ do người đời sau nhuận sắc, không thật rõ chữ nào là chữ của chính cụ. Nhưng đó là về văn bản học. Chứ thơ thì chỉ cần hay. Nếu chữ nhuận sắc hay hơn thì ta cần lấy cái hay hơn và tôi chắc cụ Nguyễn dưới chín suối sẽ mỉm cười mà ưng thuận. Trở lại với hai đoạn dẫn trên, cả hai đều hay như nhau. Nhưng theo ý tôi, cái bông liễu lúc đó “bay ngang trước mành” có lẽ là phải hơn (tôi dùng chữ phải, vì chữ đúng thì không biết thế nào là đúng), vì cô Kiều lúc đó đang ngẫm nghĩ sự đời, nhìn ra thấy bông liễu bay ngang trước mành, tức là trước mắt mình. Còn bay sang láng giềng là người khác nhìn, có thể là cụ Nguyễn hoặc cô Kiều đoán ra mà thôi. Vì thế chữ chênh chênh trong bản Mai Quốc Liên có lẽ là hợp lý hơn. Trong tâm tưởng của tôi, tôi vẫn thích chữ nghiêng nghiêng trong bản Đào Duy Anh, vì nó còn có cái nghiêng nghiêng của cõi lòng cô bởi hình ảnh của chàng Kim trong cuộc gặp gỡ thoáng qua bên mộ Đạm Tiên. Nhưng đọc lại văn bản thì đoạn này trong tâm tưởng cô Kiều không có chàng Kim, không có sự cảm tình riêng chạnh của cô với chàng. Mà chỉ có hình ảnh của (bóng ma) Đạm Tiên, với lời “mộng triệu” có thể nói là khủng khiếp, báo trước cho số phận vô cùng “đoạn trường” (đau đứt ruột) của Kiều về sau, đến nỗi cô hoảng sợ, phải “rền rĩ”, mà “rền rĩ” nhiều lần (hai lần Nguyễn Du dùng chữ “đòi cơn” trong 1 câu có 8 chữ - “Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn”), nghĩa là kêu khóc nhiều lần, đến nỗi mẹ cô ngủ ở phòng bên phải thức giấc. Không có hình ảnh chàng Kim. Cô Kiều lúc đó chỉ nghĩ “Đoạn trường là số thế nào” và mẹ cô Kiều an ủi, khuyên giải cô đừng bận tâm về cái điều huyễn hoặc (mơ hồ, vớ vẩn, không có căn cứ) ấy: “Dạy rằng mộng huyễn cứ đâu/ Bỗng không mua não, chuốc sầu nghĩ nao”. Vậy thì chữ nghiêng nghiêng, rất hay nếu liên hệ với nỗi lòng đã xiêu xiêu của cô với chàng Kim, lại ít có sở cứ. Do đó, bản thân tôi, tôi thấy chữ chênh chênh của Mai Quốc Liên chọn, có lẽ là hợp lý hơn.
Vân vân…
Tôi nói thế, không phải hạ thấp người này, đề cao người kia. Mà là mừng cho một bước đi lên của học thuật trong việc tìm hiểu cái hay của Truyện Kiều. Bản viết sau vài chục năm, có tư liệu và suy ngẫm sâu nặng hơn, hợp lý hơn, cũng là lẽ thường tình. Nghĩa là tôi trân trọng hơn, vì nhận ra sự lao tâm khổ tứ của nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên. Còn điều đó đúng hơn đến đâu, phải hay không phải đến đâu, lại là một điều khác, và điều ấy, rất cần sự tham gia thẩm định của các bạn đọc, các vị học giả, trong đó có các bậc cao minh.
_____
(*) Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và NXB Văn học, 2018.