Năm 2004, khi tôi đến vấn an GS Trần Văn Giàu, ông đã hỏi: “Có phải chú đang chuẩn bị sang Thái Lan quay phim phải không?”. Hết hồn, vì sao ông lại biết đích xác đến như vậy?! Tôi tò mò hỏi lại: “Thưa chú, vì sao chú lại biết cháu sắp sang Thái Lan để làm phim?”. Ông cười: “Đó là cái nghề của người hoạt động cách mạng chuyên nghiệp mà. Nếu để người ta nói ra mới biết thì còn gì là bộ nhớ nữa. Tại chú quên đó thôi. Chớ tôi nhớ có lần chú đã tham khảo ý kiến tôi tên một bộ phim nói về lòng yêu nước của Việt kiều hải ngoại đối với đất nước hai năm trước đây”.
Lần đó nhân bộc bạch với ông để tìm cách viết kịch bản cho bộ phim, ông hỏi tôi là bộ phim đó đặt tên gì? Tôi tình thật: “Thưa chú Sáu, cháu tạm đặt cho nó tên là Hồn cố quốc”. Chỉ nghe qua, ông chỉ thẳng ngón tay vào tôi: “Được đấy… Hồn cố quốc, được đấy”. Và trước khi ra về ông còn dặn tôi là “hãy cố giữ cái tên Hồn cố quốc, không có tên nào thỏa đáng hơn. Nhưng điều quan trọng là trong kịch bản của chú, nếu sang được Thái Lan thì cố làm sao tìm cho ra gia đình của Thủ tướng Pridi Phanomyong mà có lần tôi đã kể cho chú nghe khi gặp ngài ở Bangkok đầu năm 1946 đến cuối năm 1947”.
Ông nói rằng “Tôi biết là ông ấy đã qua đời với sự tôn vinh là danh nhân văn hóa của thế giới như Cụ Hồ của mình vậy. Còn bà ấy, tôi còn nhớ tên bà là Phunsuk kèm họ chồng là Phunsuk Phanomyong, không biết bà ấy còn sống không. Nếu bà ấy còn sống thì đó là điều may mắn và bà sẽ cung cấp cho bộ phim Hồn cố quốc nhiều chi tiết quý giá”. Ông khuyên tôi bằng giá nào cũng nên tìm đến địa chỉ đó, “Tôi tin chắc được gặp bà là một món quà trời cho đối với bộ phim của chú. Tôi chỉ nói vậy để chú hiểu…, mà tôi tin là bà còn sống”.

Bác Hồ và Thủ tướng Thái Lan Pridi Phanomyong
Ông kể sơ qua về bà Phunsuk Phanomyong đối với chính trường Thái Lan và chồng là Thủ tướng Thái Lan, lãnh tụ của đảng Sery Thai (Thái Tự do) mà ông cho biết đó là cái vỏ bọc của đảng Cộng sản Thái Lan.
Tôi thử đề nghị: “Chú Sáu viết một lá thư bằng tiếng Pháp thăm bà ấy, trong đó chú có thể nói được nhiều điều, theo cháu nếu bà ấy còn sống và lại được lá thư của chú thì cháu chắc bộ phim sẽ được khai thác triệt để nhiều chi tiết hay, lý thú cho người xem”. Nghe tôi trình bày, chú Sáu Trần Văn Giàu nhìn xa xăm, nhưng rồi chú nói: “Ý của chú khá hay, nhưng nó có điều bất tiện vì thơ tay, không hay lắm, mà có lẽ tôi nên ghi vào Tổng tập Trần Văn Giàu của tôi mấy dòng để kính tặng bà ấy thì tiện hơn”.
Viết xong dòng đề tặng, chú Sáu trao cho tôi quyển Tổng tập Trần Văn Giàu to và nặng. Ông cười bảo “chịu khó cõng nó sang Thái Lan”. Ông dặn lần cuối trước khi tôi chào ông ra về: “Nói đến Việt kiều Thái Lan thì đừng quên địa danh lịch sử nơi ông Thầu Chín (Nguyễn Ái Quốc) bám trụ để lập nên một làng mới có tên là Bản Mây ở tỉnh Udon Thani, vùng đông bắc Thái Lan. Địa danh đó hiện trở thành địa điểm lịch sử ở Thái Lan. Cùng với sự kiện gặp được gia đình bà Phunsuk Phanomyong thì Hồn cố quốc mới trọn vẹn”.
Sang Thái, việc đầu tiên là tôi tìm mọi cách hỏi thăm để tìm gặp bà Phunsuk, vì tôi biết với những người đã cao tuổi, chúng tôi phải tính từng ngày, nếu không sẽ ân hận suốt đời. Và thật may mắn cho chúng tôi, khi kiều bào ta tại Bangkok biết chúng tôi muốn được ghi hình bà Phunsuk và gia đình thì họ ồ lên và tình nguyện dẫn đường.

