Việc Trung ương Đảng biểu quyết 100% số phiếu đề cử Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra giữ chức Chủ tịch nước là một sự kiện được dư luận quan tâm. Trước đó trong nhân dân đã có nhiều ý kiến đưa ra phương án này. Đó là phương án tối ưu trong tình hình nước ta lúc này. Việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước có nhiều cái thuận về đối nội và đối ngoại. Trên thế giới, việc này là phổ biến. Đảng cầm quyền phải nắm chính quyền. Lâu nay, chúng ta tách biệt các chức danh lãnh đạo cao nhất của đất nước nhằm tránh tình trạng tập trung quá mức quyền lực vào một người và cũng là để chia sẻ gánh nặng công việc. Nhưng gộp hai chức vụ này làm một trong lúc này, nhất là lúc đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang đứng đầu công tác chống tham nhũng và đã đạt được những thành tựu lớn, được nhân dân và Đảng hết sức đồng tình thì đó là một việc rất thuận. Chỉ có một điều đáng băn khoăn là gánh nặng công việc của hai chức trách lớn lao đó mà đồng chí Tổng bí thư tuổi cũng đã cao. Chắc chắn là phải có sự phân công, phải có sự giúp đỡ từ phía các đồng chí phó. Theo đó, gánh nặng công tác của Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ phải nặng hơn, nhiều việc hơn. Và tại sao chúng ta không thể nghĩ đến việc có cùng một lúc hai Phó chủ tịch, một đối nội và một đối ngoại?
Về công tác Đảng lúc này, lúc đã bắt đầu bước vào công tác chuẩn bị Đại hội mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng một lúc phụ trách hai tiểu ban: nhân sự và văn kiện. Đó là hai tiểu ban quan trọng nhất trong tiến trình chuẩn bị Đại hội, nhất là tiểu ban nhân sự. Việc bố trí nhân sự cho Trung ương lần sau là một việc không dễ dàng. Lâu nay trong công luận, người ta đã thấy rõ những sai lầm, khiếm khuyết, sơ hở của công tác nhân sự trong Đảng. Công tác tổ chức cán bộ là vô cùng khó. Mọi việc phụ thuộc vào con người mà nếu con người không được bố trí đúng chỗ, đúng tầm thì việc nước sẽ bị ảnh hưởng, nhiều khi là nghiêm trọng, nhiều khi có cơ uy hiếp vận nước. Người ta nói “chọn mặt gửi vàng”. Gửi vàng còn phải chọn mặt, huống nữa là gửi gắm việc quốc gia trọng đại. Công tác tổ chức cán bộ của ta trong quá trình cách mạng kháng chiến, đổi mới đã có rất nhiều ưu điểm do những người đứng đầu công tác ấy là những bậc hiền lương, tận trung báo quốc, không phe nhóm, không vị kỷ, không tơ hào tiền của. Nhưng cũng có lúc công tác này rơi vào những lề thói gia trưởng, kinh nghiệm chủ nghĩa, cảm tính, cảm tình chủ nghĩa, hời hợt trong nhận xét và đánh giá con người. Thậm chí có tệ chạy chức chạy quyền. Dĩ nhiên là có tình thế thiếu cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt có đạo đức, lối sống cao đẹp, hết lòng vì công việc, nhưng thiếu người là do đâu, có phải là vì thiếu hào kiệt, nhân tài hay vì những rào cản trong tư duy, thói quen của một nước tiểu nông, vì tầm nhìn quá ngắn? Tất cả những điều đó đều cần phải rút kinh nghiệm kịp thời, phân tích sâu sắc, quy trách nhiệm rõ ràng và công khai, minh bạch.
Chúng ta mong rằng, đồng chí Tổng bí thư - Chủ tịch nước cùng với các đồng chí khác trong Đảng sẽ tạo nên được một đội ngũ kế nghiệp tích cực, tâm huyết, sáng tạo, không có những phần tử cơ hội tham nhũng, lờ mờ, kém cỏi trong đội ngũ đó. Cũng mong rằng, có những bước đột phá, sáng tạo thậm chí nhảy vọt trong việc sử dụng và đề bạt nhân tài để cho những người có tài đều có đất dụng võ, đều có cống hiến mà không bị ngăn lại vì những tập quán cũ kỹ, lạc hậu, bằng những định kiến và thiết chế lỗi thời. Một thời đại mới phải được mở ra trong công tác này để đất nước khắc phục khó khăn, tăng thêm sức mạnh, vững bước đi tới trên con đường xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ.
Nền kinh tế của chúng ta đang phát triển với những chỉ số làm ấm lòng người. Năm nay, GDP của nước ta theo nhận định của cả trong lẫn ngoài nước đều có thể đạt chỉ tiêu gần 7%, lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu tăng, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững…, trong lúc thế giới đang ở vào những tình thế có khi rất nóng, rất không bình thường, chẳng hạn cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Vị thế của nước ta được nâng lên rõ rệt trên trường quốc tế. Chúng ta đã chủ động tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018. Chúng ta tăng cường quan hệ với Nhật, với Áo, với châu Âu và sắp tới là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ được ký kết. Tất cả những thành tựu này đều gắn liền với sự năng động và sáng tạo của người tổng công trình sư về kinh tế - xã hội Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng khó khăn trên con đường đi tới còn rất lớn, những tác hại của biến đổi khí hậu, của lũ lụt ở Tây Bắc, ở miền Trung, sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long làm cho đời sống của biết bao người nghèo, thu nhập thấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình hình tham nhũng, quan liêu, xa dân vẫn còn, khối văn hóa - giáo dục còn đang yếu. Cho nên những cố gắng của chúng ta, đặc biệt của Chính phủ và các Bộ là hết sức to lớn nhưng cũng chưa đủ để khắc phục hết mọi khó khăn.
