HV129 - Nhiệm vụ xây dựng con người đối với văn học nghệ thuật trở nên cấp bách hơn bao giờ hết…*

Sáng 25-7-2018, tại Hà Nội đã long trọng diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và đón nhận Huân chương Sao Vàng. Tới dự buổi lễ có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam… Về phía Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam có nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), các Chủ tịch, Phó chủ tịch các Hội chuyên ngành, đại diện các hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật địa phương trong cả nước, cùng đông đảo các văn nghệ sĩ tham dự. Bài phát biểu của Tổng bí thư nêu lên sự đánh giá về thành tựu 70 năm của Liên hiệp, cùng đề ra phương hướng của văn nghệ. Bài phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh là một luận văn hòa quyện lịch sử và quan niệm, gây được ấn tượng.

Các nhà văn Giang Nam, Vũ Hạnh, NSND Trà Giang đã được mời lên cùng với các đồng chí lãnh đạo Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nhận Huân chương Sao Vàng. GS Mai Quốc Liên được mời phát biểu ở buổi lễ.

Lễ kỷ niệm là một kỷ niệm đáng nhớ với văn nghệ sĩ đến từ khắp vùng miền Tổ quốc.

Tạp chí Hồn Việt xin trích đăng diễn văn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và bài phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, tại lễ kỷ niệm.

HỒN VIỆT

 

Mục tiêu cao nhất của văn học nghệ thuật là nuôi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam của thời kỳ mới*

Tổng bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

…Để làm tốt sứ mệnh đó, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam bao gồm các hội chuyên ngành ở trung ương và các hội địa phương cần phát huy tối đa sức sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ và tính ưu việt, đặc trưng của các loại hình cụ thể như văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu, kiến trúc, văn nghệ dân gian, lý luận, phê bình văn nghệ để tạo nên tính đa dạng trong khám phá, sáng tạo cuộc sống và con người, đồng thời tìm phương thức phù hợp để hội tụ mọi sự sáng tạo đó vào mục tiêu cao nhất: nuôi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam của thời kỳ mới.

…Nhân đây, tôi có đôi điều muốn trao đổi, tâm tình thêm với anh em văn nghệ sĩ trẻ. Chúng ta đều đã biết, thời đại chúng ta, cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào, viết như thế nào? Nhiều người thường bảo văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng là niềm hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường dễ dãi ám ảnh mình. Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ các thế hệ đi trước để tiếp tục đi xa hơn, vững vàng hơn. Bài học đó phải chăng vẫn là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường. Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn, có tầm nhìn xa rộng, có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai.

 

Họp mặt các bạn của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và tạp chí Hồn Việt nhân 70 năm thành lập Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam

 

Con người là vốn quý nhất, nó phải được xây dựng bằng những chất liệu quý nhất, trong đó có văn học nghệ thuật*

Nhà thơ HỮU THỈNH

…Trong chiến tranh, trước cái sống và cái chết, cuộc sống có chiều hướng đơn giản hóa các mối quan hệ. Trong hòa bình, xã hội trở lại trạng thái bình thường, cuộc sống lại có chiều hướng đa dạng hóa các mối quan hệ. Và khi thị trường được chấp nhận thì lại xuất hiện thêm nhiều mối quan hệ mới với những mặt trái rất đáng lo ngại, khiến nhiều người đặt câu hỏi: vì sao đạo đức xã hội không phát triển tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế? Do đó nhiệm vụ xây dựng con người càng trở nên khó khăn, phức tạp và thực sự trở thành cuộc đấu tranh để làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chiến tranh dù gian khổ ác liệt đến đâu cũng đến hồi kết thúc vẻ vang. Nhưng trong hòa bình, cuộc đấu tranh để xây dựng con người, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội không bao giờ kết thúc, chừng nào con người còn muốn tốt đẹp lên, xã hội còn muồn tốt đẹp lên… Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí diễn ra rất quyết liệt và đạt kết quả rất quan trọng, được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Đó là bước đột phá trong cuộc đấu tranh thượng tôn pháp luật, xây dựng con người… Con người là vốn quý nhất, vậy nó phải được xây dựng bằng những chất liệu quý nhất, trong đó có văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật có nhiều lợi thế để góp phần giữ yên lòng người và sự an toàn xã hội. Nó biết cách vừa an ủi, nâng đỡ con người vừa thiết lập các tòa án lương tâm. Nhiệm vụ xây dựng con người hiện nay đối với văn học nghệ thuật mang thêm nhiều nội dung mới và trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Mỗi chúng ta bắt đầu một tác phẩm bằng cảm hứng sáng tạo... Làm thế nào để phơi bày, lên án, truy lùng đến tận cùng mọi cái xấu cái ác mà không làm cho công chúng nghệ thuật mất phương hướng? Làm thế nào để tái hiện những con người, những tấm gương cao đẹp, những triết lý nhìn thấy được làm cho hàng triệu người xúc động mà không sa vào giáo điều, sao chép giản đơn?... Trong văn học nghệ thuật có tác phẩm hay và đẹp là có tất cả… Để làm được điều đó, chúng ta cần nâng tầm lý tưởng, vốn sống, vốn văn hóa, lao động khổ công, từng ngày tự vượt lên chính bản thân mình. Khắc phục tình trạng thương mại hóa, phê phán những sản phẩm thấp kém làm lệch lạc thị hiếu công chúng, nhất là đối với lớp trẻ. Thận trọng và tỉnh táo hơn bao giờ hết trong tiếp thu các trào lưu nghệ thuật của nước ngoài. Đẩy lùi tình trạng nghiệp dư hóa trong tất cả các khâu hoạt động, đặc biệt là kết nạp hội viên và xét tặng các giải thưởng. Chúng ta kiên quyết không hạ chuẩn để đổi lấy phong trào, mà phải lấy các giá trị đích thực để định hướng phong trào…

 

--------------------

* Tít bài do Tòa soạn Hồn Việt đặt.