HV130 - Đạo diễn LEON QUANG LÊ: Nghệ thuật cải lương, hát bội, chèo đã thấm trong máu của tôi…

Rời khỏi Việt Nam từ năm 13 tuổi, cậu bé Lê Nhật Quang mang theo trong hành trang của mình một thùng băng cát xét cải lương. Đó là những vở tuồng mà cậu mê mẩn và gần như thuộc lòng: Nàng Xê Đa, Chuyện cổ Bát Tràng, Tô Hiến Thành xử án, Tiếng trống Mê Linh, Kiều Nguyệt Nga, Tình yêu và lời đáp… với giấc mơ một ngày nào đó cậu sẽ trở về quê hương để được sống cùng nghệ thuật cải lương bằng niềm đam mê mãnh liệt…

* PV: Tôi có thể gọi Leon Lê bằng cái tên Việt Nam không ? Nhật Quang, cái tên tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng của cha mẹ đối với con trai mình…

- LEON QUANG LÊ: Được chứ chị, ở đây các chú các cô hàng xóm không gọi tên Leon mà vẫn gọi tôi là Quang… Và vẫn xem tôi như con cháu, có món ngon đều mang cho…

* Cả tuổi thơ của Quang gắn liền với rạp cải lương Minh Châu, nhưng vì sao ở cái tuổi ấy cải lương lại in sâu nặng trong lòng Quang đến vậy? Thực sự, lúc ấy, cậu bé Quang có hiểu hết nét đẹp của cải lương chưa?

- Thời ấy, cuối thập niên 80, tôi chỉ là chú bé chưa đủ tuổi 13, nên chưa được vào rạp, mỗi đêm, tôi tới rạp, chỉ được đứng ngoài nhìn vào bên trong, nghe tiếng hát của các nghệ sĩ vọng ra mà mê mẩn. May mắn là khi tôi vào học trường Lê Quý Đôn, học chung lớp với bạn Nam, con trai chú Minh Vương, nên được Nam dẫn vào xem, được vào hậu trường gặp chú Minh Vương, rồi gặp cô Ngọc Hương ở đoàn Hương Mùa Thu. Mẹ tôi mở quán cà phê, chú Minh Cảnh thường đến uống nên cũng dẫn tôi vào rạp mấy lần. Sau đó, gia đình tôi xuất cảnh theo diện HO, mẹ tôi rất mừng, vì sợ tôi ở lại vài năm nữa chắc tôi đi theo đoàn cải lương mất. Tuy còn bé nhưng tôi xem và hiểu hết, cảm thụ được hết và cũng hát theo được.