Truy khen thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi (1) ở chùa Pháp Vân
LÝ THÁI TÔNG
Lần đầu đến Nam Việt,
Nghe đã thiền lâu năm.
Mở rộng đường theo Phật,
Xa về tâm một nguồn.
Lăng Già (2) trăng vằng vặc,
Bát nhã (3) ngát hương sen.
Bao giờ được gặp mặt,
Cùng nhau luận đạo huyền.
(Bản dịch của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học)
Có và không (4)
ĐẠO HẠNH THIỀN SƯ
Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Vừng trăng vằng vặc in sông,
Chắc chi có có, không không mơ màng.
(Tương truyền là bản dịch của nhà sư Huyền Quang đời Trần. Chúng tôi e rằng không phải, vì lời dịch rất hiện đại mà Huyền Quang cũng không để lại bản thơ Nôm hay bản dịch nào)
Tỏ lòng (5)
KHÔNG LỘ THIỀN SƯ
Kiểu đất long xà chọn được nơi
Tình quê nào chán suốt ngày vu
Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.
(Bản dịch của Phan Võ. Nguồn: Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập II, NXB Văn học, 1976)
Long xà đất ở chốn lâu nay,
Mượn thú quê vui mới trót ngày;
Có lúc đưa chân lên đỉnh núi,
Kêu dài một tiếng lạnh cung mây.
(Bản dịch của Đinh Văn Chấp)
_____
(1) Thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi: một nhà sư người Nam Thiên Trúc (Nam Ấn Độ) thuộc dòng Bà La Môn, tên phiên âm Ấn Độ là Vinitaruci, là Tổ khai sáng dòng Thiền Tì-ni-đa-lưu-chi ở Việt Nam. Sư thuở nhỏ đã có ý chí khác thường, đi khắp mọi nơi cầu học Phật pháp. Năm 574 ông đến truyền giáo ở Trung Quốc, năm 580 sang Việt Nam, trụ trì ở chùa Pháp Vân, thuộc tỉnh Hà Bắc cũ.
(2) Lăng Già: phiên âm tên một ngọn núi, nằm về phía đông nam đảo Tích Lan (Nam Ấn Độ), tương truyền là nơi đức Phật hiện thân thuyết pháp. Về sau Lăng Già cũng dùng chỉ kinh Lăng Già.
(3) Bát nhã: phiên âm tiếng Phạn là Prajĩà. Cũng gọi ba nhã, bát la nhã, bát lạt nhã. Dịch ý là tuệ, trí tuệ, minh, hiệt tuệ (tuệ sáng). Tức là trí tuệ chân thực nhờ tu tâm chính đạo và các ba la mật mà phát được. Trí tuệ cao sâu, thấy suốt hết thảy sự vật và đạo lý, thì gọi là bát nhã. (Từ điển Phật Quang).
(4) Nguyên văn tựa đề bài thơ là Hữu không: Hữu tức là Không (chân không), gọi là Hữu không; Không tức là Hữu (diệu hữu), thì gọi là Không hữu. Hữu chỉ cho tướng của muôn vật trong thế giới hiện tượng; Không chỉ cho thực thể tồn tại của tất cả hiện tượng. Về mối quan hệ giữa Hữu và Không thì luận Bất chân không trong Triệu luận nói rằng tuy có mà không tức phi hữu, tuy không mà có tức phi vô. Lại có thuyết cho rằng tướng Hữu là tính Không, mà tính Không cũng là tướng Hữu, cho đến các thuyết Sắc tức là không, không tức là sắc trong Bát nhã ba la mật đa tâm kinh v.v... đều là cảnh giới Hữu không bất nhị, là cốt tủy của giáo nghĩa Vô sở đắc của Đại thừa. (Từ điển Phật Quang).
(5) Có những học giả cho rằng bài kệ này trùng lặp với bài kệ của Lý Tường tặng một thiền sư Trung Hoa. Chúng tôi khảo cứu thấy tuy trùng mà không trùng. Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm ở Trung Hoa đời Đường một đêm lên núi kinh hành, chợt mây tan thấy trăng sáng, ngài cười to một tiếng, vang xa gần chín mươi dặm. Dân chúng ở xa nghe tiếng, hôm sau tìm đến hỏi tăng chúng. Tăng chúng bảo:
- Đó là tiếng cười của Hòa thượng đêm qua ở trên núi.
Lý Tường nghe việc này lại làm bài thơ tặng:
Tuyển đắc u cư hiệp dã tình,
Chung niên vô tống diệc vô nghinh.
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh,
Nguyệt hạ phi vân tiếu nhất thinh.
Chúng tôi tạm dịch:
Chọn nơi xa vắng hợp lòng quê,
Năm tròn mặc khách đến hay về.
Có khi tiến thẳng lên đỉnh núi,
Mây tan trăng hiện tiếng cười hề!
(Trích từ nguồn: http://www.thientongvietnam.net/)