Bà Phunsuk Phanomyong, phu nhân cố Thủ tướng Thái Lan Pridi Phanomyong, với
tấm bằng Huân chương Hữu nghị do Chính phủ Việt Nam kính tặng sau năm 1975
* * *
Ngôi biệt thự của ông bà Pridi Phanomyong vẫn là nơi năm 1946 ông Trần Văn Giàu đã nhiều lần đến để bàn luận thời cuộc cùng ông Pridi. Đó là một dinh thự cổ ở bên bờ sông Phraya.
Khi xe chúng tôi dừng lại trước nhà bà thì đã thấy một phu nhân hết sức quý phái cùng các anh chị con của bà đứng ở sảnh chờ đoàn chúng tôi đến. Chúng tôi cúi rạp chào bà và được bà chấp hai tay xá đáp lễ. Người thông dịch tiếng Thái cho bà biết đây là đoàn làm phim của Đài truyền hình TP.Hồ Chí Minh. Vừa nghe qua, bà rạng rỡ lên: “Ô… Bác Hồ”.
Chúng tôi trình bày về việc thực hiện bộ phim nói về tấm lòng yêu nước của kiều bào Thái Lan, và tình hữu nghị của nhân dân Thái đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, từ năm 1945 đến 1947, mà nhân vật trung tâm là ngài Pridi Phanomyong và bà. Bà trả lời rằng cách đây vài ngày bà có được đại diện của Tổng hội Việt kiều Thái Lan tại Bangkok có cho bà biết, nên bà đã chuẩn bị một số nội dung mà chính yếu là “kể lại chuyện ông nhà tôi với các vị đại diện cách mạng Việt Nam lúc ấy mà thôi”.
Khi chúng tôi chuyển tặng bà món quà của một người bạn thân của ông nhà trước đây, bà hỏi ngay: “Người đó là ai?”. “Thưa bà, đó là giáo sư Trần Văn Giàu”. Chỉ cần nghe qua cái tên Trần Văn Giàu là bà “ồ” lên quá ngạc nhiên và hỏi tiếp: “Hóa ra ngài giáo sư Trần Văn Giàu hãy còn khỏe. Chao ôi! Đã quá lâu không liên lạc được với ông… Tôi rất hạnh phúc khi biết ông ấy vẫn còn mạnh khỏe”.
Tôi trao quyển Tổng tập Trần Văn Giàu và thưa: “Thưa bà, đây là quyển Tổng tập của giáo sư Trần Văn Giàu xin gởi biếu gia đình, coi là kỷ niệm sâu sắc của giáo sư”.
Khi đặt quyển sách nặng kinh khủng đó lên bàn, tôi liền mở bìa quyển sách ra và chỉ cho bà những dòng chữ bằng tiếng Pháp mà GS Trần Văn Giàu đề tặng. Bà đọc, tỏ lời cám ơn và chỉ vào bức ảnh của GS Trần Văn Giàu in ở bìa, nói: “Ông ấy vẫn giống như xưa”.
Rồi bà hỏi vì sao ông Giàu biết bà còn sống và gởi sách biếu bà. Chúng tôi kể hết những gì mà ông căn dặn chúng tôi phải tìm gặp bà cho kỳ được khi thực hiện bộ phim. Ông Giàu coi đó là sự trả ơn cho đất nước Thái Lan, cho ngài Pridi và bà từ năm 1946 đến năm 1947 mà sau này không có cơ hội gặp lại cố nhân. Ông Giàu khẳng định rằng muốn nói đến hoạt động của Tổng hội Việt kiều tại Thái Lan và riêng Bangkok thì không thể quên được sự giúp đỡ từ ngài Thủ tướng Pridi Phanomyong, vị thủ lĩnh tối cao của đảng Sery Thai, đối với cuộc kháng chiến của Việt Nam. Bà tiếp lời một cách bí hiểm nhưng rạng rỡ: “…Và với ông Thầu Chín [tức Nguyễn Ái Quốc] lúc ông ấy từ Quảng Châu đến Thái Lan năm 1935”.
Theo bà kể thì năm 1946 đảng Sery Thai đã lên mười tuổi, “đảng do ông nhà tôi thành lập, nhưng bị quy tội là cộng sản nên bị trục xuất sang Trung Quốc”. Nhưng sau đó ông Pridi lại trở về Thái Lan, mọi hoạt động đều rút vào bí mật, và ông được tín nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính, rồi là một giáo sư ở Đại học Chalongkron, rồi còn là quan đại thần nhiếp chính cho vua Rama VIII. “Ông nhà tôi sinh năm 1900, nhỏ hơn Nguyễn Ái Quốc mười tuổi. Hai ông có mối quan hệ thân thiết với nhau ra sao, tôi chỉ loáng thoáng biết, chứ ít khi ông Pridi nói ra những điều bí mật đó”.
