HV131 - SERGEI EIZENSTEIN - Người sáng tạo của điện ảnh cách mạng Nga

Điện ảnh và Eizenstein gần như là những người bạn đồng hành. Điện ảnh tồn tại trước ông vẻn vẹn… 3 năm. Chính ông đã trở thành người sáng tạo của điện ảnh hiện đại dựa trên việc dựng phim (montage), sử dụng các chi tiết một cách chính xác, những góc độ ghi hình bất ngờ và sự thay đổi các tiết tấu, nói một cách khác là dựa trên nghệ thuật chuyển động. Những bộ phim của ông không chỉ là những tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế kỷ 20 mà còn là một kho tàng vô giá…

Đài khí tượng ở thành phố biển Odessa thông báo có sương mù dày đặc. Đối với những người làm phim thì điều đó cũng như là thời tiết không bay được đối với phi công. Thế nhưng, vẫn có hai người thuê một chiếc thuyền con và lao ra khơi để say sưa ghi lại qua tấm màn sương trắng đục tất cả những gì mà tầm mắt nhìn thấy được: bến cảng, đập chắn sóng, đàn chim hải âu… Họ hãy còn chưa biết những cảnh quay sẽ được sử dụng ở đâu và nói chung, liệu có dùng được không.

Hai người đó là đạo diễn Sergei Eizenstein và nhà quay phim Edur Tiser. Họ đến Odessa để quay những cảnh cho bộ phim Năm 1905 mà sau này biến thành kiệt tác điện ảnh Chiến hạm Potemkin miêu tả cuộc nổi dậy của các thủy binh Nga.

Buổi công chiếu bộ phim được tổ chức vào ngày 26-12-1925 tại Nhà hát Bolshoi ở Moskva sau buổi lễ trọng thể kỷ niệm 20 năm cuộc Cách mạng Nga lần thứ nhất (1905). Bộ phim được trình chiếu trên màn ảnh cực lớn có dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng đệm theo, đã gây nên sự xúc động mạnh mẽ cho khán giả với những cảnh mang tính biểu tượng khắc sâu vào ký ức: chiếc xe nôi có em bé lao vun vút xuống dốc qua các bậc thang của bến cảng, chiếc kính không gọng của viên bác sĩ trên chiến hạm bị đập vỡ khi ông ta (vì không phát hiện ra có giòi trong tảng thịt ươn) bị các thủy thủ trong cơn tức giận quẳng ra khỏi con tàu, cây nến cháy leo lét trong tay người bị giết, những mảng sương mù và sau hết là lá cờ đỏ thắm được tô màu bằng phương pháp thủ công bay phấp phới trên cột buồm trong bộ phim đen trắng…

Trên thế giới đã xuất hiện một loại hình nghệ thuật mới. Sau hàng chục năm, khi điện ảnh đã chiếm một vị trí xứng đáng trong đời sống tinh thần của xã hội, Chiến hạm Potemkin vẫn được coi là bộ phim hay nhất mọi thời đại và mọi dân tộc, còn Sergei Eizenstein, tác giả bộ phim đã mở đầu danh sách những đạo diễn xuất sắc nhất thế giới. Mỗi một khuôn hình của bộ phim nổi tiếng này trở thành tư liệu quý giá cho những cuốn sách giáo khoa về điện ảnh.

Sergei Eizenstein sinh ngày 10-1-1898 tại Riga. Cha ông là một kiến trúc sư có tên tuổi, biết nhiều thứ tiếng châu Âu. Mẹ ông là một hoa khôi, ái nữ của một thương gia giàu có. Bà đã đem theo nhiều của hồi môn có giá trị, song thứ tài sản quý báu nhất đối với con trai bà - Sergei Eizenstein là thư viện vốn bao giờ cũng mở rộng cửa đón chàng trai hiếu học. Tám tuổi, ông được đến Paris, ở đó lần đầu tiên ông tiếp xúc với nghệ thuật thứ bảy qua vở kịch thần tiên Bốn trăm mưu chước của con quỷ của Georges Méliès.

Chính vở kịch với nhiều kỹ xảo này đã khơi dậy đầu óc tò mò và trí tưởng tượng của ông. Ông bắt đầu phác họa những cốt truyện phim, cảnh và các nhân vật…

Sergei Eizenstein tốt nghiệp trường trung học một cách xuất sắc, đã đọc nguyên tác các tác phẩm cổ điển của văn học thế giới, đã giảng bài bằng tiếng Anh ở Oxford, bằng tiếng Pháp ở Sorbonne, bằng tiếng Đức ở Berlin. Sau đó, ông quyết định học tiếng Nhật để nghiên cứu sân khấu “Cabuki”.

Gia đình muốn ông phải nối nghiệp cha. “Từ nhỏ, tôi đã được nuôi dưỡng để trở thành kỹ sư và kiến trúc sư” - Eizenstein đã viết trong một chương hồi ký mang tên “Chú bé từ Riga”. Song, thời đại đã biến ông thành kẻ nổi loạn! Ông đã tìm trong thư viện gia đình những cuốn sách nói về Công xã Paris. Ông đọc đi đọc lại cuốn Lịch sử Cách mạng Pháp của Mineau. Ông thú nhận trong hồi ký: “Bão táp cách mạng đã mang lại cho tôi cái quý nhất - đó là sự tự do định đoạt cuộc đời mình. Cách mạng đã làm tôi trở thành người nghệ sĩ và chính điều đó đã khiến tôi suốt đời gắn bó với cách mạng”.

