Có lẽ không mấy ai không biết những câu ca dao dưới đây:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!
và:
Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Bài ca dao trên thường được hiểu là những câu ca về tình yêu. Đoạn thứ nhất: người con trai tỏ ra luyến tiếc không lấy được người con gái làm vợ, “em có chồng anh tiếc lắm thay”. Đoạn thứ hai: Người con gái trách người con trai sao không ngỏ lời sớm, còn bây giờ đã có chồng rồi thì không thể… Lời đáp mượt mà, tế nhị bằng hai tiếng “còn không” hay tuyệt vời và những hình ảnh khóa chặt số phận “chim vào lồng”, “cá cắn câu”. Hiểu như vậy không sai nhưng ở đây xin được tìm hiểu về lai lịch của bài ca dao.
Trên thực tế những câu trên lại là những câu ca dao về chính trị.
Ta biết rằng đất nước ta vào thế kỷ 17, Đàng Ngoài thì vua Lê, chúa Trịnh cai trị, Đàng Trong thì chúa Nguyễn. Cuộc chia cắt đất nước và cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài hơn thế kỷ, kết thúc bởi chiến thắng của nhà Nguyễn Tây Sơn.
Chúa Trịnh biết Đào Duy Từ, một danh thần của chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong, là người có tài, học rộng, mưu trí lớn qua việc khuyên chúa Nguyễn cứ nhận sắc phong của vua Lê để hòa hoãn, có thời gian chuẩn bị lực lượng rồi ba năm sau trả lại sắc phong một cách tài tình bằng cách làm một mâm đồng có hai cái đáy, trên mặt là lễ vật hậu hĩnh, dưới đáy có sắc phong của vua trả lại và một bài thơ giải nghĩa ra là: “Dư bất thụ sắc”, nghĩa là: “Ta chẳng chịu phong”. Đào Duy Từ còn xây dựng cho họ Nguyễn một cơ sở xã hội vững chắc và một quân đội hùng mạnh với hai thành lũy kiên cố: lũy Trường Dục và lũy Nhật Lệ ở Quảng Bình (còn gọi là lũy Thầy). Chúa Trịnh Tráng đã nhiều lần khởi quân đánh vào miền Nam đều thất bại. Chúa bèn đặt mưu kế lôi kéo Đào Duy Từ về với triều đình Lê - Trịnh, sai người mang nhiều vàng bạc bí mật biếu Đào Duy Từ kèm theo một bức thư có bốn câu:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!
Chúa Trịnh tỏ ra tiếc Đào Duy Từ đã không về với mình, “Em có chồng anh tiếc lắm thay!”. Đào Duy Từ xem thư hiểu thâm ý, bèn trả lời:
Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Ý là: sao không ngỏ lời từ trước, còn bây giờ đã muộn. Tuy vậy chúa Trịnh vẫn nuôi hy vọng lôi kéo được Đào Duy Từ, bèn cho người mang lễ vật hậu hĩ hơn nữa kèm theo lá thư dụ dỗ thứ hai. Nhưng lần này Đào Duy Từ trả lời dứt khoát:
Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!
Thực chất bài ca dao trên là như vậy. Ông cha ta đã sử dụng văn học một cách thâm thúy và tài tình để thực hiện nhiệm vụ chính trị.
_____
Tài liệu tham khảo: Bài “Tài năng được thi thố với đời”, Gương hiếu học thời xưa, tập II, Trịnh Mạnh, NXB Giáo dục.