Những con số biết nói
Hằng năm, lượng in ấn SGK và sách tham khảo (STK) chiếm khoảng 85% lượng in ấn của quốc gia, 200 triệu bản cho khoảng 2.500 đầu sách. Ở bậc học phổ thông, học sinh lớp 1 có tới 80 cuốn sách, còn từ lớp 2 đến lớp 12 có từ 100 đến 500 cuốn sách. Nếu chồng các cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo của mỗi lớp, ta thấy chiều cao của chồng sách có thể cao hơn chiều cao của học sinh. Tuy nhiên, ở bậc phổ thông học sinh bội thực sách, còn ở bậc đại học trong hơn ba mươi năm đổi mới thì thầy và trò đói sách triền miên. Tỷ lệ số lượng sách đại học xuất bản trên số lượng sách phổ thông chưa đến 1%, lượng in hiện nay chỉ in vài trăm cuốn, giá đến hàng trăm nghìn đồng/cuốn. Vụ sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM mang theo bản photocopy giáo trình để học, bị kỷ luật đình chỉ học 1 năm, từng gây bão dư luận.
Nếu so với các nước, ta thiếu hẳn các loại sách phổ biến những thành tựu khoa học công nghệ bằng ngôn ngữ thông thường, nêu bản chất cơ bản nhất so sánh với cái cụ thể dễ thấy, dễ hiểu. Ví dụ, cuốn Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ của Stephen Hawking do NXB Trẻ ấn hành, in một hai nghìn cuốn, giá bìa 98.000đ/cuốn, quá cao so với lương trung bình của cán bộ, nhưng nếu xuất bản hàng vạn cuốn như các nước, giá sẽ rẻ khoảng 10.000đ/cuốn, thì ai cũng mua được, đặc biệt là học sinh và sinh viên!
Chưa kể tiền đầu tư làm SGK chuẩn - tiền nhà nước và tiền vay nước ngoài - khoảng 3 tỉ USD(1), số tiền mà người dân bỏ ra mua sách cho con học, theo tính toán của tôi, cuối thế kỷ trước phải bỏ ra khoảng 100 triệu USD, xấp xỉ tiền thu thuế nông nghiệp hằng năm. Xin tính riêng tiền lãi sách một môn Ngữ văn lớp 1 năm đầu thay sách (2002), hai tập 19.600đ, có 1,7 triệu em vào lớp 1, NXB Giáo dục thu về hơn 33 tỉ đồng, trừ mọi chi phí, số tiền lãi thu được là 30 tỉ đồng tương đương hơn 2 triệu USD vào thời gian đó. Nguyên Giám đốc NXB Giáo dục có lần đã nói với tôi: “Sách rất rẻ, như mớ rau”. Tiền lãi này về đâu chắc ai cũng hiểu, nhưng ngay cả là “mớ rau”, thì ngay lần xuất bản đầu tiên họ cũng đã rút ruột từ phụ huynh tới 2 triệu USD/môn.
Việc in nhiều sách, GS Nguyễn Lân - Chủ tịch Hội Khuyến học đã cảnh báo “…ta đang cho các em học một cách nhồi sọ…, chuyện bắt học sinh mua nhiều sách… đó chẳng qua là cách làm tiền”. Vì lợi nhuận, in lậu sách trở thành đại họa, ở đây dễ kiếm tiền tỉ, hàng chục tỉ, các cán bộ quản lý của Bộ GD-ĐT cũng lao vào làm sách, dẫn tới đại nạn in lậu thành đại họa cho gia đình nghèo đông con. Tại cuộc họp Hội đồng Giáo dục quốc gia ngày 29-12-1999, tôi đã phát biểu “Giấy in sách giáo dục cần khoảng 2 triệu tấn/năm, trong nước chỉ cung cấp được 40%, còn lại 60% phải nhập ngoại, song nếu chúng ta không lo đủ giấy in sách, người dân sẽ nghĩ Chính phủ không quan tâm tới giáo dục, nhưng nên nhớ rằng giá mỗi bộ SGK ở nông thôn là 1 tạ thóc!”. Về sau nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ thị “chấm dứt ngay năm nào cũng in lại SGK…”(2).
