Nhà Đường nước Trung Hoa kéo dài từ năm 618 đến năm 907 sau công nguyên. Trên ba trăm năm ấy đã sản sinh ra nhiều nhà thơ lớn mang tầm vóc nhân loại từ Sơ Đường đến Vãn Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Bột, Thôi Hiệu, Trương Tích, Lý Thương Ẩn, Đỗ Mục, Bạch Cư Dị và nhiều nhà thơ nổi tiếng khác, đã tạo nên nền cực thịnh của thơ mang tên Đường Thi với những niêm luật chặt chẽ, khắt khe, súc tích, truyền mãi đến tận ngày nay. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu rực rỡ mang tầm vóc thời đại ấy, cuộc đời riêng của nhiều nhà thơ cũng có những chuyện tình buồn như chuyện Lý Thương Ẩn, Đỗ Mục v.v… và những chuyện tình buồn của họ ngàn đời sau đọc lại vẫn thấy ấn tượng sâu sắc không quên như tên tuổi họ.
Sau đây xin kể chuyện tình của Đỗ Mục, nhà thơ trẻ nổi tiếng thời Vãn Đường cùng thời với nhà thơ Lý Thương Ẩn và Ôn Đình Quân được gọi là “ba nhà thơ lớn của Vãn Đường”.
Ù Đỗ Mục sinh năm 803 tự là Mục Chi, hiệu là Phàn Xuyên, người huyện Vạn Niên nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Từ bé ông đã nổi tiếng là thần đồng, học đâu nhớ đó, văn tài đáng nể. Năm 25 tuổi (828) đời vua Văn Tông, ông thi đỗ tiến sĩ, làm quan ở triều đình một thời gian rồi do mâu thuẫn với quan trên ông bị đổi đi các châu huyện.
Ông tính tình cương trực, ngay từ tuổi thiếu niên đã có dáng dấp người quân tử, khôi ngô, tuấn tú, phong nhã hào hoa, lại có khiếu văn thơ, tự lập, không chịu ảnh hưởng các bậc tiền nhân thời Sơ Thịnh Đường, tạo cho mình một phong cách riêng nên được người đương thời ngưỡng mộ và khâm phục.
Trong đời sống riêng Đỗ Mục rất phóng túng, yêu thích tự do, xem thường lễ giáo lại mộng phiêu bạt giang hồ, nên mặc dù đã nhiều tuổi ông vẫn chưa muốn lập gia đình.
Một mùa xuân nọ, nghỉ việc quan, ông đến Hồ Châu thăm người bạn họ Thôi làm Thứ sử ở đây, vốn là bạn đồng môn với ông ngày trước. Được Đỗ Mục đến thăm, Thôi Thứ sử rất vui cho mở hội hoa đăng mừng xuân ở hồ thủy tạ sau dinh, cho vời đám ca nhi đến múa hát giúp vui. Người dân Hồ Châu nghe danh Đỗ Mục từ lâu nên đến xem rất đông khiến đám lính hầu phải hết sức vất vả mới giữ được trật tự. Rượu ngà ngà say, Đỗ Mục cao hứng viết ngay một bài từ khúc đưa cho ca nhi vừa múa vừa hát, trong đó có đoạn: “vui vui vui/ Ta ca ta hát/ Chúc nhau mùa xuân mới/ Nước biếc đèn hoa đẹp tuyệt vời…”. Tiếng hát điệu múa của đám ca nhi dưới ánh đèn hoa rực rỡ đã tạo nên một không khí tươi vui trên nét mặt mọi người dự hội. Thôi Thứ sử rót đầy chén rượu mừng bạn đồng môn viết từ khúc theo ông là rất hay. Vừa lúc ấy bên ngoài đám đông có chuyện mất trật tự. Một bà mẹ dắt cô con gái nhỏ đang cố vượt qua đám lính hầu để vào nơi bàn tiệc có Đỗ Mục và Thôi Thứ sử.
