HV131 - Pháo kích dinh Độc Lập

Năm 1967, sau cuộc bầu cử “độc diễn”, liên minh Tổng thống và Phó tổng thống Thiệu-Kỳ ra đời. Chính quyền Sài Gòn định tổ chức “lễ tấn phong” đúng vào ngày “Quốc khánh” (1-11-1967).

Những năm trước vào ngày lễ này, mặc dù đã có sự chuẩn bị đối phó nhưng Sài Gòn vẫn bị các lực lượng Biệt động thành giáng cho những đòn đích đáng. Năm này, tầm quan trọng của cuộc lễ càng lớn hơn - đích thân Phó tổng thống Mỹ Humphrey sẽ đáp máy bay sang dự lễ. Do vậy việc bố phòng lại càng hết sức nghiêm ngặt.

Để trấn an dư luận về sự an toàn của ngày lễ, tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc Tổng nha Cảnh sát quốc gia, tuyên bố: “Với hơn 300.000 nhân viên an ninh của tôi tung ra khắp thành phố, điều đó cũng đã nói lên là Sài Gòn bất khả xâm phạm”. Thành phố Sài Gòn bấy giờ có 3 triệu dân, thử làm tính chia - cứ 10 người dân có 1 tên công an cảnh sát - chưa kể những loại lính khác cũng đông không kém. Lời tuyên bố kia cũng cócơ sở của nó.

Trong lúc địch đang hô hào tìm mọi biện pháp đối phó, thì các đội Biệt động thành cũng đang ráo riết chuẩn bị “nện” một trận đích đáng.

***

Theo lệnh của người chỉ huy, đúng 6 giờ sáng ngày hôm ấy tôi có mặt tại khu vực Chợ Cũ.

Chợ Cũ nằm trên trục đường tứ giác Huỳnh Thúc Kháng - Tôn Thất Đạm thuộc khu trung tâm thành phố, cách chợ Bến Thành chừng 500 mét. Ở đây có nhiều dãy nhà liên kết xây theo lối xưa từ thời Pháp thuộc. Khi lính Mỹ đặt chân đến Sài Gòn, khu này trởthành “chợ trời” lớn nhất thành phố, tập trung hầu hết các loại hàng viện trợ của Hoa Kỳ. Nơi đây không lúc nào ngớt bóng người. Ban ngày là cảnh bán buôn xô bồ đông đúc, ban đêm là nơi dừng chân của những kẻ chuyên sống lang thang.

Ghé vào một quán ởgóc đường ngồi uống cà phê, tôi quan sát những người qua lại. Tôi được lệnh đến đây chờ sẽ có người dẫn đến nơi nhận nhiệm vụ. Tôi cũng chưa rõ đó là nhiệm vụ gì.

Và tôi nhìn thấy người của ta xuất hiện bên ngoài, đó là Dung, giao liên của đơn vị. Hôm nay cô diện khá “mốt”, quần jean ống túm, áo thun màu đỏ, tóc cột đuôi chồn trông thật dễ thương. Đố ai biết đó là “nữ Việt Cộng”.

Tôi trả tiền cà phê xong đứng lên định bước ra cửa. Vô tình khẩu ru lô giấu trong người rơi xuống. Khẩu súng “quái ác” nằm trơ trên nền gạch trước bao nhiêu cặp mắt đang nhìn. Không tỏ ra hốt hoảng! Tôi cúi xuống lượm khẩu súng, bình tĩnh rút khăn tay ra lau rồi nhét vào bụng. Tên công an chìm ngồi bàn bên cạnh nhìn tôi trân trân. Tôi tiến lại vỗ vai hắn với vẻ thân mật:

- Mình đồng nghiệp nhau cả mà, bồ ởhoạt vụ hả?

Tên nọ không rõ ất giáp gì cũng gật đầu, tôi kề tai hắn nói nhỏ:

- Tôi đang theo một đứa khả nghi, thôi “gút bai” ông bạn nhé!