Xin nhắc lại tâm tư và trăn trở của đồng chí Phạm Văn Đồng trước lúc đi xa: “Giáo dục nước ta chưa phải là tốt. Đừng nghĩ mình ít tiền, ít tiền không sợ, miễn là biết cách làm. Nếu ít tiền mà làm hỏng, thì nhiều tiền càng hỏng hơn”.
Đi tìm nguyên nhân
Năm nào cũng in lại SGK, chưa rõ Bộ GD-ĐT đã vô tình hay hữu ý làm giàu cho NXB Giáo dục với siêu lợi nhuận. Các chuyên gia giáo dục đã ít nhiều làm rõ một số nguyên nhân sau:
1. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vào năm 1950 ta bỏ phân ban theo Pháp thời nô lệ, xây dựng nền giáo dục độc lập và khẳng định tính toàn diện trong giáo dục phổ thông, duy nhất một chương trình thống nhất và mấy bộ SGK trong toàn quốc, các câu lạc bộ được tổ chức cho tất cả các em học sinh năng khiếu (học tập cách làm chương trình của Anh, Đức, Mỹ, Nga đã làm hàng trăm năm nay). Năm 1993, việc phân ban được Bộ GD-ĐT khôi phục lại, đến nay đã 25 năm, song mọi phương án phân ban của Bộ GD-ĐT đều bị thực tiễn phủ quyết!
2. Việc biên soạn SGK chuẩn đã được đề cập trong cả 3 nghị quyết: a) Trong Cuộc cải cách giáo dục theo Nghị quyết của Bộ Chính trị ra ngày 11-1-1979 “về xây dựng chương trình - SGK chuẩn và triển khai trong toàn quốc, sau khi đất nước Việt Nam thống nhất”; b) Nghị quyết ngày 9-12-2000 “về đổi mới chương trình - SGK chuẩn phổ thông”, khẩu hiệu “Dạy học theo phương pháp tích cực” đã được Bộ GD-ĐT đưa ra và tuyên truyền; c) Nghị quyết tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, ngày 1-11-2013 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo”…, khẩu hiệu “Tiếp cận phẩm chất năng lực của người học” được tuyên truyền rộng rãi.
Đến nay gần 40 năm, giáo dục phổ thông vẫn chưa có được SGK chuẩn. Tại sao?
3. Việc phân chia người dạy và người học thành “giáo viên là trung tâm” (GVTT) và “học sinh là trung tâm” (HSTT) được thảo luận ở mức các ý tưởng mới(3) trên diễn đàn phương pháp giảng dạy. Xin trích một đoạn: “… thuật ngữ dạy học GVTT là do những người chủ trương HSTT đặt ra để chỉ kiểu dạy học truyền thống đang tồn tại phổ biến. Trước đó, kiểu dạy học truyền thống chưa bao giờ tự định danh là dạy học lấy giáo viên làm trung tâm”. Nói một cách hình ảnh, tương tự như việc phân chia thành “quân xanh” và “quân đỏ” để diễn kịch. Tư duy đổi mới trong làm sách hiện nay đi theo hướng ngược lại 1800 với tiền nhân. Các phương pháp giảng dạy tích cực và tiếp cận phẩm chất năng lực lại được coi là hai tiêu chí quan trọng để triển khai Nghị quyết của Quốc hội và của Đảng!? Nghiên cứu các tài liệu nước ngoài, nhận thấy tiêu chí phân chia GVTT và HSTT của ta đang áp dụng, chưa phải là tiêu chí khoa học, chưa được bất cứ nước nào thừa nhận trong dạy và học.
4. SGK trước đây được coi trọng trong dạy và học, nay làm ngược lại, chương trình mới là quan trọng. Chương trình mới là nội dung tóm tắt, là hình ảnh, cái bóng của SGK, còn rất xa mới có được SGK. Tại sao? Cùng một mục lục, ta có vài cách viết SGK, viết cho người nghiên cứu (thường gọi là hàn lâm), viết cho người sử dụng, viết phổ biến khoa học nâng cao dân trí, một phần nội dung chọn lọc đưa vào phổ thông ta gọi là môn khoa học thường thức ở các nước chỉ dùng tại cấp tiểu học! Ở cấp THCS các môn đã được phân nhánh, và đã đăng ý kiến “SGK - cái có thật, tại sao lại đang phải chạy theo cái bóng của mình?”(4) để bình luận về vấn đề này.
