Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ta đã giáng một đòn chí mạng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh ngồi vào bàn đàm phán, Tổng thống Mỹ L.B. Johnson ngày 30-3-1968 tuyên bố không ra tái tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới và ngưng ném bom toàn miền Bắc, chỉ còn từ vĩ tuyến 20 trở lại đến vĩ tuyến 17.
Đúng vào sáng ngày hôm sau, 31-3-1968, tôi cùng anh Bùi Hồng, Bí thư Đảng ủy công ty VTS 202, có mặt ở thành phố Nam Định. Chúng tôi đi tìm quán uống cà phê nhưng cả thành phố vắng ngắt không một bóng người. Những quán cà phê ở các đường phố trung tâm thành phố hầu như đều đóng cửa, có lẽ những người đi sơ tán lúc không quân Mỹ đánh phá nay chưa kịp trở về.
Chúng tôi gần như hết hy vọng có một quán cà phê nào mở cửa thì bỗng thấy có một tiệm cửa mở hé với tấm bảng bên ngoài: “Ở đây nhận rang xay cà phê”. Chúng tôi mừng quá vội ghé vào hỏi:
- Ở đây có bán cà phê uống buổi sáng không?
- Không có, hai anh ạ! Chúng tôi chỉ nhận rang xay cà phê thôi - một người trạc tuổi ngoài bốn mươi nhìn chúng tôi vui vẻ trả lời.
Tôi chợt nhìn thấy bức tường phòng khách trong nhà có tờ giấy hồng điều trải dài từ trên trần xuống đến gần mặt đất với nét bút lông chấm mực tàu viết một bài thơ dài nhan đề Mưa xuân. Nét chữ ngang dọc phóng khoáng đúng là của Nguyễn Bính chứ không lẫn với ai. Bài thơ như sau:
Mưa xuân
Chiều ấm mùi hương thoảng gió đưa
Tà tà mưa bụi rắc thưa thưa
Cây cam cây quýt cành giao nối
Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa
Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân?
Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần
Bươm bướm cứ bay không ướt cánh
Người đi trẩy hội tóc phơi trần
Đường mát da chân lúa mát mình
Đôi bờ cỏ dại nở hoa xanh
Gò cao đứng sững trâu kềnh bụng
Nghếch mõm nghe vang trống hội đình
Núi lên gợn nét đá tươi màu
Xe lửa về Nam chạy chạy mau
Một toán cò bay là mặt ruộng
Thành hàng chữ nhất trắng phau phau
Bãi lạnh bờ dâu sẫm lá tơ
Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ
Chiều xuân lưu luyến không đành hết
Lơ lửng mù sương phảng phất mưa
(Hà Nội 1958)
- Sao ông lại có bài thơ này lại chính do Nguyễn Bính viết? - tôi nhìn chủ nhà hỏi.
- Tôi là Tuấn, là em vợ của anh Bính - chủ nhà mỉm cười nói tiếp - Chị tôi ngày xưa rất yêu thơ Nguyễn Bính mà không có dịp gặp. Rồi chị đi lấy chồng nhưng vẫn luôn nhắc thơ Nguyễn Bính. Đến sau khi tập kết anh Bính mới có dịp về công tác Nam Hà, và lúc ấy hai người mới gặp nhau bởi chị tôi lúc ấy cũng sống đơn thân. Anh chị có một cháu trai, anh có quen biết anh Bính không?