Sau cái bắt tay vội vã với hắn, tôi thản nhiên bước ra khỏi quán. Từ đầu Dung đã nhìn thấy cảnh ấy nên chưa vội giáp mặt ngay. Cô bước đi như chạy, tôi phải cố bám theo. Ra đến đường Pasteur, cả hai cùng lên một xe buýt đang chạy trờ tới. Xe thưa khách, hai người ngồi cùng băng ghế. Dung khẽ hỏi:

- Có bị theo dõi không?

Tôi lắc đầu thay cho câu trả lời.

- “Cha” làm tui muốn đứng tim - Dung trách móc - Chủ quan có ngày chết cả đám.

Tôi cười giả lả:

- Bỏ qua cho… Ai không một lần lầm lỗi.

Chúng tôi xuống xe đi trởlại khu Chợ Cũ như đôi tình nhân đi mua hàng. Đến đường Tôn Thất Đạm gặp Tám Bền - người chỉ huy đội Biệt động - đang đứng lân la ởđấy. Tôi đến gần vờ châm thuốc hút. Anh hỏi ngay:

- Có mang theo “đồ chơi” không?

- Có.

- Phải hết sức cảnh giác, bọn địch đang lùng sục rất gắt.

Nói rồi anh vội vã bước đi. Dung dẫn tôi lên cầu thang vào một căn gác. Đã thấy Tám Cứ và Mười Thái có mặt tại đấy, chính giữa nhà nằm chình ình một khẩu cối 82 ly. Chúng tôi tay bắt mặt mừng trong khi Dung vội đi ngay.

Bấy giờ tôi mới được biết nhiệm vụ: Pháo kích vào khán đài trong lúc ngụy quyền làm lễ tấn phong. Giờ nổ súng do cấp trên quyết định nên chúng tôi phải chờ. Tình hình này nếu địch phát hiện xông vào thì chỉ có con đường duy nhất là “quyết tử”. Tổ chúng tôi ba người đã từng chiến đấu chung với nhau nên rất hiểu nhau.

Mười Thái (tên thật là Phạm Tỏa) quê gốc Thái Bình. Gia đình vào Nam từ năm 1945. Trước kia anh hoạt động phong trào, đã một lần bị địch bắt nhưng anh tìm cách thoát được. Mười Thái là sinh viên luật bỏ nghề “thầy cãi” làm quân Giải phóng. Anh đã được dự khóa huấn luyện pháo binh của R nên đây cũng là dịp để anh thực hành những gì đã học. Thoạt nhìn Mười Thái không có vẻ gì là trí thức. Khuôn mặt hơi tròn, nước da ngăm đen, vóc dáng vạm vỡ, anh trông giống dân thợ hơn.

Tám Cứ (tên thật Trương Văn Lượng) quê Sa Đéc, anh là thợ trang trí nội thất nhưng lại có vẻ bề ngoài rất trí thức. Dáng người vừa tầm, nước da trắng, lúc nào quần áo cũng chỉnh tề. Anh còn có biệt danh là “Tám mọt chê”, vì đã vài lần tham gia pháo kích.

Tôi nhìn quanh căn gác, đồ đạc tiện nghi trong nhà vẫn còn nguyên vẹn, chứng tỏ chủ nhà đang ởphải vội vã ra đi để nhường chỗ cho chúng tôi hành động. Phía dưới căn gác này là tiệm phở, mặt tiền hướng ra đường Tôn Thất Đạm. Quán đang đông khách ăn uống, tiếng nói cười vọng lên nghe rõ mồn một.

Theo nhiệm vụ phân công, Tám Cứ và Mười Thái là hai xạ thủ bắn pháo, tôi bảo vệ tại chỗ, đối phó với địch bên ngoài đã có Tám Bền lo.

