Song hỉ (囍)
Ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, ngày cưới người ta dán chữ “Song hỉ” ở khắp nơi: trên cửa, trên tường, trên xe hoa, trong phòng cưới thậm chí trong phòng ngủ của cô dâu chú rể. Hỉ có nghĩa là “vui mừng”. Song hỉ là do hai chữ hỉ ghép lại. Chữ song hỉ bắt nguồn từ câu chuyện dân gian dưới đây:
Tương truyền Vương An Thạch (tể tướng, nhà biến pháp nổi tiếng) thời Bắc Tống, một hôm trên đường tới kinh đô dự thi, nhìn thấy ở cổng nhà phú hộ họ Mã có treo một cái đèn kéo quân (tẩu mã đăng), trên đèn có nửa vế câu đối để thử tài kén rể. Nửa vế đối viết như sau: “Tẩu mã đăng, đăng mã tẩu, đăng tức mã đình bộ” (nghĩa là: Đèn kéo quân, quân kéo đèn, đèn tắt quân ngừng bước). Đến khi vào thi, chủ khảo ra câu đối: “Phi hổ kỳ, kỳ hổ phi, kỳ quyển hổ tàng thân” (nghĩa là: Cờ bay hổ, hổ bay cờ, cờ cuốn lại hổ giấu mình). Vương An Thạch dùng ngay nửa câu đối ở nhà phú hộ họ Mã để đối lại rất chỉnh, kết quả là không những được nêu bảng vàng mà còn lấy được con gái xinh đẹp của phú hộ họ Mã. Khi có được hai niềm vui cùng đến, Vương An Thạch trải giấy ra viết thành chữ “song hỉ” to tướng và làm bài thơ: “Xảo đối liên thành song hỉ ca/ Mã đăng phi hổ kết ti la/ Động phòng hoa chúc đề kim bảng/ Tiểu đăng khoa ngộ đại đăng khoa” (nghĩa là: Khéo đối nên thành ra song hỉ, hổ bay, đèn ngựa kết duyên tơ. Động phòng hoa chúc nêu bảng vàng, tiểu đăng khoa lại gặp đại đăng khoa). Chữ “song hỉ” thể hiện tâm lý hy vọng tin vui gấp bội cùng đến của mọi người, vì vậy rất được phổ biến.
Tục tặng nhẫn cưới
Nhẫn, ngoài các công dụng là vật phẩm trang sức ra, nó còn có nhiều ý nghĩa khác nữa. Xã hội viễn cổ coi nó là tượng trưng cho thần mặt trời bảo vệ hạnh phúc cho nhân loại. Thời cổ Hy Lạp coi nó là tượng trưng cho tự do, những người nô lệ rất thích đeo nhẫn. Thị dân của đế quốc La Mã coi nó là bùa hộ mệnh, còn vua chúa thì coi là “tín vật” để truyền mệnh lệnh. Thời trung thế kỷ, các đức giáo hoàng coi nó là tượng trưng cho quyền lực tối cao. Nhẫn đeo tay còn là vật để tặng, vật kỷ niệm, vật báu gia truyền. Người phương Tây coi nhẫn cưới là vật quý giá nhất cần giữ gìn. Trai gái khi làm lễ cưới thường đeo nhẫn cho nhau để tỏ sự chung tình, tục này có từ thời cổ La Mã.
Vì sao lại dùng nhẫn đeo tay mà không dùng vật khác để trao duyên? Vì người cổ xưa coi vòng tròn là linh thiêng, có ma lực. Do đấy các bộ lạc xưa khi làm lễ cưới hay dùng vòng hoa đeo lên cổ cô dâu chú rể, để chứng tỏ sự kết hợp chặt chẽ của vợ chồng cả về vật chất và linh hồn. Nhưng vòng hoa chóng tàn, mà chiếc nhẫn đeo tay thì có thể đeo suốt đời, lại có đặc tính là tròn nên rất được hoan nghênh. Do đấy nhẫn trở thành vật không thể thiếu được trong lễ đính hôn hoặc lễ cưới. Xưa kia nhẫn cưới làm bằng thép, vì thép là kim loại quý của thời cổ đại. Từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên mới bắt đầu dùng nhẫn vàng. Về sau, có khi dùng nhẫn bạc, nhẫn mạ vàng, nhẫn thủy tinh, nhẫn đá quý v.v… để tặng trong ngày cưới. Nhẫn cưới thường đeo ở ngón áp út bên tay trái. Người cổ La Mã tin rằng ở chỗ này có một tĩnh mạch thông thẳng tới trái tim. Nhẫn cưới đeo ở đó, tình yêu sẽ chung thủy, vĩnh hằng.
