Nhân kỷ niệm 35 năm ngày mất của Á Nam Trần Tuấn Khải (1983-2018), Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Nhà văn yêu nước lớn Á Nam Trần Tuấn Khải” vào ngày 18 tháng 8 năm nay, tại thủ đô Hà Nội.
Thân thế, sự nghiệp của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải đã được thể hiện qua nhiều tác phẩm, bài này nhằm ghi lại đôi hoạt động của cụ dưới thời ngụy quyền mà có một số bạn đọc chưa được biết đến.
Với sơn hà là tên một tập thơ của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, nhưng cả sự nghiệp văn thơ đáng quý của cụ và cuộc đời cụ đều được gắn liền như máu thịt với ba tiếng đó.
Sinh năm 1895 tại làng Quang Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, trong một gia đình Nho học có uy tín lớn ở địa phương, lại là cháu đời thứ 28 của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; vốn thông minh, ham học, lại được tiếp nối truyền thống của gia đình nên năm 11 tuổi Trần Tuấn Khải đã thông suốt nhiều kinh sử, và sáng tác nhiều thơ văn giàu lòng yêu nước, mà bài Tiễn chân anh Khóa xuống tàu (viết năm 1914) là tác phẩm ghi dấu ấn sâu đậm mở đầu cho một sự nghiệp thi văn phong phú và cao quý. Bài thơ nói về anh Khóa được phổ biến khá sâu rộng trong quần chúng, nhiều người nghĩ rằng anh Khóa là một nhân vật được tác giả sáng tạo để thể hiện lòng yêu nước, nhưng thực ra đó là tên của một chiến sĩ có thật, người này về sau đã bị bọn thực dân Pháp giết chết. Chúng ta có thể nhắc lại một số tác phẩm tiêu biểu của cụ Á Nam, đó là Duyên nợ phù sinh I (1921), Duyên nợ phù sinh II (1923), Bút quan hoài I (1924), Bút quan hoài II (1927), Hồn tự lập (1927), Với sơn hà I (1947), Với sơn hà II (1949)… Ngoài các tập thơ, cụ còn viết nhiều tiểu thuyết, khảo luận và dịch rất nhiều sách.