- Có chuyện gì vậy? - Thôi Thứ sử cau mày hỏi.
- Bẩm đại quan - người lính hầu nói - Hai mẹ con bà này muốn vào để gặp Đỗ đại nhân cho thỏa lòng ngưỡng mộ, chúng tôi ngăn mãi không được.
- Nhưng tiểu nữ không ngờ - cô bé bỗng bật lên tiếng nói khi đưa mắt nhìn Đỗ Mục - một đại danh thi sĩ lại chỉ làm được một bài từ khúc tầm thường trong hội hoa đăng thế này mà tiểu nữ chốn thôn quê cũng có thể múa bút hơn được!
- Này, này cô bé kia! Có biết chỗ này là chỗ nào không mà dám ăn nói vô lễ vậy? - Thôi Thứ sử gằn giọng quắc mắt nhìn cô bé.
- Xin đại huynh đừng nóng giận - Đỗ Mục tươi cười nhìn cô gái, không hiểu sao chàng bỗng thấy có cảm tình trước sự phát biểu hồn nhiên bộc trực như vậy - Này cô bé, em chê thơ ta liệu em có làm được câu thơ nào tại đây không?
- Bẩm đại nhân, sao lại không được? Xin cho giấy bút tiểu nữ sẽ viết ngay!
- Được! Được! Có ngay. - Thôi Thứ sử giọng hãy còn bực - Nếu không làm được thì đừng có trách!
Giấy bút lập tức đem ra, cô bé cầm bút viết liền một mạch rồi đưa hai tay cho Đỗ Mục:
- Xin mời đại nhân xem qua.
Đỗ Mục cầm tờ giấy đọc to:
“Đèn lồng hoa nước biếc
Tố nữ điệu đàn ca
Vẽ đêm xuân diễm ảo
Xuân ý khắp muôn nhà”
- Hay, hay lắm! - Đỗ Mục cười lớn nhìn cô bé - Em chê thơ ta là đúng lắm - Rồi rót đầy chén rượu đưa Thôi Thứ sử: - Xin chúc mừng đại huynh, đất này đã sinh ra một tiểu nữ tài hoa như vậy!
Thôi Thứ sử đổi giận làm vui, cũng vội rót chén rượu đưa cho cô bé: - Ta chúc mừng em tuổi nhỏ mà đã làm rạng rỡ đất Hồ Châu.
Cô bé uống xong ly rượu mặt đỏ bừng trông càng thêm đẹp. Đỗ Mục bỗng thấy lòng mình xao xuyến, chàng nghĩ nếu được kết hôn với cô gái này thì chàng sẽ hạnh phúc biết dường nào, chàng hỏi ngay bà mẹ:
- Tiểu nữ danh gọi là chi?
- Thuấn Hoa, Lưu Thuấn Hoa - người mẹ đáp.
Đỗ Mục tháo ngay miếng ngọc bội đưa cho cô gái rồi nói với bà mẹ:
- Ta năm nay ba mươi tuổi chưa lập gia đình. Ta muốn mười năm sau lúc ấy Thuấn Hoa đã lớn, ta sẽ đón về làm đôi bạn. Ý bà cụ thế nào?
- Được đại nhân ngỏ lời thật là vinh hạnh cho Thuấn Hoa và gia đình. - bà mẹ cúi đầu - Làm sao có thể từ chối được.
Thuấn Hoa lúc ấy đã biết e thẹn, đôi má nàng ửng hồng trông càng thêm xinh.
Trở lại triều đình tiếp tục việc quan, nhiều lần Đỗ Mục xin chuyển về làm Thứ sử Hồ Châu, nhưng triều đình bận việc đối phó với rợ Hung Nô xâm chiếm ngoài biên ải nên chẳng để ý đến nguyện vọng của Đỗ Mục. Đến mười bốn năm sau Đỗ Mục mới trở lại đất Hồ Châu. Thôi Thứ sử đã đổi đi nơi khác từ lâu. Cảnh cũ người xưa biết bao kỷ niệm.
Sau khi ổn định chỗ ăn ở, Đỗ Mục mới cho người đi tìm Lưu Thuấn Hoa thì mới hay nàng đã lấy chồng. Bà mẹ vội đưa Thuấn Hoa và hai cháu ngoại nhỏ đến gặp Đỗ Mục. Thuấn Hoa chỉ biết khóc trong khi bà mẹ trần tình với nhà thơ họ Đỗ:
- Gia đình tôi và cháu Thuấn Hoa đâu dám phụ lời hẹn ước, chúng tôi đã chờ ngài đến mười một năm mà chẳng thấy tin tức thư từ gì. Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ ngài gặp trở ngại hoặc không còn nhớ lời hẹn ước, đã lập gia đình với ai khác rồi nên đã gả cháu lấy chồng, nay đã được hai con. - Bà mẹ cúi đầu: - Chắc ngài không nỡ trách vì đời con gái xuân thì quá ngắn, mà chờ ngài thì biết đến bao giờ… mong ngài lượng thứ cho.
- Chính ta mới là người có lỗi, mong bà và Thuấn Hoa lượng thứ. - Đỗ Mục ngậm ngùi nói.
Sau khi tặng gia đình Thuấn Hoa một ít vàng bạc, Đỗ Mục lui về phòng riêng với một tâm trạng nặng trĩu u buồn. Chàng ghi lại một bài thơ tự trách mình đã lỡ mất một người con gái tài hoa mà chàng đã có tình cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên đêm hoa đăng mười bốn năm về trước.
“Tự thị tầm xuân khứ hiệu trì
Bất tu trù trướng oán phương thì
Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc
Lục diệp thành âm tử mãn chi”
Có bản dịch:
“Lỡ bước tìm xuân ngán nỗi mình
Dễ gì chuộc lại những ngày xanh
Cuồng phong bứt hết bông tươi thắm
Lá đã um cây quả trĩu cành!”
Thêm bản dịch khác:
“Tìm xuân chậm bước quá ngày xuân
Chi luống ôm sầu tiếc mỹ nhân
Trận gió vô tình rơi cánh thắm
Lá xanh quả đã chín bao lần”
Hôm sau chàng lững thững một mình đi ra hồ thủy tạ sau dinh Thôi Thứ sử mà mười bốn năm trước chàng đã gặp Lưu Thuấn Hoa trong hội hoa đăng và bốn câu thơ ngũ ngôn của nàng đã làm cho chàng cảm thấy lòng xao xuyến trước một tài thơ đầy hứa hẹn.
Bỗng chàng chợt thấy có một tờ giấy ai treo ở cây liễu già đứng lẻ loi một mình cuối hồ, chàng vội bước đến xem, hóa ra là bài thơ của Lưu Thuấn Hoa:
“Chàng hẹn mười năm chàng trở lại
Hoa đào nở rụng đã bao năm
Gió đông thổi cánh đào tan tác
Lòng thiếp như hoa nở mấy lần”
Ôi còn có nỗi đau tiếc nhớ nào hơn tâm trạng của chàng thi sĩ họ Đỗ trước bài thơ, nét chữ tuy trải qua mưa gió nhưng gần như vẫn còn nguyên vẹn như tấm lòng người con gái năm xưa.
Có người nói rằng cũng may cho Thuấn Hoa vì nếu Đỗ Mục giữ được lời hẹn ước thì nàng đã phải chịu cảnh mẹ góa con côi trong khi tuổi đời nàng còn rất trẻ, bởi chín năm sau đó nhà thơ họ Đỗ đã sớm giã biệt cõi trần ở tuổi 49.
Nhưng cũng có người nghĩ rằng biết đâu Đỗ Mục giữ được lời hứa thì đôi uyên ương đầy tài hoa này sẽ làm Đỗ Mục sống lâu hơn và cả hai sẽ cùng cống hiến cho đời những vần thơ trác tuyệt. Người viết bài này ngả theo ý nghĩ thứ hai.