HV132 - Tinh giản cán bộ, công chức yếu kém - vướng tứ bề!

Trên chuyên mục “Tâm điểm và bình luận” của báo Nông thôn ngày nay ngày 11-7-2018 có bài Giảm con ông này, cháu bà kia thế nào? Những gì đã được phản ánh và phân tích qua bài viết là rất xác đáng, nhưng với hiện trạng của bộ máy, với thành trì của cơ chế, chính sách đã và đang được thực thi, thì câu hỏi mà tác giả đặt ra - theo tôi, với góc độ của một “người trong cuộc”, rất khó có được câu trả lời thỏa đáng, nếu không muốn nói là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Vì sao lại như vậy?

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, đánh giá về thực trạng trình độ, năng lực cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính các cấp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi vừa nhận nhiệm vụ đã từng thẳng thắn chỉ ra là có đến 30% “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Vì vậy, việc ông Tô Quang Phán, Tổng giám đốc Đài phát thanh - truyền hình Hà Nội, dũng cảm nêu ra ở chính đơn vị ông có đến “40% năng lực hạn chế, làm việc làng nhàng, đi ra đi vào…” là một sự thật không thể phủ nhận. Đó là hệ quả tồn đọng của thời kỳ “hỗn mang” kéo dài từ hàng chục năm về trước. Một bộ máy mà hễ ai có quyền chức, là cứ có quyền đưa con cái, cháu chắt, hoặc “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ…” vào làm việc mà không gặp bất kỳ một khó khăn nào. Đầu tiên cứ vào làm hợp đồng, rồi tìm mọi cách đi học tại chức hoặc từ xa gì đó gọi là cho đủ chuẩn, rồi cứ thế vào biên chế như một lẽ đương nhiên. Thậm chí có người vào làm việc rồi mới tiếp tục đi học bổ túc phổ thông! Cái quan niệm ngự trị phổ biến lúc bấy giờ là cứ làm khắc biết, làm mãi thành quen, thành giỏi, chứ các ông trong kháng chiến có được học hành, có chuyên môn nghiệp vụ gì đâu, riết rồi cũng làm được tất, cũng chức nọ, chức kia đó sao!

Rồi sau đó, đúng như ông Tô Quang Phán đã nói, là có không ít người trong số đó có đến hai ba bằng đại học, cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ… Cách đây mấy năm, có câu chuyện hết sức bi hài là, để “tháo gỡ” và đưa số cán bộ, công chức có bằng đại học tại chức, từ xa trong độ tuổi vào quy hoạch, bổ nhiệm, cấp có thẩm quyền ở một tỉnh nọ mới đưa ra điều kiện “nếu không có bằng đại học chính quy thì phải có bằng sau đại học”. Có lẽ từ trước tới nay, rất hiếm có một chủ trương nào lại được hưởng ứng nhiệt liệt đến thế và “hiệu quả” đem lại nhanh đến thế. Ngay lập tức, hàng loạt cán bộ, công chức “trong diện”, bằng mọi giá, mọi cách, đổ xô đi học cao học và kết quả là có hàng ngàn thạc sĩ ra lò (?!). Thực chất mà nói, thì nhiều người trong số “thạc sĩ” kia không thể viết nổi lấy một câu tiếng Việt cho đúng chính tả, ngữ pháp, chứ đừng nói đến ngoại ngữ A, B, C gì đó. Muốn tìm bằng chứng ư, rất dễ. Cứ đến cơ quan, đơn vị họ công tác để mục sở thị các loại văn bản (cơ quan hành chính mà!) - sản phẩm trực tiếp nhất và là minh chứng rõ nhất về trình độ, năng lực của họ hằng ngày - sẽ tỏ tường.

Vậy nhưng nếu theo quy định thì họ đã có đủ hoặc thừa chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, ban, ngành… Như thế thử hỏi làm sao có thể tinh giản được họ? Khó trăm bề!

Còn về công tác đánh giá cán bộ hằng năm thì sao? Ai cũng thừa biết rằng, về mặt lý thuyết, nếu đánh giá cán bộ chính xác, công tâm, khách quan, sẽ là nền tảng cho việc bố trí, sắp xếp đúng năng lực, sở trường của cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức, bộ máy nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Không cần dẫn giải, phân tích sâu xa, chỉ cần ai có thẩm quyền, hoặc tổ chức nào có chức năng, quyền hạn hãy thử đến kiểm tra, giám sát bất kỳ một cơ quan, đơn vị nào đó về cái kết luận đánh giá cán bộ, công chức hằng năm được lưu trong hồ sơ đảng viên hoặc cán bộ, công chức sẽ rõ mười mươi. Có thể cách diễn đạt và trình bày có khác nhau, nhưng ai cũng như ai, ưu, khuyết điểm đều như nhau tất, trừ những ai bị kỷ luật mà thôi. Cho nên, cái lý mà cách đây chưa lâu, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã từng trả lời các đại biểu Quốc hội là chỉ có “1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ” chính là ở chỗ đó, mặc dù con số đó không đúng thực tế và bị dư luận phản đối gay gắt. Thường thì mức thấp nhất và chiếm tỷ lệ nhỏ nhất là hoàn thành nhiệm vụ, còn số đông đều hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ - mức này thường chỉ “đặc ân” cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, đố có “lính trơn” nào “chen chân” vào được!

Như vậy thì lấy cớ gì mà tinh giản họ, đưa họ ra khỏi bộ máy! Thậm khó!

Cũng chính vì thế mà trong những năm qua, chính sách tinh giản biên chế của Nhà nước trong thực tế đã không đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra. Số người nghỉ trước tuổi theo Nghị định 132, gần đây là Nghị định 108 của Chính phủ, thực chất không phải thuộc diện không “hoàn thành nhiệm vụ” hoặc do sức khỏe không bảo đảm. Để thỏa mãn được hai điều kiện trên, hầu hết những người này đều phải “chạy” để phải hợp thức hóa giấy tờ! Tức là, số cán bộ, công chức hạn chế, yếu kém, không làm được việc cần phải giảm đã không giảm được mà vẫn cứ đang nhởn nhơ, phè phỡn trong bộ máy. Thậm chí có người tuổi đời còn rất trẻ, thời gian công tác còn đến hàng vài chục năm, mà anh em thường hay trêu là thuộc diện “phụng dưỡng suốt đời”!

Thực trạng trên không chỉ riêng ở địa phương, cơ quan, tổ chức nào có tính chất cá biệt hay cục bộ, mà nó phổ biến ở khắp các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến các cấp địa phương, rất khó có thể giải quyết trong một thời gian ngắn.

Cho nên để giải bài toán “hóc búa” này, để ngăn chặn nó tái diễn, tôi rất đồng ý với tác giả bài báo trên là phải qua “thi tuyển nghiêm túc” như một số ngành đang làm. Chỉ có như thế mới có thể tuyển chọn được những người thực tâm, thực tài vào bộ máy, mới mong bộ máy trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và quần chúng chân chính.

BÙI ĐỨC KHÁNG (Hội Nông dân huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi)