HV130 - Hà Nội, nỗi nhớ không mùa

Có lẽ trong con tim mỗi người dân đất Việt cho dù họ sống ở chân trời góc bể nào thì hẳn nhiên ai nấy đều có một Hà Nội của riêng mình và với riêng tôi cũng vậy. Dù không có cái may mắn là được sinh ra và lớn lên ở chốn kinh kỳ, nơi tụ hội của nhân tài bốn phương, cũng chưa từng có khi nào tôi sống ở nơi đây trọn năm, thời gian neo lại lâu nhất thường cũng chỉ chừng vài tháng, vậy mà ấn tượng về Hà Nội trong tôi vẫn luôn ắp đầy tâm khảm. Không biết tự bao giờ, những câu thơ tài hoa của Bằng Việt cứ thấm đậm vào hồn tôi và tôi cứ khe khẽ ngân lên chỉ vừa đủ cho mình nghe mỗi khi nỗi nhớ Hà Nội dâng trào. “Tôi trở lại những bờ đường mùa xuân/ Cây già trắng lá/ Ôi thành phố tôi yêu kỳ lạ” (Trở lại trái tim mình).

Sau chiến tranh, vào tháng 10-1975 từ một đơn vị bộ binh thuộc Sư đoàn 341B (Sông Lam B), thay vì theo trung đoàn hành quân vào Quảng Bình tham gia khôi phục tuyến đường sắt Minh Cầm - Tiên An, tôi ở trong số được điều chuyển về Quân chủng Phòng không - Không quân. Chuyến tàu hỏa khởi hành từ ga Vinh chậm rãi đưa chúng tôi đến ga Hàng Cỏ vào lúc rạng sáng. Lần đầu tiên sau giấc ngủ “nhát gừng” được thấy diện mạo phố phường Hà Nội sau chiến tranh vào một buổi sớm tinh sương, cánh lính trẻ chúng tôi đã không sao kìm nén được lòng mình. Tất cả cùng ồ lên lao xao, trầm trồ hết lượt. Giống như chim chích lạc rừng, những gã trai lộc ngộc tuổi mười tám đôi mươi mỏi cổ ngó nghiêng, ngắm phố phường qua ô cửa con tàu và khoảng trống trên sân ga. Thoảng một cơn gió lạnh hun hút chạy dài, nhưng chẳng ai chịu ngồi yên một chỗ. Tuổi trẻ mà! Trong số chúng tôi, không ít người lòng vẫn thầm ngong ngóng dù biết là hết sức vu vơ rằng biết đâu mình sẽ gặp được người quen, hoặc bạn bè cùng khóa đã vào đại học. Và xuýt xoa khi bắt gặp bóng hình những cô gái Hà thành xinh đẹp, duyên dáng với giọng nói có âm sắc trong veo. Tha hồ mà bình phẩm và tán hươu tán vượn, tha hồ mà ao ước… Chưa có dịp để nện gót trên đường phố, sau hơn một giờ chờ đợi, chúng tôi được chuyển sang một chuyến tàu khác, ngược về mạn Bắc Ninh, Bắc Giang. Tới ga Sen Hồ, cả đoàn đổ quân xuống và chuyển sang ô tô tải về phố Thắng, Hiệp Hòa.

Ngay trong năm hòa bình đầu tiên, hằng quý tôi lại xuôi về Hà Nội một lần để nộp báo cáo. Ngày ấy, Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân đóng trên đường Tàu Bay (nay là đường Trường Chinh), con đường cũ kỹ đầy bụi bặm và rợp bóng xà cừ. Ngoại trừ thi thoảng mới được bám theo xe của đơn vị, còn thì tôi cứ phải rồng rắn xếp hàng mua vé xe ca đi hai chặng mới về tới bến Nứa. Từ đây cuốc bộ ra ga tàu điện, ngược về trạm khách tồi tàn ngay lối vào kho gạo Ngã Tư Sở, cạnh cái hồ nước mọc đầy cây đại bi. Sau này, một đôi lần hăng hái, tôi mượn xe đạp guồng từ phố Thắng, vượt bến đò Lo sang chợ Chờ, băng qua Từ Sơn xuôi về Hà Nội. Bao giờ cũng vậy, sau khi hoàn tất công việc tôi thường tản bộ ra trước gò Đống Đa đón tàu điện xuôi Bờ Hồ. Mỗi chuyến tàu chỉ có hai hoặc ba toa màu sơn vàng có viền đỏ cũ kỹ, chạy cà rịch cà tàng, nhưng tiếng chuông leng keng… leng keng… nghe thật vui tai. Ngồi tàu điện có cái thú là tha hồ quan sát cảnh vật và con người, từ phố Tây Sơn đến Hàng Bột, rồi Hàng Bông… Điểm đến đầu tiên của tôi bao giờ cũng là Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, vốn trước kia là nhà hàng Godard của dân Tây, dạo một vòng hết tầng dưới lên tầng trên, thỏa sức ngắm nhìn nhưng không bao giờ mua nổi một thứ gì bởi dòng chữ rất đẹp luôn nằm chình ình trong tủ kính: “Hàng mẫu, không bán”. Vậy mà vẫn cứ sướng vì mãn nhãn.