Kỳ họp Quốc hội tới đây sẽ có một công tác quan trọng là bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu ra (vốn là 50 chức danh, nhưng lần này là 48 vì Chủ tịch nước và Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông chưa được bầu). Đây là một việc đã được tiến hành hai lần ở những khóa họp Quốc hội trước đây và kết quả là khá chính xác. Nó cho thấy vai trò của Quốc hội là người đại biểu của nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Việc làm này có tác dụng tốt đến công tác của các Bộ trưởng, tức là công tác của các Bộ, của Chính phủ. Nó cũng là một phương diện của việc kiểm soát quyền lực, tuy chưa đầy đủ.
Vừa qua, chúng ta tiễn đưa nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch nước Trần Đại Quang về nơi an nghỉ ngàn thu. Trước hai quốc tang đó, chúng ta ngẫm nghĩ về cái chết và sự sống, vinh quang và định luận của lịch sử về mỗi con người. Người ta nói “cái quan định luận”, tức là “đậy nắp quan tài rồi thì mới định được công luận về người ấy”. Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tỏ lòng thương tiếc cho sự ra đi. Đứng trước cái chết ai mà chẳng thương cảm. Cuộc đời dài đến mấy rồi cũng kết thúc: “Ôi, nhân sinh là thế ấy. Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao” (Nguyễn Công Trứ). Chúng tôi chợt nhớ đến một bài từ điệu Lâm giang tiên 臨 江 仙 của Dương Thận (1488-1559) đời Minh mang tư tưởng Lão Trang về cái chết và sự thịnh suy của con người, của các anh hùng hào kiệt:
“Cổn cổn Trường Giang đông thệ thủy/ Lãng hoa đào tận anh hùng/ Thị phi thành bại chuyển đầu không/ Thanh sơn y cựu tại/ Kỷ độ tịch dương hồng/ Bạch phát ngư tiều giang chử thượng/ Quán khan thu nguyệt xuân phong/ Nhất hồ trọc tửu hỷ tương phùng/ Cổ kim đa thiểu sự/ Đô phó tiếu đàm trung”.
Bản dịch của Phan Kế Bính:
Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông/ Sóng vùi dập hết anh hùng/ Được, thua, phải, trái, thoắt thành không/ Non xanh nguyên vẻ cũ/ Mấy độ bóng tà hồng!/ Bạn đầu bạc ngư tiều trên bãi/ Đã quen nhìn thu nguyệt xuân phong/ Một bầu rượu vui vẻ tương phùng./ Xưa nay bao nhiêu việc/ Phó mặc nói cười suông.
Cuộc đời rồi trôi qua, tất cả đều trôi qua, đều biến đổi, chỉ còn lại những đóng góp cho nhân dân. Và dường như tất cả cũng tan biến trong các cuộc tiếu đàm của hậu thế.
Bài thơ trên có nét tiêu cực khi nói về cái chết. Đối với chúng ta, làm sao cho cái chết trở thành một sự khai sinh cho những dòng tư tưởng, những công việc mới. Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng dặn lại con trai: “Cha không có của cải gì để lại cho con. Cha chỉ có một sự nghiệp và con cần tiếp tục sự nghiệp đó”. Cũng cần nói thêm, tang lễ để tỏ lòng thương tiếc là cần thiết nhưng phải làm sao thực hiện được lời dặn của Bác Hồ như trong Di chúc: “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” (nguyện vọng của Người là được hỏa táng rồi để tro cốt trên một đỉnh đồi cho mọi người đến viếng). Đẹp đẽ và cao thượng thay nguyện vọng của một vĩ nhân! Việc này phù hợp với Nghị quyết về nêu gương của Trung ương vừa ban hành. Hỏa táng cần phải trở nên một tập tục phổ biến. Dân ta ngày xưa và bây giờ cũng vậy, theo Phật giáo rất nhiều, mà các vị sư đều hỏa táng. Ngày nay cũng có nhiều người chuộng hỏa táng rồi chôn bình tro ấy hoặc thả bình tro ấy trôi theo dòng nước về biển Đông. Thiết nghĩ đó là nghĩa cử cuối cùng của đời một con người cho nhân dân và đất nước, lại làm sạch môi trường. Trong giới văn nhân thì Chế Lan Viên, Tố Hữu… cũng ước mong thực hiện điều ấy. Nhưng chỉ có Chế Lan Viên là làm được “Đem nắm tro thơm rải mái thiền” như nhà thơ Viễn Phương đã viết. Còn Tố Hữu nói “Tạm biệt đời ta yêu quý nhất/ Còn mấy dòng thơ, một nắm tro/ Thơ gửi bạn đời. Tro bón đất/ Sống là cho. Chết cũng là cho”. Thế cũng chẳng phải cao cả sao!
Ngày 18-10-2018