- Có, - tôi gật đầu - anh Bính lớn hơn tôi một con giáp, ảnh là Mậu Ngọ (1918), còn tôi là Canh Ngọ (1930). Lần đầu tôi nhìn thấy anh Bính là trong kháng chiến chống Pháp, lúc ấy tôi ở Phòng Nghiên cứu địch tình Ban Quân báo Khu 8, còn anh Bính ở Phòng Chính trị Tuyên truyền của Bộ Tư lệnh Khu 8, do nhà thơ Bảo Định Giang làm trưởng phòng. Ở phòng này còn có nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi như Diệp Minh Châu, Hoàng Tuyển, Đoàn Giỏi, Ba Du, Tám Danh, Nguyễn Văn Xe…
Trong đêm liên hoan mừng tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô (tháng 1-1950) của Bộ Tư lệnh Khu 8 tổ chức ở xã Thiên Hộ, Đồng Tháp Mười có diễn hai vở kịch, một vở kịch ngắn Lòng dân của Nguyễn Văn Xe, và vở kịch thơ Chiếc áo đêm trăng của Nguyễn Bính. Vai nữ trong vở này là chị Tuyết Trinh - vợ nhà quay phim Khương Mễ, còn vai nam là chính nhà thơ Nguyễn Bính, bởi lời kịch là thơ quá nhiều không ai nhớ nổi, trừ tác giả. Lúc ấy tôi mới nhìn thấy Nguyễn Bính chớ chưa có dịp quen biết, sau này khi tập kết ra miền Bắc, qua giới thiệu của Hoàng Phố là người bạn “Hành phương Nam” cùng Hoàng Tấn, Nguyễn Bính vào Sài Gòn trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, lúc ấy anh Phố là chủ nhiệm CLB Trung đoàn 4 (E664) còn tôi là chủ nhiệm CLB Trung đoàn 3 (E660) cũng thuộc Sư đoàn 338, tôi mới có dịp quen với Nguyễn Bính, thần tượng về thơ của tôi.
- Bài thơ Mưa xuân của anh Bính đích thân viết tặng tôi mấy năm trước khi mất - anh Tuấn nói - Anh ấy tả thật rất đúng ngày anh ấy mất, ngày 29 Tết (năm ấy không có ngày 30). Hôm đó trời u ám, mưa rả rích “Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa” rồi “Chiều xuân lưu luyến không đành hết/ Lơ lửng mù sương phảng phất mưa”. Chiếc xe tang chở quan tài Nguyễn Bính chạy trong chiều mưa như anh đã tả trong câu kết bài thơ. Trên xe, ngồi cạnh quan tài chỉ có bốn người: ông bác sĩ, hai cô y tá và tôi. Trên đường chạy ra nghĩa trang Nam Định, có chiếc xe con chở nhà thơ Trúc Đường (anh của Nguyễn Bính) ở Hà Nội nghe tin em mất vội thuê xe chạy xuống Nam Định, xe chạy ngang qua xe chở anh Bính ra nghĩa trang mà anh Trúc Đường đâu có biết. Ra đến nghĩa trang Nam Định, chúng tôi thấy bốn công nhân làm việc chôn cất đang vác đồ nghề chuẩn bị về quê đón giao thừa. Họ bảo thôi để ông ấy nằm tạm ngoài, chờ đến mồng 3 Tết họ ra chôn cũng được, trời lạnh để mấy ngày cũng không sao. Chúng tôi hết sức năn nỉ họ cố gắng giúp giùm, chớ ai đâu nỡ đành lòng để anh ấy ngoài sương gió mấy ngày xuân và tôi đưa cho họ ít tiền bồi dưỡng gọi là chút quà mừng xuân để họ vui lòng làm cho. Cũng may khi hạ huyệt thì xe chở anh Trúc Đường, sau khi ghé bệnh viện biết đã đưa anh Bính ra nghĩa trang nên vội vàng chạy ra kịp; anh Đường vừa khóc vừa ném mấy nắm đất cuối cùng xuống quan tài vĩnh biệt người em tài hoa mà mệnh yểu của mình. Năm Bính mất anh mới tròn 48 tuổi (1918-1966).
Chúng tôi xúc động ngồi nghe anh Tuấn kể mà thêm chạnh lòng thương người thi sĩ “chân quê” một đời phiêu bạt khắp mọi miền đất nước để lại cho đời nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ đẹp như “Sớm Đào, trưa Lý, đêm Hồng Phấn/ Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Đỗ Quyên” và như “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào” v.v... và ra đi trong cô đơn giữa mùa xuân giáp Tết mà ông như đã nhìn thấy trước qua hai câu thơ cuối: “Chiều xuân lưu luyến không đành hết/ Lơ lửng mù sương phảng phất mưa”.
Tháng 9-2018