Làm lễ kết hôn ở nhà thờ
Người phương Tây thường làm lễ kết hôn ở nhà thờ. Nhân dân các nước Âu Mỹ đa số là theo Cơ Đốc giáo. Kết hôn là một trong 7 “thánh sự” mà Cơ Đốc giáo trực tiếp cai quản, do đấy hôn lễ phải được mục sư ở nhà thờ chủ trì thì mới chính thức nên vợ nên chồng. Quyển 1 trong “Tân ước thánh kinh” ghi rõ điều ấy. Ngày nay ở xã hội phương Tây có một số người lập dị bày ra tục cưới trên không, dưới nước, trên băng, trong sa mạc v.v… nhưng phần đông nhân dân vẫn thích tổ chức cưới tại nhà thờ.
Lễ cưới theo Cơ Đốc giáo ở mỗi nước có sự khác nhau, nhưng về đại thể là giống nhau. Ví dụ ở Anh chẳng hạn, tiến trình cưới như sau: Trước khi cưới hai bên nam nữ phải có thông báo ở nhà thờ, không có ai kiện cáo gì, thì chọn nhà thờ mà bố mẹ cô dâu thường đến lễ để tổ chức. Hôn lễ do mục sư nhà thờ chủ trì và có 2 người làm chứng trước thánh đàn chờ, cô dâu bước theo tiếng nhạc, vịn vào tay cha (hoặc anh, chú, bác) cùng phù dâu bước tới thánh đàn. Mục sư tuyên bố lý do, hỏi hai bên nam nữ có đồng ý chung sống với nhau không. Đoạn cô dâu chú rể nắm tay nhau cùng thề nguyền. Sau đó chú rể trao nhẫn cưới và đeo vào ngón tay cho cô dâu, rồi cả hai cùng ký vào sổ đăng ký kết hôn. Mục sư chúc mừng nam nữ, trong tiếng nhạc cưới, vợ chồng mới dắt tay nhau ra về.
Kiệu hoa
Ở Trung Quốc và một số nước Á Đông xưa kia thường dùng kiệu hoa để đón dâu. Kiệu hoa bắt nguồn từ kiệu dùng làm công cụ đi lại mà ra. Ngày xưa cái “kiệu” là xe không bánh, do người khiêng. Thời Xuân Thu Chiến Quốc (770 TCN đến 221 TCN) bắt đầu có kiệu, lúc đầu dùng để làm công cụ đi lại ở những nơi núi non xe cộ đi lại khó khăn (xe lúc bấy giờ dùng ngựa, trâu bò để kéo). Đến thời Tống, kiệu đã có mui che và màn che chung quanh. Lúc đầu giai cấp thống trị quy định nghiêm ngặt quan chức phẩm hàm cao mới được đi kiệu. Đến đời Minh, không những quan mà dân cũng có quyền đi kiệu.
Xưa người ta dùng xe do súc vật kéo để rước dâu. Khi có kiệu rồi thì người ta dùng kiệu để rước dâu cho sang hơn và nảy sinh nhiều tập tục kèm theo. Ví dụ khi cô dâu bước lên kiệu, phu kiệu đòi tiền mừng, không tiền không khiêng hoặc đi lắc lư không êm v.v… Kiệu hoa thường có 4 hoặc 8 người khiêng. Người ta trang trí kiệu hoa rất đẹp, chung quanh là vải lụa hồng xanh, có khi còn thêu hoa nữa.
Ở thời hiện đại người ta thay kiệu hoa bằng xe hoa. Nhưng ở một số nơi ở nông thôn và miền núi Trung Quốc, người ta vẫn dùng kiệu hoa để rước dâu.
Tháng trăng mật
Ở nhiều nơi trên thế giới, trai gái sau khi kết hôn thường có một chuyến du lịch gọi là “tháng trăng mật” (honeymoon). Tập tục này bắt nguồn từ phong tục của nước Đức cổ đại. Ngày xưa, dân tộc Nhật Nhĩ Man (Germany) có tập tục cướp hôn (cướp con gái về làm vợ). Khi đã “cướp” được vợ rồi, người chồng sợ vợ mình bị đối phương cướp lại liền nghĩ ra cách, trong thời kỳ mới kết hôn, đem vợ trốn đến một nơi khác khoảng thời gian 30 ngày. Từ ngày cưới đầu tiên, mỗi ngày 3 lần đều uống rượu pha mật ong hoặc nước đường để biểu thị cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, ngọt ngào. Uống suốt một tháng, nên gọi là “tháng trăng mật”.
“Tháng trăng mật” bây giờ có sự thay đổi. Sau khi kết hôn, không còn sợ phải trốn nữa, mà đi nghỉ ở khánh sạn gần nhà vài đêm; có khi họ đi nghỉ ở một nơi xa có nhiều cảnh đẹp hoặc du lịch ra nước ngoài nghỉ một tuần (tuần trăng mật). Và trong thời gian đó không nhất thiết phải uống rượu mật ong nữa.
Ở Mỹ, danh từ “tháng trăng mật” được vận dụng vào giới báo chí, tức là trong một tháng sau khi tổng thống mới nhậm chức, giới báo chí sẽ không có lời “chỉ trích”, “phê phán” nào nhằm giữ uy tín cho tổng thống.