HV131 - Trợ cấp xã hội ở Pháp năm 2018 và bi kịch giàu - nghèo

Nếu tin rằng ai ở một cường quốc châu Âu như Pháp cũng đều giàu có thì đó chỉ là một ảo tưởng. Trên thực tế quốc gia nào cũng có kẻ giàu người nghèo.

Người ta có thể nghèo hoặc nghèo đi vì thiếu may mắn trong cuộc đời mà điều kiện của bản thân không cho phép, chưa nói đến những bất công của xã hội là những yếu tố bên ngoài để tạo nền tảng cho một sự bình đẳng thật sự, như qua giáo dục chẳng hạn. Do đó, những bất công đã có khi một đứa trẻ được sinh ra. Những tấm gương phấn đấu đổi đời, đổi số phận có đó, nhưng mà hiếm so với số đông.

Tại một quốc gia đã phát triển về khoa học - kỹ thuật như Pháp hiện nay thì học vấn là tiền đề cho sự phát triển của bản thân. Làm cái gì cũng phải có bằng cấp chuyên môn. Giai đoạn sau chiến tranh, có nhiều vấn đề cấp thiết, không có thời gian cho giáo dục, bởi thế việc ai biết gì thì làm cái ấy của thế hệ sinh năm 1940-1950, không cần bằng cấp… nay đã qua rồi. Bây giờ việc đơn giản như cắt tóc, làm bánh mì cũng phải có bằng cấp. Những người trẻ chán nản đến trường và không chịu học hành là những người chịu thiệt thòi nhất trong xã hội. Vì những công việc chân tay đơn giản trong các xí nghiệp dần dần bị tự động hóa, không cần lao động của con người nữa.

Với đà phát triển toàn cầu hóa, đạo quân thất nghiệp tăng lên nếu họ vì lý do nào đó không thể kịp đổi nghề được. Trong quá trình toàn cầu hóa, người quan sát thấy rõ sự phân chia xã hội thành hai cấp bậc thượng tầng và hạ tầng rõ rệt, tầng lớp trung lưu đang dần tan biến. Người nghèo ngày càng cảm thấy mình bị xã hội đào thải.

Thí dụ xe hơi: ngày nay người ta khuyến khích mua xe mới (mà phải có điều kiện “cần và đủ” là có tiền mới mua được!); xe hư, thợ chuyên môn sửa xe thiếu thốn, không có đồ phụ tùng thay, chính phủ lại siết luật môi trường cho xe cũ (độ phế thải khí độc), xe bị hạn chế chạy trong thành phố... thì người nghèo lấy đâu ra mà mua/đổi xe mới, trong khi cần cái xe vào thành phố để đi làm!

Thậm chí trong một thống kê về mức độ hài lòng với cuộc sống thì 8 trong 10 nhân viên cao cấp tại thủ đô Paris không muốn làm việc và sống tại Paris nữa, vì nhiều lý do: nhà ở quá đắt đỏ, mức sinh hoạt quá cao, thời gian di chuyển quá lâu, hai vợ chồng phải có địa vị kiếm tiền tương xứng trên dưới 10.000 euro/tháng mới đủ sống, đồng thời đẻ ra một nghề mới đối với xã hội Pháp: nghề vú em ban đêm, để cho hai vợ chồng có thể ngủ thẳng giấc rồi sáng hôm sau có sức mà làm việc.

Những nghề về phục vụ con người thì thường là tại chỗ, không thể “dời” đi được (délocalisation), cho nên xu hướng là có khả năng phát triển các nghề nghiệp như những việc phục vụ cho quý bà quý ông (cắt tóc, làm móng tay móng chân, cạo râu, thẩm mỹ nhân tạo, làm bếp, phụ việc nhà, vú em, quản gia, giao đồ, đưa đón trẻ em, trông nhà, làm vườn...). Nhưng cho dù con số công việc làm không di dời được, khả năng cạnh tranh của những nước xuất khẩu lao động để làm những công việc hạ tầng này lại lớn.

Nói tóm lại, những công việc “giải phóng” thượng tầng để cho hạ tầng “giải quyết”. Còn mọi thứ về kỹ thuật: xài ít lâu thì vất bỏ mua cái mới, đó chính là cái đích của xã hội tiêu thụ.

Điều này chứng tỏ, mọi phản ứng chính trị về môi trường chỉ là nói dóc, đánh lừa dư luận cho vui, vì bảo vệ môi trường thì đi ngược với mục đích của xã hội tiêu thụ vốn có chỉ tiêu: phải bán, phải mua, phải xài, phải vất bỏ.

