HV129 - Thời sự và suy ngẫm

Kinh tế của chúng ta đang tiếp tục đà tăng trưởng tốt đẹp. Các chỉ tiêu tăng trưởng, chỉ tiêu lạm phát, chỉ tiêu tăng giá… tiếp tục đạt được những con số có thể làm an lòng người, các định chế ngân hàng - tài chính quốc tế đều đánh giá cao tốc độ tăng trưởng đó. Chẳng hạn, họ xếp thứ hạng cao hơn cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Nhìn vào sự chuyển động của nền kinh tế đó, ta thấy chính phủ đang năng động, sáng tạo trên nhiều lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế. Chẳng hạn, vấn đề phát triển nông nghiệp, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, trong đó có gạo và trái cây đã đạt được những thành tựu. Những tấn gạo chất lượng cao của đồng bằng sông Cửu Long bán cho Hàn Quốc là một lệ chứng. Quả nhãn lồng Hưng Yên, nhãn lồng Sơn La trồng theo chỉ tiêu cao của chất lượng đã được tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn. Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước một mùa lũ sớm và đứng trước sự sụt lở nguy hiểm, nhưng Tiền Giang, Cần Thơ đang đứng trước những cơ hội trở thành những nơi đầy triển vọng về phát triển, nhất là phát triển du lịch. Cần Thơ sẽ trở thành một thành phố sông nước đáng sống của đồng bằng sông Cửu Long. Chống chọi với lũ lụt ở phía Tây Bắc làm hàng trăm người thiệt mạng, chống chọi với nhiều khó khăn cục bộ ở từng địa phương, cả nước đang hết sức cố gắng để đạt được một sự phát triển ổn định. Chống tham nhũng quyết liệt nhất, không vùng cấm, chấn chỉnh tinh gọn bộ máy… và nhiều việc khác là những thành tựu.

Bên cạnh những vui mừng về sự phát triển rõ rệt của kinh tế, chúng ta đang tiếp tục lo lắng về chất lượng của giáo dục, của sự ổn định xã hội. Các gian lận về thi cử xảy ra ở một số tỉnh là điều có thể đã xảy ra nhiều năm trước đây. Chất lượng giáo dục của chúng ta bị thế giới đánh giá thấp. Vấn đề chương trình và sách giáo khoa, Nhà nước đã chi một số tiền rất lớn nhưng vẫn chưa làm cho chúng ta an tâm, khi mà chương trình và sách giáo khoa về Văn học, Sử học đang gặp phải những vấn đề về quan điểm nghiêm trọng. Mong rằng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, vấn đề này sẽ phải dần dần đi vào đúng quỹ đạo. Không thể để xảy ra những toan tính xấu trong việc làm sách giáo khoa. Chế Lan Viên và cả Nguyễn Thi tại sao lại bị gạt ra? Ban đầu, người ta còn định gạt ra cả Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Anh Đức… Cần nhớ rằng, Chế Lan Viên như một Từ điển làm ở bên kia đại dương cho biết đã viết báo từ năm 12 tuổi và nhận được giải thưởng của hoàng gia (và ông bố phải dắt đi lĩnh), 15-16 tuổi đã làm thơ hay, 17 tuổi có Điêu tàn, tập thơ gây một sự kinh ngạc trên văn đàn thuở ấy. Các đỉnh cao như: Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường - Chim báo bão, Đối thoại mới, Di cảo… là những đỉnh cao của thi ca dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Chế Lan Viên còn là một nhà văn hóa lớn, thường đại diện cho văn hóa dân tộc phát biểu trên diễn đàn quốc tế làm người nghe yêu Việt Nam. J.P. Sartre ôm lấy Chế Lan Viên: “Sao anh không gọi tôi là đồng chí (camarade)?”. Ông lại có kiến thức uyên bác, đông tây kim cổ, ở cả những lĩnh vực ngoài văn học như kinh Thánh, kinh Phật, kinh Koran… Thật ít có một người như vậy! Thế mà, gạt Chế Lan Viên ra khỏi sách giáo khoa thì hành động đó mang một tín hiệu gì? Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm về việc giáo dục đạo làm người cho mấy chục triệu học trò. Đạo làm người đó, trước hết, phải là lòng yêu nước, yêu quê hương đất nước, yêu con người. Chế Lan Viên là một trong những đại biểu xuất sắc nhất của chủ nghĩa nhân văn cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Chế Lan Viên mất rồi, nhưng những việc ám muội như vậy nói lên rằng cuộc đấu tranh tư tưởng là khốc liệt. Để bảo vệ sự thái bình cho đất nước, chúng ta cần luôn luôn nhớ lời của G. Fucik: “Hỡi những con người mà chúng ta hằng yêu thương, hãy cảnh giác”.

Những vụ tham nhũng bị phát hiện và xử lý vừa qua, kể cả những vụ ở trong những bộ “mạnh” như Công an và Quốc phòng cho chúng ta thấy rằng quyền lực nếu không được kiểm soát tốt sẽ bị tha hóa. Điều đó, một nhà tư tưởng như Montesquieu đã nói từ lâu. Chúng ta đang hội nhập với nhân loại, chúng ta phải rút tỉa những kinh nghiệm của quá khứ, của hiện tại. Không cần phải lý luận nhiều, thực tiễn là thước đo của chân lý. Thực tiễn đó cho chúng ta những kết luận rõ ràng. Chúng ta đã đổi mới, đã tư duy lại chủ nghĩa xã hội, đã khắc phục rất nhiều những sai lầm xưa cũ. Chúng ta đã đổi mới tốt nền kinh tế bằng những điều mà trước đây tưởng như không bao giờ có. Nhưng về chính trị thì chúng ta chưa làm được nhiều. Điều đó có những lý do của nó. Chúng ta phải thận trọng, phải suy nghĩ biện chứng như Tổng bí thư đã nói. Nhưng dầu sao, chúng ta phải kiên quyết khắc phục cho được những mặt yếu kém của thể chế chính trị, những mặt đã thử thách trong thực tiễn và đã thấy rõ yếu kém. Nếu thể chế của chúng ta, bộ máy của chúng ta, con người của chúng ta không những không đáp ứng được yêu cầu của lịch sử, của thực tế mà còn tham nhũng, tha hóa, “chỉ vụ ích kỷ phì gia, thiên hạ lớn lao chẳng hề đoái tiếc” (Nguyễn Trãi), thì làm sao chúng ta có thể xây dựng và bảo vệ chế độ, đất nước. Đó là một câu hỏi rất lớn mà tìm lời giải đáp cho nó là không dễ dàng. Hiện nay ai ai cũng đều suy nghĩ về vấn đề này. Vậy thì cái câu hỏi về vấn đề kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng tận gốc như nhiều dân tộc, đất nước đã làm được, chúng ta đang làm và phải giải đáp thuyết phục. Bước đầu, chúng tôi thiển nghĩ rằng chúng ta không đi con đường Tam quyền phân lập thì chúng ta phải, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng, phải có một Quốc hội mạnh, một Mặt trận và các đoàn thể mạnh, một nền báo chí truyền thông mạnh. Quốc hội hiện có đến 2 ủy viên Bộ Chính trị và hàng chục ủy viên Trung ương, là một cơ quan rất mạnh, nên có được quyền độc lập nhiều hơn, quyền được ra quyết sách và chịu trách nhiệm về quyết sách đó, và nên thay đổi cấu trúc đại biểu Quốc hội (giảm tối đa các đại biểu hành pháp, cho nhân dân, đoàn thể giới thiệu nhiều lúc các ứng viên).

Tất cả các tổ chức nói trên đều phải có bản lĩnh chính trị, trách nhiệm, hành động vì lợi ích tối cao của Tổ quốc. Không ai sợ mất ghế, thành kiến vì nói lên những quan điểm xây dựng của mình. Làm sao có một nền dân chủ từ trong Đảng ra ngoài nhân dân như Bác Hồ mong muốn, làm sao cho câu “Lập quyền dân, tiến lên Việt Nam” không phải chỉ tồn tại trong lời hát. Chúng tôi tin tưởng rằng nếu điều đó được thực hiện thì mỗi người dân, mỗi đảng viên, kể cả những đảng viên lão thành cách mạng, trí thức tiêu biểu, tinh hoa đều sẽ vui mừng hồ hởi, đem hết tâm huyết của mình đóng góp cho chế độ. Nói như nhà văn Nguyễn Tuân: “Bao giờ có dân chủ thật thì sướng nhỉ!”.

Về tình hình quốc tế, chúng ta chăm chú theo dõi những động thái từ Tổng thống Mỹ D. Trump. Ông ta đang hoạt động hết sức năng nổ, tự tin và cũng không ít khi ngoắt ngoéo. Ông ta đánh thuế cao vào hàng hóa Trung Quốc khiến nước này trả đũa. Ông ta ép được các nước EU tăng chi phí quốc phòng. Ông ta rút ra khỏi hiệp ước về vũ khí hạt nhân với Iran, cấm vận Iran. Và cấm vận Nga ngay sau khi gặp Putin ở Helsinki. Như thế là Trump đã thể hiện lợi thế nước lớn, kinh tế lớn, quân sự lớn, trở lại rõ rệt thời nước Mỹ là “sen đầm quốc tế”. Ở vị thế Việt Nam, chúng ta quan tâm đến quan hệ Mỹ và Trung Quốc. Căng thẳng trong chiến tranh thương mại giữa hai nước này có ảnh hưởng đến toàn thế giới, cũng có ảnh hưởng đến Việt Nam ta. Nhưng trước hết, thái độ của Trump đối với Trung Quốc, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, với tham vọng của Trung Quốc định tiến lên làm nước lớn số 1, thì Trump dường như đã tỏ rõ ý định của mình. Trump đã ngăn Trung Quốc làm điều đó, dù bị Trung Quốc đáp trả, dù cả hai bên đều thua thiệt. Trump tỏ vẻ rất kiên quyết. Chúng ta sẽ chờ xem tác động của những sự kiện này đến nền kinh tế của Trung Quốc, trước hết đến tỷ giá chứng khoán, tỷ giá giữa đồng đô la và đồng nhân dân tệ. Trung Quốc đang suy giảm tốc độ phát triển, suy giảm đầu tư kinh tế. Trung Quốc và Mỹ sắp đàm phán thương mại trở lại. Các nhà phân tích nhận xét Mỹ hành động còn yếu ớt trong vấn đề biến Đông

Mặt khác, chính sách “nước Mỹ trên hết” của Trump đã thu được những kết quả khả quan trong nội bộ kinh tế Mỹ. Kinh tế Mỹ tăng trưởng hơn 4%, thất nghiệp giảm ở mức thấp nhất, những điều chưa từng xảy ra trước đây. Điều đó rõ ràng là lợi thế của Trump trong dư luận Mỹ khi mà những mùa tranh cử nghị viện đang đến gần.

Tình hình quốc tế đang diễn biến hết sức phức tạp và mỗi ngày chúng ta chứng kiến những cuộc đối đầu căng thẳng, đầy kịch tính. Nhưng những cái thật sự đem lại những niềm hy vọng cho nhân loại thì chưa thấy ló dạng.

Trong hai số Hồn Việt trước, chúng tôi đã phát biểu về một vài nhận thức, một vài ghi chép về chủ nghĩa nhân đạo, về vấn đề con người trong triết học Marx. Chúng tôi muốn khẳng định rằng chủ nghĩa Marx là chủ nghĩa nhân đạo, và nếu chúng ta đi theo hướng đó thì chủ nghĩa xã hội của chúng ta chính là một chủ nghĩa xã hội mang mặt người, mang chủ nghĩa nhân văn cao cả đến mức lý tưởng. Tất nhiên, thực hiện được việc đó là một quá trình lịch sử dài lâu và phải đi đúng đường. Một số nước nhỏ ở Bắc Âu là một mô hình chủ nghĩa nhân đạo thành công và cho ta kinh nghiệm chăng? Một số bạn bè có chỉ giáo cho chúng tôi vài vấn đề, chúng tôi chân thành cảm tạ và suy nghĩ. Vấn đề chủ nghĩa Marx là một vấn đề triết học vô cùng rộng lớn, đòi hỏi một sự nghiên cứu chuyên sâu và phải có quan điểm lịch sử. Bởi chủ nghĩa Marx không phải là giáo điều, mà là kim chỉ nam cho hành động như các vị ấy đã nói, và bao giờ cũng phải xuất phát từ thực tiễn. Qua bao thăng trầm của lịch sử, chúng ta đã lớn lên và trưởng thành trong nhiều vấn đề lý luận nhận thức, nên chúng ta có thái độ biện chứng, khoa học, thực tiễn trước nhiều vấn đề.

Ngày 16-8-2018

HỒN VIỆT