Chương trình Giáo dục tổng thể với SGK tích hợp ở cấp THCS tới đây, theo nghiên cứu riêng của tôi, hiện đang được sao chép sách môn khoa học thường thức ở bên ngoài! Sự nhận thức sai lệch này sẽ loại hàng vạn giáo viên từ bậc THCS và cao đẳng hóa trường đại học Sư phạm! Các nghị quyết ra liên tục, song chưa thấy một nghị quyết nào được tổng kết, cái gì làm được, cái gì chưa, để rút kinh nghiệm cho nghị quyết sau? Cuộc cải cách giáo dục theo Nghị quyết từ năm 1979 đến nay chưa được tổng kết và đánh giá trước dân! Phải chăng vì lý do này ta chỉ dùng chữ “đổi mới” hay “đổi mới căn bản, toàn diện” thay cho chữ “cải cách”? Hơn nữa, nghị quyết là những định hướng chiến lược trong tương lai, việc thực hiện nghị quyết không phải là việc thực hiện máy móc, cứng nhắc như Bộ GD-ĐT đang làm.
5. Ông Trần Kiều, nguyên Giám đốc Viện Khoa học giáo dục, đã thừa nhận, việc biên soạn SGK nước ta mấy chục năm qua chưa tìm được “chuẩn kiến thức” - tương tự “cái thước tre” mà người nông dân sử dụng để làm nhà. Xây nhà mà không có “cái thước tre”, thì sự méo mó như thế nào, ai cũng hình dung được! Chuẩn kiến thức - “thước đo” chung quốc tế được đúc kết từ nên tảng kiến thức của nhân loại và sử dụng để biên soạn SGK. Chuẩn kiến thức được Duma CHLB Nga thông qua 11 năm một lần - bằng số năm học phổ thông của một đời học sinh - để đánh giá SGK cái gì còn tiếp tục, cái gì cần bổ sung. Tứ thư ngũ kinh thời phong kiến tồn tại hàng nghìn năm, cuốn SGK hình học Euclide chiếm già nửa chương trình môn toán ở bậc phổ thông tồn tại 2.300 năm. Trong bộ phim Mỹ Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên có cảnh bà mẹ trao cho con gái cuốn sách đạo đức mà bà nhận được từ mẹ của mình! Đã là SGK thông thường thì tồn tại rất lâu hàng chục năm và thay đổi luôn phải được kế thừa.
6. Trong giáo dục quốc tế tồn tại một mặt bằng chung về kiến thức để học sinh nước này có thể đến nước khác học tập. Sự khác biệt liên quan đến kiến thức khoa học xã hội, song thực tế được nó được khắc phục nhanh chóng khi đủ ngoại ngữ theo học. Tại các nước đang phát triển thường thành lập Trung tâm hay Viện “Nghiên cứu giáo dục so sánh và quốc tế” để so sánh đối chiếu SGK nhằm đánh giá và điều chỉnh nội dung học. Trung Quốc đã thành lập trung tâm này từ năm 1965, nay thành viện nghiên cứu quan trọng thuộc Ủy ban Giáo dục quốc dân. Thật sự băn khoăn, tại sao nước ta lại chưa có trung tâm so sánh quốc tế này? NXB Giáo dục chỉ là phương tiện của Hội đồng biên tập gồm những nhà giáo và nhà khoa học có uy tín in các bản thảo sách đã được kiểm định chặt chẽ, tại sao ở nước ta NXB Giáo dục (với mục tiêu là lợi nhuận) lại thành chủ thể tập hợp người biên soạn SGK, sao ngược đời như vậy? Nghịch lý này tồn tại hàng chục năm nay sao không có ai lên tiếng?
7. Giữa thiên biến vạn hóa của cuộc sống phức tạp, Bác Hồ từng nói “Lấy bất biến ứng vạn biến”. Áp dụng phương châm này vào giáo dục có thể nói rất nhiều.