Ông đến với điện ảnh thông qua trường Sân khấu cách mạng. Không ỷ vào kinh nghiệm cá nhân mình, ông đã vào học trường đào tạo đạo diễn của Meierh, vốn được ông coi là thần tượng. Trên ghế sinh viên, ông tranh luận với thầy giáo, còn trên sân khấu thì ông đưa ra những thể nghiệm táo bạo: kết hợp xiếc, trò vui với chính kịch, tức là kết hợp nghệ thuật “cao siêu” với nghệ thuật “thấp kém”.

Từ sự thể nghiệm đó đã ra đời lý thuyết nổi tiếng “lắp ráp các tiết mục”. Thuyết này từ sân khấu được đưa vào điện ảnh và sau đó đã trở thành thực tiễn của điện ảnh thế giới.

Trong đầu Eizenstein luôn luôn có những ý tưởng sáng tạo. Ở thời kỳ phim câm, khi chưa có lý luận của điện ảnh, ông đã trình bày những ý tưởng của mình trong các bài viết mà các chuyên gia coi là “cẩm nang và sách ngữ pháp của sự thể hiện điện ảnh và công việc dựng phim”. Ba năm trước khi điện ảnh có âm thanh xuất hiện, Eizenstein cùng với hai người bạn tâm huyết là Pudovkin và Aleksandrov đã tiên đoán tương lai xán lạn của phim có tiếng nói. Nói chung, ông đã thấy trước nhiều thứ: phim màu, phim nổi, vô tuyến truyền hình. Ngay từ năm 1930, ông đã phát biểu về điều này ở Hollywood khi trình bày bản tham luận “Khối vuông cơ động”.

Nhưng trước khi ông đến kinh đô điện ảnh Hoa Kỳ, các nhà làm phim nổi tiếng là Douglas Fairbanks và Mary Pickford đã đến Moskva gặp ông. Sau khi xem Chiến hạm Potemkin, họ hiểu rằng một nền điện ảnh mới đã ra đời ở nước Nga xa xôi, trong khi đó lại ít người biết tới sự thành công rực rỡ của bộ phim. Eizenstein cùng với Aleksandrov và Tiser được phép làm một chuyến tuần du sang châu Âu. Ở Thụy Sĩ, tại Đại hội Điện ảnh độc lập quốc tế, ông được đón tiếp như một nhân vật kiệt xuất tiêu biểu cho những giá trị sáng tạo của điện ảnh cách mạng.

Tại Berlin, ông đã làm quen với Einstein và Bertolt Brecht, tại Paris với Juan Coutor và Fernand Léger, ông cũng được giới thiệu với James Joyce - tác giả cuốn Ulysses. Nhà văn này gần như bị mù, nhưng vẫn bày tỏ nguyện vọng được xem một số trích đoạn từ hai bộ phim Chiến hạm Potemkin Tháng Mười. Sau đó ít lâu, Joyce cho biết: nếu đến một lúc nào đó Ulysses được đưa lên màn ảnh thì ông chỉ biết có hai người có khả năng làm được việc này, một trong hai người đó là Eizenstein. Rồi đến Hollywood. Một trong những cuộc tiếp xúc để lại ấn tượng sâu đậm nhất là lần gặp gỡ Charles Chaplin.

Trong khu biệt thự của Chaplin ở Beverly Hills, hai người thường chơi quần vợt, bơi trong bể bơi được thiết kế theo hình cái mũ dạ trứ danh của Chaplin …

Song sự giải trí không làm ảnh hưởng đến công việc. Chaplin nhớ lại: “Eizenstein đã viết được một kịch bản tuyệt vời - Vàng của Duter dựa trên cơ sở tư liệu về những ngày đầu tiên của cơn sốt vàng ở California. Tuy nhiên, việc Eizenstein đến từ nước Nga Xô viết đã khiến cho hãng phim Paramount lo ngại và hãng này cuối cùng đã từ bỏ ý định mời Eizenstein cộng tác”.

Sau khi về nước, do những khó khăn khách quan, trong suốt mười năm làm việc căng thẳng ông không cho ra được một bộ phim nào. Ông cũng không đủ tiền để hoàn thành bộ phim đang quay dở dang Mexico muôn năm. Và những thước phim tư liệu quý hiếm đó, ông đành phải bán cho hãng Paramount - từ nguồn tư liệu này, người ta đã nặn ra thành mấy bộ phim bóp méo những ý đồ sáng tạo của tác giả. Mãi 30 năm sau, khi Eizenstein đã qua đời, bộ phim này với sự dàn dựng của Aleksandrov mới được trình chiếu ở Nga. Duy có bộ phim sử thi Aleksandr Nevski (1938), ca ngợi sự vĩ đại của Tổ quốc Nga đối đầu với các nguy cơ thù trong giặc ngoài và những chiến công hiển hách của các vị anh hùng dân tộc trong quá khứ oanh liệt, là được hoàn thành ngay trước ngưỡng của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai và cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức (1941-1945).

Sergei Eizenstein mất ngày 11-2-1948 tại Moskva do bệnh nhồi máu cơ tim, hưởng dương 50 tuổi. Ông đã đi vào lịch sử nghệ thuật điện ảnh thế giới với tư cách là một nghệ sĩ lớn của cách mạng. Chính cuộc Cách mạng tháng Mười vĩ đại đã tiếp cho ông nguồn sức mạnh sáng tạo vô tận và tạo điều kiện cho ông bộc lộ rõ cá tính sáng tạo độc đáo trong nền nghệ thuật điện ảnh phát triển không ngừng.

(Theo tạp chí Nga Junost & Iskusstvo kino)

LÊ SƠN giới thiệu