Khẩu súng cối đang nằm giữa nhà nòng hướng ra cửa, chân đế được kềm chặt trên sàn gác bằng hai đoạn gỗ dày siết bù lon thật chắc. Tôi đếm cả thảy có 10 quả đạn cối đã được gắn liều phóng và ngòi nổ hẳn hoi. Chỉ cần “tong” vào nòng, đạn sẽ bay đến mục tiêu tức khắc. Khẩu cối nằm đó trông giống như một con cóc khổng lồ đang rướn cổ kêu mưa. Câu ca thời trẻ con ngày xưa còn văng vẳng bên tai: “Con cóc là cậu ông Trời. Ai mà đánh nó thì Trời đánh cho”. Hôm nay thì: “Khẩu pháo như con cóc to. Nó kêu, Mỹ-Thiệu càng lo càng rầu”.

Chưa nhận được lệnh nổ súng nên chúng tôi vẫn cứ chờ trong bầu không khí hết sức căng thẳng. Khoảng 9 giờ sáng, trong lúc cả tổ đang nóng ruột chợt có tiếng giày bốt đờ sô nện cồm cộp trên cầu thang. Những người hoạt động nội thành không ai mang giày đinh loại này bao giờ, trừ phi là đối phương. Sao tổ bảo vệ bên ngoài không có phản ứng? Tôi cầm chặt khẩu ru lô nhìn Tám Cứ chờ lệnh.

Tiếng gõ cửa đúng theo ám hiệu, Tám Cứ ra dấu cho tôi mởcửa. Một cái nón kết pi thò vào, suýt tí nữa thì tôi đã hành động, nếu như không nhìn thấy Dung đứng phía sau. Một sĩ quan ngụy mang lon đại úy cùng cô giao liên bước vào.

- Chào các đồng chí…

Anh bắt tay từng người rồi nói:

- Tụi nó đã dời địa điểm và thời gian làm lễ.

Người sĩ quan này cho biết thêm:

- Theo nguồn tin ban đầu, đúng 8 giờ sáng nay địch làm lễ tấn phong cho Thiệu-Kỳ tại khán đài trước trụ sởQuốc hội, nhưng sau đó đã thay đổi ý định vào giờ chót.

- Tụi nó dời đi đâu? - Tám Cứ hỏi.

- Dinh Độc Lập - người sĩ quan đập tay nói chắc nịch.

Anh mởcặp da mang theo lấy ra một tấm bản đồ quân sự khu vực Sài Gòn trải rộng trên bàn. Anh cầm thước và com pa đo tỉ mỉ và chấm một điểm bút chì nhỏ xíu.

- Chính xác là tại vị trí này, các đồng chí hãy tính toán lại.

Mười Thái nói:

- Tôi yêu cầu đồng chí cho biết tọa độ và chịu trách nhiệm về mục tiêu, còn mọi thao tác và lấy phần tử bắn là do chúng tôi đảm nhiệm. Khi đã nổ súng rồi, có vấn đề gì không chính xác thì cũng dễ kiểm điểm hơn.

- Đồng chí nói rất đúng - người sĩ quan kiểm tra lại công việc của mình một lần nữa rồi nói - Tọa độ mục tiêu là…

Mười Thái ghi tọa độ vào một mảnh giấy và yêu cầu người sĩ quan ký vào. Sau khi xong việc anh ta tạm biệt chúng tôi bằng cái bắt tay siết thật chặt.

Từ tọa độ mục tiêu và điểm đặt súng trên bản đồ, Mười Thái tính toán cự ly và phần tử bắn. Với trình độ đại học như anh, công việc này không có gì là khó. Nòng súng giờ đây đã được dịch chuyển sang hướng khác. Tôi thầm phục cách làm việc của các anh. Từ một điểm này bắn đến mục tiêu nọ mắt không nhìn thấy, chỉ đo đạc tính toán trên bản đồ vậy mà vẫn bảo đảm được chính xác. Thế mới tài!