Rời cửa hàng bách hóa, đi dọc vỉa hè, thể nào đôi chân cũng lái vô quầy kem Tràng Tiền thưởng thức một hai que kem để bù cho mồ hôi cái, mồ hôi con đang rỉ rả nơi lưng áo. Thực khách xếp hàng mua những que kem đang ngùn ngụt hơi bốc lên như khói trên tay, không có chỗ ngồi, thì cứ việc đứng lẻm ngay tại chỗ. Hít hà, mà ngon lạ thường. Quanh quầy kem, dưới sàn nhà la liệt những que tre, nước kem chảy đọng thành vũng. Mặc, khách bộ hành vẫn cứ chen nhau vào ra, mắt ngời sáng vì được thưởng thức món quà vặt tự do. Chút ngọt lành cỏn con ấy, thật khó ai cầm lòng cho đặng! Từ đây, dấn thêm một quãng ngắn, đã nhìn thấy cái cửa hàng sách Quốc văn khá đồ sộ. Và xa hơn, ở cuối đường là Nhà hát Lớn, thánh đường của nghệ thuật… Thời bấy giờ, có lẽ sách là món hàng duy nhất được bày bán tự do mà không cần phải thông qua một kênh phân phối nào cả. Cho nên bạn tha hồ mà lựa chọn, mà khuân, miễn là trong túi còn tiền.

Những khi nhớ bạn bè, tôi thường nhảy tàu điện xuôi Hà Đông, đến ga Thanh Xuân thì xuống. Rẽ phải vào khoa Văn Trường đại học Tổng hợp thăm Phan Quốc Linh, Nguyễn Hữu Thuận (Thuận Hữu - nay là Tổng biên tập báo Nhân dân); dấn thêm một đoạn rẽ trái ngay cạnh đường tấp vào chỗ Trần Đình Triển đang theo học Đại học An ninh (nay là tiến sĩ Luật, Văn phòng luật sư Vì Dân). Thời ấy, nghèo tiền bạc nhưng giàu tấm lòng bè bạn. Hễ gặp nhau là vui quấn quýt, nằm gác chân lên nhau trò chuyện thâu đêm, sáng ra chia nhau một ổ bánh mì suông rồi mỗi người một ngả. Vậy mà cứ thương nhau, nhớ nhau hoài…

Đến Hà Nội mà không dạo quanh khu phố cổ thì coi như chưa đến. Qua chợ Đồng Xuân, chợt nhớ về câu ca dao cũ “Rủ nhau chơi khắp Long Thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai/ Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai/ Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay”… mới nhẩm lên đã thấy đắm mình trong không khí cổ xưa, rất gợi. Những câu thơ ám ảnh của Chế Lan Viên đã khiến đôi chân tôi tìm về con ngõ nhỏ nằm giữa phố Hàng Bông và Yên Thái, “Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương/ Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm/ Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm/ Thương một đời đâu phải tạm thương”.

Một lần đi dạo quanh Bờ Hồ, qua cầu Thê Húc, vào thăm đền Ngọc Sơn và ngắm cụ rùa trong tủ kính, từ nhà hàng Thủy Tạ đi lòng vòng tình cờ tôi nhìn thấy hiệu ảnh Quốc Tế nằm trên phố Hàng Khay. Sự tò mò khiến tôi đánh bạo vào cửa hiệu thử một pô làm kỷ niệm. Nhờ vậy mà cho đến tận bây giờ, tôi vẫn giữ được tấm ảnh mặc quân phục in trên giấy lụa thật đẹp.

Mùa thu năm 1980, khi vào học ở Trường sĩ quan Không quân, buổi đầu nện bước trên đường phố Nha Trang, nhiều lúc tôi không khỏi giật mình ngoái lại. Nghe âm thanh sồng sộc của chiếc máy ép nước mía quay tay, tôi cứ ngỡ như tàu điện đang trờ tới ngay sau lưng mình. Lòng da diết nhớ về Hà Nội của một thời bao cấp khốn khó. Nhớ mẹ Long, người mẹ ở ga Hà Nội đã tất tả ngược xuôi lo chạy mua vé tàu cho tôi những ngày áp Tết năm nào… Sau này, mỗi khi trở lại Hà Nội công tác, thấy đường tàu điện bị bóc dỡ, rất nhiều ao hồ mất dạng, tôi không khỏi bị hẫng hụt. Lòng cộm lên chút nuối tiếc. Nhưng rồi lại tự nhủ mình, một khi thành phố được xây dựng lại và mở mang thì tất yếu phải dỡ bỏ những gì không còn hợp thời nữa. Thủ đô ngàn năm văn hiến tất nhiên phải xứng với cái tên Thăng Long, rồng lên, mà hàng triệu con tim mong đợi và kỳ vọng. Tôi hiểu, “tấm lòng Hà Nội thiêng liêng/ Vẫn vẹn nguyên sau rất nhiều từng trải”.

Bây giờ, cứ mỗi năm tôi lại có dịp qua lại Hà Nội đôi lần, mỗi bận cũng chỉ đáo qua chừng dăm bảy ngày rồi lại đi, như là một cách nạp thêm năng lượng tinh thần cho dặm dài phía trước. Chốn hồn thiêng sông núi tụ về luôn sưởi ấm lòng những đứa con xa. Được thưởng thức hàng quà rong Hà Nội, từ món cốm Vòng gói ủ lá sen, đến phở Bát Đàn, bánh cuốn Thanh Trì với nước mắm cà cuống, hay đơn giản chỉ là lát cơm nắm muối vừng… chao ôi nhớ! Máu chảy về tim. Với tôi, chỉ riêng một việc luôn nghĩ và nhớ về đất và người Hà Nội cũng đủ hạnh phúc lắm rồi. Tình yêu ấy đủ lớn giúp tôi viết về những người con của Hà Nội hào hoa đánh Mỹ xuyên suốt trong 50 tập kịch bản phim truyện Cao hơn bầu trời do Hãng phim Giải Phóng sản xuất. Vâng, tôi muốn cám ơn nhà thơ Bằng Việt đã nói hộ lòng mình, “Dù nhiều điều tôi nhớ, tôi quên/ Nhưng Hà Nội trong tôi là vĩnh viễn”.

NGUYỄN MINH NGỌC