Biện hộ cho việc thay đổi chương trình sách giáo khoa hiện nay, có ý kiến cho rằng “kiến thức khoa học của nhân loại chỉ cần khoảng thời gian 7 năm để tăng gấp đôi”, và thời gian ấy ngày càng “thu ngắn”, và coi đây là căn cứ để đổi mới liên tục chương trình và thay sách giáo khoa ở bậc phổ thông. Lập luận ấy là không đủ sức thuyết phục!
Chúng ta thử xem xét sự bất biến trong cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật diễn ra ở thế kỷ 20, 21 là gì? Chính là hai lý thuyết vật lý lượng tử và tương đối ra đời và được đưa vào nhà trường gần 100 năm nay. Bản chất của 4 chữ lượng tử và tương đối, có thể trình bày rõ ràng trong một cuốn sách nhỏ 50 trang để học sinh phổ thông có thể hiểu được. Các kiến thức này vào áp dụng cuộc sống, nhiều công nghệ mới ra đời. Xin ví dụ, vật lý bán dẫn là sản phẩm của thuyết lượng tử và công nghệ liên quan hữu cơ đến hai cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 và cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay. Tại sao? Không có vật lý bán dẫn sẽ không có máy tính ngày nay và càng không thể nói tới kinh tế tri thức và toàn cầu hóa.
Lấy bất biến ứng vạn biến là lẽ thường. Còn ngược lại là không thuận (là nghịch). Thực tiễn cho thấy, tư duy ngược, giáo dục sẽ bị xáo trộn.
8. Điều ngạc nhiên, SGK là sản phẩm khoa học, song Bộ GD-ĐT dùng cách “thăm dò dư luận” để đánh giá. Theo tài liệu của Bộ, ba cơ quan trung ương, một trường đại học khoảng 500 cán bộ trung ương, 2.883 cán bộ các cấp quản lý của 14 tỉnh thành, 6.630 phụ huynh, học sinh, hàng trăm cuộc họp từ địa phương đến trung ương trong vài năm nay, mà vẫn chưa xong! Năm 2008, đánh giá có 4 môn học Văn, Sử, Địa và Giáo dục công dân từ lớp 1 đến lớp 12, Bộ đã huy động 2 vạn trường trong tổng số 3,5 vạn trường phổ thông cùng bộ máy quản lý làm cả năm cũng không xong. Bức xúc trước cách làm không khoa học, tôi đã phát biểu “chỉ cần 10 ngày sẽ đánh giá xong tất cả SGK”(5). Tại sao? Theo nghĩa khoa học, đánh giá là “đo” với SGK chuẩn. So sánh đối chiếu là cách đơn giản nhất mà người làm khoa học cũng biết! Với cách làm của ta, khi biên soạn và đánh giá SGK, Bộ cũng không biết SGK chuẩn! Gần đây chương trình và SGK tích hợp lại mang lên những tỉnh miền núi(6) để lấy ý kiến?
9. Bước vào năm học mới (2018-2019), mặc dù in hàng trăm triệu bản SGK nhưng vẫn thiếu (?). Đây là cách làm tiền của NXB Giáo dục hằng năm và trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GD-ĐT không làm được SGK chuẩn như các nước. Ở các nước tiên tiến và giàu có, rất khó và thậm chí không mua được SGK ở cửa hàng sách! SGK thế hệ trước dùng xong, được cất ở thư viện cho thế hệ sau sử dụng, nếu in lại SGK do thất lạc cũng chỉ vài phần trăm. Điều này vừa giáo dục ý thức tiết kiệm và đỡ lãng phí tiền của xã hội. Việc in lại SGK đâu phải năm nào cũngphải thực hiện. Dân đã nghèo mà SGK cứ phải chỉnh sửa, bổ sung và in mới là điều không bình thường, điều này rõ ràng là việc làm có chủ ý!?