Năm ngoái ngụy quyền Sài Gòn tổ chức lễ “Quốc khánh” rầm rộ cũng bị quân ta cho ăn đạn “đê ka”. Một điều hiếm có trong kỹ thuật dùng pháo - ĐKZ là loại vũ khí “bắn thẳng” vậy mà quân ta lại dùng bắn “vòng cầu” - Ở cự ly 8.000 mét vẫn bảo đảm độ chính xác gần như tuyệt đối. Bốn quả đạn rơi trúng mục tiêu, trong đó có một quả rơi ngay trước khán đài nằm chình ình không nổ!

Tôi hỏi Tám Cứ:

- Lần trước anh pháo kích vào dinh tướng West phải không?

- Phải.

- Nghe nói có một chiếc xe nhà binh chởlính Mỹ chạy ngoài đường bị anh bắn trúng.

- Chó táp nhằm ruồi - Tám Cứ cười - Đó là quả đạn lệch nòng lạc mục tiêu, lại nhè vào xe chởlính Mỹ mà rớt trúng. Bà con Sài Gòn thấy vậy không ngớt lời khen. Việt Cộng tài tình quá! Xe đang chạy mà bắn cũng trúng.

Mười Thái chen vào:

- Lần này thì tao xin mày đừng bắn cái kiểu đó nữa, không trúng xe mà trúng vào dân thì tội cả đám.

Chúng tôi vẫn tiếp tục chờ đợi trong bầu không khí căng thẳng, như quả bóng bay lơ lửng bên hàng rào dây thép gai, chạm nổ lúc nào không biết.

Dung lại xuất hiện mang đến cho chúng tôi bữa ăn trưa. Cô bày bánh mì và thịt hộp trên bàn.

- Mời các anh dùng tạm.

Tám Cứ trêu chọc:

- Trong lúc này mọi thứ vật chất đối với chúng tôi đều vô nghĩa. Cô nên cho chúng tôi hưởng món ăn tinh thần thì hay hơn.

- Món ăn tinh thần? - Dung cười - Ca hát, ngâm thơ hả? Mấy thứ đó em không rành đâu.

- Tôi muốn thứ khác - Tám Cứ hóm hỉnh - Không biết cô có chịu hông?

- Anh nói đi, nếu được thì em sẵn sàng.

- Tôi muốn cô “hun” tụi tôi mỗi người một cái.

- Không được đâu - Dung giãy nảy - Cái đó… chỉ dành cho người yêu thôi.

- Cô có người yêu rồi sao?

- Chưa.

- Vậy trong ba đứa tôi đây hãy chọn đi.

Dung cười tủm tỉm, mắt liếc từng người sắc như dao cạo:

- Không chọn được ai hết. Cái mặt ông nào cũng thấy ghét, giống “Vi Xi” quá!

Chúng tôi nhìn nhau cùng cười. Mười Thái khoát tay:

- Hạ màn kịch được rồi. Tụi mình phải ăn một chút để chìu lòng bao tử chớ.

Sau khi ăn lót dạ xong Dung chia tay chúng tôi. Một điều không ngờ là cô ôm hôn từng người. Trong giờ phút quan trọng này, Dung muốn lưu lại trong lòng mỗi chiến sĩ tình cảm thân thiết của một người em gái.

Đến chiều, tổ chúng tôi nhận được chỉ thị được viết vắn tắt trong bao thuốc lá: “M. không thay đổi. Đúng 19 giờ nổ súng - Hai Phụng”.

Hai Phụng là Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Trong giờ phút quan trọng này anh cũng có mặt trong thành phố sao? Điều này làm chúng tôi thêm phấn chấn tinh thần. Đồng hồ treo tường chỉ 6g30 chiều, còn đúng 30 phút nữa.

Từ máy thu thanh của quán phởdưới nhà, vọng lên lời của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang đọc diễn văn khai mạc lễ.

- Mới 6 giờ 30 phút mà! Chậm rồi sao?