Mới đây, dư luận xôn xao về nhà thời trang Burberry của nước Anh bị lộ trong báo cáo của năm 2017-2018: đã tiêu hủy lượng hàng hóa trị giá 32 tỉ euro, để khỏi phải bán giảm giá hàng hóa, sợ mất giá trị thương hiệu. Tờ báo Fortune tính ra là trong 5 năm qua, Burberry đã tiêu hủy cả trăm triệu euro hàng hóa không có người mua.

Tại Pháp, cá biệt có chủ ra lệnh cho nhân viên phải đổ xăng dầu lên thực phẩm khi vất đi như thịt, rau quả quá hạn bán, để cho người khác không lượm về ăn được.

Trong sự bàn luận về trợ cấp xã hội sắp tới, mà theo cách phát ngôn có vẻ “giễu cợt” của Tổng thống Macron là “tốn rất nhiều tiền bạc” (coutent un pognon de dingue), Bộ Y tế Pháp đưa ra những con số thống kê “chính thức” năm 2018 đáng chú ý sau đây để tổng thống quyết định về chương trình “xóa đói giảm nghèo” của Pháp:

1. 8,9 triệu người dân Pháp sống dưới mức nghèo đói (tức là 14,2% dân số). Những người này có dưới 1.015 euro/tháng để sống.

2. Trợ cấp xã hội giúp cho con số người nghèo ở mức 14,3%, nếu không có nó thì sẽ tăng lên thành 22,4%, gần 1/4 dân số Pháp. Những thành phần được đặc biệt trợ cấp: gia đình đơn lẻ một mẹ có ít nhất hai con, người trẻ dưới 20 tuổi, và người tật nguyền.

3. Người độc thân không có việc làm nhận trợ cấp 760 euro. Người có lương tối thiểu 1.152 euro/tháng được trợ cấp thêm 156 euro, như vậy thu nhập hằng tháng của người ấy được tăng lên thành 1.308 euro/tháng.

4. 4,15 triệu người nhận trợ cấp xã hội tối thiểu vì lý do già cả, thất nghiệp, bệnh tật... Cộng thêm những thân nhân cùng sống chung với những người này thì con số lên tới 7 triệu người, tức là 11% dân số Pháp phải sống với trợ cấp xã hội tối thiểu.

5. Cuối năm 2015, số người nhận trợ cấp xã hội dù đang có công việc làm như hợp đồng ngắn hạn và dài hạn, hợp đồng được giúp đỡ, hợp đồng làm việc theo giờ là 12%.

6. 20% là số người nhận trợ cấp thất nghiệp đã 10 năm. Ít nhất cũng có 49% đã nhận trợ cấp thất nghiệp từ 4 năm rồi.

Những con số nói trên là con số “chính thức” đã được “làm đẹp” cho chính phủ đương nhiệm, lại dựa vào thống kê của năm 2015 nên tình hình thực tế của năm 2018-2019 không phản ánh được.

Trên nguyên tắc, các chính phủ của một xã hội dân chủ và bình đẳng phải thực hiện nghĩa vụ “phân phối lại” cho những người kém may mắn, bị xã hội tiêu thụ đào thải vì bất cứ lý do gì, vì con người sinh sống trên một đất nước, một lãnh thổ quốc gia có “quyền được sống” dù là ở mức tối thiểu so với giá sinh hoạt của quốc gia đó. Chính phủ một cường quốc giàu có, xa xỉ, mức thu thuế cao nhất châu Âu như nước Pháp lại càng không thể để cho dân chết vì đói, vì lạnh, cùng quẫn tự tử.

Nhưng, ngân sách nước Pháp chỉ dành có 2% PIB (produit intérieur brut - tổng sản lượng quốc nội) cho trợ cấp xã hội, tính vào đây luôn cả những chi phí về nhân sự, vật liệu cho bộ máy quản lý hành chính xã hội, và cả những “hành động nhân đạo” như cứu người tị nạn chẳng hạn.

Vì thế, người ta tức giận khi một chuyến bay công vụ từ Tokyo đến Paris của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe tốn kém đến 350.000 euro, một chuyến bay nội địa đến vùng Hautes-Alpes tốn 150.000 euro và những xa hoa phung phí khác của chính quyền.

PIB của Pháp là 2.291,7 tỉ euro trong năm 2017. Từ năm 2008 đến 2014, số tiền dành cho trợ cấp xã hội tăng từ 17,3 tỉ euro lên 24,8 tỉ euro - một phần ít ỏi, chỉ khoảng hơn 1% PIB. Nhìn tổng thể thì người ta hiểu được cái phát ngôn “một đống tiền” của tổng thống.