10. Bộ GD-ĐT đã từng tiến hành một số cuộc tổng rà soát chương trình SGK từ lớp 1 đến lớp 12, song rất nhiều lỗi sai - “sạn” được phát hiện đã đóng tập gửi về các địa phương nhằm sửa chữa những sai sót đáng tiếc. Gần đây việc rà soát vẫn thấy “sạn”. Ví dụ SGK lớp 1 - viết hoa lung tung, từ “Chào Mào” viết hoa chữ M nhưng ở từ “Tu hú” thì chữ h lại không viết hoa. Các dấu câu như dấu hai chấm, dấu chấm hỏi được đặt lung tung, không theo quy chuẩn nào cả. Có chỗ vênh nhau về kiến thức đến 2 lớp, ví dụ, định lý Pitago đưa vào SGK lớp 7 nhưng phép khai căn lại ở SGK lớp 9 mặc dù hai phần này có “mối quan hệ hữu cơ” trong nhận thức để dạy và học. Những sai sót này có nguồn gốc từ văn-hóa-tiểu-nông nên cách làm cũng như thẩm định SGK không mang tính khoa học. Đáng lý chương trình - SGK phải làm xong trước, từ lớp 1 đến lớp 12, rồi mới tiến hành thẩm định. Việc thẩm định kiểu du kích, “vừa chạy vừa xếp hàng”, biên soạn đến đâu thẩm định đến đó rồi triển khai vào trường học không thể đem tới một bộ sách tốt.
Luận bàn giải pháp - “trăm nghe không bằng một thấy”
Khi chúng tôi đang thực hiện viết bài này thì nghe được ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu: “Sách vở tôi học mấy năm sau em tôi vẫn dùng học lại được. Bây giờ mỗi năm một sách khác, tốn tiền nhân dân lắm!...”. Rõ ràng đó là một ý kiến cần suy ngẫm.
Nghiên cứu lại lịch sử giáo dục Việt Nam kể từ 1945 đến nay, nhận thấy: Dựa trên kinh nghiệm quý báu của nhân loại về biên soạn SGK của Anh, Đức, Nga, Mỹ, Pháp - có nền giáo dục tiêu biểu của nhân loại, trong thực tiễn Việt Nam, các giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1945), Nguyễn Văn Chiển, Hoàng Tụy (1955) là những “nhạc trưởng”, chủ trì và biên soạn SGK chuẩn, kể cả in ấn trong 6 tháng là xong, và được sử dụng hàng mấy chục năm. Học sinh tốt nghiệp đã đóng góp cho việc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, ra nước ngoài học không thua kém với học sinh của bất cứ nước nào.
Kể từ năm 1979 đến nay, các kinh nghiệm truyền thống quý báu của nước ta bị vứt bỏ, để sao chép cách làm từ bên ngoài, nên gốc tư duy chỉ đạo chưa chuẩn, chưa nói là SAI từ A đến Z. Không làm được SGK chuẩn mấy chục năm qua, giáo dục bất ổn là điều dễ hiểu.
Người xưa từng nói “trăm nghe không bằng một thấy”, nếu so sánh và đối chiếu SGK chuẩn, ai cũng làm được, chẳng khó khăn gì. Chúng tôi đã tiến hành so sánh và đối chiếu nội dung SGK của nước ta giai đoạn trước năm 1980 với nội dung SGK của các nước Anh, Nga, Mỹ, ở bậc Tú tài quốc tế hiện nay về các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa… thì thấy về cơ bản là giống nhau. Sau khi tốt nghiệp phổ thông với SGK trước năm 1980 về các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa là người học đủ kiến thức vào học tại các trường Đại học Lomonosov (Nga), Đại học Paris (Pháp), Đại học Cambridge (Anh), Đại học New York (Mỹ), Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc)…
Lưu ý, các SGK của ta từ năm 1980 đến nay, tôi đã so sánh, đối chiếu thấy không tương thích về nội dung và hỗn loạn, đảo lộn về cách viết chỉnh thể khoa học. Các môn khoa học xã hội hiện nay lại rất xa với các SGK trước đây. Ví dụ môn Văn, trước đây còn dạy tìm đại ý một đoạn văn hay tác phẩm, hay dàn ý của bài, nay không thấy… Thực tế, nhiều sinh viên làm khóa luận hay nghiên cứu sinh làm luận án nhưng lỗi chính tả, ngữ pháp và lỗi diễn đạt rất nhiều, người khác đọc không hiểu! Trong khi đó: Mục tiêu của học sinh cấp trung học cơ sở là học sinh biết làm tất cả các thể thơ của truyền thống…, xong cấp trung học phổ thông là các em biết viết tin, viết phóng sự, bình luận, biết đủ các kỹ năng để viết các thể loại báo chí… Học môn Văn hết cấp phổ thông cũng có thể thành những “nhà thơ”, “nhà báo”(7). Học sinh trung học cơ sở, ngôn ngữ tiếng Việt còn chưa chắc, nói gì đến học thơ Đường, mà lại là thơ dịch mới thật phi lý!? Xin lưu ý rằng người dân biết và nói tiếng Việt thậm chí nói rất hay, chưa hẳn họ đã đến trường! Giữa thực tế xã hội, kiến thức căn bản cần thiết và nội dung giảng dạy ở trường sao vênh nhau như trái đất với sao Hỏa vậy?