- Có phải đúng 7 giờ nổ súng không? - Tám Cứ hỏi lại mặc dù anh là người đọc lệnh trước rồi mới chuyền tay trong tổ, mảnh giấy đã được đốt ngay sau đó. Hay đây là kế nghi binh của địch? Năm ngoái cũng trong dịp lễ “Quốc khánh”, Tổng thống Thiệu vừa mởlời là pháo ta nổ ngay. Có lẽ lần này bọn chúng rút kinh nghiệm chăng?

Dưới nhà có tiếng người đàn bà nói vọng lên:

- Ông Thiệu thoát rồi, ngày hôm nay không nghe Việt Cộng đánh đâu hết.

Tiếng ồ ề đàn ông - có lẽ là chủ quán - đáp lại:

- Chưa đâu bà ạ, cạn sòng mới biết rô trê.

7 giờ kém 10 trời sẩm tối. Tám Cứ nhìn lên mái nhà nói với tôi:

- Mầy lên tháo tấm tôn đi là vừa.

Đã chuẩn bị sẵn, tôi xách búa và xà beng leo lên nóc nhà nạy bung tấm tôn đã làm dấu, để lộ ra một khoảng trống vuông vắn. Khi tôi nhảy xuống thì cũng vừa lúc kim đồng hồ chỉ đúng 7 giờ. Tám Cứ và Mười Thái bắt đầu hành động.

Tiếng đề pa của quả đạn cối đầu tiên nổ nghe đinh tai làm những người ởgần hốt hoảng! Tôi cầm khẩu súng ru lô đứng ngay cửa. Một tên công an mặc thường phục xách súng ngắn chạy lên. Nó chưa kịp hành động thì tôi đã nổ liền hai phát, tên địch gục xuống chân cầu thang. Bên trong, tiếng đề pa của pháo vẫn cấp tập nổ.

Bắn đến quả đạn thứ 5, sàn gác không chịu nổi sức giật của súng nên sụp xuống. Quả đạn thứ 6 vừa ra khỏi nòng chạm phải dây điện giăng ngang trên nóc nhà nổ liền tại chỗ. Căn gác bị rung lên như đưa võng. Tám Cứ nói như hét:

- Sai lệch nòng rồi không bắn được nữa. Hủy súng rút lui.

Mười Thái bị thương do trúng mảnh của quả đạn nổ trên nóc văng xuống, nhưng anh vẫn còn đi được. Tám Cứ gài kíp nổ chậm xong liền dìu Mười Thái xuống cầu thang. Tôi đi trước mởđường, khẩu súng ngắn lăm lăm trong tay sẵn sàng nhả đạn. Đây là khu vực chợ, đồng bào hiếu kỳ kéo đến vây quanh rất đông. Tôi phải nói to lên cho mọi người nghe:

- Chúng tôi là Giải phóng quân về Sài Gòn đánh Mỹ-Thiệu. Yêu cầu đồng bào tránh đường cho chúng tôi rút lui.

Đám đông liền vẹt ra hai bên nhường lối, tôi nghe có vài tiếng vỗ tay. Bộ phận bên ngoài do Tám Bền chỉ huy yểm trợ cho chúng tôi rút lui an toàn bằng xe gắn máy.

Ba ngày sau, tất cả chúng tôi đều có mặt tại căn cứ bàn đạp ởCủ Chi. Báo chí Sài Gòn đưa tin:

“Việt Cộng đặt súng cối tại Chợ Cũ bắn 5 quả đạn vào dinh Độc Lập, trong lúc đang hành lễ tấn phong Tổng thống cho ngi Nguyễn Văn Thiệu. Bốn quả đn rơi trong khuôn viên, một quả rơi ngoài đường Nguyễn Du. Ngài Phó tổng thống Mỹ Humphrey vừa bước xuống xe, đạn pháo nổ tới tấp, rất may là ngài không hề gì vì có lực lượng cân vệ che chở cho ngài. Ngay trong đêm ngài đáp luôn máy bay về nước”.

Sài Gòn bất khả xâm phạm như lời tuyên bố của tướng Nguyễn Ngọc Loan là như thế đó.

 

NGÔ BÁ CHÍNH