Theo thống kê chính thức của năm 2018 thì dự tính khối lượng thu thuế của Pháp lên đến 404 tỉ euro. Con số này được phân chia ra các loại thuế như sau:

- Thuế giá trị thặng dư (TVA) là loại thuế gián thu đánh trên bất kỳ một tiêu thụ nào của dân chúng, chiếm 152,8 tỉ euro (52,9% tổng số thuế thu được).

- Thuế thu nhập (IR) là loại thuế đánh trên lương bổng của người đang có công việc làm lẫn người lãnh lương hưu trí, chiếm 72,7 tỉ euro (25,2% tổng số thuế thu được).

- Thuế công ty (IS) là loại thuế đánh trên lợi nhuận sau khi đã trừ hết tốn phí của các công ty, chiếm 25,3 tỉ euro (8,8% tổng số thuế thu được).

- Thuế tiêu thụ các sản phẩm dầu hỏa (TICPE) đánh thêm trên sự tiêu thụ các loại xăng, dầu xe, dầu sưởi... của dân chúng, chiếm 13,3 tỉ euro (5,6% tổng số thuế thu được). Chỉ riêng mức thuế này đã làm cho giá xăng dầu tăng lên gấp đôi.

Các loại thuế khác như thuế tài sản nhà giàu, thuế tem, thuế rượu, thuế thuốc lá, thuế thừa kế tài sản, thuế cho tặng tài sản... chiếm 24,6 tỉ euro (8,5% tổng số thuế thu được).

Một bài báo của Le Monde ngày 21-12-2017 cho một con số khác về ngân sách, tức là mức chi tiêu, sau khi các dân biểu đã biểu quyết chấp thuận ngân sách của Pháp trong năm 2018 sẽ đạt mức 711 tỉ euro.

Trong con số này thì ngân sách dành cho giáo dục lớn nhất với 72 tỉ euro cộng thêm 28 tỉ cho nghiên cứu, kế đến là quốc phòng an ninh 63 tỉ euro, lương hưu cho công chức các ngạch và dân thường chiếm 58 tỉ euro, trả nợ công 42 tỉ euro, đóng góp cho Liên minh châu Âu 20 tỉ euro, trợ cấp xã hội và thất nghiệp 20 tỉ euro, môi trường 18 tỉ euro, nhà ở và thành phố 17 tỉ euro, lao động 15 tỉ euro và các khoản chi tiêu khác như ngân sách nông nghiệp, văn hóa, kinh tế, thể thao, đặc biệt ngân sách dành cho người tị nạn, nhập cư được dự tính là 1,38 tỉ euro.

Tựu trung những con số do báo Le Monde đưa ra phù hợp với những con số thống kê về chi tiêu cho trợ cấp xã hội của chính phủ trong những năm trước, tức là khoảng 24-25 tỉ euro. Nếu so sánh trên bình diện ngân sách thì con số dành cho trợ cấp xã hội các thứ chỉ tốn kém khoảng 4% ngân sách quốc gia - một con số rất khiêm nhường để nuôi sống cả 25% dân số.

Hành chính Pháp thì cũng kiểu “hành là chính”, phải nộp đủ thứ giấy tờ trong đơn xin trợ cấp, rồi kiểm soát nghiêm ngặt tiếp theo, không phải là dễ. Người nghèo nếu cùng quẫn quá mà “lừa đảo” 400-500 euro trợ cấp xã hội thì sẽ bị truy nã đến cùng, trong khi ông lớn ăn tiền triệu xong rồi chùi mép thì chẳng sao. Nhiều gia đình cứ đến khoảng ngày thứ 20 là hết tiền, phải ăn khoai tây chấm muối mà sống. Thế mà họ càng nghèo thì lại càng che giấu cái nghèo của mình trong mặc cảm.

Mùa thu 2018 và đầu xuân 2019 hứa hẹn nhiều thay đổi sâu xa trên hạ tầng cơ sở nước Pháp: người lãnh lương hưu bị bóp chắt cực kỳ, dự án cắt giảm lương hưu của người góa, mà đa số là phụ nữ góa chồng được lãnh 50% lương hưu của chồng, đang được dự trù; dự án thu thuế thu nhập trực tiếp của toàn thể dân chúng được quyết định thực hiện vào tháng 1-2019; nhiều hồ sơ bí ẩn như vụ Benalla còn đang trong vòng tiếp diễn. Theo thông tin của báo chí Pháp thì vụ Benalla có nhiều mờ ám - Benalla là một cận vệ thân tín của tổng thống Pháp, có mức lương căn bản chính thức là 10.000 euro/tháng, có xe công vụ, có nhà ở công vụ tại trung tâm thủ đô Paris, ông ta bị tố cáo là lạm quyền, vô phép tắc đánh người biểu tình.

MATHILDE TUYẾT TRẦN (Paris - Pháp)