Bà chỉ tay ra mom sông Phraya, nơi có bộ bàn ghế mà các ông Pridi và ông Giàu hay ngồi đàm đạo chuyện thời cuộc năm 1946, 1947. Cũng có khi là ông Nguyễn Đức Quỳ, lúc ấy coi như là lãnh sự Việt Nam tại Bangkok. Ông Quỳ thì luôn bàn về mối bang giao giữa hai nước, còn ông Giàu toàn lo chuyện nhà binh, tìm cách gởi bộ đội Việt kiều về nước mà vũ khí là do ông Pridi trang bị cho. “Theo tôi nhớ thì chỗ vũ khí đó vốn của quân đồng minh Anh ném xuống cho du kích Thái Lan nhận để chống Nhật, ông Pridi tặng lại cho Việt Nam qua ông Giàu trong kháng chiến chống thực dân Pháp”, bà nói.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được vào nhà để ghi hình ngài Pridi ở nơi thờ tự, bà cũng sẵn lòng. Và chúng tôi lạc vào một nơi gần như là một bảo tàng thu hẹp về cuộc đời của ngài Pridi, của cả bà và 6 người con trai, con gái của ông bà. Nhưng điều khiến chúng tôi sững sờ và vô cùng xúc động là khi bà chỉ tay lên tường… Bà nói: “Đây là hai con người mà tôi và các con tôi kính trọng suốt đời”.
Đó là bức ảnh ngài Pridi chụp chung với Bác Hồ của chúng ta! Bà nói đó là một cuộc thăm viếng không công khai của ngài Pridi tại Điện Biên Phủ tháng 7 năm 1954. Bà còn thú vị nói thêm rằng “nếu ông Pridi không tự đưa ra bức ảnh này thì tôi cũng không ngờ nó có, là vì ông ấy cất nơi nào đó mà tôi không hề biết, mãi đến khi nghe qua radio tin Bác Hồ mất [bà luôn dùng từ Bác Hồ chứ không dùng từ Hồ Chí Minh]”. Với Việt Nam, bà có nhiều kỷ niệm sâu sắc vì bà đã từng học ở trường Pháp tại Đà Lạt nhiều năm, nơi mà bà coi như cõi thần tiên của tuổi trẻ...
Vậy là chúng tôi được biết thêm, năm 1966 ngài Pridi đã bí mật sang Hà Nội để thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh, và bức ảnh hai danh nhân văn hóa thế giới được treo trang trọng như nơi thờ tự trong nhà.
“Rất tiếc - bà nói - đến năm 1947 thì Thái Lan có chính biến bất lợi cho tình hữu nghị Thái - Việt, nên ông Trần Văn Giàu không còn dịp được ngồi ở chiếc ghế ở bờ sông này để đàm đạo, sẻ chia chính kiến với ông Pridi nhà tôi nữa. Sau đó, ông Pridi từng có nói xa xôi với tôi “Anh và Trần Văn Giàu mất nhau nhưng còn mãi cho nhau phần hồn”. Tôi nói vậy để các bạn hiểu rằng ông nhà tôi coi trọng nhân vật Trần Văn Giàu như thế nào. Ông nhà tôi đã táo bạo giúp cho ông Giàu xây dựng đến bốn chi đội hải ngoại kịp đưa về Việt Nam”.
Nói xong bà trao cho chúng tôi một quyển sách viết bằng chữ Thái với cái tên Nhớ Người. Quyển sách ấy chúng tôi nhờ một nhà trí thức Việt kiều Thái về nước dịch ra tiếng Việt. Đó là nén tâm hương để tôn vinh những con người Thái Lan và một người Việt Nam kiệt xuất - Trần Văn Giàu.
Cuối cùng chúng tôi còn được các con bà chỉ cho xem những bức ảnh phóng to treo quanh phòng: “Đây là ảnh mẹ tôi và chúng tôi sang viếng Lăng Bác Hồ nhiều năm trước. Và năm 2003, mẹ và chúng tôi lại sang viếng Lăng Bác”.
Có lẽ trên đời này khó có mấy ai có tấm lòng ưu ái đối với cuộc kháng chiến suốt 30 năm giành độc lập của Việt Nam như ông bà Pridi Phanomyong. Đó là dấu son tượng trưng cho tình thân ái cao cả giữa hai nước Thái - Việt mà ở đó có một phu nhân khả kính - bà Phunsuk Phanomyong.