Vì thế, chúng tôi kiến nghị hãy tập trung các SGK của 5 nước tiên tiến kể trên với SGK của ta trước đây, mời một nhóm chuyên gia toàn quốc khoảng 40 người, so sánh và đối chiếu, ta sẽ có cách làm hay và có những bộ sách giáo khoa “chuẩn” nhất mà không phải quá tốn kém như những dự án sách giáo khoa hàng tỉ USD mà Bộ GD-ĐT đã và đang tiến hành triển khai mấy chục năm qua. Người ta nói: “biên soạn” SGK chứ không phải “sáng tác” SGK! Theo thiển nghĩ của tôi, thời gian làm SGK chuẩn trong vòng một năm, để triển khai đồng bộ vào trong hệ thống giáo dục năm sau đó, như thế hệ đi trước đã từng làm thành công! Kinh phí không nhiều, khoảng 100 tỉ đồng, hoặc ít hơn vẫn làm được SGK chuẩn, in đẹp và phải luật hóa trong Luật Giáo dục, và có chế tài ít nhất 12 năm mới được xem xét in lại một lần (học sinh sẽ được mượn sách miễn phí), các loại sách tham khảo cũng phải được được Bộ GD-ĐT duyệt mới được dùng trong trường học và không được bán kèm với SGK, như các nước trên thế giới đã làm! Xuất bản hàng trăm triệu bản, tiền lãi như đã tính ở trên rất lớn. Số tiền bán sách, sau khi bồi dưỡng cho tác giả, phần còn lại sẽ chuyển lại cho Nhà nước trang bị những phòng thí nghiệm với thiết bị cần thiết nhất để có thể “học đi đôi với hành”. Việc độc quyền in SGK hay vấn đề in lậu SGK, tôi thiết nghĩ sẽ tự động biến mất, và không còn làm xã hội bận tâm! Cách làm mới SGK chuẩn ổn định lâu dài thống nhất và đồng bộ, đảm bảo sẽ thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thật sự giải thoát được gánh nặng cho dân.
Giáo dục từ lâu được xem là quốc sách, là rường cột của sự hưng vong hay thành bại của một quốc gia. Qua nhiều năm, chúng ta đang loanh quanh luẩn quẩn trong nhiều dự án sách giáo khoa hàng tỉ USD nhưng kết quả thì không tương xứng với mong đợi. Đã đến lúc chúng ta cần bắt tay hành động, hướng tới các bộ sách giáo khoa chuẩn, nhằm ổn định nền giáo dục nước nhà.
_____
(1) http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hang-ti-do-la-My-di-vay-dau-tu-cho-giao-duc-the-nao-hieu-qua-ra-sao-post180936.gd - vay nước ngoài khoảng 3 tỉ USD chủ yếu dành cho giáo dục phổ thông.
(2) Thế giới mới, số 449, ngày 13-8-2001.
(3) Trần Bá Hoành, Dạy học lấy người học làm trung tâm. Tạp chí Thông tin Khoa học Giáo dục số 96/2003.
(4) Nguyễn Xuân Hãn, báo Nhân dân, 6-11-2000.
(5) Nguyễn Xuân Hãn, báo Lao động, 21-4-2008.
(6) https://thanhnien.vn/giao-duc/thay-gi-qua-thuc-nghiem-chuong-trinh-mon-hoc-moi-955409.html
(7) http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuong-trinh-Ngu-van-moi-se-kho-va-nang-kien-thuc-hon-rat-nhieu-post183290.gd